Tiến Bước 2013 tháng 9
1. THƯ TỪ VĂN PHÒNG THƯ KÝ VÀ ĐIỀU HÀNH
Chào mừng các Anh Chị Tân Cursillista!
Các Anh Chị tân Cursillista mới xuống đồi sắp sửa được trọn một tháng. Hẳn là các Anh chị đang tràn đầy sức sống mới có Thày Chí Thánh ở cùng. Văn Phòng Điều Hành cầu chúc các Anh Chị luôn giữ được lửa kính mến Chúa trong lòng, mỗi ngày một phục vụ hăng say bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta cảm tạ ơn Chúa đã ban cho Phong Trào Cursillo ngành Việt Nam TGP/ LA thêm 55 anh chị em Cursillista mới cùng vui sống loan báo Tin Mừng và sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Chúa Giêsu tin tưởng nơi Anh/Chị.” Và lời dõng dạc cam kết với Thày Chí Thánh của từng tân Cursillista vang trong hội trường Dòng Ngôi Lời Riverside, “và con trông cậy vào Ơn Thánh Chúa,” đã làm tăng thêm phấn khởi cho các anh chị em Cursillista hiện diện. Chúng ta vui mừng vì có thêm nhiều bạn tông đồ đầy lửa yêu mến Chúa và lửa ấy rất còn nóng hổi. Tôi tin rằng, ngọn lửa của các anh chị mới cùng với tất cả các ngọn lửa cũ sẽ làm rực sáng khuôn mặt của Đức Kitô, có như thế, mới làm sáng lên tình yêu nhân hậu bao la của Chúa, giữa thế gian bị đầy bóng tối che phủ này.
Một lần nữa Văn Phòng Điều Hành cầu chúc quý anh chị luôn tràn đầy ân sủng và bền vững trong ơn nghĩa Chúa để chúng ta ra đi, thực thi những điều đã hứa với Thày Chí Thánh của chúng ta.
Xin thân ái kính chào quý anh chị và hẹn gặp quý anh chị trên bước đường sống Ngày Thứ Tư của mỗi người Cursillista.
“Thầy đã đến mang lửa vào thế gian, và Thầy ước mong, phải chi lửa ấy được bùng cháy lên!.” Luca
2. THƯ LINH HƯỚNG
Anh Chị Em Cursillistas thân mến,
Lại một lần nữa, tôi xin có đôi lời chào mừng anh chị em trong Phong Trào vừa vất vả khó nhọc mãn hai khóa 815 -816 tại Dòng Ngôi Lời – Riverside. Và cách đặc biệt, xin thân thương chào mừng anh chị em tân Cursillistas. Tất cả do HỒNG ÂN Thiên Chúa. Bởi vì không có Chúa, chúng ta chẳng làm gì nên! Cùng nhau, chúng ta quì gối chắp tay TẠ ƠN Thầy Chí Thánh.
Thưa anh chị em, nhìn vào cung cách anh chị em từ chiều thứ năm, ngỡ ngàng bước chân vào khóa, tôi tin tưởng rằng anh chị em ước ao trở thành MÔN ĐỆ của Chúa. Trở thành MÔN ĐỆ: Đi theo Chúa là “xây dựng một cây tháp”, và việc “chiến đấu với kẻ thù”. Xây dựng cây tháp là một việc lớn lao. Chiến đấu với kẻ thù là việc làm quan trọng. Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn thận. Do đó, trở thành môn đệ của Chúa là một việc hết sức nghiêm túc. Môn đệ không phải là kẻ tài tử, nay làm mai không. Môn đệ là người đi THEO CHÚA suốt đời. Kitô hữu là người mang Chúa Kitô. Mà muốn có Chúa Kitô trong mình, thì phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình. Điều này chắc chắn không dễ dàng! Nhưng chúng ta cứ an tâm, vì Chúa không chỉ đòi hỏi chúng ta, Người đã đòi hỏi chính mình trước. Chúa Yêsu không chỉ đòi hỏi chúng ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước. Chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Yêsu.
Làm môn đệ là làm như Chúa Yêsu. Nếu Chúa Yêsu đòi hỏi chúng ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước. Người đã bỏ từ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Để làm gì, thưa anh chị em? Để RAO GIẢNG Nước Thiên Chúa – để LÀM CHỨNG cho Tin Mừng. Anh chị em đã chứng kiến những anh chị em TRỢ TÁ. Họ đã làm gì suốt thời gian mở khóa? Không cần nói anh chị em cũng thừa biết – Họ RAO GIẢNG LỜI CHÚA.
Công cuộc RAO GIẢNG Lời Chúa cho mọi tạo vật là một sứ mệnh cao cả và khẩn thiết, đã được Đức Yêsu Kitô giao phó cho tất cả mọi Kitô hữu – mọi Cursillistas – những người đã được rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, khi Người nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin, thì bị kết án” ( Mc 16: 15 ).
Nhưng để thực hiện được sứ mệnh cao cả và khẩn thiết mà chính Chúa Yêsu Cứu Thế đã đích thân giao phó như thế, một cách hiệu nghiệm và có kết quả, thì chính người Kitô hữu – chính người Cursillistas – người Tông đồ RAO GIẢNG Lời Chúa – phải sống Lời Chúa một cách sốt sắng và đúng đắn trước đã, vì người ta chỉ có thể cho người khác điều mình có, chứ không thể cho điều mình không có được. Tuy nhiên, để có thể yêu mến, sống và thực thi Lời Chúa một cách hăng say và đầy đủ ý thức, người ta cần phải hiểu rõ Lời Chúa, vi “vô tri bất mộ”. Vâng, nếu không hiểu được Lời Chúa, thì cũng không thể yêu mến Chúa được, và nếu không yêu mến Lời Chúa, thì cũng không thể SỐNG LỜI CHÚA một cách đầy đủ, và cuối cùng cũng không thể RAO GIẢNG LỜI CHÚA một cách nhiệt thành và có hiệu quả được.
Hy vọng, với đôi lời suy niệm này và với những bài Rollo mà anh chị em đã được thu thập được trong hai khóa vừa rồi, và rồi đây anh chị em sẽ có dịp xung vào làm TRỢ TÁ, anh chị em sẽ hiểu thế nào là HY SINH, là PHỤC VỤ, là làm MÔN ĐỆ của Chúa, là sẵn sàng kê vai VÁC Thập giá theo Thầy Chí Thánh, là Rao Giảng Tin Mừng, là trở nên CHỨNG TÁ đích thực của Nước Trời.
Để kết thúc, tôi xin mượn lời Thánh PhaolôTông đồ gửi tín hữu Corintô mà thân gửi đến mỗi người trong anh chị em: “Nguyện Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Yêsu Kitô ban cho anh chị em ÂN SỦNG và BÌNH AN”.
DE COLORES ! ! !
Peter Ngô Đình Thỏa, CSsR.
3. TIẾN TRÌNH KHÓA CURSILLO
( Bài này trích từ Cẩm Nang tổ chức Khóa Ba Ngày Cursillo, để giúp anh chị em vừa tham dự Khóa hiểu rõ hơn diễn tiến của Khóa Cursillo, cùng sự liên kết chặt chẻ của các Rollo hầu giải đáp thắc mắc tại sao bài này được trình bày và bài khác lại không. Đồng thời giúp quý anh chị có một cái nhìn tổng hợp về các sứ điệp đã chuyển gửi trong Khóa nhằm mục đích của Cursillo.)
Khóa Cursillo® giúp các tham dự viên nhận được một cái nhìn chính xác về những gì là căn bản để trở nên Kitô Hữu đích thực: kính mến Thiên Chúa, và yêu thương hàng xóm láng giềng.
Các bài Rollos không hẵn là tất cả tạo nên Khóa Cursillo®, nhưng tuyệt đối vẫn giữ vai trò thiết yếu vì những bài ấy chứa đựng toàn bộ tín lý (Công Giáo) của Khóa Cursillo®. Nội dung các bài Rollos phác họa những điều cần thiết để sống những gì là căn bản để trở nên Kitô Hữu đích thực.
Giúp các tham dự viên hiểu rằng họ đang đứng trước một thách đố, đó là tự dấn thân vào con đường sống như thế đó. Họ cần phải nhìn rõ ràng cuộc sống của chính mình có thể sẽ như thế nào một khi họ khởi sự sống đúng những gì là căn bản để trở nên Kitô Hữu đích thực.
Các bài Rollos đan kết với nhau chặt chẽ nhằm đạt những điều nêu trên. Mỗi một bài là phần thiết yếu trong toàn bộ Khóa Cursillo®. Đặc biệt là sự liên kết mạch lạc giữa các bài Rollos của Linh Hướng với các bài của giáo dân.
Sau đây là diễn tiến trong Ba Ngày với sự liên kết chặt chẽ từ bài Suy Gẫm cho đến các Rollo trong mỗi ngày (gồm cả Rollo của giáo sĩ và Rollo của giáo dân)
NGÀY THỨ NHẤT
Ngày thứ nhất của Khóa Cursillo® trình bày đời sống ân sủng, là nền tảng của đời sống Kitô Hữu, là ý hướng cả cuộc sống mình đến cùng Thiên Chúa. Sứ điệp của ngày đầu tiên làm nền tảng cho những ngày kế tiếp của Khóa Cursillo®. Giúp ý thức rằng đó là Ơn Sủng của Chúa mở màng cho sự Hoán Cải. Các bài Rollos chỉ nhằm trình bày ý tưởng sống lý tưởng Kitô Giáo của đời sống trong ân sủng. Sứ điệp của ngày đầu tiên là: chấp nhận lý tưởng Kitô Hữu.
Ngày đầu tiên là cuộc hội ngộ với chính mình.
Đây là lời mời gọi thay đổi đời sống chúng ta, lời mời gọi sống lý tưởng Kitô Hữu.
Đã được chuẩn bị trong Phần Tĩnh Tâm từ tối Thứ Năm đến sáng Thứ Sáu, là phần khởi đầu giúp bố trí một khung cảnh thích hợp cho các bài nói chuyện bằng việc phân tích đời sống riêng mỗi người và làm cho họ ước ao được gặp gỡ Chúa. Đó là cách để báo trước rằng Khóa Cursillo tạo cơ hội giúp khám phá giải đáp cho tất cả mọi vấn nạn của từng người (và cũng hàm ý lời giải đáp cho mọi vấn nạn của thế giới).
“Tôi phải biết chính tôi”, đó là sứ điệp chúng ta nghe trong Bài Nguyện Gẫm thứ nhứt. Bài này khuyến khích các khóa sinh nhận biết mình là ai, có những khả năng và giới hạn nào.
Câu chuyện của bài Nguyện Gẫm thứ nhì, “Người Con Hoang Đàng”, là câu chuyện của chính chúng ta, được trình bày trong tối Thứ Năm. Bài này đưa ra hình ảnh người Cha và giúp các tham dự viên hiểu biết Chúa Kitô một cách sâu xa hơn, khám phá ra sự cách biệt vô tận giữa lòng nhân hậu của Chúa với lòng tốt của loài người.
Thái độ hợp lý của người vừa nhận ra sự trống vắng trong cuộc sống của mình được bộc lộ như là tiêu biểu trong lời nói của người con hoang đàng trong Phúc Âm: "Tôi phải chỗi dậy ngay bây giờ và phải trở về nhà cha tôi" (Luc. 15:17-20).
“Chúa Kitô đang nhìn tôi ra làm sao ngay lúc này của Khóa Cursillo?” là câu hỏi làm chúng ta suy tư trong khi nghe bài Nguyện Gẫm thứ ba, vào sáng Thứ Sáu.
Bài Lý Tưởng cố gắng giúp chúng ta xác tín rằng cần phải có một lý tưởng và tin chắc rằng tất cả chúng ta phải kiếm tìm một Lý Tưởng. Đồng thời cũng gợi lên trong lòng Khóa sinh sự tò mò muốn biết Lý Tưởng của mình là gì?“Tôi sử dụng thời giờ, tiền bạc, khả năng của tôi, v.v… ở đâu và như thế nào?” là câu hỏi thách thức bài nói chuyện về Lý Tưởng.
Rollo Lý Tưởng mang tính chất phần đời thực sự. Vì vậy, không diễn tả Lý Tưởng của mình là Chúa Ki-tô, Thiên Chúa hoặc Thánh Giá.
Nhờ các suy gẫm và Rollo Lý tưởng tham dự viên sẽ tự hỏi: “Tôi có hạnh phúc với cuộc sống của tôi không?”
Ơn Thánh hóa cho chúng ta hy vọng! Ơn Thánh Hóa là lời mời gọi chúng ta tiến tới một mối quan hệ mật thiết mới, lòng Thiên Chúa ước ao gọi ta kết bạn thiết nghĩa với Chúa, xuất phát từ tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với chúng ta, làm nên xương thịt trong con người của Chúa Giê-su, con yêu dấu của Chúa Cha, trở nên con cái Chúa qua phép Rửa Tội.
Việc thánh hiến thế giới qua Ơn Thánh hóa tùy thuộc vào tôi là một giáo dân.
Bài Giáo Dân trong Giáo Hội: Giảng giải rằng Giáo Hội không phải là tòa nhà người ta vào bằng cửa rộng; mà phải hiểu rằng, điều mà Chúa Ki-tô ước mong mỗi người chúng ta hãy để Chúa Ki-tô sống trong chúng ta, nhờ thế chúng ta trở nên một phần tử của Giáo Hội, nguồn suối cuộc sống từ Chúa Ki-tô.
Là Giáo dân trong Giáo hội, chúng ta đang ngụp lặn dưới sức mạnh của các Ơn Trợ Giúp tuôn đỗ xuống tràn trề mà chúng ta phải lợi dụng hết mình (Bài Ơn Trợ Giúp). Ơn Thánh Hóa giúp chúng ta trở nên con cái Chúa, còn Ơn Trợ Giúp thì cho chúng ta năng lực để thực hiện những công việc của con cái Thiên Chúa. Ơn Trợ Giúp giúp chúng ta vượt thắng được những trắc trở, đời ta được thần hóa.
Kết quả có thể xảy ra; tôi cũng có thể sống trong Ơn Sủng một cách bình thường nhờ Sùng Đạo. (Rollo Sùng Đạo). Rollo này có mục đích chống lại thiên kiến và quan niệm sai lầm về Sùng Đạo. Và giúp thiết lập một quan niệm đúng đắn về lòng Sùng Đạo và những đặc tính của lòng Sùng Đạo chân thật, không phải theo kiểu tình cảm ích kỷ, mà là đời sống Ơn Sủng, có ý thức và luôn thăng tiến luôn hướng về Chúa; sống động và ý thức về ánh sáng Tin mừng.
NGÀY THỨ HAI
Ngày thứ hai là ngày gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, là Người Anh và là Bạn của tôi.
Cách cư xử và tiêu chuẩn của tôi phải phù hợp với tín lý và tiêu chuẩn của Chúa Kitô qua bài Suy gẫm: Dung mạo Chúa Ki-tô.
Trọn ngày thứ nhì, cũng giống như ngày thứ nhứt, trình bày về đời sống ân sủng và sự thánh thiện thực sự, nhưng ở cấp độ khác hơn. Cộng vào đó, giải thích mỗi người phải làm gì để đào luyện mình sống cái lý tưởng Kitô Giáo, tức là trở nên Kitô Hữu đích thực, và sau cùng giải thích mỗi người phải làm gì để trở nên giống Chúa Kitô.
Khi chúng ta đã có được lý tưởng Kitô Giáo hướng dẫn thì sẽ dễ dàng nhận ra được: Học Đạo là một cách để hiểu rõ hơn về Lý Tưởng Kitô Giáo. Và để sống theo tiêu chuẩn của Chúa Ki-tô, chúng ta phải Học Đạo (Rollo Học Đạo)
Học Đạo là điều cần thiết cho người Ki-tô hữu để hiểu biết thực tại của loài người và của Thiên Chúa như lời Thánh Augustinô: “Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết con và biết Chúa.” Ki-tô Giáo có thể đi vào tâm hồn con người bằng muôn ngàn cách khác nhau và chính Học Đạo có thể đi vào lòng họ với bằng chứng hiển nhiên.
Nhờ Học Đạo, chúng ta tìm được nguồn gốc của các Ơn Sủng qua các Bí Tích. (Rollo Nhiệm tích) Các Bí Tích là những dấu chỉ bề ngoài để Ơn Chúa thông ban bên trong, những phương thế nhờ đó Ơn Thánh Hóa được truyền đạt nhằm tăng sức mạnh cho chúng ta, đáp ứng Ơn Trợ Giúp, thích hợp cho tình trạng cuộc đời của từng người.
Và chúng ta được mời gọi sống một cuộc sống ân sủng, có nghĩa là phải chia sẻ cuộc sống ấy với những kẻ khác, đồng thời truyền bá cuộc sống ấy vào môi trường. Đó là nhiệm vụ của người Ki-tô hữu để sống xứng danh trong ba khía cạnh: Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo. Định nghĩa thực sự của Hành Đạo: Là Ki-tô hữu mà không hành đạo hay sống đạo thì cũng chưa phải là Ki-tô hữu. Vì Hành Đạo thiết yếu cho đời sống nội tâm và quan trọng đối với chính chúng ta, Hành Đạo thiết yếu cho cuộc sống ngoài xã hội và quan trọng cho tha nhân, Hành Đạo cũng thiết yếu cho Giáo Hội.
Chúa phán: “Hãy ra đi rao giảng cho muôn dân.”
Nhưng để sống đời sống Ki-tô hữu đó không dễ dàng. Qua Rollo “Những cản trở trong đời sống Ơn Sủng”, các tham dự viên được thách đố đối diện với thực tế trần trụi, đau lòng của tội lỗi – không phải đối diện một cách bi quan, chịu thua, nhưng đối diện bằng cách nhờ Chúa Ki-tô mà vượt thắng thái độ đồng lõa với tội lỗi của trần thế.
Cuối ngày Thứ Hai, Rollo “Người Lãnh đạo” là chìa khóa quan trọng giúp tham dự viên xác định rằng: Người đã chịu phép Rửa Tội, khi nhân cách mình thấm nhuần nền tảng Kitô Giáo, thì nhìn thấy rõ ràng những gì Phép Rửa Tội ràng buộc, và tích cực nỗ lực hoàn thành sứ mạng ấy bằng cách tận dụng hết khả năng của mình.Người lãnh đạo theo tinh thần Ki-tô Giáo là những người nghe tiếng Chúa gọi, và việc họ hy sinh dấn thân vào việc tông đồ biểu lộ một khuynh hướng đầy xác tín và sinh động để phản ảnh Chúa Ki-tô từ lời nói đến hành động.
Người đã chịu phép Rửa Tội, khi đã được thấm nhuần nền tảng Ki-tô Giáo trong huyết quản của mình, thì nhìn thấy rõ ràng những gì Phép Rửa Tội ràng buộc, và tích cực nỗ lực hoàn thành sứ mạng ấy bằng cách tận dụng hết khả năng của mình.
NGÀY THỨ BA
Ngày thứ ba là ngày gặp gỡ tha nhân.
Ngày thứ ba bàn rộng về việc phải sống cách nào cho Chúa Kitô trong một môi trường nào đó, hay phải sống cách nào cho Chúa trong một cộng đồng.
Sau khi suy gẫm về “Dung Nhan Chúa Kitô” trong ngày thứ hai, sự gặp gỡ thứ nhì mà Khóa Cursillo tạo cơ hội – người Cursillista giờ đây phải sẵn sàng chia sẻ Chúa Kitô với kẻ khác. Chúa Kitô chỉ ban cho Tình Bạn của Người (Ơn Thánh Hóa), nhưng Người đặt vào hai bàn tay của các Cursillistas kho tàng của máu Cứu Độ của Người, để Người có thể làm cho máu ấy trổ sinh hoa quả xum xê nơi kẻ khác. Chúng ta phải ra đi và mang lại kết quả; Hoạt Động Tông Đồ của chúng ta sẽ là hoa quả mà Chúa Kitô mong đợi.
“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Gioan 15:5). Không thể thực hiện công tác Tông Đồ đứng đắn và phong phú nếu không có đời sống nội tâm, không kết hợp với Chúa Kitô, và không có ân sủng.
Ngày thứ ba là một lời mời gọi làm việc Tông Đồ. Đây là lời giải thích phải làm gì để dấn thân làm người lãnh đạo Kitô Hữu, một môn đệ của Chúa Kitô, một người sống một đời sống trong ân sủng trọn vẹn và vô điều kiện trong thế giới ngày nay. Lời mời gọi này không đặt trọng tâm trên cá nhân cho bằng trên sự hiện diện của cá nhân giữa trần thế cũng như trên mối tương quan giữa cá nhân ấy với các Kitô Hữu khác. Nó đem lại sự sống cho cái nhìn về Giáo Hội, và do đó cũng như về cá nhân người tông đồ để hiểu được bằng cách nào Giáo Hội và cả cá nhân người tông đồ có thể hoạt động giữa thế giới hiện đại này.
Do đó, Bài nguyện gẫm thứ 5 "Thông Điệp Chúa Kitô gởi Các Cursillistas" là: Mọi Kitô Hữu phải là những kẻ tiên phong của Kitô Giáo. Phải là một cái gì sống động; một cộng đồng của một nhóm người nam và / hoặc nữ kiên định, nồng nhiệt và dấn thân tập hợp quanh Chúa Giêsu Kitô với mục đích truyền bá lý tưởng Kitô Giáo và biến lý tưởng ấy thành hành động. Người Cursillistas phải cảm nhận được rằng có một nhóm người như thế đang hoạt động.
Rollo “Nghiên cứu Môi trường” chỉ dẫn cho tham dự viên hiểu rằng: Các hoạt động của một Ki-tô hữu luôn luôn được thực hiện ngay trong những hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn mà người ấy đã và đang sống, và công cuộc Ki-tô hóa môi trường của họ là do lòng mong ước của Thiên Chúa Cha.Môi trường là nơi kết hợpcác ý tưởng; con người và hoàn cảnh cùng nhau xuất hiện vào một thời điểm và ở một nơi chốn nào đó. Đây là mục đích của các kế hoạch mà Thiên Chúa Cha đã đặt định cho chúng ta.
Rollo này muốn mời gọi và khuyến khích hết thảy mọi người biến đổi môi trường của mình, nhấn mạnh rằng chúng ta chớ nên chê ghét thế gian và trốn chạy nó, nhưng chúng ta được kêu gọi để mang ảnh hưởng Ki-tô Giáo mà tác động đến thế giới này.
Kế tiếp, Rollo “Đời sống trong Ơn Sủng”không có tính cách lý thuyết, nhưng có tính cách thực hành. “Chỉ Nam Cursillistas”(Phiếu Cam kết) làm khí cụ giúp thăng tiến liên tục đời sống tâm linh, phương thế giúp họ sống đời sống Ơn Sủng.
Ngày thứ ba cũng đưa ra một nhãn quan, và qua nhãn quan ấy mà giải thích một phương pháp. Cái nhãn quan ấy chính là cái nhìn về “Kitô Giáo Thực Hành”, đang tiến bước, tràn trề hy vọng và gắng sức hoàn thành một cái gì. Đó cũng là cái nhìn của những Kitô Hữu đích thực, của những tông đồ trong các môi trường của chính mình, và đang thật sự mang lại một khác biệt rõ rệt nhờ khả năng riêng của chính họ.
Mục đích trên hết của Rollo này là tìm cách thể hiện nổi bật lý thuyết về môi trường, để môi trường không chỉ là một sự thật trừu tượng tách ra khỏi đời sống con người. Sứ điệp đưa ra trong Rollo này rất rõ ràng: Để đạt được hiệu quả trong các nỗ lực loan truyền sứ điệp Tin Mừng cho thế giới, chúng ta cần sự hỗ trợ trong việc tiếp xúc với những cá nhân có cùng tâm thức với nhau trong các “Nhóm thân hữu”.
Hai Rollo cuối cùng chính là mục đích của Phong Trào Cursillo, tức là chúng ta nói tới “tâm thức” hay “ý hướng” của Cursillo. Tâm thức của Cursillo có quan hệ với những yếu tố trở nên chính yếu đối với Cursillo. Những yếu tố chính yếu ấy làm cho Cursillo phân biệt hẳn với các phong trào khác trong Giáo Hội đồng thời cũng tạo cho Cursillo có được cái căn tính độc đáo của nó. Những điều chính yếu ấy là quan trọng bởi vì chúng giúp chúng ta giữ được ý hướng và triển vọng của chúng ta.
Rollo “Người Cursillistas sau Khóa Cursillo” tổng kết các chủ điểm của các bài nói trong ba ngày, đem lại cho các Cursillistas một cái nhìn tổng hợp về sứ mệnh của họ và sự khả thi của sứ mệnh đó, đồng thời chỉ ra những nguy hiểm mà họ có thể sẽ gặp trong tương lai, cùng những phương cách để tránh những nguy hiểm đó.
Cuối cùng, sự hoán cải liên tục là điều chính yếu đối với Cursillo.Chúng ta không hề đạt ngay tột đỉnh của hoán cải trong một lần duy nhất. Sự hoán cải phải được thực hiện từng bước, giúp chúng ta trưởng thành một cách sâu đậm hơn trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Như thế, chúng ta sống Thánh Thiện, Đào luyện và Phúc Âm hóa Môi trường là điều chính yếu để chúng ta sống trọn vẹn Ngày Thứ Tư. Không có chiều kích ba mặt ấy của đời sống Kitô hữu, đời sống Kitô hữu trở nên hụt hẫng. Hội Nhóm và Ultreya cũng là những yếu tố chính yếu đối với các Cursillistas.Bởi vì những việc ấy giúp trợ lực và nâng đỡ đời sống theo chiều kích Thánh Thiện, Đào luyện và Phúc Âm Hóa môi trường của chúng ta trong Chúa Kitô.Một phần của sự hoán cải liên tục ấy là sự cam kết gắn bó không ngừng vào việc phục vụ, cùng gắn bó với nhau và gắn bó với các công việc của Cursillovốn là công việc của Chúa Kitô và của Hội Thánh Người.
Rollo cuối cùng cũng quan trọng nhất của Khóa Cursillo: “Bảo toàn Ơn Thánh sau Khóa Cursillo” cho một cảm giác an toàn, và đề nghị một phương pháp sống ngày Thứ Tư, một cách thế nhờ đó các Cursillistas nhớ mãi những gì họ cảm nghiệm trong Khóa Cuối Tuần, và cũng nhờ đó, tiến trình hoán cải có thể nảy nở, ăn sâu và tiến triển không ngừng trong suốt cuộc đời họ nhờ chia sẻ để khuyến khích lẫn nhau qua Hội Nhóm và Ultreya.
DE COLORES!
(Tóm lược theo Cẩm Nang Khóa Ba Ngày)
NGUYỄN VĂN THỌ
4. ÐỊNH NGHĨA TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
Theo quyển Tư Tưởng Căn Bản của Phong Trào Cursillo (TTCBPTC), Trường Lãnh Ðạo được định nghĩa như sau: Trường Lãnh Ðạo là một nhóm Kitô hữu, qua sự hiệp thông trong bầu khí hội nhóm, tìm phương cách giúp họ dấn thân hơn, hiệp nhất hơn để gia tăng sống đời sống Kitô đích thực trong chính con người của họ, trong Phong Trào Cursillo và trong môi trường họ đang sống.
Trường Lãnh Ðạo, theo tiếng Anh là School of Leaders, là Trường họp cuả những người lãnh đạo. Trường Lãnh Ðạo không đào tạo ra những người lãnh đạo nhưng là nơi hội họp của những người lãnh đạo để thăng tiến con người của mình, dấn thân phục vụ cho Phong Trào nhiều hơn.
Cũng nên nhắc lại ở đây thế nào là người lãnh đạo PT. Qua khoá Cursillo, Phong Trào đào tạo những cursillistas về hoạt động ở các môi trường, họ là những người lãnh đạo môi trường. Nhưng chỉ có những ai chấp nhận dấn thân cho Phong Trào và lấy sự phục vụ Phong Trào làm công tác tông đồ ưu tiên mới được mời gọi vào Trường Lãnh Ðạo làm lãnh đạo Phong Trào.
Ngoài việc phúc âm hoá môi trường, người lãnh đạo Phong Trào còn dấn thân vào những hoạt động của Phong Trào trong ba giai đoạn: trong giai đoạn Tiền Cursillo, họ đã nghiên cứu và đưa người vào khóa Ba Ngày. Trong khóa Cursillo, họ là những trợ tá phục vụ khóa sinh. Trong thời Hậu Cursillo, họ là những người tham dự Hội nhóm và Ultreya.
LỊCH SỬ CỦA TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
Vào giữa thập niên 1930 có một số người trẻ khoảng từ 16-30 tuổi bên Tây Ban Nha muốn phục vụ Chúa và Giáo Hội theo chiều hướng mới đắc lực hơn. Họ ngồi lại với nhau dự tính, bàn thảo một chương trình hành động. Những người này họp lại với nhau và tạo thành Trường Lãnh Ðạo đầu tiên của Phong Trào Cursillo. Như vậy Trường Lãnh Ðạo có trước PT Cursillo. Sau khi họ bàn thảo xong, nhóm người này tổ chức khóa ba ngày cuối tuần và PT Cursillo được khai sinh từ đó.
Ngày nay, Phong Trào Cursillo của Giáo phận do những người curillistas nồng cốt đã trải qua khóa Cursillo đứng ra thành lập. Và kèm theo đó là TLÐ cũng được mở ra trong Giáo Phận. Quyển "Những tư tưởng căn bản của Phong Trào Cursillo" nhấn mạnh vai trò của Trường Lãnh Ðạo: "Nếu không có Trường Lãnh Ðạo thì Phong Trào Cursillo chưa được trọn vẹn". Nói tóm lại là Trường Lãnh Ðạo và Phong Trào Cursillo phải hiện diện bên nhau luôn.
DANH XƯNG
Trường Lãnh Ðạo mang nhiều danh xưng khác nhau. Lúc đầu Trường Lãnh Ðạo được gọi là Nhóm Phục Vụ, sau đó gọi là Trường Giảng Sư (the Professors School), rồi Trường Lãnh Ðạo (Leaders’School và Shool of Leaders). Bên Bồ Ðào Nha người ta gọi là "Trường của những người đáp lại lời mời gọi".
Nhưng dù có mang danh xưng nào đi nữa, Trường Lãnh Ðạo giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Phong Trào. Chính Trường khai sinh ra Phong Trào Cursillo, nuôi dưỡng và làm cho Phong Trào lớn mạnh, để tồn tại và vươn sức sống thành một Phong Trào tích cực cuả Giáo Hội.
MỤC ÐÍCH CỦA TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
Vì Trường là một cơ cấu chính của Phong Trào nên Trường không thể thực hiện những gì khác hơn là mục đích của Phong Trào. Phong Trào giúp cho cursillistas sống một đời sống Kitô đích thực, phục vụ Chúa và sống hoà đồng với những người chung quanh. Do đó Trường gia tăng, giúp cho thành viên đạt được chủ đích mà Phong Trào đưa ra. Chính vì vậy mà Trường đánh động đến ba phương diện khác nhau:
· Ở nơi thành viên bằng khuyến khích, nâng đỡ tinh thần hầu giúp họ thăng tiến trí tuệ, giữ gìn tư tưởng "Sống đích thực của người Kitô" không bị lu mờ trong đầu họ mà trở nên sống động
· Ở nơi Phong Trào -cung cấp cho Phong Trào một nhóm lãnh đạo gồm có những người:
o Sống và hiểu biết phương pháp Phong trào để có thể hướng dẫn người khác.
o Liên tục hóan cải con người của mình để sự thánh thiện của mình thu hút người khác.
o Phát triển và duy trì hội nhóm.
o Chuẩn bị và hòan thiện các buổi Ultreya.
o Giúp cursillistas kiên trì sống phương pháp Cursillo
o Nhận diện và khuyến khích các người lãnh đạo
Như thế mục đích của trường là đào luyện những nhóm người cốt lỏi để cung cấp cho Phong Trào. Họ là những người thấu hiểu mục tiêu và phương pháp của Phong Trào, sống đời sống Kitô đích thực. Họ có trách nhiệm gầy dựng các nhóm nhỏ và Ultreya trong Giáo phận, biến hai nhóm này thành cộng đồng truyền giáo hữu hiệu.
CÁCH TỔ CHỨC TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
Như Ðức Thánh Cha Gioan Phalô đề nghị trong Tông huấn Người Tín Hữu: "Trường chuẩn bị cấp lãnh đạo trong công việc tông đồ của họ bằng cách thức riêng biệt của Phong Trào. Họ được đào luyện theo triết lý, phương pháp, cấu trúc mưu lược của khoá ba ngày."
Tuy Trường là một thành phần cốt yếu của Phong Trào, nhưng cách thức tổ chức, sinh hoạt của Trường Lãnh Ðạo không theo một phương pháp nhất định. Những hoạt động của trường tuỳ theo nhu cầu, những hoàn cảnh điạ phương. Do đó không có trường Lãnh Ðạo nào giống Trường Lãnh Ðạo nào và không thể nào có một sắc thái đồng nhất trong mọi lúc. Những yếu tố khác như: nhân sự, trình độ và sự dấn thân của người lãnh đạo cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt Trường Lãnh Ðạo (Trích sách LCNHTTLÐ).
Trường cũng không vay mượn bất cứ hình thức nào của các đoàn thể hoặc của các Phong Trào khác, không có một quy luật nào ấn định việc tổ chức Trờng Lãnh Ðạo.
THÀNH VIÊN CỦA TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
· Thành viên của Trường Lãnh Ðạo là những người đã tham dự khóa học ba ngày, họ tự do nhận lãnh trách nhiệm Phúc Âm hoá của Giáo Hội.
· Tiêu chuẩn để chọn lựa thành viên là họ phải coi sinh hoạt Cursillo là một công tác tông đồ ưu tiên của họ, chấp nhận bỏ thì giờ, dấn thân cho Phong Trào. Ðiều này cũng dễ hiểu, là mỗi khi đã nhận một công tác tông đồ nào của Giáo Hội thì người đó phải đặt công tác tông đồ của mình lên hàng đầu. Có như vậy thì công tác tông đồ của mình mới hoàn thành tốt đẹp được.
· Họ phải có thì giờ để phục vụ cho Phong Trào. Nhiều người bận bịu công việc làm ăn, hoặc tham gia vào quá nhiều đoàn thể khác nên họ không còn thì giờ nhiều cho Phong Trào. Nếu họ không đủ thì giờ họ có thể giúp Phong Trào bằng những cách khác, nhưng Phong Trào cần những người có thì giờ rảnh rổi để tham dự các buổi họp của Trường Lãnh Ðạo và dấn thân giúp đỡ Hội Nhóm và Ultreya.( LCNHTTLÐ)
· Họ có đời sống Kitô hữu đích thực quyết tâm hăng say thăng tiến trong lãnh vực Nên Thánh qua việc thao dượt đức tin, hy vọng và bác ái một cách liên lỉ (điều 569 sách TTCBPTC). Thánh Timothy nói rõ bản tính của người lãnh đạo: "Nếu một người rượu chè, cờ bạc, đàng điếm, ích kỷ, nóng giận, không biết lắng nghe làm sao họ có thể là người lãnh đạo trong Giáo Hội được? Làm thế nào một người không biết quản lý gia đình mình lại có thể lãnh trách nhiệm lo cho Giáo Hội Thiên Chúa." Làm người lãnh đạo Phong Trào, là làm tôi tớ. Hình ảnh Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho các môn đệ là hình ảnh tiêu biểu của người lãnh đạo PT. Những lời nói, cử chỉ, hành động phải thể hiện tinh thần và sứ mệnh của Giáo Hội chứ không phản ánh bản thân mình.
· Những thành viên của Trường Lãnh Ðạo sẽ là những người nói bài trong các khoá cursillo. Các trợ tá trong các khoá là những thành viên của Trường Lãnh đạo đã được khoá sinh biết trong các môi trường của họ. Sở dĩ chọn thành viên của Trường làm trợ tá là để cho sự tương thân giữa trợ tá và khóa sinh được trọn vẹn và phong phú hầu tạo được một cộng đồng Kitô trong khóa và chuyển được sứ điệp của khoá Cursillo đến cho khóa sinh.
· Hội Nhóm và Ultreya là những cơ hội thuận tiện để tìm thấy những thành viên tương lai của Trường. Một số những khuôn mặt sẽ nổi bật giữa đám đông nhờ vào những đức tính thiết yếu của người lãnh đạo như lòng trung trực, tính công bình, khả năng cởi mở, đối thoại, tinh thần cộng đồng và tiềm năng dấn thân (Ðiều 672 TTCBPTC).
· Cuối cùng họ phải nhận thức trở thành người lãnh đạo trong PT là một ơn gọi đích thực. Chấp nhận lời mời gọi cũa Thiên Chúa. Ðiều này chúng ta sẽ bàn đến sau.
HÌNH THỨC SINH HOẠT
PT không đưa ra một hình thức sinh hoạt nào cho Trường Lãnh Ðạo. Tuỳ theo nhu cầu địa phương mỗi trường có hình thức sinh hoạt khác nhau. Tuy vậy những phần thiết yếu gồm có:
· Hội nhóm của Trường Lãnh đạo giống như là hội nhóm của các nhóm nhỏ.
· Bài Tín lý do một linh mục trình bày. Ðể khai triển ý hướng là một thành viên cuả giáo hội, những văn kiện của cộng đồng Vaticanô II như "về công tác truyền bá tin mừng trong thế giới ngày nay nên được giảng dạy."
· Bài kỹ thuật do giáo dân trình bày. Trường nhấn mạnh đến những bài nói trong khoá ba ngày, làm sao cho tất cả mọi thành viên của Trường hiểu và sống với những bài nói đó. Cho nên sau những bài nói có phần thảo luận hoặc vẽ tranh để hiểu biết thêm về những bài này.
· Tiếp theo là sinh hoạt của các khối. Trong đó các khối sẽ học hỏi về mục đích của khối mình, những sinh hoạt, công tác của khối
Cuối cùng: Viếng Thánh Thể góp phần vào chương trình hóan cải thành viên qua việc cầu nguyện chung. Có dịp nói với Chúa những khó khăn, những triển vọng, những dự tính của mỗi thành viên.
5. LÝ TƯỞNG
Rollista Dương Lưu Mỹ Hạnh.
(Đặc tính của Lý tưởng)
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà đã số người nhìn vào sự thành công vật chất như là mục đích sống mà chúng ta phải theo đuổi. Sự thành công về phương diện vật chất được xem như là cội nguồn của hạnh phúc. Hạnh phúc được cho là đến từ sự giàu có, sống trong những ngôi nhà thật lớn, lái những chiếc xe đắt tiền, sở hữu nhiều tài sản, có địa vị trong xã hội, có bằng cấp cao, có tiếng tăm, có quyền lực, v.v...Cố gắng làm việc để đạt đến những thành tựu về vật chất thực ra không có gì là sai trái cả. Bởi vì thực tế, nếu không có tiền thì lấy gì để mà trả bills? Tuy nhiên, chỉ riêng sự giàu có và sự thành công vật chất như thế không thể đem lại hạnh phúc và sự mãn nguyện. Dù cho có trở thành triệu phú với tiền bạc đủ sống đến mười đời, sự giàu có đó vẫn không thể đem lại cho ta sự bình yên trong tâm. Tại sao? Bởi vì:
1. Tiền bạc không thể mua được sự sống. Khi dự tang lễ một người nằm xuống đang khi còn trẻ, hoặc chết một cách đột ngột, chúng ta thường cảm thấy mình như người khờ dại vì mải lo tính toán, tích luỹ lâu dài mà quên rằng liệu mình sẽ sống hết năm nầy không? Nếu mình chết đi, của cải mà mình đã lao nhọc dành dụm đó sẽ thuộc về ai? Liệu con cái mình có gìn giữ, bảo toàn hay sẽ hoang phí khiến bao công khó của mình giống như công Dã Tràng? Và chẳng lẽ cả đời mình sống chỉ lo tích trữ tiền bạc để rồi chết hay sao?
2. Tiền bạc không thể mua được sự thoả lòng. Con người mình không bao giờ thoả mãn với những điều mình đang có, luôn cảm thấy mình chưa bằng ai, luôn thấy mình còn thua sút nhiều người. Được một, mình muốn có hai, luôn luôn muốn được nhiều hơn nên suốt đời mình chỉ đeo đuổi các mục tiêu vật chất, sự nghiệp, công danh là những thứ vô cùng tạm bợ, nay còn mai mất; đây cũng là những thứ thường đem lại nhiều buồn lo, đau khổ trong cuộc sống. Có phải các bạn đã từng thấy nhiều gia đình tan nát chỉ vì tiền bạc; nhiều người đánh mất cả danh dự chỉ vì lợi lộc, tham vọng, sắc dục; biết bao người giàu có, thừa mứa vật chất nhưng vẫn sống trong vô vị, chán chường! Chẳng lẽ mình sống ở đời chỉ để đeo đuổi một mục đích tầm thường, phù du như vậy? Và để rồi... chết?
Như vậy thì có phải là chúng ta nên chọn một lý tưởng, một mục đích sống cao hơn, có ý nghĩa hơn? Các nhà tâm lý học cho rằng con người ai cũng có khát vọng được yêu thương, hay nói đúng hơn là cảm nhận rằng mình được yêu thương. Khi không được điều này thì con người thường cố gắng đạt đến những thành tựu vật chất, công danh bên ngoài để được approval, được sự công nhận, được sự hài lòng hay tán thưởng từ người khác. Do đó họ nghĩ rằng những thành tựu này sẽ mang lại hạnh phúc và niềm vui cho bản thân. Richard Warren, trong quyển sách "The Purpose Driven Life", ông đã viết rằng “if you live for approval, you will die for rejection”. Nếu bạn sống chỉ để làm cho người khác hài lòng về bạn, thì bạn sẽ chết vì sự chối bỏ của họ.
Các bạn thử tưởng tượng, tối nay bạn đang ở nhà, đang ngủ say, bỗng nhiên thần chết đến gõ cửa phòng bạn, nói với bạn rằng bạn chỉ còn được sống thêm một ngày nữa thôi, chỉ được sống thêm ngày mai, thứ Bảy nữa thôi. Rạng sáng ngày Chúa Nhật, bạn sẽ phải vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời này. Bạn chỉ còn một ngày để sống, vậy thì bạn sẽ dùng cái ngày cuối cùng trong cuộc đời của bạn để làm gì? Có phải để đi làm overtime? Có phải để đi shopping vì đang có on sale 50% off? Chỉ khi đối diện thật gần với cái chết, với cái ngày cuối cùng của mình trên cõi đời này thì mới biết được điều gì là quan trọng đối với mình. Lúc đó mới thấy được tiền bạc, của cải, địa vị, tiếng tăm, quyền lực, v.v… không có nghĩa gì cả. Nếu mình sống chỉ cố gắng nỗ lực để có được những thành đạt vật chất, để hưởng thụ, để thấy mình hơn người, vv... thì đó chỉ là những thứ lý tưởng bề ngoài. Nó làm mờ mắt chúng ta, chiếm hết thì giờ, công sức, và nghị lực của cả cuộc đời chúng ta.Để rồi cuối cùng nhìn lại cuộc đời mình chỉ cảm thấy chán nản thất vọng, vì cuộc đời mình thật là vô nghĩa.
Do đó lý tưởng phải là một mục tiêu cao thượng, hoàn hảo. Khi chúng ta không ngừng nỗ lực để đạt đến một mục tiêu cao thượng và hoàn hảo, nhân cách của chúng ta cũng sẽ tiến triển theo chiều hướng cao đẹp, con người của chúng ta sẽ hoàn thiện hơn. Nhưng chúng ta cũng cần nên nhớ là cái mục tiêu tối thượng trong cuộc đời chúng ta phải là một mục tiêu đích thực và đạt tới được; bởi vì một lý tưởng mà mình không thể nào đạt tới thì chỉ là ảo tưởng, là một sự không tưởng sai lầm.
6. HỌC ĐẠO
Rollista Trần Trung Nghĩa. (Dấu chỉ thời đại)
Dấu chỉ thời đại còn được nhận biết qua những sự kiện hoặc biến cố chứa đựng một ý nghĩa, đánh dấu một bước tiến triển hoặc thay đổi trong dòng lịch sử; những sự kiện mang lại ý nghĩa chung cho cả một thời đại, một nhóm người hoặc một nền văn hoá.
Những sự kiện lịch sử ấy có ý nghĩa không chỉ đối với người tín hữu, nhưng chúng còn có ý nghĩa đối với cả những người ngoài Kitô giáo. Nhất là những người biết để tâm suy nghĩ và tìm kiếm để hiểu những gì mình đang sống và những gì diễn ra chung quanh mình.
Tôi xin nêu thí dụ về một biến cố, một dấu chỉ lớn của thời đại mới xảy ra cách đây hơn 5 tháng như sau:
Trong cuộc bầu chọn ngôi vị giáo hoàng của Hội thánh Công giáo,nhờ các phương tiện truyền thông từ đài địa phương và trên thế giới qua: radio, tivi, mạng lưới internet và báo chí đều đồng loạt đưa tin về việc bầu giáo hoàng, từng giây từng phút đến vấn đề đang được cả thế giới quan tâm; đã có hơn 5 ngàn phóng viên trên thế giới đã đổ về Rôma để đưa tin trong những ngày này.
Thật là một điều ngạc nhiên vì các phương tiện truyền thông của Việt nam và các nước cộng sản, các nước hồi giáo cũng phải liên tục đưa tin về sự kiện này.
Điều nghịch lý là một số các cơ quan truyền thông lớn này thường xuyên phê phán chỉ trích Giáo hội công giáo vì cho rằng Giáo hội chẳng còn ý nghĩa gì với con người ngày nay, vì cho rằng Giáo hội là lực cản mạnh nhất cho những mưu toan của họ, nhưng mặt khác thì họ lại chăm chú theo dõi từng giây phút diễn tiến việc bầu chọn giáo hoàng của Hồng y đoàn.
Sự chăm chú theo dõi những gì đang diễn ra ở Rôma cho lại cho thấy con người ngày nay vẫn mong chờ nơi Giáo hội sự hướng dẫn tinh thần. Điều mà con người đã khám phá qua sự kiện bầu giáo hoàng là một cái gì đó siêu việt chứ không thuần tuý thế tục. Cho dù người ta không tin rằng có Thiên Chúa hoặc sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn trong những diễn tiến ấy, thì họ cũng cảm nhận một cái gì đó thật là lớn lao, trang trọng, đẹp đẽ và thuần khiết đang diễn ra ở đây. Tự thẳm sâu trong tâm hồn, con người luôn khao khát Chân, Thiện, Mỹ.
Càng sống trong thế giới của gian dối, độc ác, xấu xa… thì con người lại càng khao khát về lý tưởng ấy. Qua sự kiện bầu chọn ngôi vị giáo hoàng, họ cũng khám phá ra phần nào hình bóng của Chân, Thiện, Mỹ đang diễn ra ở “lãnh thổ nhỏ bé với tâm điểm là mộ thánh Phêrô”.
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta biến cố đặc biệt này như một dấu chỉ của thời đại để cảm nhận bàn tay quan phòng và sự hướng dẫn của Chúa được rõ nét hơn.
7. LỜI TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI RUNG CHUÔNG
Làm việc nhà Chúa là một việc làm quan trọng nhất và khó nhất đối với Lý. Năm ngoái Lý tự hứa sẽ không tham gia vào Ban điều hành khóa 3 ngày nữa, vì Lý chưa làm tròn bổn phận của một người Cursillistas theo sự hướng dẫn của phong trào. Thú tội với quý anh chị, Lý có tham gia vào Trường Lãnh đạo, họp Liên nhóm và dự Ultreya nhưng Lý không có một nhóm nhỏ để cùng nhau chia sẻ, khích lệ đời sống ngày thứ tư của mình.
Luôn tha thiết với Phong trào, và với một tấm lòng đơn giản nhất, Lý tự chuẩn bị mình, chờ khóa tới bắt đầu ngay ngày Chúa Nhật khi xong khóa hiện tại. Lý chuẩn bị bằng cầu nguyện cho các anh chị em Cursillistas mới, và xin Chúa giúp đem đến những khóa sinh cho năm tới. Ngay lập tức, Lý nhìn lại khóa ba ngày vừa qua, ghi nhận những lỗi lầm để sửa đổi, tạ lỗi cùng Chúa và xin Chúa đừng để những lỗi lầm của Lý đem ảnh hưởng xấu đến quý anh chị em Cursillistas chung quanh. Lý tiếp tục cải huấn mình để được đẹp lòng Chúa, và gần hơn nữa, để xứng đáng là phần tử của ban điều hành trong khóa ba ngày. Tới đây chắc các anh chị thấy Lý mâu thuẫn quá phải không? Đã không muốn làm trong ban điều hành khóa ba ngày mà lại chuẩn bị để làm, thật là lộn xộn! Nhưng quý anh chị ơi! vì làm việc cho Chúa quá quan trọng cho nên Lý phải cải huấn luôn luôn, chuẩn bị để khỏi phụ lòng Chúa đã gởi Lý đi. Và để khỏi phụ lòng quý anh chị đã tin tưởng và trao phó. Để chẳng may, nếu không từ chối được, thì Lý đã sẵn sàng.
Lý chân thành cầu nguyện “xin cho con bận, với lý do chính đáng trong 3 ngày khóa nữ tới, nhưng xin Chúa đừng cho bệnh tật” (quý chị thấy Lý khó chịu không, thế mà Chúa vẫn thương), nhưng cũng không quên thêm lời, “xin đừng theo ý con nhưng theo thánh ý Chúa”.
Các em của Lý ở tiểu bang khác chuẩn bị ngày nghỉ hè chung của đại gia đình. Thế là thấm thoát đã 4 tháng qua đi, một ngày vào đầu tháng giêng 2013, Lý nhận được email mời Lý tham gia trong ban điều hành khóa 3 ngày 815 vào ngày 8 tháng 8, Lý vội vàng coi lại ngày nghỉ hè chung của gia đình và thấy là nó rơi vào tuần sau đó. Lý buồn 5 phút nhưng vẫn xin tạ lỗi cùng Chúa vì đã tính trốn tránh bổn phận, thế là Lý nhận lời với nỗi lo sợ không làm tròn bổn phận. Lý yên lặng vài phút để… “xin Chúa nâng con lên”.
Và kể từ ngày ấy, việc chuẩn bị chính thức cho khóa 815 và 816 bắt đầu. Cầu nguyện liên lỉ trong và ngoài Thánh Lễ, từ xin Chúa đem khoá sinh đến, cho đến xin Chúa giúp chúng con biết việc phải làm. Lý tham dự Trường lãnh đạo, họp Ban điều hành, những buổi thao giảng, những buổi tĩnh tâm, workshop, miệt mài học những tài liệu cần thiết (có phải vì lo quá hay sao mà càng học lại càng quên thế này?), và dĩ nhiên tham dự Ultreya. Lý chuẩn bị bài nói của mình bắt đầu bằng lời cầu nguyện, xin Chúa thánh hóa mỗi người trong quý chị theo thánh ý Chúa, xin đừng để những thiếu sót của Lý làm mờ nhạt đi những gì Chúa muốn gởi đến quý chị. Và cuối cùng, với dòng lệ nghẹn ngào, trái tim bừng cháy trong tình yêu, Lý dâng trọn vẹn 3 ngày cho Thầy Chí Thánh. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cách riêng xin Chúa ôm ấp quý anh chị Cursillistas khóa 815 và 816.
Thế rồi thấm thoát đã đến ngày mở khóa, Lý nghỉ làm nên đến sớm để sau khi viếng Thánh Thể lại có thể giúp vào việc chuẩn bị tiếp đón quý chị, lòng băn khoăn lắm nhưng may thay là trong chương trình có Thánh Lễ cho trợ tá, giúp Lý có thể trút bỏ mọi lo âu, lắng đọng tâm hồn và phó thác hoản toàn trong tay Chuá. Thế là Lý cảm thấy như bin đã được charge đầy và Lý thì thầm với Chúa rằng “xin Chúa nhớ cầm quyền điều khiển mọi hành động của con từ lúc này nhé”.
Nhìn quý chị trong phòng ăn chờ đợi một sự việc chưa hề biết sẽ xảy ra, thấy quý chị vui vẻ, hoạt bát làm cho Lý quên đi phần nào nỗi nôn nao lo sợ. Và giây phút mà Lý cùng với tất cả các anh chị trợ tá đã chuẩn bị bao tháng qua bắt đầu khi Lý dẫn quý chị lên lầu.
Ngày đầu tiên, khi đi đàng thánh giá, bài hát mà chị Khóa trưởng chọn làm cho Lý lo ra quá. Quý chị biết không, Lý muốn là khi đi đàng thánh giá, quý chị phải có đủ ánh sáng để hát và di chuyển từ chặng này đến chặng khác, Lý phải rọi ánh sáng xuống đất để quý chị khỏi vấp té, nhưng đèn soi thì cứ sáng lên rồi lại tắt đi…khi Lý đang đắm chìm trong lời nhạc diễn tả tình yêu nồng cháy của Thiên Chúa (thật là “lo ra”, không làm tròn bổn phận). Nhưng Chúa đã dìu dắt quý chị khi Lý “lo ra” nên không ai té cả, tạ ơn Chúa!
Mỗi ngày trong giờ sinh hoạt, Lý liên lỉ cầu nguyện, viếng Thánh Thể vài phút giữa các tiết mục và đặc biệt dâng lên Chúa những chị không được khỏe, theo dõi từng mục trong thời khoá biểu để không bị chậm trễ. Khi ăn thì Lý lo ăn cho mau và canh giờ để rung chuông. Và một trong những phần thú vị và vui nhộn nhất là buổi bình tranh, khi quý chị đọc bài tóm lược và diễn tả bức tranh của De Curia của mình, thật là vui tươi và đầy tình người.
Mỗi tối khi quý chị đi nghỉ đêm, các trợ tá ở lại họp, nhìn lại ngày vừa qua, sửa những gì cần thiết, và nhắc nhở nhau việc làm ngày mai. Thế rồi Lý đi lên nhà tạm, trong giây phút yên tĩnh này Lý tạ ơn, khóc, cười, với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi về phòng, Lý dùng ít giờ ôn bài rollo để đừng quên khi đến phiên mình nói vào sáng Chúa Nhật.
Bữa tiệc tình thương là giây phút say mê trong tình Chúa tình người, đôi khi Lý nghĩ có thể là Lý đi giúp khóa chỉ vì bữa tiệc tình thương này … nhưng lại nghĩ, cũng vì muốn gặp quý chị nữa … vậy thì lúc nào là cao điểm … Khó chọn quá, nhưng chắc chắn là những giây phút chị em chúng ta trong nhà tạm trước Thánh Thể hay trong Thánh Lễ là giây phút tột đỉnh của tình yêu.
Và thế là Chúa Nhật đã đến, ngày quý chị trao đổi lời hứa với Chúa Giêsu Kitô và chị em chúng ta phải tạm chia tay khi tình bạn mới vừa nẩy nở. Thật là vừa vui, vừa buồn lẫn lộn!
Hôm nay, khi vào mạng lưới của Cursillo Tổng Giáo Phận Los Angeles ngành Việt Nam (https://sites.google.com/site/cursillovietla/home), nhìn lại video của ngày Chúa Nhật, Lý mỉm cười sung sướng vì đã có cơ hội làm bạn với quý chị. Hẹn gặp lại quý chị thường xuyên trong những ngày Ultreya, Trường Lãnh đạo và những ngày tĩnh tâm sắp đến.
Thương nhiều,
Lý Lora
8. KHÓA CURSILLO 815.
Mỗi năm Phong trào Cursillo ngành Việt Nam tại TGP Los Angeles thường tổ chức 2 khóa tĩnh tâm (một cho khóa nữ và một khóa nam) và Phong trào đã chọn cùng một địa điểm là Dòng Ngôi Lời tại Riverside để tổ chức khoá Cursillo ở nơi đây đã hơn 10 năm rồi.
Theo chương trình, khóa Cursillo nữ - khoá 815 - mở tuần vừa rồi, có rất nhiều anh chị em tình nguyện viên nhận trách nhiệm đưa đón 34 khoá sinh từ nhiều nơi thuộc nhiều cộng đoàn trong TGP Los Angeles, riêng tôi, tôi nhận trách nhiệm đưa và đón 6 khoá sinh từ rất nhiều thành phố khác nhau đến từ Giáo Phận Orange County hay còn gọi là quận Cam.
Khoảng cách từ Torrance tới khu vực Little Saigon rồi tới Riverside không xa lắm, vào khoảng 42 miles tức vào khoảng 70 cây số. Xe chúng tôi khởi hành từ lúc 2 giờ chiều, vậy mà chúng tôi cũng phải mất gần 4 tiếng đồng hồ chạy xe vì là giờ cao điểm rất kẹt xe. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã đến được địa điểm cần đến vào lúc 6:15PM.
Dòng Ngôi Lời được xây dựng gần bên một khu đồi cao, rộng rãi và thoáng mát. Vị trí nhà Dòng ở trên cao nên có thể nhìn xuống cảnh thành phố bên dưới rất đẹp. Vừa tới cổng nhà Dòng, chúng tôi đã thấy Cha Ngô Đình Thỏa là Linh hướng Phong trào, anh Đinh Văn Hào, Trưởng văn phòng Điều hành PT Cursillo ngành Việt Nam tại Los Angeles. Chúng tôi cũng được Cha Hồ Nguyễn Anh Nghĩa là Linh hướng khóa 815, Đức Viện phụ John Bosco Trần Văn Thành, Thầy phó tế Nguyễn Lộc và anh Chủ tịch Cộng Đồng TGP Los Angeles, Nguyễn Hiếu Vinh ra chào đón.
Các anh chị trợ tá đã mau chóng giúp chúng tôi làm thủ tục ghi danh, hướng dẫn và di chuyển hành lý cho 6 khóa sinh lên lầu để nhận phòng ngủ cũng như hướng dẫn đến một số nơi cần thiết khác. Tất cả phòng ốc ở đây đều có máy lạnh, mỗi giường đều có một tủ đựng quần áo riêng biệt nên rất thuận tiện cho việc sinh hoạt của mỗi cá nhân.
Sau khi đã sắp xếp đồ đạc ở phòng ngủ, chúng tôi được các anh chị trợ tá hướng dẫn đến hội trường ở dưới lầu để ăn lót bụng bằng những món ăn đã được bày sẵn tại bàn. Nơi đây, chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều khóa sinh khác, hai Sơ Việt Nam đang học tại Mỹ, một khóa sinh từ Pháp quốc tới, có quý thân nhân của khoá sinh và cả quý anh chị làm trợ tá cũng như tất cả các Cursillistas khác.
Lễ Khai mạc khóa được bắt đầu vào lúc 7:00PM đúng theo thời khóa biểu của chương trình. Tất cả 40 khóa sinh được đón chào nồng nhiệt tại phòng Rollo trong tiếng hát rộn ràng của tất cả mọi người: “Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời, Lạy Chúa, chúng con về từ khắp thôn làng…..” Tâm hồn tôi cảm nhận được nhiều niềm vui khôn tả, một cảnh thanh bình, bởi tiếng ca, tiếng đàn đang diễn tả một niềm vui thực sự trong lòng mỗi người. Sau giây phút chào mừng, tất cả các khóa sinh được ban tổ chức khoá giới thiệu cha linh hướng, khóa trưởng, khóa phó và các ban có liên hệ trong 3 ngày tĩnh tâm.
Quý thân nhân và quý anh chị Cursillistas được mời ra về trong bài hát “Cursillista hành khúc: De colores, tiếng ca của tình bác ái…..” để cùng chào tạm biệt khóa sinh và hẹn gặp lại vào ngày bế mạc, Chúa nhật 11/8/2013. Thân nhân của khóa sinh có thể ra về, riêng các anh chị Cursillistas còn ở lại để tham dự giờ Chầu Thánh Thể, dâng khóa học 815 này được tốt đẹp theo Thánh Ý của Thiên Chúa trước khi ra về.
Tôi trở lại nhà Dòng Ngôi Lời vào chiều Chúa nhật lúc 4 giờ để chuẩn bị công tác đón khóa sinh về. Nhờ đó tôi cũng có cơ hội được nghe phần chia sẻ cảm nghiệm của quý chị ở trên khóa và phần chia sẻ niềm vui và cảm nghiệm trên đường chở các chị về nhà. Có một điều tôi dễ nhận ra nhất là nhìn thấy nét mặt, tâm trạng của các chị trong ngày đầu đến với khóa, trông các chị luôn lo lắng và rất hoang mang; Thế mà bây giờ trông các chị tràn trề phấn khởi, vui tươi và hạnh phúc. Điều này làm tôi không ngạc nhiên vì tôi và các anh em cùng khóa với tôi cũng đều có những cảm nghiệm như vậy.
Qua ba ngày học hỏi về Chúa, học hỏi về biết bao ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta đã đi ngược lại dòng để tìm về đầu nguồn, để nhận ra Chúa chính là nguồn sống của chúng ta. Với ba chân đứng của Cursillo giống cái kiềng ba chân là Sùng đạo, Học đạo và Hành đạo, người Cursillista phải đem ra thực hành, không phải chỉ làm theo hướng dẫn của phong trào, trong vài tháng, vài năm nhưng phải làm cả đời mình có như vậy chúng ta mới có thể đồng hành với Chúa Kitô.
Trong phần kết thúc tâm tình của chị khóa trưởng sau khi mãn khóa thì Phong trào Curillo không bắt buộc người Cursillistas phải làm thế này hay thế kia, nhưng tuỳ theo môi trường của mỗi người mà áp dụng những gì mà chúng ta đã học được để làm bạn, kết bạn và đưa bạn đến với Chúa Kitô. Điển hình là chuyện của chị Jenny Hồng Nguyễn là một trong sáu chị mà tôi chở lên đồi đi khóa 815. Chị Jenny đã kể cho chúng tôi nghe rằng chị đã cầu xin với Chúa cho chị được đi Khóa Curillo đã hơn 10 năm, nhưng cứ tới ngày đi khóa là có nhiều việc trục trặc lại xảy ra nên đều hụt mất. Năm nay, Chúa đã nhận lời chị và giờ này chị đã được ngồi trong xe này để đi lên khóa 815. Tại sao chị Jenny lại muốn đi khóa trong một thời gian lâu như vậy? chị kể rằng: Một người đồng nghiệp y tá (Nursing) người Việt Nam tên Đan đã đi khóa Cursillo. Nhờ lối sống tốt lành của anh Đan mà chị tò mò muốn đi khóa Cursillo. Vâng, chính anh Đan là cursillista này, đã sống “Phúc Âm Hóa Môi Trường”, là chứng nhân cho Thầy Chí Thánh, và đã làm cho những người xung quanh tha thiết đi tìm Chúa Giêsu.
Tôi cũng đã tham dự khóa Cursillo và đã cảm nhận Chúa luôn sống trong tôi. Để diễn tả cảm nghiệm về niềm vui, về hồng ân của Chúa đã dành cho tôi, thật là khó. Tâm hồn tôi đang được hạnh phúc và bình an trong Chúa, cho nên tôi cũng muốn cho bạn hoặc mọi người cũng có một sự bình an thật sự cho cuộc sống tạm bợ này, để đến một ngày nào đó mình cũng phải xuôi tay để trở về cùng Chúa.
Đây là lý do để tôi có thể viết bài phóng sự này để trả lời cho câu hỏi của mọi người sau khi đã tham dự khóa ba ngày đều thắc mắc mà không có dịp nêu ra: “Tại sao khóa học này rất tốt đẹp và thực sự cần thiết cho đời sống của chúng ta mà có nhiều người được mời gọi lại không muốn tham dự?” Mời bạn cùng suy nghĩ để có câu trả lời với Chúa và cho chính bạn.
Liên nhóm Thánh Phêrô – Torrance