Gốm Bình Dương

Hoài Hương tổng hợp

Bình Dương là một tỉnh nằm ở phía Tây của Miền nam Việt Nam, có thị xã Thủ Dầu Một nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 30km. Bình Dương nằm trên vùng cao nguyên giữa sông Sài Gòn và sông Đồng Nai với diện tích là 2.716km2 và dân số khoảng 743.000 người.

Một trong những đặc trưng văn hoá nổi bật của Bình Dương là hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống như gốm, sơn mài, chạm khắc, đúc đồng...trải dài trên toàn tỉnh. Trong số các nghề truyền thống này, sản xuất gốm thật sự là niềm tự hào của người Bình Dương. Cho đến bây giờ các thế hệ người Bình Dương, với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo đã tạo ra vô số các sản phẩm gốm sứ các loại, hình thành nên thương hiệu trên thị trường thế giới.

Sự xuất hiện của các làng nghề gốm trên đất Bình Dương

Theo các nhà sử học, sản xuất gốm đã xuất hiện ở Bình Dương từ thế kỷ 18 do có nguồn cao lanh chất lượng cao dễ khai thác và nguồn nhiên liệu củi đốt dồi dào. Thực tế là những người thợ gốm của Trung Quốc đã đến Bình Dương trên thương thuyền, với kinh nghiệm của mình, họ đã nhận ra nguồn tiềm năng dồi dào cho việc phát triển làng nghề gốm Bình Dương. Họ đã ở lại đây và làng nghề gốm Bình Dương được hình thành phát triển cho đến ngày nay.

Thời gian xuất hiện các lò gốm đầu tiên dẫn đến hình thành các làng nghề gốm, chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác là tháng năm nào, nhưng chắc chắn các làng nghề gốm đã xuất hiện và tồn tại phát triển vào cuối thế kỷ 19. Tài liệu chứng minh cho việc này đã thể hiện rõ trong niên giám, địa chí Thủ Dầu Một do thực dân Pháp để lại có ghi lại rằng: “Cuối thế 19, đầu thế kỷ 20, ở Thủ Dầu Một còn có mỏ cao lanh, 10 lò gốm và nhiều mỏ đá” (Thủ Dầu Một đất lành chim đậu, Sở Văn hóa – Thông tin Bình Dương, NXB Văn nghệ, 1999

Trên đất Bình Dương hiện nay có ba làng nghề sản xuất gốm sứ khá tập trung là: Tân Phước Khánh (Tân Uyên), Lái Thiêu (Thuận An) và Chánh Nghĩa (Thị xã Thủ Dầu Một) với hàng trăm cơ sở sản xuất, đa số chủ nhân các lò sản xuất gốm sứ là người Việt gốc Hoa.

Làng nghề gốm Tân Phước Khánh (xưa thường gọi Tân Khánh): có vị trí gần vùng mỏ đất sét, rừng rậm nhiều củi thuận lợi cho việc làm lò gốm. Vào năm 1867, miếu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (thường gọi là Chùa Bà) được xây dựng, trong số đồ cúng nhân ngày khánh thành “Chùa Bà” có cái lư hương và bình cắm hoa bằng gốm, trên chiếc bình cắm hoa ngoài vẽ hình bát tiên, còn có ghi chữ Hán "Tân Khánh Thôn", điều này chứng tỏ rằng lò gốm ở Tân Khánh đã xuất hiện trước khi ngôi Chùa Bà được xây dựng.

Làng nghề gốm Lái Thiêu: Theo nhà văn Sơn Nam: Lái Thiêu chỉ cách lò gốm Cây Mai (lò gốm cổ ở Sài Gòn) 15km. Vào khoảng năm 1867, khi các lò gốm Cây Mai thiếu nguyên liệu sản xuất, một số chủ lò chuyển lên vùng Lái Thiêu lập nghiệp. Bởi nơi đây có nguồn nguyên liệu (kaolin) tại chỗ khá dồi dào, hệ thống giao thông thủy bộ thông suốt, rất lý tưởng cho phát triển nghề gốm. Và cho đến nay, Lái Thiêu vẫn được xem là trung tâm phát triển gốm sứ của Bình Dương. Từ đây, nghề gốm phát triển dần lan rộng đến các vùng phụ cận thuộc An Thạnh, Hưng Định (Thuận An), Tân Phước Khánh (Tân Uyên).

Theo ghi nhận trong tập tài liệu Monographie de la province de Thudaumot, được Hội nghiên cứu Đông Dương xuất bản năm 1910, người Pháp viết về nghề gốm Lái Thiêu như sau: Trong tỉnh (Thủ Dầu Một), có được khoảng 40 lò gốm, trong đó An Thạnh 5 lò, Tân Thới 1 lò, Phú Cường 11 lò, Bình Chuẩn 3 lò, và 9 lò ở Tân Khánh. Xưởng chính ở Lái Thiêu và nơi đây là trung tâm phát triển nhất về nghề gốm. Ngoài 3 lò của người Việt, số còn lại là của tư sản Hoa kiều. Các lò này cung cấp đồ gốm cho cả xứ Nam Kỳ.

Làng nghề gốm Chánh Nghĩa (xưa thường gọi là làng gốm Bà Lụa): làng gốm Bà Lụa thuộc Phú Cường, huyện Tân Bình (dưới triều Nguyễn). Dưới thời Pháp thuộc, làng gốm thuộc làng Phú Cường, tỉnh Thủ Dầu Một. Chính ở giai đoạn này đã xuất hiện câu ca dao mà nhiều người Bình Dương đều biết :

“Chiều chiều mướn ngựa ông đô

Mượn ba chú lính đưa cô tôi về

Đưa về chợ thủ bán hủ bán ve

Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”.

Căn cứ vào các chứng tích cụ thể còn lại ở làng gốm Chánh Nghĩa thì vào khoảng những năm 1840 – 1850, có ba lò gốm xuất hiện đầu tiên ở đất này, sau đó nghề gốm dần định hình và phát triển thành làng nghề đông đúc cho đến ngày nay.

Các mặt hàng gốm Bình Dương

Các mặt hàng gốm ở Bình Dương từ trước đây đã rất đa dạng về mẫu mã thiết kế. Bên cạnh gốm hoa lam có một loại gốm nổi tiếng khác được nhắc tới với tên gọi là “Bát con gà Lái thiêu”. Loại sản phẩm này phần lớn là đồ gia dụng: bát, đĩa, ấm, chén, liễn ... và được trang trí hoa văn trên men theo lối công bút và phóng bút ba màu: đỏ tía-lá cây-đen hoặc đỏ-đen-lam. Hoa văn chính là con gà trống, cây chuối, cụm hoa cúc. Ngoài ra còn có các loại hoa văn khác như hoa điểu, phong cảnh.... Gốm Bình Dương chủ yếu ở dạng sành xốp nên men trắng vẫn ở dạng trắng ngà , các loại hoa văn trang trí ngày càng đa dạng đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Các sản phẩm gốm Bình Dương được nung trong hệ thống lò bầu và lò ống. Trải qua quá trình phát triển, hệ thống sản phẩm, lò nung và quy trình sản xuất ngày càng được hoàn thiện. Những người thợ gốm Bình Dương đã từng bước đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm.

Ngày nay trên địa bàn Bình Dương đã có 125 cơ sở sản xuất với trên 500 lò gốm hoạt động tập trung chủ yếu tại huyện Thuận An, Thị xã Thủ Dầu Một và huyện Tân Uyên, sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi năm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong nước và chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Một số nhà xuất khẩu lớn đã gây được tiếng vang trên thị trường quốc tế như công ty Nam Việt ở Tân Uyên với các loại lò nung hiện đại, có diện tích nhà xưởng trên diện tích 27 ha, hàng năm xuất khẩu hàng nghìn container hàng sang thị trường Châu Âu và Nam Mỹ; công ty Minh Long 1 với hệ thống lò tuy nen và dây chuyền sản xuất hiện đại từ khâu phối trộn nguyên liệu, đến khâu thiết kế, tạo mẫu, sấy khô và phủ men... Ngoài ra cũng còn phải kể thêm rất nhiều công ty khác như Thành Lễ, Minh Tâm, Hiệp Kỳ, Cường Phát... cùng các tổ hợp sản xuất đã góp phần giới thiệu sản phẩm Gốm Bình Dương đến khắp mọi châu lục trên thế giới, đem lại nguồn kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới 60 triệu USD.

Bài đọc thêm

Gốm Bình Dương còn ai nhớ?

Quỳnh Dương Hạ

Nghe tin, tỉnh Bình Dương đang từng bước dẹp bỏ những cơ sở sản xuất gốm có công nghệ lạc hậu, biết là cần phải như vậy để đảm bảo môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm… nhưng tôi vẫn ngơ ngẩn với những kỷ niệm cách đây gần ½ thế kỷ trước, những hồi ức thuở bé thơ khi được ông nội tôi dẫn đi xem và mua gốm sứ Lái Thiêu Bình Dương.

Từ Sài Gòn qua Bình Dương tuy khoảng cách không xa, nhưng với tuổi thơ tôi mỗi lần đến Bình Dương là được đến với xứ lạ, nơi đây có khu vườn trái cây Lái Thiêu vốn nổi danh với các loại cây trái tuyệt ngon như măng cụt, mít tố nữ, sầu riêng, ổi Xá lị, dâu da, xoài cát, chôm chôm, vú sữa. Sau khi mua cả giỏ trái cây, ông nội tôi dẫn lũ cháu lốc nhốc leo lên chiếc xe ba gác rồi vi vu chở “đám nhỏ” vào thăm khu làng gốm hừng hực những làn khói lan tỏa trên bầu trời xanh nhat

Ngày đó, dọc hai bên đường vào Bình Dương chi chít những cửa hàng bày bán gốm, sành, sứ với đủ mọi kiểu dáng từ các mẫu vật bé xíu xinh xinh chỉ bằng ngón chân cái người lớn như: chùa, tháp, ngư tiếu canh mục, gia cầm cho đến thú rừng và nhiều thứ khác để các nghệ nhân chuyên làm hòn non bộ đến tìm chọn mua, còn ở khu vực bày bán chén đĩa, lu kháp, vại, lò… những chiếc khạp to hơn cái phuy nước được nhiều nhân công của lò đang đầm đìa mồ hôi hè nhau vần thật khéo xuống bờ sông đưa lên các ghe hàng chuyên chở dạo bán khắp miền Trung Nam kỳ lục tỉnh.

Xa xưa khu vực ngã ba Lò Chén, khu Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một bây giờ được xem là thủ phủ của các lò gốm. Thuở ấy gốm Lái Thiêu tuy lịch sử có vẻ không nổi danh bằng gốm Bát Tràng nhưng với phong cách riêng mình, gốm Lái Thiêu vẫn được các cư dân ba nước Việt, Campuchia, Lào ưa chuộng bởi chất lượng dùng rất bền, giá lại rẻ.

Người Sài Gòn khoái thương hiệu các sản phẩm của lò Huỳnh Nguyên nhất. Nghe nói xưa đây là lò gốm có lịch sử lâu đời nhất của khu làng nghề Bình Dương. Ngày nay, ở lò Huỳnh Nguyên người ta vẫn duy trì lối sản xuất gốm sứ theo phương pháp truyền thống từ hàng trăm năm trước. Vì vậy, nếu tính giá trị lịch sử thì Huỳnh Nguyên xem ra có nhiều ưu điểm nhưng nếu so về kinh tế thì sành sứ của lò đang bị chén dĩa dùng công nghệ sản xuất mới đánh bại nên mất dần thương hiệu. Hầu như Huỳnh Nguyên nay chỉ còn sản xuất những mẫu mã lu khạp bình bông, lư nhang với phong cách đơn giản.

…. Làm một chuyến ngao du trở lại Bình Dương và chạy xe vòng vèo ghé thăm khu lò gốm trước khi bị xóa sổ vào sáng cuối tuần, khu lò gốm nhộn nhịp xưa nay nhường chỗ cho khung cảnh yên ả vắng lặng. Ghé vào một lò gốm tôi gặp vài người thợ đang hì hục trộn nhào một đống đất sét dẻo quánh, mịn màng. La cà ngồi với Minh – tên người thợ miệt mài trộn đất sét. Vui vẻ, Minh cho biết "đất sét đã được lọc kỹ nhiều lần, bây giờ tụi tui ủ trộn để ngày mai cho thợ xoay ra chén dĩa luôn”. Nhẹ nhàng, Minh bốc một khối đất lớn đặt lên bàn xoay, trong khi đó chân anh dận đạp trục quay lấy đà để bàn quay tròn, chỉ chừng vài phút sau những chiếc tô, chén và bình hoa bằng đất thô hiện ra với nhiều kiểu dáng.

Minh kể, gia đình có thâm niên 5 đời “mần thợ”. Trước đây, Bình Dương có nhiều làng gốm có tên tuổi hàng trăm năm như Tân Phước Khánh, Hưng Định… Tuy nhiên. điều dễ nhận ra và nét độc đáo của mỗi làng là nguồn nguyên liệu và sản phẩm không bao giờ trùng lặp.

Đơn cử như làng gốm Hưng Định thường được gọi là lò gốm Chòm Sao bởi trước khu làng gốm này trước đây có cây sao cổ thụ phải 3 người ôm mới hết. Thưở ban đầu, lò gốm này do các thợ gốm từ Triều Châu (Quảng Đông) lưu lạc đến đây cư trú và gây dựng nên làng nghề. Hồi đó, làng này chuyên sản xuất các loại bát, đĩa men trắng vẽ lam hình rồng, phượng, hoa cúc, con gà… Tiếng lành đồn xa, khu Bình Dương tiếp tục đón tiếp những cư dân người Hẹ và một số nhóm khác cũng đến lưu trú và thi nhau lập lò gốm làm nghề sinh sống và mua bán. Ngày nay, thương hiệu lò gốm Chòm Sao được phát triển rực rỡ với các thương hiệu khác trong đó nổi bật nhất là gốm sứ Minh Long do các tộc họ Dương, Vương, Lý, Trần, Kha, Tiêu, La… làm chủ. Ngoài các sản phẩm gia dụng, làng gốm này còn sản xuất cả khạp (vại), chậu hoa, lư hương, tượng động vật như chó, gà, ếch, sư tử, hổ, voi, kỳ lân… để trang trí trong các ngôi nhà hoặc đình chùa…

Riêng làng gốmTân Phước Khánh nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng khá nổi danh với nhiều ấp làm gốm như: Khánh Ngọc, Khánh Lợi, Bình Hòa, Khánh Thạnh… Theo lời kể lại của vị nghệ nhân của lò Khánh Ngọc: Vào đầu những năm 30 của thế kỷ 20, khu làng gốm Tân Phước Khánh còn khoảng hơn 10 lò gốm. Lúc đầu các lò gốm được xây dựng chủ yếu ở vùng suối Hố Đại. Hầu hết các sản phẩm của các lò gốm ở đây gồm có: bát, dĩa, ấm chén, chậu hoa, chân đèn, bình, lọ, tượng người, tượng thú, đôn hình con voi, bình hoả… tất cả các đồ gốm ở đây đều được tráng bằng nhiều màu men. Nhìn chung sản phẩm trông cũng khá bắt mắt.

Về nguyên liệu làm gốm, không cầu kỳ như Minh Long, gốm Tân Phước Khánh sử dụng nguồn đất khá đa dạng như đất caolin ở Chín Lu (huyện Bến Cát), Thuận Giao, Tân Uyên, Đà Lạt chở về, riêng cát dùng làm gốm chủ yếu lấy ở Bình Quới (xã Bình Chính, huyện Thuận An) vì tỷ lệ cát này có độ tinh mịn đạt tới 70%, riêng về đất sét, loại sét vàng rất được ưa chuộng vì giữ nhiệt rất tốt. Nếu sử dụng sét vàng làm bao nung và trát vòm, lò nung có thể đạt được nhiệt độ 14000C – 15000C… Đây chính là nguồn nhiệt lý tưởng cho việc nung gốm sứ.

Nhẹ tay vốc lên một nắm đất sét màu xanh lơ nhẹ, Minh phân biệt loại sét này có tỉ lệ nhôm cao nên ra sản phẩm không có chất lượng bằng đất sét vàng. Nguyên liệu dùng để nung gốm chủ yếu là củi. Trước đây, các làng nghề thường nung gốm bằng củi bằng lăng, sọ khỉ, trường, dầu, săng ớt, điều… Ngày nay, các loại củi này gần như không còn nên lò phải chuyển sang dùng củi cây cao su tuy giá thành có chi phí thấp, tuy nhiên tro gỗ cao su rất dễ làm tắc các rãnh dẫn lửa trong lò nên việc khơi tro xem ra khá vất vả. Lò nung gốm vẫn sử dụng chủ yếu hai loại là lò bao và lò ống. Thường thường các làng nghề chỉ sử sụng lò ống là chủ yếu vì lò bao chỉ chuyên dùng cho các sản phẩm có kích thước lớn mà thôi.

Tẩn mẩn ngắm những chén bình lu vại được lau chùi cẩn thận để chuẩn bị xuất khẩu, tôi được biết: gốm Việt được rất nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng nhưng để nhận diện thì Minh Long, Cường Phát là những thương hiệu dấu ấn trong giao dịch thương mại.

Là một người vốn đam mê những giá trị lịch sử sẽ được lưu tryền mãi trong cuộc sống nên lòng tôi chợt bùi ngùi hẳn khi nghe tin làng gốm nếu không đầu tư thay đổi công nghệ sẽ biến mất trong nay mai. Một mơ ước chợt nảy sinh, mong sao các làng gốm truyền thống trên quê Việt sẽ được quy hoạch thật chỉnh chu, vẫn duy trì được cách làm gốm truyền thống. Qua đó, các nghệ nhân làng gốm dân gian Bình Dương vẫn còn yên tâm sáng tạo và chia sẻ cùng thế hệ hậu duệ Việt những câu chuyện với cách làm gốm xưa và làng gốm sẽ là một địa chỉ đón khách du lịch phương xa yêu thích gốm đến mua sắm, trải nghiệm. Vì nếu chúng ta chỉ chăm chăm quy hoạch và đưa nền công nghệ sản xuất gốm sứ bằng cách chuyển hết sang nung gốm bằng lò ga công nghiệp thì e rằng: nghề làm gốm thủ công theo phương pháp cổ truyền Việt từng được lưu giữ hàng trăm năm sẽ chỉ còn trong ký ức.

Quỳnh Dương Hạ

(Nguồn: Tạp chí Du lịch)



Trở lại Trang Chính