Mè xửng, biểu tượng văn hóa Huế

Hoài Hương sưu tầm

Xứ Huế nổi tiếng với chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền hay núi Ngự, sông Hương… Xứ Huế cũng nổi tiếng với cơm hến, tôm chua, và rất nhiều món ăn đậm chất Huế khác. Tất cả tạo nên dấu ấn đẹp về vùng đất cổ kính và thơ mộng, có văn hóa ẩm thực đặc trưng, dù theo phong cách cung đình cầu kỳ hay dân dã thôn quê cũng đều gói trọn trong sự tinh tế và hài hòa. Mè xửng cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng, cùng với thiên nhiên, con người và những món ngon khác trở thành biểu tượng văn hóa Huế.

Tên gọi của kẹo mè xửng

Tên gọi của kẹo mè xửng do hai yếu tố tạo thành bao gồm mè (vừng) và xửng (cách hoán đường thành chất dẻo cô đặc). Ngoài vừng còn có bột đậu, mạch nha, bánh đa..... Hoán đường cộng với gia giảm nguyên vật liệu là khâu quan trọng nhất. Nó làm nên các loại mè xửng khác nhau.

Mè xửng có độ dẻo đến mức có thể cuộn tròn hoặc bẻ gập thanh kẹo, nhưng bỏ tay ra nó lại trở về tư thế ban đầu. Mè xửng giòn, thành phần bột đậu nhiều hơn, đường ít hơn, được bọc ngoài một lớp bánh đa nướng, ăn giòn tan trong miệng. Mè xửng gương, giơ lên ngắm thấy trong suốt như gương. Mè xửng đen gồm toàn vừng đen bùi và bổ…

Quy trình làm kẹo mè xửng Huế

Kẹo mè xưởng được làm theo quy trình rất nghiêm ngặt

Bí quyết làm mè xửng của người Huế lại là công đoạn nhào trộn nguyên liệu và ép bánh sao cho chiếc bánh vừa chín, dẻo, không khô và cứng, lại thơm nồng mùi mè, phảng phất vị gừng cay cay, không quá ngọt, không quá nhạt. Đường cát nấu đến độ sôi nhất định mới cho bột gạo vào, trộn đều tay và khuấy liên tục để bột không bị vón cục. Đậu phộng sau khi bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài cũng được cho vào nồi đường.

Trong khi nấu đường, người thợ còn bỏ một ít nước chanh tươi vào nồi đường để có hương vị thơm ngon hơn. Hỗn hợp đường, bột gạo, đậu phộng vừa chín tới, phải nhanh tay múc kẹo bằng chiếc vá lớn đặt trên những chiếc khay cho nguội bớt đi. Lúc kẹo còn nóng rắc vội một lớp mè thơm. Tiếp tục cán ép đều kẹo trong một chiếc khung vuông vắn bằng thanh sắt tròn. Từng mảng kẹo mè xửng bấy giờ trông khá phẳng phiu, bắt mắt. Công đoạn cuối cùng là cắt kẹo thành những miếng vuông đều đặn. Trước khi đóng gói, chiếc kẹo mè được bọc khéo léo bởi túi bóng gấp từ bốn góc.

Khi ăn bạn sẽ cảm thấy sự dẻo dai, ngọt ngào của đường mạch nha, bùi của mè, sực sực của đậu phộng khiến ai cũng mê. Chỉ cần cắn một miếng thôi là bạn sẽ cầm miếng kẹo còn lại nhìn xem bên trong có gì mà ngon vậy và trầm trồ khen

Ngày xưa người ta làm thủ công nấu, rồi dùng tay lăn cán, cắt và đóng gói, ngày nay thì người ta sản xuất với dây chuyền hiện đại , nấu bằng hệ thống nồi hơi, đến hệ thống băng tải làm nguội, cán, cắt, đóng gói, …tất cả đều làm bằng máy nên năng suất tăng lên đáng kể. Điều này giúp cho kẹo mè xửng có sức mạnh để cạnh tranh với các loại kẹo khác trên thị trường.

Thưởng thức mè xửng Huế

Người dân xứ Huế có thói quen uống trà và ăn nhâm nhi thanh mè xửng, vừa thưởng thức vừa đọc sách.... Ngồi bóc lớp bao ni lông bọc kẹo mè xửng bên trong ra, sau đó cắn một miếng rồi nhai sẽ cảm nhận độ dai, ngọt bùi của kẹo, sau đó nhấm nháp một ly trà sen Huế thì còn gì bằng. Đây là một nét văn hóa rất Huế. Mè xửng đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa Huế. Kẹo này cũng thường đựợc dùng là quà biếu khi du khách đến Huế.

Đây cũng là món ăn gắn với tuổi thơ của nhiều đứa trẻ miền Trung, sáng nào cũng trông cho mẹ đi chợ về mua cho túi kẹo mè xửng để ăn, hay có người nào về thăm quê, hay đi xa về đều mua kẹo mè xửng làm quà cho bọn trẻ. Trẻ con còn thích thú vui đùa với món kẹo mè xửng khi một đầu cắn kẹo ở miệng, rồi chúng dùng tay kéo đầu còn lại ra, thích thú khi nhìn thấy miếng kẹo kéo dài không đứt, tất cả đều có sức hút đối với tâm hồn trẻ thơ.



Trở lại Trang Chính