Lara's Theme - Hỡi Người Tình Lara

Người Yêu Tôi Đâu

Lê Ngọc Phượng


Lara's Theme là bản nhạc nền do Maurice Jarre soạn cho phim Doctor Zhivago.

Bác sĩ Zhivago _ Doctor Zhivago là một phim của Anh được sản xuất năm 1965 do David Lean đạo diễn và dựa theo truyện nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nga Boris Pasternak. Cuốn tiểu thuyết đã được Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải Nobel về văn học năm 1958, bị cấm phát hành tại Liên Bang Xô viết cho mãi đến năm 1988.

Phim giành được năm giải Oscar:

1. Chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng cảnh trí và màu sắc: John Box; Terence Marsh; Dario Simoni

2. Quay phim: Freddie Young

3. Thiết kế trang phục: Phyllis Dalton

4. Nhạc phim: Maurice Jarre

5. Kịch bản chuyển thể: Robert Bolt

Phim được đề cử năm giải Oscar khác:

1. Phim hay nhất

2. Đạo diễn xuất sắc nhất

3. Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Tom Courtenay

4. Biên tập xuất sắc nhất

5. Âm thanh xuất sắc nhất

Phim cũng giành được năm giải Quả cầu vàng cho Phim chính kịch hay nhất, Đạo diễn phim chính kịch xuất sắc nhất, Nam diễn viên phim chính kịch xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Nhạc phim xuất sắc nhất.

Phim trình bày theo lối kể chuyện xen kẽ nhau hai cảnh đời của Yuri và Lara cho đến khi hai người yêu nhau và xa nhau, với nhạc phim "Lara's Theme" réo rắt làm nền, thiết tha trong tiếng đàn balalaika. Phim đã thành bất hủ trong hơn bốn mươi năm qua, đã khiến cho tên tuổi của nhà đạo diễn phim David Lean, và hai tài tử Omar Sharif cùng Julie Christie đi vào huyền thoại.

Phim đã được chiếu ở Sài Gòn, nhiều tuần lễ, ban đầu là ở rạp Rex, sau đó luân phiên ở các rạp Lê Lợi, Vĩnh Lợi,...

Trong nhiều thập kỉ và cho đến năm 2014 vẫn là phim có doanh thu cao thứ tám mọi thời đại, không tính lạm phát. Và Lara's Theme cũng là giai điệu đi cùng năm tháng!

Diễn viên đóng vai Doctor Zhivago Omar Sharif tuy chỉ được giải Quả cầu vàng nhưng qua phim này ông đã trở nên rất nổi tiếng là người đàn ông đẹp nam tính sau ông vua Clark Gable.

Chuyện phim, giống các tiểu thuyết Nga khác như Chiến Tranh và Hòa Bình, Anh Em Nhà Karamazov, đều có rất nhiều tình tiết và nhiều nhân vật; và thường xoay quanh người đàn bà. Boris Pasternak được giải Nobel, nhiều phần có lý do chính trị, vì đã đặc tả cuộc sống thê thảm dưới thời Nga Xô Viết.

Bản nhạc phim với tên Lara's Theme còn có tên Somewhere My Love thì vinh dự hơn, được giải Oscar cho nhạc phim hay nhất. Tác giả của nó Maurice Jarre (1924_2009) như vậy đã 3 lần nhận được Oscar cho nhạc phim:: Lawrence of Arabia (1962), Bác sĩ Zhivago (1965), và A Passage to India (1984).

Omar Sharif

Boris Pasternak (1890_1960)

Xin mời nghe

Connie Francis với Somewhere My Love

Lời Anh:

1 .

Some where my love

There will be songs.. to sing

Al-though the snow

Co-ver the hop of spring...

2 .

Some where a hill

Blos-soms in green.. and gold

And there are dreams

All that your heart.. can hold...

3 .

Some... day...

We'll meet a-gain my.. love...

Some... day...

Wheren e-ver the spring... through.../dd>

4 .

You'll.. come.. to me...

out of a - long.. a - go

Warm as the wind

Soft as the kiss.. of snow...

5 .

Till then my sweet

Think of my now.. and then

God speed my love

Till you are mine.. a-gain...

God speed my love

Till you are mine.. a-gain

Và các phiên bản khác:

Ray Conniff & The Singers

Maurice Jarre

Andy Williams

Al Martino (1967)

Frans Sinatra

Tereza Kesovija "La chanson de Lara". (1967)

Adré Rieu

Richard Clayderman

Như thường lệ những bài hát hay như tế này được các nhạc sĩ VN viết lời Việt (không biết có phạm bản quyền? hay hồi đó chưa có luật bản quyền ?).

Đầu tiên phải kể bài của nhạc sĩ Phạm Duy:

Hỡi Người Tình Lara (LV Phạm Duy/Ngọc Lan) (Thanh Lan/pre 75)

Người tình thương nhớ

Hãy lắng nghe lời mặn mà

Dù mùa Xuân đã chôn vùi bởi làn tuyết kia

Ngọn đồi trắng xoá sẽ có hoa mọc đầu mùa

Mộng đẹp như cũ, ân tình còn về với ta

Người yêu ! Chúng ta còn yêu nhau nhiều

Còn theo mùa Xuân vào tình yêu, tình yêu.

. . . . . .

Người tình sẽ đến

Người đến quên cả lạnh lùng.

Và nụ hôn ấm như là từng làn tuyết hôn

Chờ ngày sẽ tới tìm đến bên người bạn đi

Người em yêu hỡi

Nhớ thương đi đi chớ phai.

Cũng có một phiên bản tiếng Việt khác của Trường Hải:

Ca Sĩ Mỹ Hòa hát Người Yêu Tôi Đâu (Dr Zhivago/Trường Hải 12)

Một phiên bản tiếng Việt khác là của nhạc sĩ Xuân Vinh

Người Yêu Tôi Đâu

Nhìn dòng sông sâu

Lờ lững uốn quanh nhịp cầu

Lòng nghe bâng khuâng

Mơ những ngày xưa ái ân...

Thuyền tình rong chơi

Lạc lối trôi theo dòng đời

Hồn nghe chơi vơi

Nhớ đến người yêu xa xôi...

Ngày xưa...

Lúc ta gặp nhau trong vườn.. mộng...

Ngập ngừng...

Hồn anh tỏ đôi câu thương nhớ...

Rừng cây xôn xao

Lạnh lẽo gió heo may về

Hồ gương gợn sóng

Nhớ ai lệ dâng.. mắt trong...

Người yêu tôi đâu

Để đến chia xẻ nỗi sầu

Người tôi yêu dấu

Nỡ để hồn tôi quạnh hiu...

Người tôi yêu dấu

Nỡ để hồn tôi quạnh hiu...

Xin mời đọc lại một bài "Tạp Ghi" của cô Quỳnh Giao:

Julie Christie – Ngày Lara Trở Lại

Julie Christie trong vai Lara

Ngày xưa, Lara đến với chúng ta từ... nước Pháp.

Tác phẩm Docteur Jivago của văn hào Nga đến trước bằng Pháp ngữ, sau đó mới có Doctor Zhivago bằng Anh ngữ, rồi cuốn phim của đạo diễn David Lean người Anh, do các công ty Pháp phân phối qua Việt Nam.

Và nàng Lara Antipova thời ấy nói tiếng Pháp! Nhạc phim do Maurie Jarre, cũng người Pháp, viết cho tác phẩm - Lara's Theme - được gọi là Chanson de Lara, Ca Khúc của Lara. Một ca khúc không lời, với dàn nhạc đại hòa tấu và mấy chục cây đàn balalaika của âm nhạc Nga. Carlo Ponti, phu quân người Ý của Sophia Loren là nhà sản xuất.

Chúng ta có thể đã quên hết những chi tiết quốc tế ấy và chỉ còn nhớ nàng Lara mắt xanh ứa lệ, tóc vàng như màu lúa chín, dưới nét diễn tả của Julie Christie. Năm 1965 đó, khi phim Doctor Zhivagoxuất hiện, chiến tranh ở trong Nam đã lấn át mọi sinh hoạt khác, nhưng càng khiến người ta thương nàng Lara trong thời loạn. Và ca khúc Lara đã trở thành một nỗi ám ảnh khó nguôi cho nhiều người...

Với nhiều người trong chúng ta, đấy là những bước đầu để nghe nhạc không lời, loại nhạc cứ bay bổng cùng với hình ảnh trong phim và chìm sâu trong tiềm thức chúng ta.

Về sau, mãi về sau, ca khúc của Lara mới được ban nhạc Ray Conniff trình bày lại và thật sự trở thành ca khúc, một khúc hát với lời ca, là bài Somewhere My Love...

Nhờ Maurice Jarre, "Ca Khúc của Lara" trở thành nhạc phim quen thuộc nhất thế giới, và bài Somewhere my Love của Ray Conniff là loại ca khúc phổ thông nhất trong bốn chục năm qua.

Thế rồi, chúng ta lãng quên dần nàng Lara năm xưa mình đã thoáng gặp tại Sàigòn trong một thời lãng mạn, và quên cả Julie Christie, đã khuất nẻo trong một cảnh rất buồn ở cuối phim.

Cho tới gần đây...

Julie Christie sinh năm 1941 tại Assam của xứ Ấn Ðộ, nơi thân phụ là một chủ đồn điền khá giả. Nàng đi học tại Anh và bắt đầu xuất hiện trên màn ảnh truyền hình từ năm 1961, ở tuổi 20. Lúc ấy, chưa ai thấy gì, cho tới khi nàng bước qua màn bạc với phim Billy Liar vào năm 1963. Từ đấy, nàng có nét vượt trội và được giải Oscar năm 1965 với phim Darling, một hiện thân của sự thác loạn rất có vẻ ăn khách thời ấy tại Âu Châu.

Nhưng cũng năm 1965 đó, mọi người chỉ nhớ đến Lara qua tài diễn xuất của nàng. Hoàn toàn trái ngược, đẹp mà bi thảm. Nhiều người coi đi coi lại phim này và phát giác ra một chi tiết: Julie Christie có bàn tay vất vả! Người khác thì cho rằng nàng vất vả vì có mái tóc quá rậm. Xem phim mà nhìn ra "phá tướng" của diễn viên thì phải là người ghiền phim lắm. Số phận của nàng Lara đã khiến người ta suy ngược lên cuộc đời của Julie Christie! Có mấy khi mà ta gặp trường hợp nhập vai khiến khán giả nhập tâm như vậy?

Mà của đáng tội, Doctor Zhivago là một trong mấy tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất của mọi thời, với số thu vượt qua tổng số tất cả mọi phim khác của đại đạo diễn David Lean.

Chẳng biết chỉ tay của nàng ra sao thì người ta cũng thấy Julie Christie là một minh tinh không thích ánh sáng. Nàng không thích được nổi danh!

Ðôi khi nàng phải đóng phim vì... tiền, và nói thẳng như vậy, nhưng xong rồi thôi. Thường thì nàng chọn kỹ truyện phim và người thực hiện. Julie Chrisite là người đã từ chối nhiều phim có thể đưa nàng trở lại đài danh vọng. Chỉ vì, với nàng, điện ảnh không là đời sống. Hạnh phúc rất riêng tư kín đáo mới là đời sống đích thực.

Riêng tư kín đáo là khi nàng trở về sống trong một nông trại tại Anh, chứ trong những năm sinh sống gần Hollywood, từ 1967 đến 1974, nàng có cuộc sống rất Mỹ và mối tình bốc khói bốc tin với Warren Beatty! Có lẽ, tài tử điển trai, có tài và nhiều tham vọng này hiểu ràng khá rõ: "Julie Christie là người đẹp nhất, mà cũng có tâm lý bất an nhất!" Người như vậy thì không thể sống vui và sống mạnh tại Hollywood được. Nhất là với anh chàng Warren Beatty.

Tài tử Al Pacino của bộ phim Godfather thì có cách đánh giá khác. Ðược tờ Playboy hỏi là dưới con mắt chàng, ai là nữ diễn viên chàng muốn được đồng diễn, Al Pacino trả lời không do dự: Julie Christie, vì là diễn viên nên thơ nhất! "Poetic actress!" Có dịch là "nên thơ" hay "thơ mộng" e rằng vẫn chưa đủ.

Một người đẹp, mà ở tuổi 67 thì còn có gì là thơ mộng? Người ta có thể hỏi vậy!

Và có ngay câu trả lời trước mắt khi thấy Julie Christie bước lên sân khấu nhận giải Golden Globe vào tháng trước, rồi giải Screen Actors Guild Award vào tuần qua, nhờ vai nữ diễn viên chính của phim Away from Her. Vẫn nét đẹp khả ái, sang trọng, và lời phát biểu từ tốn điển hình của người sống với nội tâm hơn là cho quần chúng. Ðẹp quý phái, thông minh và nhũn nhặn, đấy là Julie Christie.

Trong phim Away from Her, do một người bạn gái người Canada làm đạo diễn và khẩn khoản mời đóng, Julie Christie thủ vai một thiếu phụ bị bệnh lú lẫn Azheilmer. Nàng từ chối nhiều lần mà sau cùng nhận lời vì nể bạn là Sally Potter. Và phải được hóa trang cho già hơn, xấu hơn, lụ khụ hơn. Tuổi già không thể rượt theo người nghệ sĩ đích thực ấy, Julie Christie diễn xuất quá hay nên người ta chờ đợi nàng sẽ còn quay trở lại, với hai giải quan trọng nhất của điện ảnh là Academie Award của Hoa Kỳ và giải BAFTA của Anh.

Julie Christie nhận giải diễn viên nữ xuất sắc nhất trong giải thưởng hàng năm lần thứ 14 của Hiệp Hội Tài Tử Điện Ảnh (14th Annual Screen Actors Guild Awards) cho vai trò trong phim Away from Her- 27.1.2008.

Ngày xưa, ở tại Sàigòn, Lara đã mở ra cho chúng ta những khung trời thơ mộng và bi thương của một thế giới khác, trong một hoàn cảnh rất chung của tình yêu trong chiến tranh và hận thù. Những gì xảy ra sau đó tại Việt Nam còn vượt qua mọi sự bi thảm của tác giả Boris Pasternak và nhiều nàng Lara thật ở ngoài đời, ở trong thế giới của chúng ta, đã khiến mình có thể quên được người nghệ sĩ Julie Christie.

Bây giờ, bốn chục năm sau, nàng đã trở lại, lộng lẫy, nồng nàn và thông minh hơn bao giờ hết. Tài nghệ ấy không phai lạt với thời gian và còn đáng quý hơn nữa vì Julie Christie không thích ánh đèn màu và sự hâm mộ của quần chúng. Thích thì diễn xuất, thật hay, không thì thôi, nàng vẫn sống một cuộc đời phẳng lặng, bình thường.

Như trong một giấc mơ không thành của nàng Lara trong truyện...

Tạp ghi Quỳnh Giao

29-01-2008

Julie Christie

Thế còn cuộc đời của Doctor Zhivago _Omar Sharif ?

Diễn viên người Ai Cập này sinh năm 1934, sau Lawrence of Arabia (với Petre ÓTool), và Doctor Zhivago , trở thành thần tượng của quý bà (trong đó có vợ tôi)

Kể từ khi ly dị vợ, tôi chưa từng có một người yêu đích thực. Có lẽ chỉ là những cuộc phiêu lưu nho nhỏ. Cái điều mà tôi không bao giờ muốn, đó là sex mà không có tình cảm, nam diễn viên điện ảnh Ai Cập - người vừa đoạt giải thưởng Sư tử vàng LHP Venice 2003 tâm sự.

- Danh sách những "mối tình nho nhỏ" của ông cũng tương đối dài, từ Ingrid Bergman, Sophia Loren đến Babra Streisand... Tất cả họ đều bị khuất phục bởi sức quyến rũ của ông?

- Tôi thích cuộc đời của mình mô tả trên báo chí được trở thành hiện thực. Tôi muốn có tất cả những mỹ nhân này. Nhưng sự thực là chỉ có một người phụ nữ trong đời tôi yêu, đó là người vợ đầu tiên của tôi.

- Nhưng đã có hàng triệu phụ nữ yêu tài tử Omar Sharif của một thời vàng son?

- Vẫn luôn có những người hỏi xin chữ ký của tôi. Họ nói với tôi rằng: "Cháu xin cho mẹ cháu, bà ấy yêu ông". Nghĩa là ngoài đời còn có một vài bà mẹ yêu tôi. Nhưng đó là các fan, họ yêu nhân vật Zhivago, chứ không phải yêu Omar Sharif.

Đúng! Không phải ai cũng lạc quan như bạn mình! Chỉ cần nhìn lúc về già, ta sẽ thấy hình bóng ta trong đó!

Nhưng không phải đó là qui luật của cuộc sống sao ???Hãy cứ như Omar Sharif khi được hỏi:

- Ông có hài lòng khi nhìn lại quãng đời đã qua?

- Tôi chưa bao giờ mổ xẻ cuộc đời mình. Tôi yêu những thời khắc hiện tại. Hài lòng là một khái niệm mang tính lý thuyết, cứ như cuộc đời là một vật thể tròn trĩnh. Thực tế không như vậy. Cuộc đời giống như cái chai vỡ. Có đủ những vực sâu, thăng trầm, những vòng tròn mềm mại, và lởm chởm những góc cạnh sắc nhọn.

Lê Ngọc Phượng

Tháng 03 /2015

Xem lại bài cũ

Xem thêm