* Picasso – Guernica: câu chuyện cải đạo bất ngờ nhất trong lịch sử nghệ thuật

Trịnh Lữ

Phong Vũ sưu tầm

Picasso, sinh năm 1881, đã từ Barcelona đến Paris ở tuổi đôi mươi, khi thế giới bắt đầu sang một thế kỷ mới. So với Barcelona, kinh thành Paris hoa lệ đang là cả một lò lửa cách tân nghệ thuật. Nhỏ người, với một tài năng bẩm sinh khủng khiếp và dòng máu Andalusia dữ dội, hẳn là Picasso và những nhân tài đương thời của ông đều cảm thấy rằng chính là nghệ thuật, chứ không phải chính trị, đang quyết định nhịp đập của cuộc sống.

Tại Paris, tất cả những niềm tin truyền thống về ý nghĩa của nghệ thuật đều đang bị vứt bỏ. Thơ không còn là những cô đọng có nhịp điệu của quan sát và cảm xúc, càng không còn là những kể lể dông dài. Giờ đây, với người bạn Apollinaire của Picasso, thơ là một cuộc rượt đuổi đến ngạt thở của âm thanh, biểu tượng và ảo giác, trình diễn quan trọng hơn ý nghĩa.

Vào tay Ravel và Satie, âm nhạc không còn là thánh đường của âm thanh giao hưởng, mà trở thành một dòng chảy vô định của những liên tưởng ngập lụt mọi giác quan. Cũng như thế, hội họa đã quẳng vào sọt rác nhiều khuôn phép lâu đời: những câu chuyện cao đạo, những nhân vật cao quý trên nền những phong cảnh đẹp mắt, rồi thì luật viễn cận, màu sắc tả thực.

Self-portrait, 1906 (Philadelphia Museum of Art, Pennsylvania)

Với chàng trai trẻ Picasso, trong căn gác áp mái rẻ tiền bên tả ngạn sông Seine, mái tóc mướt dầu, mũi thỏ hấp háy phấn khích, đang chỉ mong “sống như một kẻ nghèo có rất nhiều tiền”, quang cảnh nghệ thuật ấy của Paris là một bữa tiệc ê hề những cơ hội bất tận. Có thể chưa biết ngay là mình muốn gì trong nghệ thuật, những hẳn là Picasso đã biết chắc cái mình không muốn: những màn kịch câm cũ kỹ nhàm chán của giới quyền quý.

Lúc bấy giờ ai cũng tin rằng nghệ thuật của thời hiện đại dứt khoát phải vứt bỏ mọi hình thức trần thuật lịch sử, mọi phù hoa tô vẽ cho giới quý tộc và phú hộ, vua chúa và đám chủ ngân hàng, đang trưng kín tường các bảo tàng – nhất là các bảo tàng Tây Ban Nha, với những cảnh chiến trận và tuấn mã lồng hý, những lời dối trá cần thiết để lưu truyền quyền lực và chiến tranh.

Từ thế kỷ 17, Diego Velazquez đã vẽ người bảo trợ của mình là nhà vua Philip IV, đang cưỡi ngựa. Đó là hình ảnh của quyền lực vô song tuyệt đối diễn đạt qua dáng vẻ cầm cương lơ đãng, chỉ cần đến một tay. Nếu đấng quân vương có thể điều khiển con tuấn mã bất kham như vậy, bức tranh như đang nói, thì ngài có thể khiến cho quốc gia yên ổn vững mạnh đến thế nào. Đó là hình tượng lâu đời và dai dẳng nhất của quyền lực thuần khiết.

Philip IV on Horseback (1635, 303X317cm, Prado Museum)

Để hạ bệ hình tượng cổ điển ấy, thay vì một quân vương cưỡi ngựa, Picasso đã vẽ một thằng bé trần chuồng dắt một con ngựa không yên – thậm chí không có cả dây cương cầm tay – đi trong một cảnh trí vô hình vô tính nguyên sơ đến rùng rợn. Hình thằng bé gợi đến những bức tượng Hy Lạp sơ kỳ. Mọi hình thức cầu kỳ chật chội của lịch sử đã bị lột bỏ sạch sẽ, thay thế bằng yếu tố tiền sử nguyên sơ và trần trụi. Chỉ có một gam màu xám của cát bụi và đất nung, những vật liệu nguyên thủy và muôn đời của cả sự sống và nghệ thuật.

Vậy là Picasso đã đưa ta đến một thời điểm phi nghệ thuật: không còn anh hùng, không còn câu chuyện, chủ đề, diễn đạt cái gì cả. Bằng một cử chỉ thi ca tinh giản nhất, ông hạ màn cho nhiều thế kỷ hội họa nghi lễ, và khiến cho tinh thần Hiện đại hiển lộ trực tiếp từ cõi Cổ đại, thẳng thừng cho thấy rằng giữa hai cõi ấy chả có gì đáng phải để ý cả.

Boy leading a horse (1905-6, oil on canvas, 220X130cm, MOMA, New York)

Vậy là xong chuyện lịch sử. Đến chuyện cái Đẹp – định nghĩa cố xưa nhất về lý tưởng của nghệ thuật – cái hoàn hảo được hiển lộ trong mọi tỷ lệ của người đàn bà khỏa thân. Bao nhiêu thế kỷ ngắm nghía những hình khỏa thân cổ điển kể từ thời Phục Hưng, với những trầm trồ về khuôn mẫu hài hòa lý tưởng, đã bị Picasso chấm dứt với hình ảnh gái điếm trưng hàng trong nhà thổ, bức Les Demoiselles d’Avignon (Các trinh nữ Avignon), vẽ năm 1907.

Les Demoiselles d’Avignon (1907, oil on canvas, MOMA, New York, 240X230cm)

Cái tên “Trinh nữ” ấy là thiên hạ lịch sự đặt ra, chứ Picasso gọi nó là “Nhà thổ Avignon”, theo tên con phố Calle Avignon ở Barcelona, nơi có nhà thổ nổi tiếng và quen thuộc đã đưa ông vào đời. Các cô gái đang trút bỏ xiêm y và vươn vai duỗi cẳng (có vẻ là để khám vệ sinh thường kỳ), khiến người xem không còn cái cảm giác tiêu khiển vẫn được dấu kín của đàn ông khi xem tranh khỏa thân trong bảo tàng nữa. Vẻ trễ nải của quanh cảnh ấy – hai cô trong tranh đang kéo rèm – chỉ làm cho bức tranh thêm cảm giác thách thức táo tợn. Hai cô ở giữa, khăn vải tụt còn vướng trên đùi, như đang chơi trò khêu gợi người xem trong một màn giễu nhại các trò vải vóc kín hở trong tranh của các bậc thầy ngày xưa. Hai cô ở bên phải, đầu mặt đầy những nhát đục đẽo, là ảnh hưởng của những điêu khắc bộ lạc Phi Châu mà Picasso đã thấy ở một bảo tàng sắc tộc học hồi tháng Ba 1907, đã hoàn toàn vứt bỏ vẻ thẹn thò giả tạo. Họ là những chiến binh cái lăng loàn. Cô ở phía sau có bộ mặt chó dẩu mồm với một mắt hến đen xì. Trinh nữ bên dưới ngồi bệt, dạng háng, mình mẩy thì hiện ra cả trước, sau và bên cạnh, cái mặt với lỗ miệng bé tí như trêu ngươi thì như vừa quay lại nhìn người xem tranh.

Tất cả những liên tưởng của hình tượng khỏa thân cổ điển châu Âu, như vẻ duyên dáng, nhục cảm mà ngoan ngoãn, tràn trề sức sống sinh nở, say đắm mà dịu dàng… đều bị cạo gọt sạch sẽ. Thay vào đó là một tia nhìn cháy bỏng thách thức, một cái nhìn chiếm đoạt đã bị đổi ngôi. Này, muốn mua gì hả? Được thôi, mua Cái này này! Nhưng không ai mua cả! Người bạn Mỹ Leo Stein, vẫn thường mua tranh của Picasso, tin là ông đã phát điên.

Kahnweiler, người chuyên bán tranh cho ông, cứ phải luôn mồm thanh minh rằng bức tranh vẫn còn đang vẽ chưa xong. Matisse thì tuyên bố đây là một trò lừa đảo của ông bạn Picasso, và rằng nhìn bức tranh ấy khiến ông như uống phải dầu hỏa. Picasso phải úp mặt bức tranh vào tường, và mãi 17 năm sau mới có người hỏi mua.

Sang năm 1909 thì Picasso đã sẵn sàng mở cuộc tấn công cuối cùng, nhắm vào con bò thiêng liêng nhất, cái mà hầu hết khách đi xem bảo tàng và các phòng tranh coi là tiêu chuẩn chung nhất của hội họa: hình ảnh chân thực của cuộc sống – cái giống của tranh so với mẫu vẽ. Picasso tuyên bố: “Nghệ sỹ phải sáng tạo, chứ không chỉ sao chép thiên nhiên như một con đười ươi.” Nếu muốn tái tạo thế giới vào một mặt phẳng, thì nhiếp ảnh còn giỏi bằng mấy hội họa. Kể từ thập kỷ 1860, nghệ thuật hiện đại đã có ý thức coi mình là hậu nhiếp ảnh, luôn tìm kiếm lý do nào khác để nhìn mọi sự vật, chứ không phải chỉ là ấn tượng về vẻ ngoài của thế giới.

Trước Lập thể, hội họa đã chờn vờn bắt thân với tâm lý đoạn tuyệt này rồi. Chẳng hạn như Van Gogh, dùng màu để diễn đạt cảm xúc chứ không còn mô tả những ấn tượng quang học. Nhưng đến khoảng 1910, hai người bạn là Picasso và George Braque mới có đủ nội công để thực hiện việc đoạn tuyệt ấy, sau khi đã thấy Cezanne phá rỡ được các hình tự nhiên thành những cấu trúc của các mặt phẳng nhỏ như kiểu kim cương, gẫy vỡ mà vẫn nhất quán. Vậy là: vĩnh biệt nhé, không giống nữa đâu.

Cuộc đoạn tuyệt ấy dẫn hội họa vào hai hướng khác nhau: trang trí và điêu khắc. Hướng trang trí, như của Matisse, là lối đi đến trừu tượng: những bố cục lung linh của các mảng màu phẳng rực rỡ khiến ngũ quan chúng ta phải nhảy múa và khiến ta phải mỉm cười. Còn Picasso, ít sướt mướt nhất và nhiều hình khối nhất trong toàn bộ các thế hệ họa sỹ hiện đại, thì theo ngay vào hướng điêu khắc, muốn tranh cũng thành ra sờ thấy lấy được như tượng.

Mặc dù nói những thử nghiệm Lập thể của mình chỉ là bước đầu của hội họa bố cục thuần túy, Picasso cũng luôn khẳng định rằng những tranh ấy vẫn là vẽ một cái gì đó chứ không phải chỉ là “một bức tranh” đơn thuần. Ẩn sâu trong những hình khai mở quay cuồng như thể phập phồng vô định theo giòng thời gian của các bức tranh Lập thể ấy vẫn có cái gì đó định hình và thực thể. Tất cả những phương diện được hiển lộ cùng một lúc ấy vẫn diễn đạt và trình bày một cốt lõi có thực. Vì vậy mà chỉ thấy những màu của cơ khí và kiến trúc – những nâu rỉ sét, những đất bụi bặm, và những xám sắt thép. Không có màu gì khác có thể khiến người xem bị lạc khỏi khối dàn giáo đang được dùng để chống đỡ cái ý tưởng của họa sỹ về một Hình cốt lõi nào đó.

Xóa bỏ cái giống bề ngoài, các họa sỹ Lập thể tuyên bố họ đang cung hiến một thực tại khác, một thực tại của ký ức và quá trình nhận thức. Picasso tuyên bố: “Cái Hình mang lại cho chúng tôi cảm giác về thực tại luôn khác hẳn cái hình có trong võng mạc. Mắt người nghệ sỹ nhìn thấy một thực tại siêu đẳng hơn. Tác phẩm của họ là những gợi nhớ.”

Portrait of Daniel-Henry Kahnweiler (1910, oil on canvas, Art Institute of Chicago)

Cái gợi nhớ của ông về người bạn Daniel-Henry Kahnweiler, vẽ năm 1910, lúc đầu chỉ là những mảnh nhỏ và các mặt phẳng chồng lấp nhau. Nhưng sau này, một phần cũng là vì Kahnweiler kì nèo ông phải thêm vài chỉ dấu cụ thể cho người xem, nên Picasso mới vẽ thêm vài chi tiết của hai bàn tay, một lọn tóc quăn, một mẩu dái tai. Thế cũng đã là quá rồi, mặc dù còn lâu mới có thể so với cách gợi nhớ đầy khoái cảm của Matisse. Kệ. Picasso chả thiết chiều lòng công chúng. Ông còn mải tôn thờ cái khó nhọc cao đẳng của mình, công chúng khó nhằn thì kệ công chúng. Thế mà chính ông, 30 năm sau đó, với chỉ một tác phẩm thôi, lại trở thành quán quân của hội họa tuyên truyền.



Trở lại Trang Chính