Tỷ phú Warren Buffett: "Trường học là một nơi chẳng mấy thú vị"

Tuấn Tú sưu tầm

Tỷ phú Warren Buffett từng khiến thầy cô giáo “đau đầu” ở trường tiểu học và lên trung học, mọi chuyện cũng chẳng khá khẩm hơn. Tuy nhiên ngay từ khi còn nhỏ ông đã thể hiện tài kinh doanh khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Tỷ phú Warren Buffett là ai ?

Warren Edward Buffett sinh ngày 30 tháng 8 năm 1930 tại Omaha, tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ, là một nhà đầu tư, doanh nhân và nhà từ thiện người Hoa Kỳ.

Đối với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, trường học là một nơi chẳng mấy thú vị. Ông từng khiến thầy cô giáo “đau đầu” ở trường tiểu học, và lên trung học, mọi chuyện cũng chẳng khá khẩm hơn.

Tuy nhiên, theo trang Business Insider, ngay từ khi còn là một cậu bé, Buffett đã thể hiện tài kinh doanh thiên bẩm. Đến năm 16 tuổi, ông đã kiếm được số tiền 53.000 USD nhờ làm nhiều công việc khác nhau từ giao báo, bán tem, bán những quả bóng golf đã qua sử dụng…

Dù không muốn vào đại học và học về kinh doanh trong trường lớp, Buffett vẫn miễn cưỡng theo học Đại học Pennsylvania theo mong muốn của cha mẹ ông. Tuy vậy, vào mùa xuân năm 1950, khi chỉ cần hoàn thành vài tín chỉ nữa là đến lúc tốt nghiệp, Buffett phát hiện ra rằng, việc học tập ở trường lớp cũng có thứ gì đó khiến ông yêu thích.

Đến lúc này, Buffett cũng đã biết rõ về điều mà ông muốn làm được trong cuộc đời mình: trở nên thật giàu có, một cách thật nhanh chóng. Ông muốn trở thành triệu phú trước tuổi 35 để hưởng tất cả sự bảo đảm và tự do mà sự giàu có như vậy mang lại.

Trong cuốn tiểu sử của Buffett mang tựa đề “Snowball” (tạm dịch: “Quả cầu tuyết”), tác giả Alice Schroeder viết rằng, lúc đầu, Buffett nghĩ Trường Kinh doanh Harvard (HBS) sẽ đem đến cho ông những thứ mà ông không thể tự tạo ra cho mình, đó là những mối quan hệ và uy tín.

Bởi vậy, Buffett lên tàu từ Omaha tới Chicago, nơi ông sẽ được HBS phỏng vấn. Tin chắc như “đinh đóng cột” là mình sẽ được nhận vào trường, Buffett nói với một người bạn: “Hãy nhập hội với tớ ở Harvard”.

Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như ý muốn của Buffett trẻ tuổi.

Warren Buffett, trường học là một nơi chẳng mấy thú vị.

Warren Buffett, trường học là một nơi chẳng mấy thú vị.

Cuốn “Snowball” viết: “Warren dùng hiểu biết của mình về cổ phiếu để gây ấn tượng tốt trong cuộc phỏng vấn. Vào thời điểm đó, một khi ông nói về cổ phiếu, không ai là không muốn nghe. Họ hàng, giáo viên, bạn bè của Warren, tất cả đều muốn nghe ông nói về chủ đề này. Nhưng Warren đã hiểu sai về sứ mệnh của Harvard, ngôi trường sản sinh ra các nhà lãnh đạo”.

Buffett, anh chàng 19 tuổi bị ám ảnh bởi chủ đề duy nhất là chứng khoán, chưa sẵn sàng trở thành một nhà lãnh đạo.

“Khi đó, trông tôi chỉ như 16 tuổi và cảm xúc thì giống như một cậu bé lên 9”, Buffett nhớ lại. “Tôi đã được người của Harvard phỏng vấn trong 10 phút. Người phỏng vấn đánh giá khả năng của tôi và sau đó từ chối tôi”

Tuy nhiên, đây có lẽ là lời từ chối có ích nhất trong lịch sử của HBS. Nhà viết tiểu sử Schroeder viết rằng, Buffett “về sau đánh giá rằng, việc bị Harvard từ chối là chương quan trọng nhất trong đời tôi.

Không vào được Harvard, Buffett tìm đường khác. Khi tìm hiểu về Đại học Columbia, ông đã bắt gặp cái tên Benjamin Graham, người làm thay đổi cuộc đời ông.

“Trước đó, tôi đã đọc sách của Graham”, Buffett nhớ lại. Đó là cuốn sách “The Intelligent Investor” (tạm dịch: “Nhà đầu tư thông minh”), một cẩm nang về phân tích chứng khoán.

Đối với Buffett, việc tìm thấy cuốn “The Intelligent Investor” năm 19 tuổi là một trong những khoảnh khắc may mắn nhất trong đời ông, bởi cuốn sách đem đến cho ông một cái nhìn tổng quan về đầu tư.

Buffett quyết định tới Đại học Columbia để gặp Graham, tác giả cuốn sách đã mở mang trí tuệ đầu tư cho ông. Ông nộp đơn xin học và được chấp nhận.

Tuyệt vời hơn, Đại học Columbia không phải là ngôi trường cố gắng tạo ra các nhà lãnh đạo. Thầy Graham và các đồng nghiệp của ông dạy về nghệ thuật đầu tư. Và Buffett là một “nghệ nhân” trẻ với khả năng đặc biệt.

Giờ đây, Buffett là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, cổ đông lớn nhất kiêm giám đốc hãng Berkshire Hathaway và được tạp chí Forbes xếp ở vị trí người giàu thứ hai thế giới sau Bill Gates với tài sản chừng 73 tỉ USD. Ông được gọi là "Huyền thoại đến từ Omaha" hay "Hiền tài xứ Omaha", rất nổi tiếng do sự kiên định trong triết lý đầu tư theo giá trị cũng như lối sống tiết kiệm dù sở hữu khối tài sản khổng lồ.

Chẳng hạn tiền lương năm 2006 của ông chỉ là 100 nghìn USD, một con số rất nhỏ so với các nhà quản trị ở các hãng có cùng tầm cỡ Berkshire Hathaway; còn hai năm 2007 và 2008 ông chỉ nhận mỗi năm tổng cộng 170 nghìn USD trong đó lương cơ bản đã là 100 nghìn.

Tỷ phú Warren Buffett có cuộc sống hết sức bình dị

Tỷ phú Warren Buffett có cuộc sống hết sức bình dị

Hiện ông sống tại ngôi nhà mua năm 1958 ở Omaha với giá 31.500 USD (bây giờ giá trị khoảng 700.000 USD) dù ông còn sở hữu một căn khác giá 4 triệu USD tại Laguna Beach, tiểu bang California.Khi được hỏi nguyên nhân vì sao ông không đầu tư vào một căn biệt thự lớn cho phù hợp với độ giàu có của mình, ông nói: "Ở đó, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Tôi sẽ chuyển đi nếu tôi cho là mình sẽ hạnh phúc hơn ở một nơi khác. Làm sao mà tôi có thể cải thiện được cuộc sống của mình bằng cách có 10 ngôi nhà khắp thế giới. Nếu muốn trở thành một người quản lý nhà cửa, tôi sẽ làm nghề đó, nhưng tôi không muốn quản lý 10 ngôi nhà và cũng không muốn ai đó phải làm giúp mình công việc như thế...".

Buffett từng gọi căn nhà này là khoản đầu tư lớn thứ ba mà ông từng "rót vốn" vào, sau hai chiếc nhẫn cưới. Theo Buffett, ngôi nhà của ông thật tuyệt vời. "Tôi cảm thấy ấm áp trong mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Ngôi nhà thật tiện lợi đối với tôi. Tôi không nghĩ là mình sẽ có một ngôi nhà tốt hơn thế". Dù là tỷ phú đứng thứ hai thế giới nhưng Buffett không hề sở hữu một chiếc du thuyền nào bởi đối với ông, chúng chỉ là những món đồ chơi, là những "cục nợ" không hơn không kém.

Ngay đến đám cưới với người vợ thứ hai, ông cũng chỉ tổ chức lễ cưới hết sức đơn giản tại nhà con gái ở Omaha.

Quả thật, hiếm hoi có vị tỷ phú nào tiết kiệm đến từng đồng bạc lẻ đến vậy. Quay lại thời gian cách đây hàng chục năm, khi đứa con đầu tiên của Buffett ra đời, chính ông đã tự tay đóng một chiếc nôi sơ sinh cho con từ chiếc ngăn kéo tủ quần áo cũ chứ không mua ngoài cửa hàng như các gia đình vẫn thường làm. Rồi đến đứa con thứ hai, ông lại đi xin chứ nhất quyết không bỏ một xu ra mua một chiếc mới cho con.

Tỷ phú quan niệm, cái gì đáng mua mới mua, không nên chi tiền vào những thứ chỉ dùng trong chốc lát rồi lại "bỏ xó"

Ông quan niệm, cái gì đáng mua mới mua, không nên chi tiền vào những thứ chỉ dùng trong chốc lát rồi lại "bỏ xó", đó là sự lãng phí không cần thiết. Có lẽ, ông là tỷ phú duy nhất trên thế giới lái một chiếc xe Volkswagen cũ kỹ và chỉ nâng cấp lên chiếc Cadillac mới khi bị vợ "ép" thay đổi.Buffett hiện đang nắm trong tay khối tài sản kếch xù lên tới 50 tỷ USD và đang điều hành một tập đoàn đa ngành trị giá hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, ông vua chứng khoán vẫn không bỏ thói quen tích cóp từng xu lẻ mà còn dạy những người khác nên học theo tính tiết kiệm này của mình.

"Những đồng xu lẻ" ông tích cóp được cũng không mang ra tiêu xài phung phí, ông lại tiếp tục dùng chúng để tái đầu tư. Ở Buffett, cụm từ "tích tiểu thành đại và quay vòng" luôn là điều ông đặt lên hàng đầu, được ông áp dụng một cách triệt để. Thật không "ngoa" khi nói ông là một nhà buôn tiền lừng danh nhưng ông cũng là một nhà từ thiện hiếm có.

Warren Buffett còn nổi danh là nhà từ thiện đã tặng 99% giá trị tài sản của mình cho hoạt động của Hội Gates do Bill Gates sáng lập, đồng thời có trong hội đồng đại học Grinnell. Năm 1999 ông có trong danh sách những nhà quản trị tài chính giỏi nhất thế kỉ 20 do hãng Carson thực hiện, xếp trên Peter Lynch và John Templeton]; năm 2007 được tạp chí Time đưa vào danh sách "100 người nhiều ảnh hưởng nhất thế giới”.

Theo Zing



Trở lại Trang Chính