Chùm Tản văn của Dạ Ngân
Một nhánh hoa cau
Vào những ngày hè, Hà Nội hay có những bà cụ ngồi bán hoa cau. Cũng là một nét lạ mà miền Nam không có. Hôm đi lên đền Và ở Hà Tây, mỗi người trong nhóm đều mua một quày hoa cau về để đặt lên ban thờ. Quá rẻ, dựng quày hoa cau lên, hoa xoè ra rộng hơn một cánh quạt mà giá có ba bốn ngàn đồng. Hoa lại không héo, hoa sẽ xanh như vậy cho đến khi các mụn trăng trắng kia rụng hết. Và thơm, thơm thoảng thôi, lặng lẽ, miệt mài, cá biệt.
Không ít lần tôi đã tần ngần rất lâu trước mấy hàng hoa của các cô từ ngoại thành lên. Sen thì lích kích, sen dành cho những ngày trọng, hoặc thích hợp với thú cắm sen cho một góc phòng. Mẫu đơn thì dân dã, không biết từ đâu ra một loại mẫu đơn bông to bằng cái tô, đỏ lựng, lá cứng dày như lá ni-long, đích thị là giống hoa lai rồi. Hồng thì rẻ hơn bèo, một hoặc hai nghìn một chục nhưng đặt lên bàn thờ một lát là héo ngay, nhất là có quạt trần quay tít bên trên nữa. Không gì rẻ và mất công cho người chơi bằng hồng ngày hè. Cuối cùng lại cúi xuống quày hoa cau, một nhánh cau thôi cũng đủ làm cho ban thờ ra không khí hè mà vẫn đặc sắc, không gì có thể sánh được.
Không nhớ rõ hương cau làm giật mình bao nhiêu lần trong đời rồi. Chỉ biết là riêng nó mới có sức làm thảng thốt như vậy trong đêm. Một lần ở trên đất cồn của cô bạn nhà thơ Song Hảo, hai đứa ngồi xe lôi trong mùi hoa cau sống để nhớ mà chết là có thể mang theo. Lần khác, hồi ấy tôi còn quá nhỏ, chừng chín hay mười tuổi gì đó, cũng một đêm trăng, mấy chị em đang chạy đuổi nhau huỳnh huỵch trên đường làng, mệt quá nên đứng sựng lại và bỗng nghe thấy hương cau bên đường. Đó là lần đầu tiên một mùi hoa chiếm lĩnh tâm hồn non nớt của tôi trong khi không ai hít lấy hít để như tôi cả. Cũng là lúc tôi cảm nhận lờ mờ, có lẽ số phận mình sẽ không giống ai, bởi sự mẫn cảm chết tiệt này. Lần khác, mới đây, hương cau lại một lần nữa làm sững sốt tôi trong đêm thanh vắng, khi tôi bước ra sân trong ánh trăng tê tái trên đầu trong lần giỗ đầu cho má. Phút giây ấy, tôi thấy như muốn quỵ xuống, nhớ má, nhớ quá chừng, nhớ thời thơ dại nhớ ngày xanh trẻ, nhớ ngập đầy, nỗi nhớ như là một gánh nặng khiến mình không mang vác nổi nữa. Cả một hàng cau đã cỗi, mùi hương dày đến mức mình thấy như bị đè bẹp.
Người miền Nam xem cau là hàng hoá nên không biết cắm hoa cau lên bàn thờ. Người Bắc sâu sắc và tinh tế cội nguồn đã nghĩ ra cách bán hoa cau cho người ta mua về dâng lên tiên tổ. Có đi rông dài mới biết người ta mời ông bà hương cau là chí lý. Mỗi khi ghé xuống để hỏi mua một nhánh cau, bỗng thèm được thấy lại má, muốn quỳ xuống trước má để dâng nó lên dù cả đời má trồng cau chứ không biết ăn trầu. Vâng, không phải sen hay mẫu đơn mà phải là hoa cau thì mới xứng với má và, có lẽ vì sự tương xứng ấy mà nó rất hay khiến ta giật mình khi mới chỉ thoáng nghe thấy nó, trong đêm.
Đêm dài
Thật ra trong đời mỗi con người ai đếm được mình bao nhiêu lần thức đêm. Không tính xuể. Nhưng vẫn có những kỷ niệm về đêm sẽ đi mãi theo ta, như một bài thơ hay một khúc hát. Hầu như mỗi giai đoạn cuộc đời của mỗi con người đều có những đêm như vậy.
Tôi nhớ lần đầu tiên mình được đi cắm trại. Hồi đó tôi chừng 11 tuổi. Lần đầu tiên tách gia đình ban đêm, trọn một đêm cùng với thầy bạn khăn gói nồi niêu lên giữa đồng cắm trại. Đánh trận giả, chơi quẹt lọ, hát ném khăn, thi đua kể chuyện... không nhớ rõ nhưng nhớ nhất là sao trời, mùi rơm và sương đêm trên cánh đồng sau mùa gặt. Tôi nhớ đêm đầu tiên xa gia đình đi kháng chiến, cánh giao liên dắt chúng tôi áp vào một ven vườn mà phía trước là con lộ do đối phương chiếm đóng. Đi lặng lẽ trong đêm, ai mắc ho phải tự rứt lá hoặc quơ đất bỏ vào miệng nhai để cầm cơn, thời gian như đứng lại, vô tận hiểm nguy. Khi được anh chị em dẫn đường báo an thì cả đoàn bắt đầu chạy lên mặt đường nhựa, rơi vào một ven vườn khác và lặng lẽ băng qua một giang đồng khác nữa. Một đêm công dân kỳ diệu, ta có thể gan góc mà cũng có thể hèn nhát đi, và danh dự có thể sẽ phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình.
Còn khá nhiều đêm để nhớ nữa. Đêm trao cho ai đó nụ hôn đầu, đêm tân hôn vui buồn lẫn lộn, đêm đứa con đầu cất tiếng chào đời... Hình như những kỷ niệm cũng ít dần đi thi vị, như ta bị rơi xuống mỗi lần một nấc, càng rơi càng thấy nhiều cay ít ngọt, nhiều nắng nhiều gió, nhiều cơn cớ khôn lường. Đau ốm và nỗi niềm, ta bỗng thấy những đêm trằn trọc dầy lên, cũng ngày cũng đêm nhưng thời gian không còn óng mợt lung linh mà trúc trắc sần sùi, như chính nó cũng bị cuộc đời làm cho ghẻ lở. Rồi ta đứng trên đỉnh của sự sung mãn, bắt đầu nghe thấy bên tai ù ù thứ gió của sườn dốc, trời sẽ xế và tuổi tác rồi thì ai cũng xế.
Đó cũng là lúc tôi thức đêm nhiều, không phải vì thói quen làm việc hay đọc sách khuya. Thức để chăm người bệnh. Nghĩa là khi ta đã có tuổi thì người thân của ta cũng đã đi vào giai đoạn cuối cùng. Sinh lão bệnh tử, bốn chữ ấy ôm trong lòng nó bao nhiêu đêm dài? Cách đây mấy năm, tôi về quê chăm má trong bệnh viện. Bà mắc nhiều bệnh mãn tính, nói chung là lão suy. Người bệnh nằm một chỗ, các con thay nhau kề cận, tôi thức đêm giỏi nên hay được phân trực ban đêm. Những đêm nặng nhọc, thời gian như rình rập, kim đồng hồ lê bước, lúc đó ta mới thực sự ngấm cái câu “thức đêm mới biết đêm dài”. Thời điểm cuối của một con người sao lại trần ai như vậy, đó là cái kết thúc của quy luật hay sao? Đêm kề đêm, má tôi không ăn gì suốt ba tháng trời mới ra đi được, sự chống chọi một cách kinh ngạc, phi thường.
Đầu năm nay tôi lại về qua chăm bà cô ruột mấy đêm. Gặp lại cảm giác trước, ngồi bên cạnh người thân và nghe tiếng đêm than khóc ngoài trời. Người ấy nằm đó là ta có phúc hay vô phúc, cái gánh cuộc sống này nếu cất bỏ một cách nhẹ nhàng thì ai được và ai mất? Câu hỏi ấy trở đi trở lại trong đêm, không sao có câu trả lời rành mạch được, chỉ vì với chúng ta, phụng dưỡng người thân là đạo hiếu. Lẽ nào những con dân xứ khác không có đêm dài, không có cảnh ngồi chầu bên người thân để báo hiếu? Không biết nữa, chỉ biết rằng ta còn nhìn thấy người đó vẫn hơn là phải nhắm mắt trong đêm để hình dung người thân mình đang ra sao trong lòng đất.
Buổi chiều tản mác
Tôi không nhớ rõ khi nào thì tôi biết rung cảm với mấy từ khói lam chiều. Nhất định là phải từ những câu thơ và những đoạn văn mà mình học được thời tiểu học trường làng. Phải có chữ, dĩ nhiên, sau đó thì phải có văn học dọn đường rồi mới có sự xanh tươi tâm hồn như một cái cây có đất và có nước.
Thời đó muốn học lên, chúng tôi phải rời xa gia đình, cuối tuần mới được về nhà một lần. Mấy đứa trẻ con chân trần nón lá, phải mấy giang đồng mới về tới vườn nhà. Giang đồng thứ nhất không ngán lắm nhờ có mấy hàng cây trâm bầu để men đi, giang đồng thứ hai, chao ơi, nó rộng như cái biển mùa nắng thì mệt mà mùa mưa thì sợ sấm sét. Thế nhưng sau khi đi hết cái biển ấy và xuyên qua một vạt vườn của một ấp khác nữa thì ven vườn nhà mình đã hiện ra. Cái giang đồng thứ ba nầy không lớn không nhỏ gì nữa, mọi thứ bỗng trở nên gần xịt, vẫy gọi, thôi thúc. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy khói toả trên mái lá nhà mình, khói bay lên từ những tán cây thân thuộc. Như mọi đứa trẻ nhận biết mẹ qua mùi thơm từ thân thể, tôi nhận biết ven vườn nhà qua những đường viền răng cưa của những tán cây, và khi từ phía ấy lãng đãng những vạt khói như một tấm voan trong một buổi chiều khô ráo thì mọi thứ trong tôi tràn ngập niềm thương mến vô bờ. Tôi hình dung má tôi đang cúi xuống rút thêm mấy thanh củi dừa cho vào bếp hay đang khom người thổi lửa bằng cái ống thổi bằng tre. Chỉ có củi và khói bốc lên từ một mái lá hay mái rạ mái tranh thì khói mới có màu lam và có cái mùi mà tôi tin ai cũng nhớ rõ nhưng để diễn tả thì mỗi người sẽ nghe thấy một cách khác.
Nhà gạch và mái ngói sẽ không cho ra thứ khói có màu và có mùi gì hết, có khi đơn giản vì người ta đã thôi nấu bằng củi hay bằng rơm mà nấu bằng gas và bằng điện. Đường bê tông hoá kín xã kín làng khiến người ta cũng không còn thời gian để chợt nhận ra một tấm voan khói đang viền lấy một mái tranh mái lá mái rạ cuối cùng nào đó. Dù vậy, ai cũng có lúc phải đi chậm lại, tha thẩn, suy tư, kiếm tìm, lúc ấy, thật may mắn nếu trong tầm mắt mình hiện ra một màu lam. Nếu đó là buổi chiều khô sạch, khói sẽ lan dài, cây lá sẽ mờ ảo chập chờn dưới ánh hoàng hôn dịu dàng, ngược lại, nếu hôm ấy là mùa mưa, trời chỉ ráo chứ không tạnh thì khói sẽ túm tụm và bên trong là mùi vị của lam lũ, ấm áp, não nề.
Cái gì rồi cũng sẽ qua đi. Sẽ có lúc ta thèm một buổi chiều bời bời rơm rạ củi lửa mà không sao có được, nhất định sẽ là như vậy. Tuổi thơ và mái lá của ta là đáng thương, hay tuổi thơ của bọn trẻ bây giờ mới đáng thương vì chúng đang bị bê tông hoá mà chúng không hề hay biết?