Chiếc xe xích-lô

Hoài Hương sưu tầm

Chiếc xích-lô chạy chậm dần và dừng bên một quán nhỏ, người lao phu bước xuống vươn mình như mình như vứt bỏ tất cả những sự uể oải sau một ngày lao động. Chốt lát, người lao phu và chiếc xích-lô chậm rãi tiến về phía trước và khuất dần trong bóng đêm. Và cứ như thế, mỗi buổi sáng sớm con người ấy và chiếc xích-lô lại phải quần quật làm việc cho đến tận khuya. Vòng bánh xe xích-lô lăn tròn theo chiều dài của đất nước từ Nam ra Bắc, theo chiều dài của lịch sử Việt Nam từ ngày người Pháp đặt ách thống trị cho đến nay. Hình ảnh xe xích-lô đã đi vào tâm trí, vào cuộc sống hàng ngày của người Việt.

Lịch sử sự xuất hiện của chiếc xích-lô

Xích lô xuất hiện ban đầu năm 1707 trong một bức tranh mang tên Les deux carrosses của Claude Gillot. Các chữ Cyclo, rồi Cyclerickshaw, trishaw, Cyclo pedicab trong tiếng Anh hay tiếng Pháp không mô tả đúng chiếc xích-lô ở VN ngày nay. Nguyên thủy nó đều nói đến loại xe nhẹ, có thể là hai hoặc ba bánh. Cho đến nay, cả người Nhật, người Mỹ cũng đưa ra những bằng chứng cho rằng , người của họ phát minh ra chiếc xích-lô đầu tiên vào năm 1868 hoặc 1848 do những người thợ rèn làm theo đặt hàng của các nhà thờ.

Les deux carrosses của Claude Gillot

Có giai thoại khác là nhà truyền giáo người Mỹ – Jonathan Scobie, chế ra chiếc xe này đầu tiên vào năm 1869 để đẩy người vợ bị bệnh của ông đi dạo phố Yokohama ở Nhật… Cũng như lịch sử chiếc xe đạp, chiếc xích-lô đầu tiên là một câu chuyện không rõ ràng và đầy tranh cãi ở nhiều nước.

Tuy nhiên, tài liệu của Nhật được giới sử học tin cậy hơn cả, vì nó còn bằng chứng rõ ràng. Izumi Yosuke, Suzuki Tokujiro và Takayama Kosuke, là những người sáng chế ra chiếc xích-lô vào năm 1868 để thay cho việc chuyên chở hàng hóa trên các đường phố ngắn của Tokyo bằng ngựa. Bắt đầu từ năm 1870, chính quyềnTokyo cấp giấy phép 3 người trên được sản xuất và bán xe xích-lô. Vào năm 1872, đã có khoảng 40 chiếc xích-lô hoạt động tại thủ đô nước Nhật và trở thành phương tiện vận chuyển công cộng chính yếu của nước này…

Khoảng năm 1880, “xích-lô kéo” xuất hiện tại một thành phố nhỏ ở Ấn Độ và mãi 20 năm sau ở Calcutta, những thương nhân Hoa kiều lần đầu tiên dùng nó để chở hàng. Đến năm 1914, người Hoa tại Ấn Độ mới được cấp giấy phép dùng xích-lô chở khách. Người Bangladesh gọi là Rickshwala và nghề “xích-lô kéo” là công việc đầu tiên của những nông dân nhập cư vào các thành thị. Sau đó, người ta thấy xích-lô dần xuất hiện tại các thành phố lớn của Đông Nam Á ở dạng xe kéo.

Xích-lô xuất hiện vào khoảng năm 1939. Chiếc đầu tiên do một người dân miền Charente tên là Coupeaud, một người đam mê thể thao phát minh ra. Phải vất vả lắm ông mới vận động Bộ Công chánh công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de France là Georges Speicher và Le Grèves.

Nhưng rút cục nó lại không trở thành phương tiện giao thông ở nước Pháp mà thành phố đầu tiên được cấp phép sử dụng loại phương tiện này là ở thuộc địa: Phnom Penh.

Xe xích lô xuất hiện tại Việt Nam

Từ Phnom Penh, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình tới Sài Gòn. Hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km hết có 17 giờ 23 phút. Trong khi xe kéo lưu hành phổ biến thì vào khoảng 1934 có sự đột biến trong phương tiện di chuyển; đó là sự xuất hiện của xe xích-lô tại Sài-Gòn và số lượng xe tăng nhanh vào khoảng năm 1939; còn tại Hà Nội xe xích-lô vẫn chưa thông dụng

Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939, Sài-Gòn chỉ có 40 chiếc xích-lô thì qua năm 1940, con số này đã là 200 chiếc.

Tháng 2 năm 1941, tay anh chị khét tiếng Bảy Viễn cùng một người Pháp là Maurice lập công ty Mauvien có 30 chiếc độc quyền khu vực Chợ Lớn.

(Trích “Chuyện xích-lô – Nguyễn Lưu” – trang 328 – Hà Nội 36 góc nhìn – Nhà xuất bản Thanh Niên – 2003)

Chiếc xích-lô có 3 bánh xe, hai bánh trước và một bánh sau. Vị trí của 3 bánh xe tạo nên một thế vững chắc trên mặt đất khi di chuyển. Hai bánh trước có chức năng chịu trọng lượng khách ngồi và điều khiển xe dễ dàng khi quẹo sang trái hoặc sang phải. Với sự áp dụng kỹ thuật của xe đạp đã góp rất nhiều vào sự tiết kiệm sức lực dùng xe cũng như tăng tốc độ xe chạy. Về mặt cơ học vẩn chuyển, xe xích-lô được thiết kế như mô hình xe đạp với 2 vòng bánh răng và dây xích, tại giữa những vòng bánh xe có ổ bi. Với những kỹ thuật mới này xe xích-lô chạy qua mặt xe kéo và người thì dùng sức ít hơn.

Thời gian đầu lưu hành, người khách sợ nguy hiểm vì họ phải ngồi phía trước gánh tất cả mọi sự rủi ro. Sau đó người ta lại ưu chuộng vì độ an toàn và xe có thể chở hai người cùng với hành lý. Xe xích-lô nó không gây ồn ào như các loại xe có động cơ, nó giữ môi trường trong sạch so với xe ngựa cùng thời. Xe được phổ biến rộng rãi và lan truyền ra các tỉnh phía bắc. Người Việt Nam sử dụng xe xích-lô nhiều hơn xe kéo bởi lẽ với xe kéo người lao phu đứng phía trước, bao nhiêu sự khổ nhọc hành khách đều được chứng kiến. Ðối với xe xích-lô, người lao phu ngồi sau đạp, hành khách, hành khách không cảm giác tội lỗi khi người lao động nghèo khổ bỏ sức lực ra đổi lấy sự sống

Chiếc xích-lô máy hình ảnh đặc trưng của Sài-Gòn

Trong dòng thời gian một ngày của Sài-Gòn trước đây, tiếng xe xích-lô máy thức giấc sớm nhất. Từ các ngả đường của đô thị, xích-lô máy chở những người bạn hàng tỏa đi khắp các chợ với đủ loại thực phẩm, hàng hóa hoặc chở khách tỉnh lên Sài-Gòn tấp vào tiệm nước làm ly cà phê xây – chừng, cái bánh bao, tô hủ tíu. Cảnh phố khuya thanh vắng tiếng xe xích-lô máy vang lên. Một bà bầu nào đó, một đứa trẻ hoặc người già trở bệnh, một kỹ nữ hay một người nhậu khuya nào đó say mèm đang trên đường với xe xích-lô máy.

Tiếng xe xích-lô máy nổ như tiếng ồn ồn của một người đàn ông thân thiện. Người ta nhớ rằng thời đó, mỗi góc chúng cư, mỗi ngõ hẻm, bệnh viện, bến xe đều có những bác ba, chú tư, anh hai xích-lô máy túc trực; người ta cũng không quên rằng những bác tài xích-lô máy đáng được tôn trọng như một biểu tượng về sự an toàn và sự kịp thời trong những tình huống cần kíp của người Sài Gòn.

Theo tìm hiểu thì xích-lô máy xuất hiện ở Sài-Gòn vào những năm 1940-1950. Xe do hãng xe Peugeot của Pháp chế tạo, một nhà đầu tư công nghiệp người Pháp tên Pierre Coupeaus, người đầu tiên thành lập hãng Pedi-Cab ở Phnom-Penh vào cuối thập niên 30 và khoảng cuối thập niên 40, ông thành lập hãng Pedi-Cab ở số 6 đường Marne Wharf (Bến Vân Ðồn ngày nay). Chính tại đây, làm ra những chiếc xe xích-lô đạp với phụ tùng sên líp nhập từ Pháp quốc,và đầu thập niên 50, nơi đây cũng là đầu mối nhập cảng cả ngàn chiếc xích-lô máy cùng với xe taxi Renault chạy khắp Sài Gòn-Chợ Lớn, thời điểm 1952, Sài Gòn có đến 1,800 chiếc xích lô máy. Một cạnh tranh thương trường trong ngành giao thông bùng phát vì chiếc xe không còn dùng sức cơ bắp đôi chân, lại chạy nhanh, giá cả bình dân so với xe taxi chỉ dành cho giới thượng lưu đương thời.

Chiếc xích-lô máy ngày xưa với nhiều màu sơn sặc sỡ, xe có thể chở với trọng lượng vài trăm ký lô là bình thường. Người chạy xe xích-lô máy thời đó rất cao bồi và tất nhiên được trọng nể hơn người chạy xe xích-lô đạp, bởi vì sở hữu được một chiếc xe xích-lô máy khoảng gần chục lượng vàng là coi như có một gia tài khấm khá. Thành ra bác tài chạy xe xích-lô máy đội nón nỉ, nón cối, đeo kính mát, trông lúc nào cũng phong độ. Ngày xưa xe xích-lô máy có bến riêng hẳn hoi. Người người còn nhớ ở cầu Hậu Giang, ở khu Bà Chiểu… có những hãng chuyên cho thuê xe xích-lô máy.

Nhưng đã là người Sài-Gòn thì sao không nhớ xe xích-lô máy cho được, sao không nghe tiếng xe xích-lô máy vang lên trong ký ức thao thức mỗi đêm.

Số phận xe xích lô hiện nay

Trở lại với hiện tại ngày nay, nghề đạp xích-lô vẫn còn lưu hành. Người đạp xe xích-lô ắt phải chịu nhiều đắng cay hàng ngày, phải dầm mưa phơi nắng, lướt qua gió bụi đêm ngày.. Nghề đạp xích-lô là nghề không có địa vị và còn bị xã hội coi như là những người thấp kém. Nhưng cái nghề ấy vẫn mem theo lề của xã hội mà sinh tồn. Trong hoàn cảnh nghèo túng, lắm người đi vào nghề đạp xích-lô để lo cái ăn, cái mặc đang ùa đến. Tại thành phố Sài Gòn vào những năm khó khăn 80-82, đội ngũ chạy xe xích-lô gồm mọi thành phần trong xã hội từ trí thức đến công nhân, nông dân hay người nghèo. Những ai không có việc làm chỉ cần bỏ ra một ít vốn nho nhỏ mua xe và đạp qua ngày. Có nhiều người đã chạy xe xích-lô trên 10 năm ròng rã. Thời gian hiện nay, trung bình người chạy xích-lô tìm được 1,000,000 đồng VN (tương đương 91 USD) trong một tháng, so với một người công nhân bình thường là 700,000 - 800,000 đồng trong một tháng.

Theo báo Tuổi Trẻ số ra ngày 18 tháng 7, 1996 có đăng, “Sau khi cấm xích-lô vào 34 tuyến đường trung tâm, cùng với sự phát triển cuả xe buýt, taxi, số lượng xích-lô ở TP.Sài Gòn có chiều hướng giảm. Nghiệp đoàn xích-lô quận 1 giảm 400 người, quận 3 và quân 4 giảm khoảng 400 người. Thu nhập của anh em từ 30,000 - 40,000 đồng/ngày nay chỉ còn lại 10,000 - 15,000 đồng/ngày và phải chạy tuyến đường xa.

Xe xích-lô có mặt mọi nơi, mọi thời gian, chứng kiến bao nổi thăng trầm của đất nước trong giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại. Bóng dáng xe xích-lô giản dị tựa người Việt, xe xích-lô như hiện thân của cuộc sống người Việt hay đồng nghĩa với sự nghèo túng. Sự tiến hóa của xã hội đòi hỏi phải thay đổi xe xích-lô để xe hóa thân thành những phương tiện cực nhanh lao vào phục vụ xã hội, để người ta quên lãng "hình tượng" xe xích-lô kéo lê phía sau cái thực tế xã hội Việt Nam chậm chạp.



Trở lại Trang Chính