Cá hồi sinh ký tử quy

Đinh Yên Thảo

Lưu Hà sưu tầm

Tháng Tám. Mùa của những con cá Hồi vượt thác, trở về nguồn – về lại nơi chúng đã sinh ra và lớn lên để đẻ trứng. Rồi chết đi. Đó là điều mà khoa học và những nhà nghiên cứu bảo vậy. Nếu thế, quả là một sinh vật lạ thường. Và tất nhiên kèm theo một dòng đời lạ thường. Dù là cá. Mời bạn hãy cùng chúng tôi đến thăm trại ấp cá quốc gia Leavenworth thuộc tiểu bang Washington, để tìm hiểu đôi chút về những con cá hồi, tức cá salmon đã quá quen thuộc với chúng ta. Cùng cách con người đã tiếp tay với tạo hóa để tạo thêm nguồn phẩm vật dồi dào cho con người ra sao.

Hồ cá con ngoài trời

Tôi vẫn nghe nhiều người từng đến Alaska, kể chuyện đến thăm những bãi nước đá sỏi mà loại cá hồi Alaska về làm ổ đẻ trứng trước khi chết. Câu chuyện thú vị, lạ lẫm, ít nhiều kỳ bí về một loài cá. Mà nghĩ khác hơn đôi chút, cũng có thể bảo rằng hành trình của chúng dễ làm chúng ta liên tưởng đến thân phận con người, xét theo khía cạnh triết học và tôn giáo. Dù có thể chỉ là sự ngẫu nhiên của một sinh vật tự nhiên. Như vô vàn sinh vật khác trên trái đất này. Câu chuyện từng nghe kể hay đọc qua loáng thoáng, tình cờ ghé ngang thăm trại ấp cá tại thị trấn Leavenworth cách Seattle đôi tiếng lái xe, tôi mới có dịp hiểu thêm về hành trình của những con cá hồi qua lời dẫn giải của những nhà chuyên môn tại đây.

Chúng tôi ghé thăm trại ấp cá hồi quốc gia Leavenworth khá vắng vẻ vào một buổi sáng tháng Bảy vừa qua. Rộng hàng trăm héc-ta và nhìn thẳng lên một ngọn núi khá đẹp, từng là trại ấp cá hồi lớn nhất thế giới và một địa điểm lịch sử của Hoa Kỳ hiện nay, trung tâm nghiên cứu và ấp cá này đã và vẫn đang tiếp tục hoạt động gần 80 năm qua. Mỗi năm riêng trại cá này vẫn ấp và thả thêm xuống suối rạch thượng nguồn dòng Columbia hàng triệu cá hồi con, để chúng tự lớn lên rồi tìm đường ra biển, giúp tăng thêm sản lượng cá hồi cho ngư dân đánh bắt, bên cạnh nguồn cá hồi sinh nở tự nhiên.

Trại cá Hồi Leavenworth

Không hoạt động theo toàn bộ chu trình ấp cá cho đến tháng Tám này, nhưng trại vẫn mở cửa đón du khách các tháng Hè. Thay vì được chứng kiến tận mắt cảnh nhân viên ở đây lấy trứng cá, cho thụ tinh nhân tạo, đưa vào lò ấp… ra sao, người nhân viên hướng dẫn mở phim cho chúng tôi xem, tận tình giải thích và trả lời các câu hỏi.

Tháng Bảy, tháng Tám vào mùa như đã nói, khi ngư dân và những người câu cá bị cấm đánh bắt cá hồi vì là thời gian chúng đẻ trứng, thì ở đây người ta đánh bắt và mổ bụng những con cá mái bụng đầy trứng. Mỗi con cá mái có thể cho đến khoảng 5,000 trứng, được cho thụ tinh nhân tạo cùng tinh cá đực cũng được bắt sống về. Sau đó trứng thụ tinh này được cho vào các lò hấp trong một môi trường và nhiệt độ đã định để chúng phát triển và trở thành những bọc trứng, rồi cá con. Người nhân viên bảo, tỉ lệ thành công là trên 95%, tức từ một con cá mái qua thụ tinh nhân tạo có thể cho đến gần 5,000 cá con, một tỉ lệ rất cao so với tỉ lệ sống sót của cá con được sinh nở tự nhiên, chỉ chưa đến 20% vì bị các loại cá khác ăn thịt từ khi còn rất nhỏ.

Cá hồi con nhân tạo này được nuôi trong các hồ được bơm nước từ các suối rạch để chúng phát triển và làm quen với môi trường tự nhiên mà chúng sẽ được thả vào. Tất nhiên những điều này được thực hiện qua nhiều trình tự, thời gian cùng các kỹ thuật công phu, tân tiến hơn đôi điều chính mà tôi vừa kể sơ cho bạn, cho đến khi người ta thả cá con trở lại suối rạch vào đầu mùa Xuân, độ khoảng tháng Tư. Cá nhân tạo đã qua “huấn luyện” – đã đủ sức tự sinh tồn này sẽ hợp cùng những bầy cá tự nhiên, tự sinh sống, trưởng thành rồi tìm đường ra biển.

Cá hồi có nhiều loại, loại cá hồi Alaska, cá hồi Ðại Tây Dương, cá hồi Thái Bình Dương. Trại cá Leavenworth này chủ yếu cung cấp cá hồi Chinook, loại cá hồi Thái Bình Dương, có thể sống ở nước ngọt, lợ hay ngoài biển lớn. Các tài liệu chuyên môn của các trại ấp cá quốc gia này bảo rằng những con cá hồi được thả ra từ đây phải vượt qua khoảng từ 800 đến 1,000 cây số mới ra đến Thái Bình Dương. Không kể thêm chuyện phải vượt qua bảy đến chín con đập thủy điện, tùy theo địa điểm chúng được thả. Như vậy, hành trình ra biển rồi “về nguồn” là gần hai ngàn cây số, trong khoảng thời gian từ hai đến bốn năm.

Ðể giải thích thêm điều này, người nhân viên dẫn chúng tôi đến một màn ảnh phát hình trực tiếp, từ các máy quay phim lắp đặt ngay dưới các sông hay suối rạch thu các hình ảnh sống thực những con cá hồi trưởng thành đang tìm đường quay trở lại nơi suối rạch mà chúng đã ra đi. Quả là một kỳ tích bí ẩn của một loài cá. Cá con sinh ra, lại tìm đường ra biển. Rồi quay về. Ðời này sang đời khác. Cứ vậy tiếp diễn. Làm sao cá hồi có thể tìm được đường trở về chốn xưa như vậy để đẻ trứng trước khi chết, nếu chúng không bị những con gấu chực chờ đầu nguồn chặn bắt ăn thịt? Tôi tự hỏi, từ bao giờ, ai đó đã biết câu chuyện này để đã đặt tên cá salmon là cá “hồi”, mang nghĩa “trở về”? Sinh ký tử quy, sống gửi thác về. Hiểu theo nghĩa đen của câu nói, hành trình của cá hồi quả là vậy.

Khay ấp trứng cá đưa vào lò

Khoa học biết rằng cá hồi đã thật sự trở về nhưng không hiểu rõ tại sao chúng có khả năng xác định phương hướng như vậy. Hai ngàn cây số. Con người khó, hay đúng hơn là không có khả năng tự đi và về lại chốn cũ chỉ theo bản năng. Lại càng chẳng phải ai cũng có thể quay về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, để về cùng nơi khởi đầu.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cá hồi, cũng như chim bồ câu và các loài thiên di hoặc lạc đà, những con vật định hướng rất giỏi, có thể có một “giác quan thứ sáu” mà khoa học gọi là “từ giác” (magnetoreception), một khả năng cảm nhận (hay thu nhận) từ trường trái đất để từ đó xác định được vị trí, tọa độ. Hoặc cũng có thể những loài vật này dựa vào “ký ức khứu giác” (olfactory memory), khả năng nhớ, hồi tưởng nhờ vào mùi vị để lần dò về chốn xưa. (Hay người xưa?). Là gì thì đó là chuyện của những nhà khoa học. Với tôi thì đoán (mò) rằng, có thể cá cũng biết … “hỏi đường”, biết đâu chúng cũng có ngôn ngữ giao tiếp của mình để dò hỏi. Ðó là vì tôi nhớ đến câu chuyện cá cha Marlin đi tìm con trong bộ phim hoạt hình “Finding Nemo” của Pixar.

Các bể nuôi cá con

Trại ấp cá hồi Leavenworth này không phải là trại ấp duy nhất mà có cả hàng chục, hàng trăm trại ấp quốc gia và tiểu bang tại khắp các vùng Tây Bắc cùng những tiểu bang khác. Họ làm việc quanh năm, nuôi ấp vô số loại cá khác nhau để thả vào sông rạch, biển cả, tạo thêm nguồn thực phẩm cho con người. Hành trình cá hồi có lạ thường bao nhiêu thì bàn tay và trí tuệ con người quả phi thường bấy nhiêu. Chim trời, cá biển, cây rừng. Những nguồn phẩm vật trời ban tưởng như vô tận nhưng sẽ cạn kiệt hay tiếp tục sinh sôi nảy nở tùy thuộc vào việc con người có biết gìn giữ và trân trọng hay tàn phá môi trường và hủy hoại thiên nhiên. Những trại ấp cá như thế này chỉ là một phần rất nhỏ để trả lời tại sao có sự khác biệt giữa quốc gia này với quốc gia khác. Và tại sao đất nước này lại hùng cường đến như vậy.

Thời gian ấp


Trở lại Trang Chính