Mùa hoa lộc vừng

Phương Anh sưu tầm

Mùa hoa lộc vừng thường bắt đầu từ tháng 6 cho đến hết tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch. Vào mùa, hoa nở liên tục, hết đợt này đến đợt khác, suốt mấy tháng liền. Hoa kết thành những sợi dây hoa dài óng màu sắc đỏ.

Hoa Lộc Vừng đỏ

Vào mùa này, khách du lịch và người dân thường đến Hồ Gươm ngắm hoa lộc vừng – như dáng những cô gái chải tóc soi bóng mặt hồ.

Sau khi bung những cánh hoa đỏ thắm mong manh, sau một đêm, những bông hoa rụng xuống trở thành những chiếc thảm đỏ trên mặt nước và mặt cỏ.

Không chỉ ở Hà Nội mà tại đền Gò Thờ, xã Chương Xá, Cẩm Khê (Phú Thọ) lại bung nở hoa rực rỡ khiến khung cảnh đẹp như một bức tranh.

Quần thể lộc vừng gồm khoảng 85 gốc nằm ở đền Gò Thờ, xã Chương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ. Đây là quần thể lộc vừng hiếm hoi được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Quần thể lộc vừng nằm trên một gò đất rộng khoảng 500m2. Bên trong còn có một gò miếu cổ, tương truyền được thờ công chúa Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng. Theo nhiều người dân địa phương, quần thể lộc vừng có tuổi đời hàng trăm năm, mọc bao quanh ngôi miếu cổ như một bức tường thành vững chắc.

Hoa lộc vừng có hẳn một sự tích đầy ý nghĩa về câu chuyện tình yêu bi thương của đôi trẻ trai tài gái sắc. Mỗi khi hoa lộc vừng khoe sắc thắm, nở rộ khắp muôn nơi thì đó cũng là lúc người ta lại truyền nhau sự tích hoa lộc vừng ngày nào.

Chuyện kể rằng ở một bản làng xa xôi nọ, có cặp đôi trai gái yêu nhau sâu đậm, nồng nàn và tha thiết. Chàng trai là một người tài năng, tháo vát; còn cô gái là thiếu nữ xinh đẹp, nết na và thùy mị.

Những giọt nước mắt từ sâu thẳm con tim thủy chung của nàng thiếu nữ

Họ thề non, hẹn biển sẽ sống trọn đời bên nhau và dẫu cái chết có đến, họ vẫn muốn cùng nhau rời khỏi trần gian này. Thế nhưng, đôi trẻ đã rơi vào cạm bẫy của nhiều thanh niên trong vùng bởi sự đố kỵ và ghen tức.

Hoa lộc vừng nở xòe, khoe đẹp lung linh

Khi đó, tên công tử giàu có nhà trưởng bản đã tìm kế hãm hại chàng trai bằng cách sai chàng vào rừng tìm báu vật cho lễ hội sắp đến của làng. Trong rừng rậm hoang vu, chàng trai đã đi mãi, đi mãi nhưng chẳng thể tìm được báu vật, rồi chàng kiệt sức và chết đi. Lúc ấy, cô gái đã đợi chàng trai mãi nhưng chẳng thấy người về, với tình yêu cháy bỏng dành cho chàng trai trẻ này, nàng thiếu nữ đã quyết tâm lặn lội vào rừng sâu tìm chàng.

Cô cứ đi, đi mãi và đến khi đôi chân rã rời, không thể cất bước nữa thì cũng là lúc cô tìm thấy xác chàng trai ấy. Cô đã khóc, khóc rất nhiều và sau khi chôn cất người yêu, cô gái trẻ vẫn luôn nằm bên nấm mồ khóc thương cho số phận của họ. Nước mắt cô cạn dần theo ngày tháng và cô cũng dần kiệt sức, qua đời bên nấm mồ chàng trai.

Những giọt nước mắt thương tiếc của cô dành cho người yêu như có phép màu thần tiên, bỗng mọc lên loài cây có thân hình sần sùi, cành lá sum suê và những chùm hoa chi chít rực rỡ sắc đỏ thắm thả xuống bên mộ chàng trai. Từ đó, người ta gọi loài hoa này là hoa lộc vừng – biểu tượng cho tình yêu thủy chung của người con gái và tình yêu tha thiết, nồng nàn của đôi trẻ.

Hoa Lộc Vừng trắng

Hoa Lộc Vừng hồng

Hoa Lộc Vừng vàng

Trong số những loài cây cảnh, có lẽ Lộc Vừng là loại cây mà nhiều người ưa nhất. Thích không chỉ ở tên gọi gợi nhớ chuyện “Vừng ơi mở cửa…” mà còn quý bởi chúng thuộc một trong bốn cây cảnh quý “sanh, sung, tùng, lộc” mà nghệ nhân ca tụng. Lộc vừng - có thân và gốc đẹp, hoa có hương thơm, được người ta ưa thích. Lộc vừng - tên khoa học là Barringtoria acutangula Gaertn , nằm trong bộ tam đa sinh vật cảnh: cây vạn tuế ứng với thọ, cây lộc vừng ứng với lộc và sung mang nghĩa sung túc, phúc lành. Loại cây lâu niên, tuổi thọ hàng trăm năm; lộc tía, hoa đỏ thõng dài. Chúng mọc nhiều ở thượng nguồn vùng sông Hương, sông Mã, sông Cả và ven bờ sông nước.

Thông thường cây Lộc Vừng mỗi năm cho hoa 2 vụ, vào các tháng 6 - 7 và tháng 10 - 11 âm lịch.


Trở lại Trang Chính