Tùy bút : Tìm về "Một Thoáng Hương Xưa"…

Qua tà áo Lemur

Hồng Tước (Trưng Vương 1958-1965 )

Một Thoáng Hương Xưa

Thành phố Little Saigon của miền nam California dễ thương và ấm áp… nơi đây tập trung đông người Việt và đã tạo thành một địa điểm có nhiều sinh hoạt văn hóa phong phú và đa dạng.

Thỉnh thoảng tôi hay ghé qua Viện Việt Học, gần nhà, xem có chương trình văn hóa hay buổi trình diễn ca nhạc nào hấp dẫn… Hôm ấy, vào năm 2012, tôi tình cờ đến Viện và gập nhóm bạn, loại nghệ sĩ “tài tử”, đang đứng trong hành lang, bàn tán ríu rít và chọn lựa hình mẫu y phục bày trên mặt bàn… Tò mò, tôi đến gần rồi cũng cầm từng trang lên xem.

Bất ngờ có một người lạ, lễ phép hỏi: “Thưa chị, tôi có thể giúp gì cho chị?”

Giật mình, tôi hỏi ngược lại: “Xin lỗi, có phải anh Đạt, con ông Cát Tường?”

Anh ta trả lời: “Thưa chị không, tôi là Nguyễn Trọng Hiền, con trai thứ của ông Cát Tường, và Đạt là anh của tôi. Anh Bùi Đường tổ chức Đêm Ca Nhạc Tiền Chiến, nhờ tôi tái tạo y phục Lemur cho các cô xướng ngôn viên và ca sĩ… để tạo nét ngày xưa!”.

Tôi nhìn anh và tự giới thiệu: “Tôi là Hồng Tước, con gái bà Phụng.”

TV Hồng Tước

Chỉ nói có vậy mà anh Hiền vồn vã như gặp lại... cố nhân!

Anh hỏi tôi một tràng: “Bác gái bây giờ ở đâu? Ra sao? Các anh chị thế nào? v.v...”

Tôi trả lời anh từng câu hỏi.

Cuối cùng anh hỏi: “Chị có biết ngày xưa Mẹ của chị, tí nữa lấy Bố tôi không?”

Tôi trả lời: “Dạ, tôi cũng nghe mẹ kể, hồi xưa ông rất thân với gia đình. Khi còn bé, tôi biết sơ là ông Cát Tường, một họa sỹ nổi tiếng vẽ y phục phụ nữ tân thời và ông bà ngoại định gả mẹ tôi cho ông ấy!”

Anh Hiền tủm tỉm cười, rồi nói: “Cũng may, nếu Bố tôi mà lấy mẹ chị, thì bây giờ… chắc không có chị mà cũng chẳng có tôi… Chúng mình đâu có cùng đứng đây nhỉ?”

Chúng tôi nhìn nhau rồi cùng phá lên cười… Anh Hiền hỏi thăm các bác, các cậu, các dì của tôi… Thời 1930’s, các bà đều mặc Y Phục Lemur, họ thân thiết và quí mến vợ chồng bác Cát Tường.

Từ phải: bác Cát Tường, dì Diên, mẹ Phụng, dì Nhạn, dì Minh Đỗ, bác Loan, cậu Thiều, cậu Tố

Năm ấy, họ bên ngoại tổ chức “Ngày Họp Mặt Đại Gia Đình Họ Đỗ Đình ” tại Diamond Seafood, cuộc hội ngộ do lời yêu cầu của một cô cháu trẻ, ước muốn làm gia phả họ “Đỗ Đình tại Hoa Kỳ” và tạo cơ hội cho thế hệ sau có dịp nhận họ hàng. Nhân dịp, tôi mời anh Hiền đến dự buổi “Họp Mặt”, và anh vui vẻ “nhận lời”. Khi đến dự, anh chăm chú đứng xem từng tấm ảnh từ thời xa xưa, được trưng bày trên bảng.

Mẹ Phụng - 1939 Dì Nhạn - 1940

Anh Hiền rất vui khi thấy ảnh mẹ và dì trong y phục Lemur, vai cắt chéo (sau gọi là Raglan).

… Qua tà áo Lemur

Ít lâu sau, anh Hiền cho biết: anh là thành viên trong Ban Tổ Chức Kỷ Niệm Phong Hóa Ngày Nay, vào tháng Bẩy năm 2013, và đây cũng là dịp 50 năm giỗ Văn Hào Nhất Linh. Anh phụ trách phần diễn giải về cuộc Cải Cách Y Phục Phụ Nữ của Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường. Anh ngỏ ý nhờ tôi liên lạc Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, xem chúng tôi có thể thực hiện một buổi trình diễn Y Phục Phụ Nữ Lemur trong ngày kỷ niệm.

Khởi đầu, tôi và anh Hiền dàn xếp cuộc họp mặt nhỏ gồm: Vương Mai Phương – Tân Hội Trưởng Trưng Vương, Ngọc Diệp, Vũ Mai Khanh – Trưởng Ban Văn Nghệ, cùng tôi và anh Hiền, tại nhà hàng Mon Ami. Anh Hiền trình bày: “Đây là một tiết mục hoàn toàn về Lịch sử và Văn Hóa Việt Nam”, lý do anh chọn Trưng Vương vì những Nữ Sinh, tiền thân của trường, tại Hà Nội thời 1930’s, là những thiếu nữ đầu tiên mặc đồng phục “Tân Thời Lemur”, vì thế anh mời các chị Trưng Vương hợp tác. Anh đưa chúng tôi xem nhiều tài liệu, sưu tầm trên 10 năm, chúng tôi thích lắm, nhưng lại ngại, không biết có làm được không? và nếu không làm đến nơi, thì sợ hổ danh tên trường… Chúng tôi xin hoãn binh để dò xét nội bộ.

Trong những lần thảo luận, chúng tôi thấy có nhiều trở ngại:

- Trưng Vương chúng tôi rất ít trình diễn trước công chúng… ngoài buổi Gây Quỹ cho Ngày Lễ Hai Bà, các chị em tôi chỉ xuất hiện trong những hoạt động của Hội.

- Chúng tôi ra trường trước năm 1975, không còn tươi trẻ… để làm người mẫu "trình diễn thời trang”… e bị mắng!

- Tìm đâu ra nguồn tài trợ để tái thiết mấy chục kiểu y phục do ông Cát Tường vẽ ?

Sau đó Vương Mai Phương và Vũ Mai Khanh bàn thảo với nhau, xếp đặt buổi giới thiệu anh Hiền để hội ý với ban Văn Nghệ Trưng Vương tại nhà hàng Song Long… Rồi những buổi họp kế tiếp, việc hợp tác được các bạn ủng hộ: Đây là một chương trình văn hoá, đề cao vẻ đẹp phụ nữ, các chị cũng thích đóng góp vào việc bảo tồn Văn Hóa Việt Nam và làm sống lại công trình cải tiến Y Phục Phụ nữ Lemur.

Những “sáng kiến” và sự may mắn đã giúp vượt qua những thử thách:

- Thay vì dùng tên “Trường Trưng Vương”, chúng tôi đổi thành tên “Một nhóm cựu nữ sinh Trưng Vương”.

- Đề cử Trưng Vương Lê Bảo Sơn làm trưởng nhóm “Chương trình Lemur”, đây là sự lựa chọn tuyệt vời, vì mẹ của Bảo Sơn, ngày xưa là người đã ủng hộ phong trào Cải Tiến Y Phục Phụ Nữ và cô “Người mẫu đầu tiên” Nguyễn Thị Hậu lại là bạn thân của cụ!

Với lối quản trị bằng cách nói “thủ thỉ, nhẹ nhàng và… nhiều kiên nhẫn”, Bảo Sơn đã hướng dẫn cả nhóm, lần lượt vượt qua tất cả các thử thách.

- Số người tình nguyện tham gia vào nhóm trình diễn tăng cao.

- Hầu hết các chị em tự ý xuất tiền mua vải và trả tiền công may y phục của mình.

Sau hơn 3 tháng tập dợt và chuẩn bị:

- Chọn y phục cho từng người, lựa vải theo dáng người và mầu da.

- Tìm thợ May khéo để may y phục kiểu Lemur.

- Lùng kiếm nữ trang, nghiên cứu cách thoa son, nhồi phấn và lối cuộn tóc ngày trước.

- Soạn thảo chương trình chi tiết, tuyển lựa ca sĩ , bài hát và chọn lọc nhạc đệm làm nền cho buổi trình diễn.

- Luyện tập cách đi “cat walk”, đứng, nhún, xoay và… cười duyên.

- Cố gắng tập dượt, có hôm tới 1 giờ sáng mới về tới nhà. Đặc biệt, anh Hiền, tuy lâm trọng bệnh, nhưng chưa vắng mặt hay trễ nải buổi tập nào.

- Sự nhiệt tình bảo trợ, cố vấn kỹ thuật của đài SBTN, Giám đốc Nguyễn Tự Cường, anh Trúc Hồ, Diệu Quyên và nhất là sự góp sức của Bác Sĩ Phạm Hoàng Trung.

Đến ngày trình diễn 6/7/1913 - Thú thật, chúng tôi hồi hộp từ lúc mở màn cho đến phút cuối, và không tưởng tượng nổi, một sự thành công bất ngờ như thế: Những bộ y phục Lemur bằng lụa, đủ mầu, trang nhã và vui tươi đã thay thế những bộ y phục cổ truyền ảm đạm và đen tối… Các cô em Trưng Vương với những kiểu tóc rẽ lệch của thời 1930’s, đầu vấn khăn nhung, cổ đeo kiềng vàng, vai khoác khăn san nhẹ nhàng bước theo tiếng dương cầm, những “bài hát tuyển” do các ca sĩ nhà nghề trình diễn… đã đưa khán giả trở về một thời “vang bóng”. Các cô tuy là những “người mẫu bất đắc dĩ “nhưng đã xuất sắc làm tròn nhiệm vụ: Tươi vui, óng ả và lịch lãm trên sân khấu.

Anh Hiền, sau này tâm sự: “Cơ duyên mà chúng ta gập gỡ tại Hội Việt Học, đưa đến sự hình thành buổi trình diễn Y Phục Tân Thời, do các nữ sinh Trưng Vương trình diễn, thật là ngoạn mục! Hầu như ở trên kia, có cha mẹ chúng mình phù hộ…”

Riêng tôi, vẫn như còn mơ cảm… Ước chi, tôi được một lần, trở về mái nhà xưa, trong vườn cây ăn trái sum xuê và xanh ngát, trên đồn điền La Ngạn của ông ngoại. Bao năm tháng phôi pha, giờ đây, chắc chỉ còn lại một căn nhà hoang vắng, phủ kín rêu xanh, cây cối xác sơ… Tôi muốn tìm lại những ngày ấu thơ, quấn quít bên mẹ… bao nỗi nhớ nhung, tràn đầy tâm khảm, những hình bóng của người bác, người mẹ và người dì… thanh tao và nhẹ nhàng. Ôi một thoáng hương xưa sao hạnh phúc và êm đềm quá!

Hồng Tước

Mùa hoa Anh Đào 2014

Xin mời vào đường link dưới đây coi video " Buổi trình diễn Áo Dài Cát Tường Le Mur " :

Sử Học - AO DÀI CÁT TƯỜNG - TRADITION VIETNAMESE DRESS (1930-1940)