Mận Trại Hầm Đà Lạt

Kim Anh (Bảo Lộc)

Đà Lạt có hai trại khá nổi tiếng : Trại Mát và Trại Hầm. Gọi Trại Mát vì nơi đây có trại nghỉ mát và săn bắn của vua Bảo Đại. Còn Trại Hầm nổi tiếng vì phong cảnh đẹp, có chùa sư nữ Linh Phong, và vì nghề trồng mận, một loại đặc sản Đà Lạt nổi tiếng mà du khách đến Đà Lạt không quên mua về biếu bè bạn.

Chùa Linh Phong

Vì sao gọi là Trại Hầm? Theo ông Hai tài xế, 72 tuổi, một trong những người gắn bó với nơi đây ngay từ những ngày đầu cho biết : Xóm được hình thành từ những “trại”. Trại là những căn lều cất tạm của người dân đi rừng, sống bằng nghề nương. Thuở ấy, vào những năm 30, chốn này còn là rừng già hoang vu, rậm rịt, vắng người. Ông là một trong những người đầu tiên đến đây cất trại khai thác gỗ, củi bán cho các công trình xây dựng, cho các lò bánh mì của Pháp. Phương tiện chuyên chở lúc ấy là những cỗ xe trâu. Ban đêm nằm ở đây còn nghe tiếng cọp gầm, tiếng mang tác đầu hồi, tiếng sương rơi lộp độp trên mái lá. Lúc đó ông Hai là một cậu bé 7 tuổi theo cha từ Bình Định vào làm ăn. Năm 1935, khi đường xe lửa Đà Lạt - Tháp Chàm sắp hoàn thành, người Pháp đã giải tán một khu vực dân cư rộng lớn, bắt đầu từ sân bóng (nay là sân vận động Trung tâm Thể thao tỉnh) cho đến cầu Chui để lấy gỗ làm nhà ga. Toàn bộ khu vực này được đưa vào Trại Hầm. Đến lúc ấy con đường mới được mở. Bắt đầu từ những lều trại che tạm đó, làng xóm hình thành. Còn cái tên “Hầm”, theo ông Hai đầu xóm có một người Pháp cắt đặt làm lý trưởng, tên là ông Hầm, người Phan Rang lên. Cái tên Trại Hầm có từ đó.

Mận được trồng sau khi thành lập xóm. Một người Pháp ở biệt thự này là nhà 22 Hùng Vương có khu vườn rộng nhập giống cây này về trồng. Những người dân Trại Hầm làm thuê ở đây lén mang giống về vườn mình. Cây tỏ ra thích hợp trên vùng triền đồi và cả xóm bắt đầu trồng mận, chế biến mứt mận. Lúc đầu chỉ làm để ăn, sau bán cho du khách. Mận có hai giống : giống mận tím, còn gọi là mận Nhật, khi chín có màu đỏ chuyển sang tím, có vị đắng và mận vàng, vị ngọt có thể ăn sống. Giữa tháng chạp, đầu tháng giêng, mận bắt đầu ra hoa, hoa trắng từng chùm. Tháng 3-4 bắt đầu thu hoạch quả. Để làm mứt, quả mận được ngâm vào nước muối nhằm làm da cho bớt vị đắng. Sau đó vớt ra xả sạch nước muối, dùng dao khứa vào quả, luộc kỹ, sên với đường, thêm màu, trộn bột chanh, cho ra mứt mận. Vào mùa, có nhà muối hàng tấn quả vào những bể lớn, để dành làm mứt quanh năm.

Những năm gần đây, cây mận ở Trại Hầm đang bị thay thế bằng cây hồng có giá trị kinh tế cao. Trồng hồng, chế biến hồng khô đang trở thành một nghề phổ biến. Tuy vậy dân ở đây vẫn giữ việc chế biến mứt mận. Mận trái lúc này được mua từ Cầu Đất, Trạm Hành. Qua bàn tay người Trại Hầm, quả mận đắng chát đã biến thành ngọt ngào gởi hương vị trái cây Đà Lạt đi khắp muôn nơi.

Du khách đến Đà Lạt trong thời gian một vài tháng truớc và sau Tết âm lịch, rất thích thú khi đi vào hàng hoa quả thấy những rổ mận chín mọng, mặt ngoài da phơn phớt một lớp phấn trắng trông thật hấp dẫn.

Mận có hai loại: mận xanh (đúng ra là xanh hoa lý) và mận đỏ (màu rượu chát thì đúng hơn. Mỗi loại mận này lại còn chia ra loại ruột vàng hay ruột hồng tuỳ theo màu cơm bên trong của quả.

Có người cho rằng mận xanh thường ngọt còn mận đỏ thường chát… , điều đó chẳng có gì chính xác vì mận xanh hay mận đỏ đều có loại ngọt, có loại chát tùy theo giống cây và tuỳ theo thổ nhưỡng của nơi trồng. Mận Đà Lạt thường nổi tiếng là mận Trại Hầm ngon và ngọt.

Có người thích ăn mận thật chín mọng vì nó ngọt hơn, nhưng cũng có người lại thích ăn mận vừa chín tới vì nó dòn hơn và vị thoáng một chút chua hấp dẫn hơn. Thật ra mận đáp ứng sở thích của đủ mọi hạng người: Các thiếu nữ thì thích ăn mận tươi, các thanh niên thì uống rượu mận, còn trẻ em và người già thì lại thích mứt mận !

Ăn tươi thì người ta lựa loại mận ngọt. Làm rượu hoặc làm mứt thì người ta dùng mận chát và chua. Như vậy loại mận nào cũng tiêu thụ được.

Mận có thể chế biến được nhiều thứ : Mứt, rượu và ô mai (xí muội). Ô mai mận thì người Việt ít thích bằng người Hoa nên ở Đà Lạt ít làm để bán, trong lúc đó ở Chợ Lớn thì có bán nhiều hơn, do đó trong khuôn khổ bài này không đề cập đến ô mai mận vì nó không hẳn là đặc sản thuần túy của Đà Lạt.



Trở lại Trang Chính