- Tang Chế & Xã Hội

Tang Chế và Xã Hội Cộng Đoàn Thánh Phêrô Torrance, TGP-Los Angeles California USA

T.Ban: Ông Võ Thành Bút 310-951-9256

Những việc cần biết:

(Trong phạm vi Cộng Đoàn Thánh Phêrô Torrance, Giáo xứ St. Cathérine Labouré)

A- Khi gia đình có nguời đau yếu:

Những việc cần thiết:

1- Bước 1: bênh nhân nhẹ: Gia trưởng thông báo cho Cha Quản nhiệm, hoặc ông Chủ Tịch để thông báo cho cộng đoàn góp lời cầu nguyện, nếu có thể được cho biết điạ chỉ và số điện thoaị, để có cơ hội đến thăm viếng, qua hai số điện thọai sau đây:

Cha Quản nhiệm: ( 310) 323-8900

Ông Chủ tịch : ( 310) 926-6626

2- Bước 2 : bệnh nhân nặng : Gia trương cần liên lạc với:

Cha Quản nhiệm ; bày tỏ sự ước muốn lãnh nhận các phép Bí Tích

Ông Trưởng Ban Thừa Tác Viên Thánh Thể: ( 310) 324-4033 để cùng đi với cha đến tận nhà bệnh nhân. Tưởng cũng nên nhắc lại là từ khi Linh Mục Võ Hồng Khanh về nhận Quan nhiệm cộng đoàn, Ngài đã có chương trình thăm viếng những người già cả và bệnh tật trong cộng đoàn vào ngày thứ Năm đầu tháng . Trong dịp nầy Ngài sẽ ban phép Giải Tội, Mình Thánh Chúa và Xức Dầu Thánh. Tưởng cũng nên nhắc lại là Phép Xức Dầu Thánh, đời người có thể lãnh nhận nhiều lần và có thể chữa lành phần Hồn và phần Xác.

3- Bước 3 : Bệnh nhân ở bệnh viện hoặc Nursing home: Gia trưởng cần liên lạc :

Cha Quản nhiệm

Trưởng Ban Xã Hội: ( 310) 323-8809 : để phối hợp các Đoàn thể , tiến hành việc cầu nguyện hoặc thăm viếng, nếu có thể được. Xin nhắc gia truởng cho biết rỏ địa chỉ bệnh nhân đang điều trị.

B- Khi gia đình có nguời qua đời :

Các việc cần làm theo thứ tự sau đây:

4- Bước 4 : Lo phần thiêng liêng,.Gia trưởng cấp báo :

Cha Quản nhiệm :Tên thánh, họ và tên người qua đời để Ngài kịp thời thông báo cho Giáo dân cầu nguyện

Ông Chủ tịch (310) 926-6626

Trưởng Ban Tang Chế ( 310) 323-8809, để phối hợp với các đoàn thể trong việc cầu nguyện và giúp đỡ Tang Gia trong việc tổ chức ma chay cho nguời quá cố. Việc nầy rất cần thiết.

5- Bước 5 : chọn Nhà Quàn : sau khi liên lạc với bệnh viện để biết chính xác ngày giờ xong thủ tục tại bệnh viện ( thường trong vòng 24 giờ) Gia trưởng lo chọn Nhà Quàn, dựa vào hai tiêu chuẩn:

Giá trị thiêng liêng: địa điểm phải thuận tiện cho thân nhân, đồng thời phải thuận tiện cho việc quy tụ nhiều người đến tham dự vào việc cầu nguyện, tức là gần với cộng đồng dân Chúa mà gia đình đang sinh sống ( gần Nhà Thờ)

Giá trị tài chánh: không phải tất cả các Nhà Quàn có lệ phí giống nhau (đây là cơ sở thương mại ), nhiều khi chênh lệch hàng ngàn dollars

Tang gia cần tham khảo vài nơi trước khi quyết định địa điểm và cân nhắc giữa hai gia trị Thiêng liêng và tài chánh.

6- Bước 6 : Nơi an nghỉ cho người ra đi

Ngoại trừ trường hợp gia đình đã có sẳn, bèn không , tang gia nên chọn mua mộ phần tại các nghĩa trang công giáo, vì ít ra hằng năm vào lễ các Linh Hồn, một thánh lễ cầu cho các linh hồn sẽ được tỗ chức rất long trong tại đây với sư tham dự của nhiều linh mục và giáo dân. Vấn đề cần làm lúc nầy là liên lạc với người quen biết, hoăc người chuyên môn về vấn đề nầy, hoặc liên lạc ngay với người phụ trách nghiã trang để tham khảo.

Quyền quyết định là tùy gia chủ.

7- Bước 7 :Thiết lập chuơng trinh Tang lễ:

Sau khi biêt rỏ giờ giấc Nhà Quàn tiếp nhận và mở cửa cho thân nhân và mọi người đến thăm viếng, cầu nguyện và thi hành các nghi thức dành cho người quá cố, Gia trưởng liên lạc với

Cha Quản Nhiệm; mời Ngài làm nghi thức Phát Tang và làm phép xác tại Nhà Quàn, lễ Tiển chân( tại nhà thờ), trình cha xin đê quan tài tại phòng Anex( nếu muốn), qua đêm đê sáng hôm sau cử hánh Thánh lễ an táng.

Trưởng Ban Tang Chế: để phối hợp viết ra một chuơng trình cầu nguyện và thăm viếng một cách rỏ ràng và đầy đủ.

8- Bước 8 : chọn áo quan:

Việc thực hiện áo quan cho nguời thân đã ra đi rất phức tạp, tang gia cân bình tĩnh và sáng suốt trong việc chọn áo quan. Nên nhớ rằng các nơi cung cấp áo quan đều là những nơi thương mại! là kiếm lời ! Tốt nhất là nên tham khảo nhiều nơi, hỏi thăm bạn bè, hoăc người đã trải qua một lân trong việc ma chay Sau đó tang gia mới nên quyết định chọn loại quan tài nào và ở cơ sở nào. Các cơ sở cung cấp quan tài rất nhiều như tại các nhà quàn hoặc tại các nơi chỉ chuyên môn cung cấp quan tài và những vật dụng cần thiết trong đám ma như nhan đèn, khăn tang v.v.

9- Bước 9 : Thực hiện tập sách nhỏ an táng và Di ảnh người quá cố

Gia trưởng chọn một tấm hình nào xứng dáng nhất của người quá cố, sang lớn, lộng khung và có điểm tựa, đồng thời thực hiện một tập sách nhỏ trong đó có lời Cáo Phó, sơ lược tiểu sử của người quá cố ( nếu cần), chương trình tang lễ (đã chuẩn bị nơi bước 6 ), những kinh và những bài thánh ca dùng trong giơ cầu nguyện , Thánh lễ an tang vá sau cùng Lời Cảm Tạ của Tang gia. Việc thực hiện tập sách nhỏ đòi hỏi một số khả năng chuyên môn. Nếu trong gia đinh có người thực hiện được thì tốt, bằng không, có thể nhờ một nơi nào đó, chẳng hạn, nơi cung cấp áo quan, họ sẳn sàng giúp đỡ miển phí.

10-Bước 10 : Tại nhà quàn:

Tất cả đã sẳn sàng, đúng giờ nhà quàn sẽ mở cửa. Tang gia nên đến trước và nên mang theo những vật dụng cần thiết sau đây:

Di ảnh của người quá cố

Nến , chân nến, nhang và bát nhang

Những tập sách tang

Khăn tang

Nước thánh

Một số nước chai ( nếu thấy cần, cho khách xử dụng )

Sau khi nhà quàn mở cửa, tang gia phải chuẩn bị như sau:

Một cái bàn (nhà quàn cung cấp), bên cánh trái, trước quan tài), trên đó, sắp xếp tất cả các khăn tang

Một bàn khác,( cung do nhà quàn cung cấp ,bên cánh phải, trước quan tài), trên đó, đặt di ảnh người quá cố, đèn, hoa và bát nhang, đồng thời phân phối sách tang cho mọi nguời hiện diện.

Sau khi làm phép xác, linh mục sẽ làm phép khăn tang, đai diện tang gia lên nhận khăn tang và phân phối cho gia đình, sau đó linh mục sẽ tiến hành nghi thức cầu nguyện, và tang gia đề cử một người đọc Thánh Thư (nếu được). Sau phần Phúc Âm, linh mục có phần chia xẽ cùng tang gia. Kết thúc nghi thức phát tang và làm phép xác, đại diện tang gia có lời cám ơn linh mục và mọi ngời tham dự, kế tiép là chương trinh thăm viếng và cầu nguyện. Sau mỗi chương trình cầu nguyện, thường có phần Phân Ưu của người đại diện. Trong trường hợp nầy, đại diện tang gia nên phát biểu đôi lời cám ơn. Sau đó là phần niệm hương và chào từ biệt người quá cố.

11-Bước 11: Tại nhà thờ:

Quan tài và thân nhân nên đến nhà thờ trước giờ ấn định để chuẩn bị tại cuối nhà thờ. Nhà thờ tất cả đã sẳn sàng: Thánh Giá và linh mục từ cung thánh tiến về cuối nhà thờ, làm các nghi thức tiếp nhận thi hài người quá cố và cùng với các đoàn thể ( nếu người quá cố là đoàn viên của hội đoàn liên hệ) rước quan tài lên cung thánh, tiếp theo là một người trong tang gia, hai tay cầm di ảnh người quá cố đi trước quan tài, sau cùng là tang gia. Sau đó linh mục,chủ tế tiếp tục

Thánh lễ an táng.Tang gia chuẩn bị nguời đọc Thánh Thư và Lời Nguyện Giáo Dân ( nếu được). Trước khi kết thúc Thánh lễ, đại diện Cộng Đoàn có phần Phân-ưu và đại diện gia đinh phát biểu lời cám ơn ngắn ( nên chuẩn bị trước ).

12-Bước 12: Tại nghĩa trang

Trước huyệt, tang gia nên chọn một hướng thích hợp cho nhà quàn mang hoa ra sắp xếp. Khi mọi người đã sẵn sàng,linh mục sẽ làm phép huyệt và trao Thánh giá cho đại diện tang gia và tiếp tục các nghi thức từ giã nguời quá cố. Đại diện cám ơn.

( nhớ đem sách tang từ nhà thờ theo để xử dụng một số kinh nguyện và Thánh ca)

BÁC ÁI VỚI NGƯỜI ĐÃ CHẾT

Tác giả: PM. Cao Huy Hoàng

(Suy niệm lễ Các Đẳng Linh Hồn)

Nhân lễ Các Đẳng, và tháng cầu cho các linh hồn, xin gửi mấy suy tư.

Có những sự thật trong cuộc đời không ai chối cãi được: Sự chết cố định, giờ chết bất ngờ, cách chết không ai giống ai, cách an táng … Nhưng từ chuyện giờ chết và cách chết, cách an táng…nẩy sinh ra bao nhầm lẫn không đáng có về sự chết lành chết dữ, có thể làm mất đức bác ái đối với người đã chết.

Giờ chết, cách chết

Sự chết lành - chết trong tình trạng ân nghĩa Chúa, và chết dữ - chết trong tình trạng mất ân nghĩa Chúa, chỉ có thế, không thể suy diễn khác hơn.

Vậy mà, cho đến hôm nay, khi nhìn thấy những cách chết thảm thương, hay đột tử, chúng ta còn ép người đã chết rồi phải nghe bao lời nguyền rủa cay đắng. Đôi khi bị chúng ta phán xét ấy là cách chết dữ. Với các tín hữu công giáo, nhất là những người theo quan niệm xưa cũ rằng đồng nghĩa việc chết dữ và cách chết bi thảm hay đột tử ăn năn tội chẳng kịp, thì thiết nghĩ, nên đổi ngay cách nhìn mới mẻ hơn: bác ái với người đã chết.

Việc bác ái ấy bắt đầu từ khi chứng kiến hoặc nghe tin người đã chết. Có lần, một giáo lý viên đến thăm tôi, vừa đến nhà, cô ta nói:

-“Ở dưới kia có tai nạn khủng khiếp. Ba bốn người chết tại chỗ”.

-“Rồi em làm gì lúc đó?”.

-“Làm gì được, sợ quá, em chạy một mạch về đây”.

-“lần sau nếu gặp trường hợp tương tự, em đọc thầm câu này ngay: chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho (các) linh hồn mới qua đời được lên chốn nghỉ ngơi” hoặc là” “Chúa ơi, xin thương xót thứ tha cho những người mới chết, nếu họ chưa kịp ăn năn tội mình”.

-“ Biết họ có đạo không mà đọc, biết linh hồn gì mà cầu”, Cô ta khó chịu.

-“Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính mà em, biết đâu, họ còn công chính hơn mình!”.

Chúa nhật, tôi đi lễ sớm, nghe GLV ấy nói với các em học viên những tâm tình tương tự…

Chắc chắn hình ảnh của những cái chết thê thảm luôn ẩn ẩn hiện hiện trong tâm trí chúng ta, và ấy là cơ hội tốt để chúng ta thi hành đức bác ái với người đã chết bằng lời cầu nguyện cho họ. Và còn là cơ hội tốt để nhắc nhớ chúng ta luôn sống trong tình trạng ân sủng, sống trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa, cụ thể là với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Nếu việc tưởng nhớ các linh hồn của những người thân đã ra đi trước chúng ta là một bổn phận của chữ hiếu, chữ tình, chữ nghĩa thì việc tưởng nhớ các linh hồn của những người dưng, người có cách chết bi thảm hơn ai hết, lại là một bổn phận của Đức Bác ái.

Bên ngoài nghĩa trang của Giáo Xứ tôi, còn có một khoảng trời riêng dành cho những người được gọi là tội nhân công khai như rối vợ rối chồng, ngoại tình công khai, chống phá giáo hội bị chế tài…. Những năm trước, đúng là riêng một góc trời tăm tối. Những năm gần đây, tôi đã thấy có chương trình viếng nghĩa trang của anh em Phan Sinh, Giáo Lý Viên, Legio Ca đoàn… thật đẹp, thật ý nghĩa. Họ không chỉ viếng và đọc kinh bên các phần mộ trong nghĩa trang, mà còn viếng và đọc kinh sốt sắng trước những phần mộ bị kể là “ tội nhân” của Chúa, của Giáo Hội. Mỗi em học Giáo Lý được chọn cho mình một phần mộ bên ngoài để viếng và cầu nguyện suốt tháng 11.

Việc làm bác ái ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa, và động lòng thương xót của Chúa.

Cách an táng

Lòng bác ái đối với người đã chết không nhất thiết thể hiện qua cách an táng.

Cách an táng chắn chắn không phải là một bảo đảm cho phần rỗi đời đời.

Vậy mà, khi có người qua đời, chúng ta vẫn thường xem trọng cách an táng, như là, càng trọng thể, càng có giá trị ơn cứu rỗi vậy! Đôi khi chúng ta lại quên rằng, ông hàng xóm ở nhà bên, tuần trước mới chết vợ, không mua nổi cái áo quan cho vợ mình! Ông ta lại tủi phận rồi thầm thỉ bên di ảnh vợ: “ Em ơi, anh chỉ mong em về với Chúa, cầu xin cho em về với Chúa. Khi nào được về trong nước Chúa, xin em nhớ đến anh, phù hộ cho anh.”

An táng theo nghi thức của Giáo Hội là một niềm vui lớn cho gia đình, một dấu chỉ trở về với Thiên Chúa đối với người đã chết. Nhưng cũng không thiếu gì những trường hợp một Kitô hữu không được an táng theo nghi thức của giáo hội, hoặc là bị chế tài, hoặc là do một sự trói buộc của gia đình của xã hội. Cả hai đều đáng nhận được nhiều hơn nữa lòng bác ái của chúng ta. Lòng bác ái ấy không chỉ là sự cảm thông với hoàn cảnh của người đã chết, mà còn trân quí hạt giống Tin Mừng lớn lên trong phong ba bão tố.

Gia đình Ông Nồi ở xứ tôi là một gia đình Phật Giáo. Bà Nồi có thân thích với nhiều vị thượng tọa và cả thân nhân bà cũng là giới tu hành của Phật Giáo. Ông có cô con dâu công giáo. Ông muốn trở lại đạo, và đã học giáo lý với cô con dâu. Ông đã xin Cha sở FX cho ông nhập đạo trước sự phản đối kịch liệt của gia đình. Gia đình không cho ông gặp Cha sở, ông bảo cô con dâu ghi âm lại những lời ông nói và trình lên Cha sở. Ông nói: “Thưa Cha, con muốn theo đạo Chúa, vì con biết Chúa thương con, Chúa sẽ cứu con khỏi chết muôn đời, Chúa sẽ cho con sống lại. Xin Cha rửa tội cho con”. Nhận được băng cassette, cha FX đã tìm cách gặp ông và cha đã nhờ một hội viên Legio kín đáo rửa tội cho ông, tên thánh là Dominico. Ông đã nói với gia đình rằng ông đã được rửa tội. Nhưng Ông phải lén lút đi lễ vì sự cấm cản. Rồi ông bịnh. Legio kín đáo đem Mình Thánh Chúa cho ông. Mấy tháng sau, ông chết. Các Thượng Tọa và phật tử lo việc chôn cất. Legio và giáo dân tham dự lễ nghi của họ, lòng thầm nguyện cho linh hồn Dominico cách chân thành.

Cô NĐ kể chuyện của ba mình. Chuyện xảy ra tại nhà thờ Cha Tam. Sau một vụ nổ, Ba của cô bất động. Ông được đưa vào nhà xứ. Vừa tỉnh dậy, đã thấy chung quanh có các nữ tu và giáo dân. Ông nói, ông không có đạo. Trong lúc thập tử nhất sinh, một người đã gợi ý cho ông về Thiên Chúa, về ơn cứu độ. Ông đã vui vẻ tuyên xưng đức tin và lãnh bí tích rửa tội, trước khi đưa vào bệnh viện gần đó. Tên thánh là Giuse. Một linh mục đã quàng xâu chuỗi Mân Côi vào cổ ông như một dấu chứng tín hữu. May mắn, ông đã được cứu sống. Khi ra viện, ông mang xâu chuỗi ấy về trong gia đình toàn là người Phật Giáo. Sau nầy, khi được nghe chuyện của Ba, và khi lên Thành Phố Sài gòn làm việc, cô NĐ cũng một mình theo Chúa. Hai mươi mấy năm sau, ông bệnh vì già, và lại cũng đã được một Linh Mục quản xứ Nhà thờ Cha Tam ban các phép sau cùng tại bệnh viện năm xưa! Gia đình ông đã chôn cất ông theo nghi thức của Phật Giáo. Cô NĐ và các bạn trong ca đoàn đã cầu nguyện cho linh hồn Giuse và Maria nữa - một tên thánh xin đặt cho Mẹ của cô, để nhờ Đức Mẹ cầu bầu, với niềm tin “Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính”.

Vì có những cách an táng khá đặc biệt như thế, nên mới có chuyện thấy người Công Giáo viếng các nghĩa trang Phật Giáo trong tháng các linh hồn. Ban đầu, chỉ là viếng những phần mộ của những người mà mình biết là công giáo, nhưng sau nầy, được ơn cách nào đó, mà các em lại viếng luôn cả nghĩa trang Phật Giáo và cầu nguyện cho hết thảy các linh hồn được Chúa Thương Xót.

Các linh hồn cần lòng xót thương của Thiên Chúa. Lòng Thương xót của Thiên Chúa sẽ mở ra, khi Thiên Chúa thấy lòng thương xót của chúng ta dành cho các Linh Hồn một cách chân thành, với lời khẩn cầu tha thiết, với lòng bác ái bao dung không phán xét, không phân biệt, với niềm tin tưởng vào ước muốn đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu: “ Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho con, thì con muốn rằng: Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến con trước khi tạo thành thế gian”. (Jn 17, 24).

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi.

Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng . A men.

PM. Cao Huy Hoàng

29-10-2009

III. KẺ CHẾT SỐNG LẠI (Côrinto1 15: 1-58)

Sự kiện Phục Sinh

1 Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững.2 Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

3 Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh,4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.5 Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai.6 Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ.7 Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ.8 Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

9 Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.10 Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.

11 Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.

12 Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?13 Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy.14 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.15 Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy.16 Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy.17 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.18 Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong.19 Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.

20 Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.21 Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.22 Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.23 Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.24 Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết,27 vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô.28 Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

29 Chẳng vậy, những người chịu phép rửa thế cho kẻ chết thì được gì? Nếu tuyệt nhiên kẻ chết không trỗi dậy, thì tại sao người ta lại chịu phép rửa thế cho kẻ chết?30 Và chính chúng tôi, tại sao hằng giờ chúng tôi liều mình đương đầu với hiểm hoạ?31 Thưa anh em, mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết: tôi có hãnh diện về anh em trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, thì mới quả quyết như vậy.32 Nếu vì những lý do phàm trần mà tôi đã chiến đấu với thú dữ tại Ê-phê-xô, thì điều đó nào có ích gì cho tôi? Nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì chúng ta cứ ăn cứ uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết.33 Anh em chớ có lầm: Chơi với kẻ xấu, người tốt cũng ra xấu.34 Đừng say sưa nữa mới phải phép, và chớ phạm tội: một số người quả không biết gì về Thiên Chúa. Tôi nói như vậy để anh em phải xấu hổ.

Cách thức kẻ chết sống lại

35 Nhưng có người sẽ nói: kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về?36 Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống.37 Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác.38 Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn: giống nào hình thể nấy.

39 Không phải mọi thể xác đều giống nhau: của loài người thì khác, của loài vật thì khác, của loài chim thì khác, của loài cá thì khác.40 Lại có những vật thể thuộc thiên giới và những vật thể thuộc địa giới. Nhưng vẻ rạng rỡ của những vật thể thuộc thiên giới thì khác, vẻ rạng rỡ của những vật thể thuộc địa giới thì khác.41 Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia.42 Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt;43 gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ,44 gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.

45 Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống.46 Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó.47 Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến.48 Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến.49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.

50 Thưa anh em, điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được.51 Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi52 trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi.53Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.

Khải hoàn ca

54 Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!55 Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?56 Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.57 Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

58 Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.

Trở Về Trang Nhà (Home Page)