Bình Ba (phần 4): từ thiên đường bãi Rùa nghĩ tới ví dụ Boracay

Ảnh và bài: Candid

Nguyễn Hữu Khoáng sưu tầm

(Tiếp theo và hết )

Cổng một lăng cá voi trên đảo Bình Ba

Ngoài bơi lặn ra thì ở đảo cũng không có nhiều thứ để làm. Gần đây chính quyền có cho khôi phục lại một đoạn đường hầm công sự xuyên núi để cho khách du lịch tham quan nhưng cũng không có gì nhiều để xem. Tôi đi qua các công sự, pháo đài bị bỏ hoang mà tiếc. Tôi từng ghé thăm một số nơi có các pháo đài cổ như Mellaca, Malaysia, di tích của họ trông nghèo nàn, đơn sơ hơn nhiều mà thu hút được rất nhiều khách du lịch. Trong khi đấy ở Việt Nam, những nơi có các di tích pháo đài cổ như ở Bình Ba, Vũng Tàu thì bị bỏ hoang chưa được bảo tồn và khai thác hiệu quả. Giá như họ kết hợp trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến lịch sử vịnh Cam Ranh, đảo Bình Ba với các mô hình tàu chiến thì tốt hơn nhiều.

Ngoài lô cốt, hầm hào, du khách đến Bình Ba còn có thể đi thăm hai ngôi chùa, chùa ở đây xây lẫn với nhà dân xung quanh, tôi có ghé thử nhưng không có gì đặc sắc lắm. Sáng hôm sau, trên đường chạy bộ, tình cờ tôi thấy một ngôi đền nhỏ, tường quét màu vàng, nằm dưới bóng một cây bàng cổ thụ, ánh nắng sớm hắt lên tạo thành một gam màu rất đẹp mắt. Tò mò tôi ghé vào xem, thấy có chữ đề Nam Hải đại vương, tôi đoán là nơi thờ cá voi theo tục lệ của ngư dân miền Trung. Google thử thì đúng thế. Lăng này được xây từ cuối thế kỷ 18, khi có một ông cá voi lụy và đã được vua Tự Đức sắc phong “Nam Hải đại vương cự tộc”, trong lăng còn hòm kính đựng xương cốt cá voi. Lúc tôi ghé quá sớm, cửa vẫn chưa mở, chỉ duy nhất có một người đàn ông đang ngồi trước Lăng hát hay khấn một bài ca gì đó, tôi đoán là một bài khấn cá voi vì nghe loáng thoáng mấy chữ Nam Hải. Khung cảnh vắng lặng, giọng khấn ngân nga trong buổi sớm mai mang lại một cảm giác thật yên bình.

Lăng cá voi

Bãi tắm cuối tôi ghé thăm là bãi Rùa, bãi này được gọi tên như thế do ở đầu bãi tắm có một tảng đá khổng lồ nhìn giống hệt một con rùa. Để đến được bãi có hai cách, hoặc đi thuyền hay motor nước từ Bãi Nhà Cũ hoặc từ trên đỉnh đồi đi bộ xuống theo đường mòn. Tôi đứng ở trên đỉnh đồi nhìn con đường trekking khá nguy hiểm mà lại không mang theo đồ trekking nên quyết định thuê motor nước để đi ra cho lành. Bãi này cũng giống Bãi Nhà Cũ nhưng do địa hình khó tiếp cận nên hoàn toàn không có bóng người, tha hồ bơi lặn. Chỗ này nếu đi vài người cắm trại tắm biển ở đây thì không khác gì thiên đường.

Bãi Rùa

Nói tới thiên đường mới nhớ đến lúc ở khách sạn, tôi nhìn thấy khẩu hiệu in trên áo của một đoàn khách du lịch “Bình Ba – thiên đường hạ giới”, quả thật đây là thiên đường nhưng là một thiên đường đang biến mất. Tôi không hiểu chỉ vài năm nữa nơi đây sẽ ra sao. Liệu một Tập đoàn nào đấy có đầu tư vào di dời những người dân chài rất chất phác ở đây để biến hòn đảo thành một resort. Hay là với tốc độ tăng trưởng du lịch thế này, chả mấy chốc hòn đảo này sẽ ngập ngụa rác rưởi và môi trường bị hủy hoại. Liệu có cách nào để phát triển du lịch một cách bền vững, giúp cho những người dân đảo gìn giữ đươc báu vật này.

Trước chuyến đi, tôi có chuẩn bị máy chụp ảnh gopro để chụp ảnh dưới nước nhưng một người bạn của tôi đã mượn cho chuyến đi công tác tại đảo Boracay, Philippin. Bạn tôi đi dự một hội thảo về bảo tồn môi trường biển. Khi trở về từ Bình Ba nghe băn khoăn của tôi, bạn tôi đã chia sẻ, hòn đảo Boracay cũng gặp vấn đề với môi trường do phát triển du lịch. Đảo nhỏ, các nhà hàng khách sạn xả thẳng nước thải xuống biển gây ô nhiễm. Kết quả là người dân cũng không dám tắm ở những bãi tắm của đảo.

Bãi biển Boracay

Thế nhưng dần dần chính quyền và người dân trên đảo đã có chuyển biến về tầm quan trọng của môi trường. Họ đã ý thức được rằng môi trường chính là cuộc sống của họ. Giờ đây chính những người dân rất có ý thức về bảo vệ môi trường, họ luôn có ý thức và nhắc nhở du khách không được vứt rác, ăn uống trên bãi biển phải tự dọn dẹp, thậm chí có những tấm biển nhắc nhở du khách không được lấy cát để bảo vệ các bãi tắm. Ngoài ra, ở Boracay các loại hình du lịch thể thao dưới nước như thuyền buồm, lặn biển cũng rất phát triển, các loại hình này thân thiện với môi trường và đem lại nguồn lợi cho dân đảo. Hàng năm có rất nhiều du khách đến đây để chơi thể thao và lặn biển. Do đó vấn đề môi trường ngày càng được cải thiện.

Thể thao trên biển tại Boracay

Lặn dưới biển ngắm rùa tại Boracay

Tương lai nào đang chờ hòn đảo Bình Ba thì tôi không biết và có lẽ cũng không làm được gì nhiều cho nó. Tôi chỉ mong những người dân đảo chất phác, hiền lành tôi đã gặp trong suốt chuyến đi sẽ tiếp tục được sống cuộc sống thanh bình nơi thiên đường hạ giới.



Trở lại Trang Chính