>Trang 3

NHỮNG CHÂN DUNG PHÁC HỌA

Thủy Nguyên – Cái tên như gợi về một điều gì đó của một sự bắt đầu, của nguồn cội, trong trẻo và an lành...

Tôi đang dạo bước trên con đường thiên lí, một ngày kia lạc vào khu vườn thi ca nơi ấy. Thú thực, tôi tưởng sẽ gặp ở đó những tiếng chim cuốc cuối mùa, hay những tiếng vạc giữa trời đêm lạnh! Nhưng bất ngờ thay, tôi nghe ở đó có tiếng ve râm ran bản nhạc đồng quê, có tiếng tu hú gọi về mùa vải và có cả những tiếng chim cuốc kêu khắc khoải dưới những bụi dành dành hoa trắng... một khu vườn thật xôn xao – thuộc địa của những tâm hồn đương trẻ lại!

Trong những âm hưởng ấy, tôi thấy có sự vụng dại của tình yêu, có thẹn thùng lúng liếng, có giận hờn, trách cứ, có nón trắng che nghiêng, có yếm đào tươi tắn... Những sắc màu, những âm thanh, những cung bậc ấy giao thoa giữa mơ hồ của không gian một vùng văn hoá!

Trong thế giới đa thanh, đa chiều và đa cung bậc ấy, những người đầu tiên tôi gặp là Quang Tiếp và Minh Tuý. Đó là hai tâm hồn, hai tiếng thơ khác nhau. Minh Tuý giàu triết lý, chiêm nghiệm:

Mẹ già như chuối chín cây

Thột nghe câu hát xót cay xé lòng

Mẹ đang còm cõi thân còng

Mà thời gian cứ níu cong cuộc đời

Và thường có tứ:

Một chiều mắc lưới duyên tơ

Một chiều chôn kiếp vô tư một chiều

Một chiều buộc nhớ vào yêu

Ngàn chiều để nhớ cho nhau một chiều

Nhưng tôi nghĩ, thế mạnh của Minh Tuý nằm ở mảng thơ thế sự, kể cả những câu thơ về tình yêu của anh.

Còn Quang Tiếp “bồng bột” hơn “tình tứ” hơn và đó mới chính là điểm mạnh của anh. Tôi rất thích những câu như: Nón nghiêng, cái lúm đồng tiền cũng nghiêng/ Vu vơ chao cái vơi đầy vu vơ/ Quàng xanh chồi lộc biếc... và:

Ngọt lịm bờ môi

Nụ cười như trẻ lại

Bàn tay anh vụng dại

Dắt em vào... xuân

Đó là những câu thơ xuất thần của anh, với cái đằm thắm của ý và mới lạ của tứ. Tôi thấy nơi anh ở là một cái nhà mặt phố nhưng bên trong lại là một mái tranh với hoa cau, hoa khế rụng mơ màng bên giếng nước!

Đi một quãng nữa tôi gặp một chú bé đang chạy ngơ ngác, ngửa mặt lên trời, đuổi theo quả bóng bay vừa tuột khỏi tay mình. Đừng cho chú là kì lạ vì quả bóng bay ấy có chị Hằng, có cây đa làng và chú Cuội - một người bạn chăn trâu. Đó là Nguyễn Văn Nam!

- Có vầng trăng bị đánh rơi

Ngày xưa, ngày xửa ở nơi giếng làng

- Vậy mà đêm mốt, đêm mai

Người ta đem ánh trăng cài ngọn tre

Tôi chưa bíêt Nguyễn Văn Nam là ai, nhưng hình như đó là một chàng thư sinh hay tiếc, hay hoài niệm và suy tư, trăn trở:

- Một chiều vắng tiếng “ầu ơi”

Giấc mơ gặp những chơi vơi chập chờn

- Vẫn là xanh bát nước chè

Mà như thiếu một đêm hè sáng trăng

Vẫn mòn lối tắt, lối ngang

Thiếu đi những bước chân sang ngõ gần

- Có mùa xuân về ngang ngõ

Đánh rơi một nỗi mong chờ

Chợt nhìn thấy mùa xuân cũ

Trở mình trong một vần thơ

Không biết những bài thơ này được viết tự bao giờ, nhưng tôi chắc nó được ra đời từ những cô đơn, trống vắng; viết để trả nợ với quá khứ, với quê hương và kí ức (một kí ức đẹp mà đượm buồn). Tôi tin Nam là người rất hiểu và trân trọng giá trị của quá khứ. Đọc thơ Nam tôi gặp hồn tôi trong đó!

Chợt một người từ dưới ruộng đi lên, vừa đi vừa ngâm nga câu hát nói. Tôi đoán đó là Lê Đình Lâm, bởi đã từng nghe đồn có một người vẫn “Trồng lúa và làm thơ”! Tôi cũng thấy ấn tượng với Lê Đình Lâm kể từ khi đó.

Lê Đình Lâm trước hết phải là một người thẳng thắn, đó là một tâm hồn tinh tế nhưng rất chân thành và giản dị, yêu cuộc sống: Tôi yêu tháng ba/ Trắng muốt hoa trinh nữ/.../ Mẹ già đi trảy hội/ Em phơi phới sân đình/.../ Tôi tìm trong cõi bao la/ Hương về cho quả, cho hoa vườn đời và:

- Tìm vần thơ toả ngát hương

Gửi đi bằng sóng con tim tặng đời

Một điều đáng quý, đáng trân trọng nữa ở Lê Đình Lâm là cái ý thức trăn trở về sứ mệnh của mình – người làm thơ trước cuộc đời:

- Chẳng mơ thơ tới cung mây

Chỉ mong vợi chút đắng cay cho đời

- Vần thơ vẫn cứ đa tình

Mà ta bạc tóc chưa thành thi nhân

Tôi nghĩ rằng những câu thơ này Lê Đình Lâm đã nói hộ nhiều người dù đã thành hay chưa thành thi nhân...

Dưới gốc đa, trước cổng đình làng, tôi thấy một người "thợ cắt tóc" vừa múa kéo vừa đọc thơ - Đấy là Nguyễn Dung với tấm biển kẻ chữ mảnh dẻ phía trên: “Người làm đẹp cho đời” !

Trong cái làng thơ nghiệp dư của chúng ta, Nguyễn Dung Là người chuyên nghiệp nhất; người nắm vững nguyên tắc sáng tác, chỉ huy được nguồn cảm xúc của mình. Đó không phải là tiêu chí hay chìa khoá của những bài thơ hay, nhưng điều đó sẽ cho ra đời những tác phẩm luôn ở tầm khá trở lên. Nghĩa là như ăn một bữa cơm ta không phải nhăn mặt khi gặp những hạt sạn. Vấn đề còn lại thì cũng như tất cả những người làm thơ khác: Đợi “nàng thơ” đỏng đảnh tới gõ cửa. Đó là lúc bừng sáng của tư duy gặp sự thăng hoa về cảm xúc, và kết quả của nó mới là những vần thơ hay, những câu thơ để đời.

Tôi đang nói về Nguyễn Dung, tôi nghĩ Nguyễn Dung cũng đã có những câu thơ như thế:

Chiều thả vào vu vơ

Gió đương thì xanh ngắt

Hay:

Chia tay nắng tắt còn lưu luyến

Gió thả bỏng chiều những dấu môi!

Thơ là mở ra một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó còn bị phong kín. Tôi chưa nghe và chưa nhìn thấy cơn gió nào như thế, nên tôi nghĩ, dẫu nhỏ thôi thì cũng là một cái mới trong thi ca mà Nguyễn Dung đã đóng góp.

Tôi cứ đọc đi, đọc lại hai dòng thơ này và trong một giây tôi bất giác nghĩ tới câu thơ này mà rơi vào tay một cậu học trò cấp 2 của tôi thì cậu sẽ chẳng ngần ngại hạ bút sửa “gió” thành “lúa” (vì trong tư duy logic của cậu ta điều đó là vô lí ).

Lúa đương thì xanh ngắt

Thế thì sao nhỉ? Thực quá còn gì? Và bình thường quá phải không?

Không! Bình thường mới chính là cái chết của nghệ thuật. Sự logic kia đã giết chết một câu thơ xuất thần. Đó chỉ là một từ, nhưng tôi nghĩ Nguyễn Dung hơn người và đóng góp được cái gì đó cũng chỉ bằng một từ mà thôi!

Thế mới hay, mỗi bài thơ đều được duy trì trên một mạch nguồn cảm xúc cao mà mỗi từ là một mạch nối. Bớt đi một từ, sửa đi một chữ có khi làm cả bức tường bằng thơ ấy sụp đổ. Thơ là một chỉnh thể của cảm xúc và trí tuệ. Nó không chỉ là vần, là nhạc, là ý, là lời mà sau những thứ kia là: Hồn người!

Thơ ca có cái logic riêng của nó, nhưng tuyệt nhiên không phải là thứ logic dung tục. Nó thiên về sự cảm hơn là sự hiểu. Thế mạnh của nó là sức gợi của ngôn từ hơn là dung lượng của sự kiện và tình tiết. Nó nằm giữa “khả giải” và “bất khả giải” nhưng không phải là cả hai. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, thế giới của thơ ca là thế giới của hình tượng và cảm xúc vì vậy khi tiếp cận với thi ca phải từ sự sâu lắng của tâm hồn, phải bằng tư duy hình tượng.

Trần Đình Thanh

(Giáo viên trường THCS Đông Sơn)

BAY LÊN TỪ LÒNG ĐẤT

Câu thơ giới thiệu khá hồn nhiên, khiến cho người đọc hưng phấn chú ý, với cái tên êm dịu ngọt ngào : “Nơi gửi gắm yêu thương” là tập thơ đầu tay của nhà thơ Hoàng Minh Luyện.

Cuộc sống của con người đa dạng và phong phú, tâm tư tình cảm con người cũng phong phú đa dạng, mỗi người mỗi vẻ được thể hiện bằng những vần thơ cá biệt khác nhau. Với Minh Luyện lấy thơ là nơi gửi gắm yêu thương, gửi gắm những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống đời thường; không đắng cay không trăn trở không lỡ dở duyên tình …Có lẽ nhà thơ đã mãn nguyện tràn đầy hạnh phúc chăng? Hơn 50 bài thơ trình làng chủ yếu là thể thơ tự do còn lại lại là thơ lục bát các thể khác cũng không đáng kể; Tác giả đã thể hiện rõ nét chủ đề của tập thơ là “Nơi gửi gắm yêu thương”của mình với nội dung gửi gắm ở nhiều góc độ khác nhau.

Nhà thơ ca ngợi Quê hương đất nước con người Việt-Nam; Tình yêu hạnh phúc gia đình và sâu đậm hơn là những ước mơ những cảm xúc riêng tư về tình người, tình thơ. Những nội dung đó trong thơ ca không mới, nó cũng không cũ khi nghệ thuật thể hiện của các nhà thơ biết đổi mới. Cảm xúc về quê hương tác giả gửi gắm vào con sông quê bằng những ký ức mặn mòi xa xưa:

(Con sông quê)

Năm tháng qua đi, cảnh vật đổi thay nhưng hình ảnh con sông quê vẫn đẹp mãi trong tâm hồn nhà thơ :

Chẳng những dòng sông mà cả hương lúa đồng quê cũng da diết sâu nặng trong lòng tác giả. Cái háo hức của phiên chợ Giá, sự vô tư hồn nhiên của tuổi mười lăm, niềm say mê với lễ hội mùa xuân, nỗi bâng khuâng trước cơn mưa rào mùa hạ…là những nỗi niềm sâu lắng của nhà thơ đối với quê hương:

(Tìm về)

(Tuổi mười lăm)

Và đây nữa :

Hồn mình đọng lại trong thơ đó

Một chút say thôi cũng đủ mong.

Con sông quê xưa, cây cầu Giá la đà

Trên cánh đồng Hưu, mẹ ngồi vơ dạ

Mênh mang một dải sông thơ

Đò ngang gác mái ngẩn ngơ giọng hò

(Tìm về)

Chợ Giá một tháng sáu phiên

Cô em xóm Trại có lên anh chờ…

Hay:

Má hồng đỏ lựng triền đê

Mắt em đựng cả chiều quê êm đềm …

Hội làng đã mở chưa em

Để anh gác mái thuyền xăm trở về

Khăn hồng một mảnh chung chiêng

Bơi trong ánh mắt ngả nghiêng sân đình.

(Bao mùa hát đúm)

Nhưng sâu đậm và mạnh mẽ nhất là những vần thơ tác giả viết về quê hương đổi mới ngày nay. Không da diết bâng khuâng hoài niệm thổn thức về quá khứ, mà hừng hực hào khí của cha ông thủơ trước, hiên ngang hùng vĩ của núi sông, ấm áp mặn nồng của tình đất, ngọt ngào tình người từ ngàn xưa, gấp gáp hối hả vươn tới của thời nay, tình yêu quê hương của tác giả như bốc cháy trong bài thơ : …

Tứ thơ bay lên

Sừng sững hiên ngang

Dãy Tràng Kênh hùng vĩ

Nhiệt điện Tam hưng

Xi măng Minh Đức

Thị trấn bừng lên

Mặt trời đỏ rực …

Theo con tàu vượt nẻo trùng dương …

(Viết từ Minh Đức)

Nhịp điệu bài thơ bừng lên rồi hạ xuống, nhẹ nhàng êm dịu, lắng đọng lại một tình yêu sâu thẳm, câu thơ yêu thương bay lên từ lòng đất mà nhà thơ đã “ đào” được thật hay.

Đất nước con người trong thơ Chị cũng thắm đậm tình người, nhân ái yêu thương qua các bài: Nhớ về Anh, Nơi hát khúc quân hành, Đi vào huyền thoại, Viết về chị yêu thương …có những câu thơ làm ta suy tư trăn trở:

ở nơi đây một miền sương gió

Có bao giờ anh trăn trở cho anh

Một cái tên trên mộ vô danh

Một giấc ngủ yên lành bên đồng đội

(Nhớ về Anh )

Xin cảm ơn nhà thơ đã nhắc chúng ta hãy luôn nhớ về quá khứ, trang sử hào hùng của dân tộc; Và cả trong hiện tại tình yêu tổ quốc, lòng tự tôn dân tộc của nhà thơ cũng thật dứt khoát mãnh liệt :

Dẫu có phải ngàn đêm thức trắng

Tìm lại trong ta Tổ quốc yêu thương

Chiến công này không chỉ của riêng anh

Của cả chúng tôi người hâm mộ vô danh…

(Người hùng dân tộc)

Bài thơ khắc hoạ không khí say mê cuồng nhiệt chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam rất chân thực, sôi động háo hức hạnh phúc, tự hào “ Người hâm mộ vô danh” câu thơ thật hay và ý nghĩa. Trở về với đời thường với gia đình những vần thơ của tác giả lại khác hẳn, tươi tắn dịu hiền trừu mến yêu thương tràn đầy hạnh phúc :

Yêu thương ơn đức ông chồng

Bình yên biển lặng bến mong thuyền về

(Bến chờ)

Còn gì thương nhớ bằng khi Ông Bà phải xa đứa cháu yêu quý của mình, bâng khuâng không sao quên được, nỗi nhớ mong da diết :

Bống về Hà Nội xa xôi

Chiếc giường khoảng trống, chiếc nôi…ru giường

Mỗi ngày là mỗi nhớ thương

Bà ra của ngóng trông đường ai qua…

(Bống ơi)

Những vần thơ đó man mác nỗi buồn trong thương yêu nhưng cũng thật hạnh phúc. Cũng như bài “ Mẹ Tôi”nhà thơ gửi gắm lòng mình vào những vần thơ thương cảm bùi ngùi, Mẹ đã đi xa những kỷ niệm xưa hiện về dồn dập xót thương, tưởng như mẹ vẫn còn đâu đây, ấn tượng nhất về mẹ của tác giả là miếng trầu cay là nỗi lận đận vì hiếm con trai, long đong vất vả cả đời vì chồng, vì con, như thân cò thân vạc lặn lội ven sông để nuôi con khôn lớn lên người. Nhà thơ thầm cảm ơn Mẹ, tự hào về mẹ bằng lòng kính trọng thương nhớ khôn nguôi :

Hương trầu ấm, lá trầu cay

Mùi thơm của mẹ tháng ngày theo con

Trước bàn thờ mẹ vong linh

Con têm dăm miếng trầu xinh dâng người.

(Mẹ Tôi)

Các bài viết về gia đình tuy không nhiều nhưng hồn thơ sâu nặng mặn mà, toát lên niềm hạnh phúc yên vui bình dị đầy hương vị yêu thương như các bài: Bến chờ, Sắc thu, Lòng Mẹ, Nơi Bố về, Ngất ngư hai đầu...hạnh phúc và vui sưóng, nhà thơ như thấy mình trẻ lại tuổi thanh xuân:

Các con mang về cho mẹ tuổi đôi mươi

Rồi mầm sống cứ vươn chồi xanh mãi

(Lòng mẹ)

Hay: …

Em sẽ dấu mùa thu đi mãi

Vít màu xanh nhuộm má tóc mềm…

(Sắc thu)

Nhưng khi buồn thì vần thơ của chị cũng day dứt đau thương, tím lịm trời chiều, chia sẻ nỗi niềm cay đắng mất con của người bạn :

Ráng chiều đỏ bóng hàng cau

Hoàng hôn nhuộm tím nỗi đau cuộc đời

Các con ơi ở đâu rồi

Sao không bên mẹ lúc trời bão giông? …

(Con ơi)

Lạc quan yêu đời và tình yêu cuộc sống thiết tha, đam mê thơ ca mãnh liệt tác giả nâng hồn thơ mình bay lên từ lòng đất Thuỷ Nguyên ấm áp mặn nồng. Những khát khao, những ước mơ cũng dội về theo mỗi bước chân bởi vì : người yêu thơ suốt đời đa cảm, chiếc lá vàng rơi cũng bảng lảng tâm hồn. Một dòng sông, một con đò, một nhành hoa dại, một vành trăng khuyết, một ánh mắt, một câu thơ, một lời nói cảm thông, Một mảnh trời riêng nhỏ bé mong manh …đã làm nhà thơ xao xuyến tâm hồn rạo rực trái tim, ẩn vào những vần thơ đa cảm trữ tình mơ mộng vấn vương như những bài:

Trăng, Tình si, Tình Anh, Giao thừa, Tình hoa dại, Có một dòng sông, Bàn tay ấy, Nếu phải xa nhau…Có những ý thơ hay và thật lãng mạn:

Sao không ghép lại hai vành khuyết

Có một vầng trăng sóng sánh xanh

(Trăng)

Hay :

Gieo hồn đắm đuối về phương ấy

Nỗi nhớ tình si khéo ngẩn ngơ

(Tình si)

Và cao hơn nữa khi :

Cầm bàn tay ấy trong tay

Nghe như trái đất ngừng quay trong mình

Nắng chiều gió nhẹ rung rinh

Ôi trong sâu thẳm phút mình nhìn nhau…

( Bàn tay ấy)

Tác giả biểu lộ tâm tư cũng khá tự nhiên và mãnh liệt :

Ai tương tư có một thời

Còn tôi ôm mộng cả đời tương tư

(Tương tư)

Tương tư là nỗi mong chờ thương nhớ trong tình yêu đôi lứa đơn phương của một người với một người, nó âm thầm da diết chưa biết bến bờ ra sao, nhưng thường cũng chỉ sảy ra trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng với tác giả lại cả đời “ Tương tư” đủ biết tâm hồn mơ mộng của nhà thơ bay cao biét chừng nào! Ngày nay khi cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ thì đời sống tinh thần, tình cảm con người cũng phát triển theo cao hơn nó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống :

Không tình yêu tâm hồn như phiêu lãng

Nỗi buồn dày, trái đất tưởng ngừng quay.

(Vắng tình yêu)

Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, nhưng con người bao giờ cũng khao khát vươn xa, đó cũng là lẽ thường trong cuộc sống, Bởi vậy nhà thơ cũng có lúc phải thừa nhận thực tế mà trăn trở day dứt trong lòng :

Đã bảo gói rồi, gói kỹ đem chôn

Lại bật nắp quan tài…Cho tình yêu trỗi dậy

Để đến nỗi phải :

ốm thật rồi… Khổ thật rồi…

Nước mắt chứa chan…

(Lập trình trái tim)

Thao thức nỗi lòng trăn trở giữa chung và riêng giấc ngủ đến thật là khó khăn, phải âm thầm nằm đếm một, hai, ba… rồi giấc ngủ yên lòng cũng đến vì:

Khoảng trời chung rộng lớn mênh mông

Ta nhỏ bé, khoảng trời riêng Hai, Một.

(Đếm)

Tất cả là lòng đam mê say đắm tình yêu thơ ca của tác giả mà thôi, khát khao, ước vọng, mơ mộng trong “Nơi gửi gắm yêu thương”cũng là tâm tư tình cảm chung của mọi người, tác giả đã đạt được về nội dung của tập thơ; Song về nghệ thuật nhìn chung câu thơ mượt mà chải chuốt, chọn lọc, ý tứ sâu sa, các bài thơ viết đều tay ít có bài thật nổi trội. Về từ ngữ có đôi chỗ cần cân nhắc chẳng hạn như :

Con sông quê xưa, cây cầu Giá la đà

Trong ca dao có câu : “Gió đưa cành trúc la đà” hay truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu:

“Hải đường lả ngọn Đông Lân, Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”. Chỉ có cành lá mới bị gió thổi đung đưa lúc lên cao lúc xuống thấp chứ cây cầu Giá bằng gỗ dù cũ kỹ khi xưa cũng không thể đung đưa la đà được.

“Bến chờ” là bài thơ hay nói về niềm vui hạnh phúc gia đình, lời thơ lưu loát nhẹ nhàng, tả cảnh sinh động, nhưng câu : “Yêu thương ơn đức ông chồng” thì chưa hoà nhập đúng ý của bài thơ. Vì rằng ta còn nhớ ca dao xưa cũng có câu:

Ông ơi cho tôi mượn cái gàu sòng

Tôi tát nước cạn cứu đức ông chồng tôi lên

Câu “đức ông chồng” mang tính hài ước, mà nhà thơ lại không định hài ước trong bài “Bến chờ”. Nếu thay “ơn đức ông chồng” bằng “ tình nghĩa vợ chồng” thì bài thơ hoàn hảo, chặt chẽ hơn.

Tháng 5 / 2011

Hạ Vũ