Chuyện đời Bạch công tử

Ngân Hà sưu tầm

Bạch công tử là một tay chơi nổi tiếng ở miền Nam những năm của thập niên 1920, 1930. Cùng với Hắc công tử, tức Công tử Bạc Liêu, ông để lại nhiều giai thoại về ăn chơi hoang phí. Tuy vậy, Bạch công tử cũng là người có rất nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương ở miền Nam khi đó. Ông là chồng của NSND Phùng Há.

Tên cúng cơm đầy đủ của Bạch Công Tử là Lê Công Phước, còn gọi là Phước George. Nghe đồn rằng cha của Phước là Đốc sứ Lê Công Xuân, người gốc Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, vốn làm giàu nhờ nhiều ruộng, nhiều của chìm của nổi trong các chuyện làm ăn mờ ám. Dòng họ Lê vốn có nhiều công lao với người Pháp thời ấy. cho nên ngoài nhưng ưu đãi trong công cuộc làm ăn, họ còn được chính quyền bảo hộ cho nhập Pháp tịch, bởi thế Lê Công Phước mới có tên là Phước George.

Ngay từ thuở thiếu thời, cậu Phước George đã được gia đình gởi sang Pháp du học. Và cũng giống như Hắc công tử Bạc Liêu, sau một thời học ở Pháp chỉ về nước ông chỉ có vỏn vẹn một cái bằng cấp … nhảy đầm. Thất thu về học vấn, nhưng lại bội thu về vốn liếng ăn chơi, thành tích lẫy lừng nhất của cậu Phước Geogre là mối tình với cô công chúa của Sa Hoàng Nicolas đệ nhị, lúc đó đang lưu vong ở Paris. Chàng Phước bằng tiền từ quê nhà gửi sang, qua trương mục ngân hàng, đã rút ra tiêu xài xả láng, quyến rũ được cô gái Nga vương giả thất sủng đang cần tiền.

Qua cuộc phiêu lưu tình ái đó, Phước George đã tiêu xài khá nhiều tiền của cha, đến nỗi Đốc phủ Xuân phải triệu hồi cậu ấm Phước về nước.

Bạch Công Tử – Phước George

Vốn trắng trẻo đẹp trai, và cũng để phân biệt với Hắc công tử, người ta đặt cho cậu Phước biệt danh Bạch công tử. Nếu so về tiền của thì có thể Bạch công tử có phần kém hơn Hắc công tử Bạc Liêu, song kể về ăn chơi thì có phần trội hơn, có lẽ do bản tính hào hoa, do đã từng mê hoặc được cả công chúa Nga. Có nhiều giai thoại về những cuộc ăn chơi, đốt tiền như đốt rác của hai cậu công tử này, mà tiêu biểu nhất là chuyện cậu này đốt giấy bạc cho cậu kia tìm của rơi. Chuyện như thế này: Một ngày kia, hai cậu Hắc -Bạch tham gia một bữa tiệc lớn tại nhà riêng của một người bạn chung. Trong buổi đó, lúc gầy sòng đánh bạc cho vui, Hắc công tử lỡ tay đánh rơi tờ giấy “oảnh” (giấy bạc Vingtpiastres – 20 đồng). Trong lúc Hắc công tử còn đang quờ quạng mò tìm dưới gầm bàn thì bất ngờ, Bạch công tử rút ngay tờ giấy “xăng” (cent – một trăm đồng), bật diêm đốt để soi cho cậu tìm tờ giấy 20 đồng. Đúng là một cách chơi khăm.

Tất nhiên, Hắc công tử căm lắm. Và cuộc trả đũa nghe nói đã diễn ra sau đó vài tháng, khá ngông cuồng. Hôm đó đích thân Hắc công tử mời bạn bè về quê nhà ở Bạc Liêu, mở tiệc thật linh đình. Trong số khách đó không thể thiếu Bạch công tử. Trong buổi tiệc, khi ăn đến món tả – pín -lù, Hắc công tử đã dùng cả một bao toàn giấy bạc bộ tư (giấy 100 đồng Đông Dương có in hình chiếc lư đồng) để dùng đốt lò.

Bạch công tử từng lập đoàn hát lấy tên là Huỳnh Kỳ. Gánh hát của Bạch công tử được tổ chức khá quy mô, ba chiếc ghe chài vận chuyển đoàn đi lưu diễn đây đó, được thiết kế như những chiếc du thuyền, và đặc biệt hơn nữa là cách bố trí của chủ nhà: chiếc thứ nhất có hai tầng, chia nhiều phòng, trong đó có phòng cho ông bầu Bạch công tử và các phòng để giải trí (đánh bạc, bida). Chiếc ghe thứ hai dành cho đào kép, có cả phòng tập tuồng. Còn chiếc ghe chỉ dành chở… đội bóng của gánh hát Huỳnh Kỳ. Đội bóng quy tụ nhiều cầu thủ có tiếng, được trả lương cao, chỉ để đá bóng mỗi khi gánh hát đi lưu diễn. Vào thời ấy, đội bóng đá này đã gây thích thú cho khán giả nhiều nơi…

Mục đích ban đầu của Bạch công tử là dùng đoàn hát để kiếm tiền, nhưng dần dần gánh Huỳnh Kỳ trở thành môi trường thuận lợi cho cậu công tử này tiếp tục đốt tiền. Ông Đốc phủ Xuân lúc đó đã già, kiếm tiền giảm nhiều … Thêm vào đó, với cách vừa làm ăn vừa phá của như Bạch công tử, nên chẳng mấy chốc nhà họ Lê mang những món nợ không thể ngờ nổi.

Lúc ấy Bạch công tử lại đưa đoàn hát đi xuất ngoại, diễn cho kiều bào ở Pháp xem. Họa vô đơn chí, thành công chẳng được bao nhiêu, nhưng khi trở về lại bị chìm tàu ở Địa Trung Hải. Của cải đổ xuống biển, chỉ may mắn là người còn sống sót. Lúc trở lại Sài Gòn, gần Bạch công tử trắng tay.

Lúc còn hưng thịnh, Bạch công tử từng tuyên bố ông sẽ không bao giờ nhờ vả người khác. Nếu có sạt nghiệp thì ông sẽ lái xe hơi ra Vũng Tàu và chạy thẳng xuống biển để kết liễu cuộc đời. Nhiều người cho rằng gọi là “ăn chơi” nhưng thực ra Bạch Công tử cũng chỉ lo cho gánh hát. Mặc dù vậy ông cùng với Công tử Bạc Liêu để lại khá nhiều giai thoại. Và trong giai đoạn đó, những người như Bạch Công tử, như thầy Năm Tú (người nhập cảng linh kiện về tổ chức lắp ráp và kinh doanh máy hát đĩa thời đó) đã có công trong việc phát triển cải lương Nam bộ. Vương Hồng Sển, trong hồi ký 50 năm mê hát của mình cũng viết: “Tôi có nhiều cảm tình riêng đối với Cậu Tư”.

Sau khi chia tay với nghệ sĩ Phùng Há, Bạch công từ ngày càng lún sâu vào nghiện ngập. Tài sản lần lượt bán hết, người ta thấy ông lang thang ở vườn Ông Thượng (nay là Tao Đàn). Mặc cho cơn nghiện và đói khát hành hạ, ông không hề ngửa tay xin xỏ hay nhờ vả ai.

Sau đó ông được một người thân mang về chăm sóc. Đó là ông Nguyễn Ngọc Phi, một điền chủ đất ở chợ gạo, con trai một người bạn thân của ông Lê Công Sủng, cha của Bạch công tử.

Cuối năm 1949, ông Nguyễn Ngọc Phi đưa Bạch công tử về về chăm sóc tại gia đình ông ở thị trấn Chợ Gạo. Nhưng vì hậu quả của nghiện ngập, Bạch công tử mất đầu năm 1950.

Mộ Bạch công tử trong một khu vườn ở xã An Thạnh Thủy – huyện Chợ Gạo

Theo ông Trương Ngọc Tường thì sau khi đã thành danh, nữ nghệ sĩ Phùng Há nhớ lại những người từng là ân nhân trước đây như thầy tuồng, đạo diễn, bà đã bỏ tiền ra xây mồ mả cho nhiều người. Trong đó có việc cải táng mộ Đốc phủ Lê Công Sủng và hai người con của bà với Bạch Công tử đưa về Sài Gòn. Riêng mộ Bạch Công tử thì vẫn còn tại Chợ Gạo.

Theo Hòn Ngọc Viễn Đông



Trở lại Trang Chính