home

Đào Tấn - tuồng hát bội 

Tư liệu luận văn của Trần Hà Nam thu thập trên mạng 

Tuồng Đào Tấn (1845-1907)

A. Đôi nét về tiểu sử

Đào Tấn tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, khi ông về ẩn trên núi có thêm một tên hiệu nữa là Mai Tăng. Ông sinh ngày 27 tháng 2 năm ất Tỵ (1845 - Thiệu Trị năm thứ 5) tại làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, Tỉnh Bình Định. Thuở nhỏ Đào Tấn theo học ông Nguyễn Diêu, tức cụ Tú tài Nhơn Ân. Nguyễn Diêu vốn là một nhà soạn tuồng nên Đào Tấn sớm chịu ảnh hưởng ở thầy. Năm 1867 (Tự Đức thứ 20) Đào Tấn đỗ Cử nhân, lúc đó ông mới 22 tuổi. Bốn năm sau ông được thọ hàm Kiểm tịch sung vào Ban Hiệu thơ ở Huế. Ban Hiệu thơ thực chất là Ban Sáng tác tuồng do chính vua Tự Đức làm chủ. Năm 1874 ông được thăng Biên tu rồi Tu soạn kiêm Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình), sau đó thăng Thừa chỉ rồi Thị độc nội các. Năm Tự Đức thứ 33 (1880) Đào Tấn được thăng Thị giảng học sĩ - Tham tá các vụ. Năm 1881 ông được thăng Hồng Lộ tự khanh, lãnh Phủ doãn Thừa Thiên. Sau khi Tự Đức chết, Đào Tấn bỏ quan về nhà nên bị triều đình hạ 4 bậc. Thời gian ở quê nhà có lãnh tụ Cần vương Mai Xuân Thưởng đến mời Đào Tấn tham gia nghĩa quân, nhưng ông lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già. Đào Tấn bỏ đi tu ở chùa Linh Phong (tục gọi là chùa ông Núi).

Năm 1886 Đồng Khánh lên ngôi cho triệu Đào Tấn ra làm Tham tá các vụ, năm sau được bổ nhiệm Phủ doãn Thừa Thiên rồi Tham tri Bộ Hộ (1888).

Năm Thành Thái thứ nhất (1889) Đào Tấn được bổ nhiệm Tổng đốc An Tịnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) rồi Thượng thư Bộ Công (1894), Thượng thư Bộ Hình (1896). Năm 1898 Đào Tấn được thăng Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Nam Nghĩa Tổng đốc (Quảng Nam - Quảng Nghĩa) rồi lại làm An Tịnh Tổng đốc lần thứ hai . Năm 1902 Đào Tấn trở về Huế lại lãnh Thượng thư Bộ Công. Năm 1904 nhưng có mâu thuẫn với Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Thân, Đào Tấn về hưu, lúc đó ông vừa tròn 60 tuổi. Ông mất vào ngày rằm tháng 7 năm 1907 (Thành Thái thứ 19), thọ 63 tuổi. Phần mộ của ông đặt trên núi Hoàng Mai tại quê nhà.

Về tác phẩm, Đào Tấn đã để lại gần 40 vở tuồng bao gồm cả những vở sáng tác chung và cải biên, chỉnh lý - Trong đó có giá trị về tư tưởng cũng như văn học, ví như: Trầm Hương Các, Hộ sanh đàn, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Trương Phi Cổ Thành... Đào Tấn còn để lại gần 1000 bài thơ, từ, tản văn và liễn đối trong các tập: Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai từ lục, Mộng Mai văn sao. Năm 1987 Sở văn hoá Thông Tin Nghĩa Bình cho in cuốn Hý trường tuỳ bút của Đào Tấn . Đây là tập sách có tính chất lý luận, tập hợp những bài viết, thư từ trao đổi của Đào Tấn xung quanh nghệ thuật Tuồng.

Theo gia phả họ Đào thì Đào Tấn còn sáng tác âm nhạc. Ông từng đã được nhà vua giao soạn nhiều Nhạc chương khúc điệu để phục vụ triều đình. Tiếc rằng những nhạc chương khúc điệu đó ngày nay đã bị thất truyền.

B. Những Đặc Điểm Của Tuồng Đào Tấn

Do chịu ảnh hưởng của thầy học là cụ Nguyễn Diêu, năm 19 tuổi Đào Tấn đã bắt đầu sáng tác Tuồng. Vở Tuồng đầu tay của ông là Tán Dã đồn, còn gọi là Từ Thứ qui Tào. Thời gian ở Ban Hiệu thơ cũng như suốt chặng đường bôn ba làm quan, ông không lúc nào ngừng bút sáng tác. Đương thời Đào Tấn được đánh giá là một nhà soạn Tuồng xuất sắc. Tác phẩm của ông chẳng những đã phản ánh sâu sắc những vấn đề xã hội đương thời mà còn bộc lộ quá trình diễn biến tư tưởng cũng như những mâu thuẫn trong thế giới quan của ông. Đặc biệt là quan niệm về chữ Trung và nỗi lòng của ông đối với quê hương đất nước.

Đối với nghệ thuật sân khấu, Đào Tấn có quan niệm rất tiến bộ. Ông đã đề đôi câu đối trong rạp Như Thị Quan của ông ở Vinh khi ông làm Tổng đốc An Thịnh như sau:

Thiên bất dữ nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ

Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân.

(Trời chẳng cho nhàn vào bận rộn này tìm chút rảnh.

Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân).

Mịch Quan dịch

Từ quan niệm đó, trong mỗi tác phẩm của mình Đào Tấn luôn đặt ra những vấn đề mang tính cập nhập của xã hội. Khi thì thẳng thắn phê phán những kẻ tôi gian hại nước, thậm chí cả nhà vua. Khi thì ca ngợi những đấng anh hùng xả thân vì đại nghĩa, vì xã tắc và muôn dân, hoặc nêu những tấm gương về đạo lý làm người. Tuy khá nhiều tác phẩm của ông mượn trích truyện từ Trung Quốc, nhưng thực chất là ông đã khéo léo nêu ra những vấn đề của triều đình nhà Nguyễn lúc đương thời. So với những vở Tuồng cổ trước đó, đúng hơn là sự kiện triều đình Huế đã đầu hàng thực dân Pháp, Tuồng Đào Tấn có sự tiến bộ hơn hẳn về mọi mặt.

Trước hết là sự thay đổi trong nội dung phản ảnh, biểu hiện ở đề tài và chủ đề tư tưởng các vở Tuồng. Nếu như ở các vở Tuồng cổ trước đó phần lớn là đề tài Quân Quốc, với chủ đề phò Vua diệt ngụy. Ở đó mối quan hệ giữa Quân (Vua) và Quốc (Nước), giữa chính thống và chính nghĩa là đồng nhất - Khẳng định sự bền vững, tất thắng của triều đại chính thống, đề cao huyết thống đế vương, đặc biệt là đạo trung quân. Hình tượng các nhân vật chính diện là những mẫu người lý tưởng của đạo lý nho gia. (Xin xem thêm phần giới thiệu văn học Tuồng (hát Bội) của giáo sư Hoàng Châu Ký ở tập trước).

Đến Tuồng Đào Tấn, những vấn đề nêu trên dường như đã hoàn toàn đảo ngược. Tuy nhiên, đó là không kể những vở tuồng mà Đào Tấn phụng chỉ nhà vua mà sáng tác như: Đãng Khấu, Bình Địch, Tam bảo Thái giảm thủ bửu (năm Tự Đức thứ 25 - 1872), Tứ quốc lai vương, Quần Trân hiếu thụy, viết tiếp Vạn bửu trình tường (năm Tự Đức 31 - 1878).

Nội dung Tuồng Đào Tấn đã không phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai phe Trung - Nịnh để bảo vệ ngai vàng của triều đại chính thống. Mối quan hệ giữa Quân và Quốc, giữa chính thống và chính nghĩa đã bị phá vỡ. Nhân vật Hoàng Phi Hổ (Tuồng Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan) đã thốt lên:

Trung quân chi chí cánh nam thành

(Cái chí trung quân không thực hiện được nữa rồi!)

Hoặc: Cực lòng chịu oán cùng ân

Đành cam một nỗi vi thần bất trung.

Ân tình liệt phụ sao quên được.

Cái chí trung quân vỡ nát rồi.

Các nhân vật chính diện như: Tiết Cương, Kỷ Lan Anh, Ngũ Hùng, Tần Hán (tuồng Hộ sinh đàn), Triệu Khanh Sanh (tuồng Diễn võ đình), đều chống lại triều đình. Ông Mịch Quang cho rằng soạn tuồng Trương Phi Cổ Thành là Đào Tấn gián tiếp lên án thuyết Quyền biến giả đầu hàng thật của phe chủ hòa trong triều Nguyễn trước sự kiện xâm lược của Pháp. Căn cứ vào tên vỡ Hộ Sanh đàn (tức Đàn đỡ đẻ) và câu hát kết thúc vở:

Thế cục nam bình duy hữu hận

Tha hương trương khế khởi vô tình

Thiên Sơn tác tam hùng hội

Hải võ tùng kim tứ biểu thanh (2)

Ông Mịch Quang còn khẳng định Đào Tấn soạn vở Hộ Sanh đàn là ẩn ý ca ngợi sự ra đời của một anh hùng cứu quốc. Là ước mong của Đào Tấn về sự xuất hiện một mầm mống anh hùng phục quốc trong thời ấy (tức các lãnh tụ Cần vương). Kết thúc vở tuồng Diễn võ đình, Đào Tấn để nhân vật Triệu Khánh Sanh - Một người đang chống lại triều đình hát:

Chừ tôi biết đi đường nào đây:

Hương quan hà xứ thị?

Yêu qua giang thượng sử nhơn sầu

Tấm thân liền gửi cung dâu

Đố con lương mã biết đâu là nhà

Triệu Khánh Sanh bơ vơ không biết về đâu bởi Hương quan hà sứ thị? (Quê hương ở đâu?).

Rõ ràng hình tượng các nhân vật chính diện trong tuồng Đào Tấn không còn là những anh hùng an nguy trị loạn để bảo vệ triều đại phong kiến chính thống, là mẫu người lý tưởng của đạo lý Nho giáo. Tiết Cương, Lan Anh, Triệu Khánh Sanh, Hoàng Phi Hổ... Nếu như ở các vở tuồng cổ trước đó thì đều là nhân vật phản diện, là những nghịch thần, tặc tử bị lên án. Nhưng ở Tuồng Đào Tấn họ là những nhân vật chính diện được ca ngợi. Họ có lý tưởng hoàn toàn khác với Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Tạ Ngọc Lân, Phàn Định Công v.v... ở tuồng cổ trước Đào Tấn.

Hơn ba mươi năm sống và làm quan to dưới triều đình nhà Nguyễn, Đào Tấn đã hiểu rõ cái triều đình ấy. Nhất là từ khi Pháp xâm lược, vua quan nhà Nguyễn hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, rồi cuối cùng đi đến đầu hàng.Triều Nguyễn đã bước vào giai đoạn suy tàn, rồi trở thành phản động. Vua và triều đình không còn là đại diện chính nghĩa, cho dân cho nước nữa. Dẫu không cam đảm đứng hẳn về phía các nghệ sĩ Cần vương nhưng Đào Tấn không thể ca ngợi hoặc hô hào mọi người phải tận trung với vua. Bởi trung quân đâu còn là ái quốc nữa. Nhận xét về Tuồng Đào Tấn , chủ đề trung quân, cái chủ đề vốn có sức sống mãnh liệt trong tuồng cổ không còn là chủ đề chúa tể nữa... Trong những vở tuồng sáng tác vào cuối đời của Đào Tấn, nhân vật Vua xuất hiện ít dần và hễ xuất hiện thì lại là những tên bạc nhược thối nát, dâm dục đốn mạt kiểu như Trụ Vương - thế giới quan lại triều đình đã được tái hiện trong Tuồng Đào Tấn như một thế giới ma quỷ lộn người, thế giới hỗn loạn đến kinh thường, khi mà mọi luân thường đạo lý đều bị đảo ngược, hoặc bị đem ra để bôi nhọ - và cái thế giới vua quan ấy đã lùi đi biến mất đến nhường chỗ cho một thế giới khác: thế giới của những Tiết Cương, Lan Anh, Hồ Nô, Dương Tú Hà, những con người của cuộc sống ngoài môi trường quan lại triều đình”. (Kỷ yếu hội thảo về Đào Tấn).

Đặc điểm thứ hai là những bố cục Tuồng Đào Tấn rất gọn gàng, phần lớn chỉ có một hồi. Trong mỗi vở, Đào Tấn đã tránh được phần giới thiệu (giao đãi) dài dòng như Tuồng cổ trước đó, những điều cần phải nhắc đến để khán giả tiện theo dõi cốt truyện Tuồng của ông chỉ tóm gọn trong một số câu, thậm chí là khéo léo lồng vào hành động của nhân vật. Mở đầu vở tuồng Hộ Sanh đàn, sau khi Võ Tam Tư nói mấy câu xưng danh rồi vào chuyện ngay:

Phụng minh đinh thống lãnh binh nhung

Đáo biên địa truy tầm Tiết thị.

Võ Tam Tư cử binh đi, rồi Tiết Cương ra ngay nói:

Kinh địa từ tế tảo sinh linh

Triều binh phút công vi vạn đội

(Nhưng cũng may là):

Ơn Tần thị phu thê cứu giải:

(Nên chi) Khiến Tiết gia tính mạng bảo toàn

(Bây chừ) Chốn Long San bao xá dặm ngàn

Theo điều tích ngõ toan lần lối.

Rõ ràng chỉ cần mấy câu trên, kịch được vào đầu rất nhanh mà khán giả cũng đủ hiểu để tiếp tục theo dõi cốt truyện Tuồng. Ở những vở khác của Đào Tấn cũng vậy, tuy mỗi vở có kiểu vào đầu khác nhau, nhưng nhìn chung là giao đãi nhanh, vào kịch sớm và kết thúc không theo lối có hậu. Lối kết cấu ấy đã làm cho tuồng Đào Tấn hấp dẫn hơn so với Tuồng cổ ở giai đoạn trước rất nhiều.

Bố cục hồi, màn, ngắn gọn và giao đãi nhanh, trong khi đó Đào Tấn lại rất chăm chút khai thác tâm trạng của nhân vật. Các nhân vật Tuồng Đào Tấn thường chất chứa đầy tính bi tráng và trữ tình. Thế giới nội tâm của nhân vật được Đào Tấn khai thác và miêu tả một cách phong phú, tinh tế. Hãy nghe đoạn bộc bạch của nhân vật Trương Phi trong tuồng Trương Phi cổ thành.

Trương phi: Vọng nhãn mông lung

Trung trường nhất uất

Tâm tự thất, tâm tự thất

Ý như si, ý như si

(Xướng) Lạc lạc cô tình chỉ tự bi

Hàn lâm tiêu tác dạ thanh tri

Hốt vân hổ mã tê phong cấp

Không sử an hùng lụy mãn y

Nhớ ca ca lụy võ lâm li

Tưởng Tào tặc tâm ba đảng dạng

Từ khi chiếm cứ Cổ Thành, tích thảo dồn lương cũng đã kha khá, Phi trông ca ca sao mà:

Tin tức một ngày một vắng

Kẻ nói ở Nhữ Nam người dồn sang Hà Bắc:

Huyên truyền nữa thiệt, nữa hư

Phi biết mô mà tìm, ấy là ca ca Phi. Còn như Nhị ca Phi:

Thuở Hạ Bì phò nhị tẩu xa.

Phi có nghe rằng:

Đầu Tào Tháo... (vậy là) Phụ tam nhân ước à?

Buồn! Buồn cha chả này, quân rượu đây!

Bài khai nhất chước

(Đặng) Nhuận ngã thiên sầu.

(Trương Phi uống rượu)

Nghĩ quái cho Nhị ca Phi... Đầu! Đầu! Đầu! là đầu làm sao hè?

Thương hại ca ca Phi... Khổ! Khổ! Khổ lắm ca ca à:

(Ngâm) Nhất nhạn hoành phi vân tế lộ.

Cô đăng trường chiếu nguyệt biên thành

Nghĩ lại Nhị ca Phi thân phò nhị tẩu, qui thuật Tào man, hay là người quyền giả nhất thời? Ừ ừ! Quyền phải, biến phải...

Anh hùng tự hữu quyền nghi xứ.

Nhưng sao Phi lại nghe rằng: Tào Tháo trọng đãi Nhị ca

Phi... Thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân, tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến. Hừ! yến, ẩm... ấy ấy...

Khả hận đô vong thủ túc tình (3)

(Trương Phi uống rượu say rồi ngủ)

Thông qua ngòi bút của Đào Tấn , người đọc và người xem không còn chỉ nhận thấy một Trương Phi nóng nảy cục cằn, mà một Trương Phi trĩu đầy tâm trạng.

Còn đây là tiếng gào thét của Hoàng Phi Hổ khi nghe tin vợ là Giả Thị bị Trụ Vương loạn dâm đã tự vẫn (Tuồng Hoàng Phi Hổ):

Chao ôi!

Kham thán Thành Thang chi tôn xã!

Nan mai Thương Thọ chi tiết danh!

Màn đây! Trướng đây! Giả Thị em ơi!

Liệt phụ hữu ân hà nhãn phế

Trung quân chi chí cánh nan thành (4)

Kiều Quan dạy Bích Đào học thêu (Tuồng Diễn võ đình)

“Kiều Quang: Luồn chỉ thắm...

Bích Đào: ... chắp tơ mành

Kiều Quang: Dong thẳng đường ngay...

Bích Đào: ... Nhận nẻo quanh

Kiều Quang: Cúc trắng mai vàng thưa thớt nhụy

Bích Đào: Chi xanh lá đỏ ngẩn ngơ tình

Cùng ngâm: Uyên ương chếch bạn còn lơ láo

Phỉ thuý chiều duyên khéo rập rình

Kiều Quang: Dệt phụng, thêu rồng tài đáng mấy

Bích Đào: Dừng kim sực nhớ hẹn bình sinh”.

V.v... và v.v...

Đặc điểm thứ ba cũng là đặc điểm nổi bật nhất trong Tuồng Đào Tấn đó là ngôn ngữ văn học, là giá trị văn chương của các kịch bản Tuồng.

Vốn là một nhà thơ, nhà Nho, lại là một thầy Tuồng vì thế Đào Tấn không chỉ giỏi về âm luật thơ nói chung mà còn rất sành về âm luật của văn thơ Tuồng. Ngôn ngữ Tuồng Đào Tấn rất mượt mà, giàu hình tượng, khái quát, một thứ ngôn ngữ bác học.

Ví dụ:

- Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay...

- Hai vai thắt chặt tang hồ

Bể oan chưa lấp mật thù càng ngon...

- Mảnh vương phút đã tan tành

Xuân vi gió lạnh, thu đình trăng trong...

Bước non sông ngại ngùng đâu xiết

Nợ phong trần trả hết từ đây...

Hoặc: - Xắn tay lần gỡ mối sầu

Tóc lo đã trổ trên đầu hùng anh...

- Ớ Bàng Hồng này! Tao nói thiệt:

Cánh hạc hồng gặp gió liệng mây xanh

Xương Ưng Khuyển nghiền tro quăng biển bạc...

(Tuồng Diễn Võ Đình)

Bài hát của Phương Cơ giả dại để kích động lòng người:

Mây che bóng nguyệt

Bụi lấp đài gương

Cúc nguyệt phi sương

Tam niên bất võ

Nực cười khỉ nọ

Thương bấy rồng kia

Kêu khóc đêm khuya

Khoe khoang ngày rạng

Nhân tâm tư Hán

Thiên ý vong Tần

Cân quắc phụ nhân

Tu mi nam tử.

Nghe câu hát, lão quan trung thần Lý Khắc Minh vô cùng đau xót:

Nghe tiếng ca cuồng nữ

Dường lời nói hữu tình

Xét tình riêng mình lại hổ mình

Ngẫm việc nước thế âu yếu thế

(Tuồng Khuê các anh hùng)

Ngôn ngữ văn học kịch bản Tuồng là thứ ngôn ngữ để hát, múa và biểu diễn, vì thế tính hành động (động tác) là rất cần thiết đối với người diễn viên. Nói như các lão nghệ sĩ khi diễn Tuồng Đào Tấn là: Mình hát mà cũng thấy sướng tai, không thể bỏ đi một chữ nào được.

Cứ đọc qua đoạn độc bạch của Trương Phi (chúng tôi đã có dịp dẫn ở trên) thì cũng có thể hình dung được những điệu bộ (múa) của Trương Phi sẽ hấp dẫn đến thế nào. Hoặc những câu hát như:

Xét thân hổ với cao dày

Phơi gan giúp chúa chau mày phụ cha

Tưởng oan gia càng ra nước mắt

Gan anh hùng trổ mặt từ bi.

(Tuồng Khuê các anh hùng)

Thế sự đoản ư xuân mộng

Nhân tình bạc tựa thu vân

Nghiến răng cười, cười cũng khó khăn

Ôm lòng chịu chịu càng vui sướng.

(Tuồng Hộ sanh đàn)

Không chỉ ở những thể thơ, hay biền văn mà ở những lời thoại bằng văn xuôi, Đào Tấn cũng rất lựa chọn ngôn từ để cho diễn viên dễ dàng thể hiện tính cách và tâm trạng nhân vật. Trong Tuồng Hộ sanh đàn khi Tiết Cương đến nhà Tiết Nghĩa, Tiết Nghĩa định bắt Tiết Cương nộp cho triều đình để lĩnh thưởng. Vợ Tiết Nghĩa là Tú Hà can ngăn chồng, khuyên chồng hãy nhớ các ân đức ngày trước Tiết Cương đã cứu mạng Tiết Nghĩa. Tiết Nghĩa nói:

Đức chi mà kể đức, số mình sống, không có thằng Cương này cứu thì có thằng Cương khác cứu. Nó với mình không có bà con hơi hám chi, nó cậy tài nó tới nó cứu chứ mình có mời nó đi cứu mình đâu mà kể đức kia chứ!

Tiết Cương hỏi vợ kham khổ như vậy thì lấy đâu sữa cho con bú, Lan Anh nói:

Có bữa có, có bữa không! Một hôm em đang cho hắn bú, không có sữa, hắn cắn cái vú em một cái, em đau hoảng đi, em phát hắn một phát, hắn nhăn răng ra cười... Em khóc, em nghĩ không biết chừng nào gặp lại anh...

Ngôn ngữ Tuồng Đào Tấn mang đậm tính nhạc điệu của Tuồng, đặc biệt là sự vận dụng các thanh bằng trắc ở biền văn và thể lục bát. Đặc điểm này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho diễn viên nói và hát. Thậm chí người không biết hát Tuồng chỉ đọc lời thơ thì người nghe đã cảm thấy như lối Tuồng rồi. Ví dụ:

Dấu thương tích - bịnh này chưa đỡ

(Răng mà):

Nỗi oán thù lòng nọ - khôn nguôi

(Song thân ôi!)

Ngóng tùng thu - non nước luống xa xôi

Nhìn chung kiếm mặt mày thêm - tủi hổ...

Hoặc điệu hát Nam:

Câu Trống dùng nhiều vần trắc để hát với lên cao:

Lơ láo biệt từ thành Tạ

Tưởng mẹ già lã chã châu sa

Câu tiếp theo là Mái, nhiều vần bằng để hát xuống thấp:

Hai vai bên nước bên nhà

Hiếu trung không trọn lòng ta không đành

Câu thứ ba Trống nhiều vần trắc và hát nhanh:

Bơ thờ ngó lại Tạ thành

Bóng cờ nghiêng ngả gập ghềnh vó câu.

v.v....

Đào Tấn không chỉ tạo một bước ngoặc lớn trong lĩnh vực kịch bản Tuồng mà ông còn ham muốn cách tân nghệ thuật trình diễn. Những ngày về nghỉ hưu tại quê nhà, thỉnh thoảng Đào Tấn lại dựng giữa làng một kiểu sân khấu điền dã. Ông không cho diễn Tuồng trên sàn gỗ nhỏ hẹp nữa mà đưa ra giữa không gian thiên nhiên. Chẳng hạn, để diễn lớp đoạt đò (cướp thuyền) ông đã cho đắp cao bờ một khoảng ruộng rồi tát nước vào cho đầy, thế rồi diễn viên bơi thuyền thật và sau đó đoạt thuyền như thật. Khi diễn tuồng Tây Du ông đã bố trí một đoạn đường dài chừng một cây số. Trên đoạn đường đó ông bố trí những cái động, nhà dân... (Kiểu như bối cảnh trong phim) để thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Mỗi lần nghe tin Đào Tấn tổ chức diễn Tuồng như thế, dân trong vùng rủ nhau cơm nắm cơm đùm đến để xem.

Các nhà nghiên cứu nghệ thuật Tuồng đều khẳng định Đào Tấn là người đã bác học hoá ngôn ngữ ngữ kịch bản Tuồng. Tuồng Đào Tấn là đỉnh cao, là tinh hoa của nghệ thuật Tuồng truyền thống. Do tài năng và đóng góp của Đào Tấn trong lĩnh vực nghệ thuật Tuồng, ông được ngành Tuồng cả nước đương thời suy tôn là bậc Hậu tổ.

Khẳng định giá trị của Tuồng Đào Tấn, trong hội thảo về ông do Bộ Văn hoá và Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình tổ chức năm 1978, Giáo sư Hoàng Châu Ký viết: “Đến thế kỷ XIX, nhất là nửa sau thế kỉ này và đầu thế kỉ XX, xã hội ta có những biến động lớn: Pháp xâm lược, triều đình đầu hàng. Nhân dân chống Pháp và chống cả triều đình. Trí thức Nho học phân hoá, trung quân với ái quốc không còn đi đôi với nhau nữa. Một số loại người mới xuất hiện trong xã hội mà trước kia chưa có. Kinh tế công thương có bước phát triển nhất định theo hướng tư bản chủ nghĩa.... Trên cơ sở bối cảnh này, tình cảm con người có nhiều biến động, phát triển mới, tác phẩm nghệ thuật yêu cầu phải phản ánh được hiện thực đó. Tuồng cổ với những nhân vật nặng về lý tính, cao thượng, nhưng có vẻ siêu phàm không đáp ứng được yêu cầu đó. Đối với nhân dân đó là những nhân vật kính nhi viễn chi. Đào Tấn đã giải quyết vấn đề này với những tác phẩm của mình, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Chỗ lớn của Tuồng Đào Tấn là ở đó. Cũng chính điểm đó Đào Tấn sẽ trường tồn”.

-------------

Ghi chú:

(1). Xem Khải luận tập 11

(2). Ở đời chỉ có cái hận là khó san bằng mà thôi. Người khác xứ mà kết bạn với nhau há là chuyện vô tình. Núi Thiên Sơn làm chỗ họp ba khách anh hùng, non nước từ nay bốn cõi thanh bình.

(3). Xin xem phần chú ở vở.

(4). Xin xem phần chú ở vở.

Nguồn trích: Tổng tập văn học Việt Nam. T. 12.- H., 2000.- Tr. 7 - 18;

Biên soạn: Trần Hà Nam, Cao học K.16 ĐHSP Hà Nội