Nhạc sĩ Thanh Sơn, người viết cho kỷ niệm

Bài : Cát Linh

Hình : Internet

Audio : NGV.

Có một người nhạc sĩ, mà khi nhắc đến ông, người ta nghĩ đến những ca khúc về mùa hè dành cho tuổi học trò, với hình ảnh của hoa phượng, của những dòng lưu bút. Không chỉ thế, ông còn là một nhạc sĩ sáng tác rất nhiều những ca khúc về tình yêu quê hương, mang đậm chất miền Tây Nam Bộ.

Mời quí vị cùng nghe lại những ca khúc bất hủ gắn liền với tên của ông, cố nhạc sĩ Thanh Sơn.

* Cố nhạc sĩ Thanh Sơn và những sáng tác được nhiều khán giả yêu thích của ông

“ Bài hát Hoa tím người xưa này là một chuyện tình có thật . Một kỷ niệm của đời tôi . Lúc đó vào năm 1965 . Tình yêu của tôi rất tràn trề. Tuổi đời của tôi lúc đó ngoài 20. Tôi có quen với 1 người con gái, và chúng tôi có hẹn hò lên Đà Lạt, vào 1 vườn hoa tím rất đẹp . Chúng tôi tâm sự rồi sau đó chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa . Tôi thẫn thờ, buồn , và thốt lên một câu ‘ Người xưa hỡi thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu’.”

Đó là lời tâm tình của cố nhạc sĩ Thanh Sơn khi ông còn tại thế trong một buổi nhạc vinh danh ông được tổ chức trong nước. Tiếng nói trầm ấm, hiền hoà đậm chất miền Tây Nam Bộ của người nhạc sĩ làm cho người nghe phần nào hiểu được vì sao nhạc của ông tuy phần nhiều chuyên chở những nỗi buồn, nhưng trong nỗi buồn ấy, vẫn thấp thoáng cái tình ngọt ngào, không có vị mặn của sự trách hờn, giận dỗi.

Có lẽ do đó mà các sáng tác của ông đơn giản, mộc mạc từ ca từ cho đến giai điệu.

Người viết cho kỷ niệm

Điều này được thể hiện trong suốt cuộc đời sáng tác của ông. Những hình ảnh bình thường giản dị trong cuộc sống xuất hiện trong hầu hết các nhạc phẩm của ông, từ các ca khúc tuổi học trò, những ca khúc nói về tình yêu, tình bạn trong chiến tranh, cho đến những sáng tác về tình yêu quê hương,

Trong giai đoạn đầu của cuộc đời sáng tác của mình, ông dành nhiều thời gian viết về tình yêu tuổi học trò. Nỗi buồn hoa phượng được ra đời năm 1963, là một ca khúc nổi tiếng nói về thời học sinh vào những năm đầu thập niên 60.

Cố nhạc sĩ Thanh Sơn trong đêm nhạc của ông vào ngày 15 tháng 6 năm 2007.

Cho đến tận bây giờ, có thể nói Nỗi buồn hoa phượng là một ca khúc bất hủ theo thời gian mỗi khi nói về mùa hè, về hoa phượng, về tuổi học trò.

Cố nhạc sĩ Thanh Sơn viết nhiều ca khúc cho tuổi học sinh, về mùa hè (như Ba tháng tạ từ, Hạ buồn, Lưu bút ngày xanh). Và ông cũng là nhạc sĩ có nhiều sáng tác gắn liền với hình ảnh hoa phượng nhất. Hoa phượng được ông dùng cho cả tên gọi của bài hát. Một loạt những ca khúc như Nỗi buồn hoa phượng, Ve sầu mùa phượng, Phượng buồn, Buồn như phượng… đã trở thành những bài ca sống mãi với thời gian, gắn với kỷ niệm của rất nhiều tuổi học trò qua các thế hệ.

Ông viết về tuổi học trò như viết về chính cuộc đời ông. Mà những ai yêu nhạc của Thanh Sơn, hiểu về ông đều biết rằng ông không có được ba tháng tạ từ với những dòng lưu bút ngày xanh. Nhạc sĩ Thanh Sơn phải dở dang con đường học vấn vì hoàn cảnh gia đình lúc đó.

Có thể vì thế mà chúng ta cảm nhận trong ca khúc tuổi học trò của ông, có chút gì nuối tiếc.

Cho đến nay, không có tài liệu nào giải thích được vì sao ông yêu hoa phượng như thế. Có phải vì ông viết về một khoảng thời gian đẹp nhất của đời người, và hoa phượng chính là nhân chứng cho khoảng thời gian ấy? Có lẽ như thế. Đơn giản như chính tâm hồn và con người của ông.

Nữ ca sĩ Phương Dung, người đầu tiên thể hiện ca khúc Lưu bút ngày xanh của ông cũng từng phát biểu với báo giới trong nước tâm tư của bà về sự ra đi của ông, Cát Linh xin được trích lại sau đây:

“Nhạc về mùa hè của Thanh Sơn thường nói về nỗi buồn và điều này chinh phục người hát lẫn người nghe. Tôi khi ấy còn trẻ, đón nhận ca khúc của ông đều cảm thấy lâng lâng niềm cảm xúc. Vì khi ấy mình mới giã từ đời áo trắng, khi mà hè sang, phượng nở, bạn bè chẳng gặp nhau... thì âm nhạc của ông nói hộ niềm tâm tư đó.”

Các sáng tác của ông thường buồn. Rất buồn. Nỗi buồn ấy được ông đưa vào dòng nhạc bolero, trở thành những bài thi ca mang đậm phong cách của Thanh Sơn. Và ông cũng chính là một trong những nhạc sĩ có nhiều sáng tác theo thể loại bolero nhất.

Đặc biệt, các ca khúc bolero của ông là những câu chuyện kể về tình bạn, tình đồng đội của người lính trận.

Người chuyên chở hồn quê Nam Bộ

Cố nhạc sĩ Thanh Sơn sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Miền quê tỉnh nhỏ hiền hoà ở hạ nguồn con sông Hậu, cùng với những vùng miền ông đi qua trong cuộc hành trình của đời mình là mạch cảm xúc để ông viết lên các ca khúc quê hương đậm đà chất trữ tình. Trong các tài liệu nói về ông đều viết rằng từ năm 1973 thì ông bắt đầu chuyển sang các sáng tác về đề tài quê hương, mang âm hưởng dân ca Nam Bộ.

Và cũng từ đây, hoa phượng trong nhạc của ông được thay thế bằng hình ảnh của người dân miền Tây đôn hậu hiền hoà, cùng với những hình ảnh bình dị nhưng sâu lắng.

Ông sáng tác về tình yêu, tình bạn, về kỷ niệm của tuổi học trò mộc mạc và giản dị bao nhiêu thì khi viết về quê hương cũng chân tình và sâu lắng như thế. Và đặc biệt, khi viết về quê hương, giai điệu trong nhạc của ông trở nên vui tươi như một bài dân ca. Ông đưa vào trong sáng tác của mình vẫn là những hình ảnh thân thiết của cuộc sống người dân Nam Bộ, như những câu hò, con nước chảy xuôi, những mẻ lưới cua đồng…

Những ca khúc cố nhạc sĩ Thanh Sơn để lại cho đời sẽ mãi mãi là tiếng nói thân thương, là hơi thở, là tình yêu nhắc nhở mỗi người về một nơi gọi là quê hương.

Cát Linh, phóng viên RFA


Bài đọc thêm

Vài dòng tiểu sử nhạc sĩ Thanh Sơn


Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật Lê Văn Thiện (còn có bút danh khác là Sơn Thảo), sinh ngày 1 tháng 5 năm 1938 tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em.

Ông lớn lên ở Sóc Trăng, với một lòng ưa thích ca hát. Ông học nhạc từ hồi tiểu học với thầy Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu). Gia đình ông bấy giờ có che giấu cán bộ Việt Minh, do đó bị ruồng bố gắt gao, ông phải rày đây mai đó.

Năm 1955, thầy Phấn mất, ông lên Sài Gòn học nhạc với thầy Lê Thương và nuôi ước mơ trở thành ca sĩ. Tại thành phố này, ông đã làm nhiều công việc như làm thuê, ở mướn,..

Đến năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn, và đoạt giải nhất. Ban giám khảo cuộc thi đó có những tên tuổi như: Dương Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Phi. Sau khi đoạt giải ông được mời đi hát trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng.

Trở thành ca sĩ, ông mày mò học sáng tác nhạc với cuốn "Để sáng tác một ca khúc" của Hoàng Thi Thơ. Những người giúp đỡ ông trong giai đoạn này có Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng...

Ca khúc đầu tiên của ông là "Tình học sinh", ra đời năm 1962, tuy nhiên chẳng được một ai lưu ý. Đến năm sau, "Nỗi buồn hoa phượng" ra đời, trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè thời đó. Tiếp theo là những ca khúc viết về đề tài học sinh: Ba tháng tạ từ, Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng.., ngoài ra còn có nhạc trữ tình: Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào..., những ca khúc này được nhiều tầng lớp khán giả đón nhận.

Năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác. Từ 1973, nhạc của ông bắt đầu chuyển hướng sang đề tài quê hương.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, nhạc của ông bớt đi thiên hướng trữ tình.Bắt đầu từ thập niên 1990, những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông được đón nhận, gợi mở cho ông một hướng sáng tác mới đó là tiếp tục khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ. Nhạc của ông lúc này chú trọng về ca từ, trong bài có nhiều âm sắc, phương ngữ đặc trưng Nam bộ. Nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên rất nổi tiếng như Hình bóng quê nhà, Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ,...

Từ năm 2000 đến nay, ông làm phụ trách biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông.

Năm 2007, kỷ niệm năm Thanh Sơn 69 tuổi, Nhà hát Thành phố Sài Gòn tổ chức đêm nhạc mang tên ông.

Năm 2009, ông có bay sang Hoa Kỳ để thực hiện cuộc phỏng vấn với Thúy Nga Paris By Night.

Cho đến nay, qua nhiều giai đoạn, ông đã viết trên 500 bài hát với nhiều bài trở nên quen thuộc trong công chúng.

Năm 2011 ông bị tai biến mạch máu não khi đang tham gia cùng trung tâm Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night 103 "Tình sử trong âm nhạc Việt Nam". Sau một thời gian điều trị ông qua đời lúc 14h 30' ngày 4 tháng 4 năm 2012 tại Sài Gòn vì tuổi già sức yếu .




Trở lại Trang Chính