Đến thăm Borobudur Temple

để hiểu về triết lý Phật Giáo

Kim Anh tổng hợp

Hình : NGV

Indonesia có lẽ là một trong các quốc gia có nhiều đảo nhất nhì thế giới (khoảng 13,000 đảo), trong đó có năm hòn đảo chính là Kalimantan, Sumatra, Irian Jaya, Sulawesi và Java.

Jogyakata là một thành phố không lớn lắm nằm trên đảo Java và cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng hơn 400 km đường chim bay về hướng Đông Nam. Có lẽ thế giới sẽ ít ai biết đến Jogyakata nếu không nhờ vào một di tích bảo tháp vĩ đại của Phật Giáo còn lưu lại dấu vết ở đây suốt từ thế kỷ 9 đến nay. Đó chính là Borobudur Temple. Borobudur Temple có kiến trúc khá đặc biệt, tạo cho người xem nhiều suy nghĩ tìm hiểu các điểm sâu xa về giáo lý và triết lý Phật Giáo.

Từ Jogyakata chạy về hướng Bắc khoảng một tiếng rưỡi là du khách đã đến Borobudur Temple. Từ xa ngôi Temple này như mang dáng dấp một ngôi lâu đài lớn nằm trên một ngọn đồi cao.

Borobudur, Barabodur hay Ba La Phù đồ (tiếng Indonesia: Candi Borobudur) là một ngôi đền Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 9 toạ lạc ở Magelang, miền trung Java, Indonesia, là một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới.

Tên “Borobudur” mang một ý nghĩa là ngôi Phật Tự trên đồi ( theo người địa phương chữ “Boro” là chùa, Bud từ chữ Budda là Phật và “ur” có nghĩa trên cao, trên đồi). Tuy nhiên danh từ này cho đến nay vẫn còn là một điều tranh cãi chưa có kết luận

Ngôi đền có chín tầng, xếp chồng lên nhau bao gồm sáu vuông, ba tròn và trên cùng là một mái tròn. Ngôi đền được trang trí bằng 2672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật. Mái vòm trên cùng được bao quanh bởi 72 pho tượng Phật, mỗi tượng được đặt trong một phù đồ.

Ngôi đền là nơi thờ Đức Phật và cũng là một địa điểm hành hương cho tín đồ Phật giáo. Cuộc hành trình của Phật tử bắt đầu từ nền đền rồi đi vòng quanh để lên đến đỉnh qua ba khu vực mô tả khái niệm tam giới vũ trụ của Phật giáo: Kāmadhātu (Dục giới), Rupadhatu (Sắc giới) và Arupadhatu (Vô sắc giới). Trên đường lên đến đỉnh ngôi đền, khách hành hương sẽ đi qua một hệ thống cầu thang và hành lang rộng lớn, qua 1460 tấm chạm khắc trên tường và lan can. Đền Borobodur là nơi có tập hợp phù điêu chạm khắc lớn nhất và đầy đủ nhất trên thế giới.

Từ chân đồi khách phải trèo hơn 15 m mới lên tới nền đền. Cấu trúc ngôi phù đồ gồm 12 nền lộ thiên to, nhỏ, vuông, tròn xen kẽ, chồng lên nhau tạo thành một khối cao 42 mét. Chiều dài mỗi cạnh nền dưới cùng là 123 m. Nếu trèo lên từng tầng một và đi dọc đường chu vi của tất cả 12 tầng thì tổng cộng là 5 km.

Kiến trúc Borobudur có thể tóm gọn lại thành ba phần.

- Phần tầng thứ nhất (từ chân đồi lên) có bình đồ hình vuông, mỗi bốn cạnh căn đúng vào bốn hướng: Đông, tây, nam, bắc. Khoảng giữa mỗi cạnh để trống 7,38 m, hai bên đặt con sư tử lớn bằng đá chầu hai bên. Mỗi tượng thú cao 1,7 m kể cả bệ, dài 1,26 m, và rộng 0,8 m. Miệng sư tử nhe răng, lông bờm ở lưng, cổ, ngực dựng lên trông rất dữ tợn. Đuôi con thú uốn cong ngược về phía sau .

Phần tầng này diễn tả về đời sống con người. Trong đó các bức điêu khắc ở tầng này dường như chủ ý muốn nói đến cái nhân cái quả của kiếp này kiếp sau. Thường thì có ẩn ý răn dạy con người. Thí dụ những người trẻ không chịu lắng nghe kinh nghiệm từ người lớn tuổi thì mai sau/ kiếp sau họ có thể đón nhận những điều bực bội, lận đận đến với họ.

- Phần tầng thứ hai gồm các tầng từ tầng hai đến tầng bảy cao hơn tầng thứ nhất 1,52 m. Bình đồ tầng hai không theo dạng hình vuông như ở tầng nhất, mà là hình đa giác với 20 cạnh, gần như ôm lấy triền đồi. Tầng hai dù vậy vẫn có bốn cạnh lớn hướng về bốn phương trời, giữa có bốn tầng cấp. Hai bên tầng cấp có hai lan can uốn cong rất duyên dáng. Cuối lan can là một đầu voi rất to, trong miệng ngoạm một con sư tử; còn đầu lan can kia, là một đàn sư tử, mõm mở rộng, lưng tựa vào tường.

Phần tầng thứ hai bao gồm những câu chuyện về Đức Phật, từ những câu chuyện về đời sống của Thái Tử Tất Đạt A từ lúc sinh ra đến lúc đi tìm chân lý và giác ngộ dưới gốc Bồ Đề, các câu chuyện các tiền kiếp xa xưa của Phật như mẫu chuyện tiền kiếp của Phật là voi, và đã hy sinh thân xác của voi để cứu sống những người sắp chết đói.

Các bức họa điêu khắc miêu tả về các câu chuyện trên thật sống động cho người xem. Người ta ước lượng tổng số các bức điêu khắc có thể dài chừng 4 km. Nếu chúng ta muốn xem từng bức điêu khắc (một bức khoảng 24 cm), mỗi bức mất 1 giây đồng hồ thì cần ít nhất hai ngày thì mới xem hết được.

Hơn thế nữa, phần hai này có tất cả 432 tượng Phật được tạc quanh bốn chiều Đông Tây Nam Bắc, tượng trưng cho Phật ở khắp nơi. Thực ra thì các tượng Phật đều mang một ý nghĩa khác nhau.

- Phần tầng thứ ba là phần trên cùng lại có hình dạng vuông nhưng các tầng 8 đến tầng 10 thì không còn là hình vuông nữa mà là hình tròn. Trên mỗi tầng có xây dựng nhiều đền đài miếu mạo trông như vòm bát úp, vòm lớn nhất ở giữa, hai bên là những cái bé hơn. Trên cùng của đền tháp là mái tròn hình chuông.

Đây là phần tinh túy thâm sâu nhất của Borobudur. Có 32 stupa trên vòng tròn thứ nhất, vòng tròn thứ hai có 24 stupa.

Tất cả các bậc thềm từ tầng một đến tầng chín đều được phủ kín những phù điêu, được chạm trổ rất công phu, mô tả về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mầu Ni, các bồ tát và các vị đã giác ngộ Phật pháp, và cả những cảnh trên niết bàn hay dưới địa ngục...

Riêng ba tầng trên cùng phẳng phiu, trơn nhẵn có trổ 72 tháp chuông hình mắt cáo. Bên trong có đặt 72 tượng Phật ngồi (tầng một 2,32 m, tầng hai 2,24 m và tầng ba 2,16 m).

Có cái lạ là Borobudur Temple lại thuộc về nhánh Phật Giáo Đại Thừa, chứ không phải nhánh Phật Giáo Tiểu Thừa. Kiến trúc của nó cũng khá đặc biệt, lạ lùng, và tạo cho người xem nhiều suy nghĩ tìm hiểu các điểm sâu xa về giáo lý và triết lý Phật Giáo.

NGV tại Borobudur Temple năm 2008

Nếu bạn thích thú về nghiên cứu triết lý cũng như giáo lý Phật Giáo thì Borobudur thật là nơi lý tưởng cho bạn vui chơi cùng sách vở. Nếu triết lý Phật Giáo cho bạn nhiều đau đầu thì Borobudur cũng rất thoáng rộng, vĩ đại và rất đẹp để bạn có thể ngắm nhìn một tuyệt tác của người xưa để lại cho nhân loại ngày nay.

- Tài liệu tham khảo : Wikipedia

- Bài viết Trần Nguyên Thắng



Trở lại Trang Chính