Câu chuyện về “ Bông Hồng Cài Áo “

Sưu tầm & thực hiện : NGV.

Lễ cài bông hồng trong dịp mùa Vu Lan được xem là một buổi lễ báo hiếu quan trọng đối với những người con Phật. Nhưng thật sự thì trong Phật Giáo từ nguyên thủy không có nghi thức cài bông hoa hồng trên áo . Cùng với nghi thức cài một bông hoa hồng trên áo, sự xuất hiện của bản nhạc “ Bông Hồng Cài Áo “ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã đóng góp thêm sự trang trọng cho nghi thức này và nghi thức càng trở nên phổ biến trong các buổi lễ Vu Lan cử hành hàng năm tại các ngôi chùa . Ngày nay thông lệ cài một bông hồng đỏ hay trắng lên áo trong tiếng nhạc lời ca của bản nhạc “ Bông Hồng Cài Áo “đã trở thành một nghi thức không thể thiếu cho ngày lễ Vu Lan . Nghi thức này thật ra đã có một nguồn gốc như sau :

Ban đầu, "Bông hồng cài áo" là tên một bài viết rất cảm động về Mẹ, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962 tại Sài Gòn. Trong bài viết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể về một tập tục đẹp mà ông gặp ở Nhật Bản:

"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm (năm đó). Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."

Trong bản văn, thay vì như ca khúc Lòng mẹ ví tình Mẹ như biển bao la, như suối ngọt không cạn, Bông Hồng Cài Áo của nhà sư Nhất Hạnh vẽ nên người Mẹ qua những hình ảnh và lời văn đơn sơ mà gần gũi, và rất đỗi thân thương: Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một như đường mía lau. Nhà sư cũng viết:

"Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên... Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ...Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ."

Cuối cùng bản văn, nhà sư Nhất Hạnh viết:"Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.!"

Như vậy ban đầu bông hoa ở đây không nhất thiết là hoa hồng. Tuy nhiên, khi tập tục này du nhập vào Việt Nam, thì hoa hồng là loại hoa được sử dụng phổ biến nhất. Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức "bông hồng cài áo", là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.

Trong những năm 1965-1966, khi Phạm Thế Mỹ bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo, ông đã lấy ý từ bài văn trên của sư Nhất Hạnh để viết ca khúc này. Từ đó, bài ca "Bông hồng cài áo" không chỉ luôn luôn được hát lên ở mỗi mùa lễ Vu Lan, mà còn là một trong những ca khúc cảm động, chân thành nhất về Mẹ

Nguồn : Trích từ Wikipedia

Audio :


* Bông Hồng Cài Áo Ánh Tuyết

* Bông Hồng Cài Áo Bằng Kiều

* Bông Hồng Cài Áo Đan Trường

* Bông Hồng Cài Áo Duy Khánh

* Bông Hồng Cài Áo Giao Linh

* Bông Hồng Cài Áo Hạ Vy

* Bông Hồng Cài Áo Khánh Ly

* Bông Hồng Cài Áo Mạnh Quỳnh

* Bông Hồng Cài Áo Phương Dung

* Bông Hồng Cài Áo Quang Linh

* Bông Hồng Cài Áo Thái Châu

* Bông Hồng Cài Áo Thanh Tuyền

* Bông Hồng Cài Áo Thùy Trang

* Bông Hồng Cài Áo Tuấn Ngọc



Trở lại Trang Chính