Nguyễn Văn Tý , nhạc sĩ Việt Nam

Hà Đình Nguyên

Cách đây 3 năm, trong buổi giao lưu với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại Nhà hát Bến Thành (TP Saigon), nhiều khán giả đã được nghe hát bài Ru người trăm năm-ca khúc mới nhất của ông phổ từ thơ Trần Mạnh Hảo: "Ngủ đi người của anh ơi. Xin nhờ làn gió về nơi em nằm. Anh ngồi thức với xa xăm. Ðến em phải vượt hàng trăm tinh cầu... Cách xa như đất với trời. Ðêm đêm anh lặng ru người trăm năm".

Lời thơ cứ bồng bềnh, hòa quyện với phần nhạc khai thác từ chất liệu hát ả đào. Từ Dư âm (1950) đến Ru người trăm năm (1999) là... nửa thế kỷ-nhạc Nguyễn Văn Tý vẫn đầy sức truyền cảm làm xốn xang lòng người. Mà đâu chỉ vậy, khi viết ca khúc về một vùng đất nào đó thì tác giả đưa vào đó cả âm sắc lẫn ca từ cùng với tình cảm thể hiện mà nhiều người cho rằng: "Nếu không phải là người địa phương chính gốc thì không thể nào viết được như thể".

Nếu như những ca khúc Mẹ yêu con (1956), Tiễn anh lên đường (1964), Bài ca năm tấn (1967), Cô nuôi dạy trẻ (1980)... man mác giọng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, thì những Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974) lại mang đậm phong vị dân ca khu 5 (Nghệ Tĩnh) nhưng "thâm hậu" nhất vẫn là ca khúc Dáng đứng Bến Tre (1981) mà dân Nam Bộ chính gốc cũng phải thừa nhận là... siêu...

Nói đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người ta nghĩ ngay đến Dư âm. Có phải đây là tác phẩm đầu tay của ông và hoàn cảnh ra đời của Dư âm như thế nào ?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời thanh niên

Thật ra Dư âm không phải là tác phẩm đầu tay của tôi nhưng là tác phẩm tạo nên tên tuổi Nguyễn Văn Tý. Khoảng năm 1949-1950, tôi là Trưởng đoàn Văn công của Sư đoàn 304. Tôi có quen hai chị em con nhà gia thế ở vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An), cô chị khoảng 20 tuổi cô em 16, còn tôi lúc đó 26 tuổi. Ai cũng nghĩ tôi với cô chị phải đẹp đôi. Một hôm, tôi đang say sưa nói chuyện với cô chị thì cô em lén đến sau lưng chị, tì cằm vào thành ghế chị ngồi, nghiêng đầu đau đáu nhìn tôi bằng đôi mắt đen láy. Một đôi mắt hoàn toàn biết nói. Tôi đọc thấy trong đôi mắt đó đã gởi gắm cho tôi tất cả những gì say đắm, sâu kín nhất...

Thấy tôi bỗng nhiên đờ đẫn, cô chị quay lại và... đứng dậy bỏ đi thẳng, cô em sợ quá cũng lỉnh luôn. Sau đó tôi bị gia đình này "cấm vận" - không cho liên lạc với cô em. Nhưng... nhớ quá, tôi tới liều. Gia đình không cho tôi vào mà cử người ra "tiếp" tôi ở một góc sân. Tôi ngồi uống nước ngắm trăng mãi mới thấy nàng tay xách cây đàn ghi-ta ra ngồi bên thềm hoa, xoay lưng về phía tôi. Tóc nàng bay bay trong gió dưới ánh trăng thật đẹp. Rồi nàng cất tiếng hát nhưng vì ngồi xa nên tôi không nghe rõ nàng hát những gì...

Trở về đơn vị, tôi viết: "Ðêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ... Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió, đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn" chỉ trong một đêm.

* Ông bây giờ trông rất... đẹp lão, hẳn ngày xưa ông "lọt mắt xanh" của nhiều người đẹp?

NS Nguyễn Văn Tý và vợ (Nguyễn Thị Bạch Lê) thuở mới yêu nhau (1952)

Quả có thế ! (cười). Anh biết không, có thời các đồng nghiệp đã phong cho tôi là "nhạc sĩ chuyên trị về phụ nữ", ám chỉ tôi đã sáng tác thành công nhiều về đề tài phụ nữ ấy mà ! Tuy nhiên cái sự "đa tình" nhiều khi lại phải... khổ vì tình. Ở bài hát Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh có những câu: "Ai hôm nay ra khơi buông lưới mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ. Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa, thương con đò cắm con sào đứng đợi... ". Con đò là một người con gái đã chờ đợi tôi suốt 20 năm mà tôi đi mãi không về, để bây giờ chỉ được mỗi một chữ "thương", thật xót xa tội nghiệp.

* Sức khỏe và công việc sáng tác của ông hiện nay ra sao ?

Năm nay tôi đã 79 tuổi. Ðã 2 lần bị liệt, 2 lần bị tắc nghẽn mạch máu não, sự sống mong manh lắm nhưng tôi vẫn cố gắng viết khi còn có thể. Từ năm 1988 đến nay, tôi viết được hơn 20 bài, đủ để dựng một chương trình, tôi cũng đã gửi một tập nhạc cho Ðài Tiếng nói Việt Nam mấy năm nay nhưng chưa thấy dựng gì cả. Nhiều hãng băng đĩa tìm đến tôi chỉ để... xin bài cũ. Tôi không trách các nhà sản xuất băng đĩa vì họ có lý do của họ (sản xuất những gì đã quen với công chúng). Nhưng chẳng lẽ trong suốt 20 năm qua, tôi ngồi không à?

Hà Đình Nguyên


Bài đọc thêm

Tuổi già khốn khó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Châu Mỹ


Là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Có sự nghiệp thành công, nhưng ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật. Ông hay tủi thân và thường than thở về sự thiếu quan tâm của những người xung quanh.

Trong căn phòng chưa đầy 10m2, bề bộn đồ đạc phủ bụi, người nhạc sĩ già nằm lẻ loi trên giường. Dù đôi mắt, gương mặt vẫn còn vẻ tinh anh, ông gần như liệt giường từ cách đây một tháng, sau lần thứ ba bị tai biến. Mọi hoạt động của ông đều phải nhờ sự hỗ trợ từ người giúp việc đã ngoài 50 tuổi.Phương tiện duy nhất để giao tiếp với thế giới bên ngoài của nhạc sĩ là chiếc TV và chiếc loa có cắm USB để nghe nhạc. Từ khi nằm liệt giường, chiếc loa nằm lăn lóc ở một góc bàn, ông chỉ có thể sử dụng điều khiển từ xa để xem TV.

Gần 90 tuổi, những gì còn lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là bằng khen, những tấm ảnh chân dung và một số nhạc cụ treo trên tường.Ông rơi nước mắt nhiều lần khi nói về hoàn cảnh hiện tại: "Tôi biết ơn nhà nước, chỗ trung tâm tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tôi rất biết ơn những người giúp đỡ tôi, cho tôi tiền. Tôi sống thiếu thốn lắm. Hàng ngày thèm bát phở, bát bún mà không có".

Nhạc sĩ già nâng niu từng đồng tiền được những người hảo tâm kính biếu. Ông có một chiếc túi nhỏ khâu ở cạp quần, bên trong có chiếc ví nhỏ, đựng tiền và giấy tờ tùy thân. Ông vuốt ve từng đồng tiền thật phẳng phiu trước khi cho vào ví.

Nhạc sĩ già nâng niu từng đồng tiền được những người hảo tâm kính biếu. Ông có một chiếc túi vải khâu ở cạp quần, bên trong có chiếc ví nhỏ, đựng tiền và giấy tờ tùy thân. Ảnh: Châu Mỹ.

Ngoài lương hưu và tiền tác quyền, nhạc sĩ nhận được ít nhiều sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân. Ông cho biết, nhạc sĩ Trần Đình Thảo, vợ chồng ca sĩ Khắc Triệu - Cẩm Vân, một số Việt kiều mến mộ thi thoảng đến thăm và cho ông tiền. "Tác quyền khoảng ba tháng tôi được lĩnh một lần, chừng 3-4 triệu đồng gì đó. Nhạc sĩ Trần Đình Thảo cho tôi mỗi tháng một triệu, cứ sáu tháng gửi một lần. Những người khác thì cho ít hơn, cũng đủ cho tôi ăn được mấy hôm, chỉ tiền thuốc thang là tốn kém". Không giấu nổi cảm xúc, ông lại khóc: "Những người ngày xưa tôi dạy dỗ kỹ lưỡng, dắt tay lên đài danh vọng, nay chẳng hề đến thăm khi tôi ốm đau nằm một chỗ". Nhạc sĩ kể, khi còn khỏe, ông cũng chịu khó chống gậy đi thăm hỏi hàng xóm và họ cũng hay sang thăm lại ông những ngày lễ, ngày tết. Nhưng đến khi ông ốm đau, tình hàng xóm cũng thưa dần. "Chắc họ nghĩ tôi dân văn nghệ, không hợp với họ”, ông run giọng.Hai người vợ của nhạc sĩ đều đã rời bỏ ông ra đi. Người vợ trước mất không lâu sau khi sinh con đầu lòng; người vợ sau mất vào năm 2004. Kể từ đó, ông sống một mình trong căn nhà cũ đã xuống cấp, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Khắc Chân, quận một. Nhạc sĩ có hai cô con gái. Người con với vợ đầu sống tại Hà Nội, không có nhiều điều kiện thăm ông thường xuyên. Cô con gái thứ hai là nghệ sĩ piano Thái Linh, hiện sống riêng tại TP

Lý giải với VnExpress về tình cảnh hiện tại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nghệ sĩ Thái Linh cho biết, bố mình già cả rồi nên có dấu hiệu lẩn thẩn. "Sáng nào chồng tôi cũng tới đưa cụ ngồi xe lăn đi dạo. Tôi cũng gọi điện thường xuyên cho cô làm vật lý trị liệu để kiểm tra tình hình. Tiền thì ông không đến nỗi quá túng thiếu như thế, nhưng với số tiền ấy, ông phải chi tiêu cho nhiều người gồm hai mẹ con cô giúp việc, nên cứ thiếu trước, hụt sau".

Chị Linh kể, bố chị cũng trái tính. Gia đình chị từng đón bố về nhà mình để tiện chăm sóc, nhưng khỏe rồi ông lại đòi về. Ông bảo với con gái rằng, nhà chật chội, ngột ngạt và khó thở. "Ông đã quen sống với người giúp việc hơn hai chục năm nay rồi. Những người mà ông bảo không đến thăm ông, thật ra họ có đến, nhưng không thể thường xuyên, liên tục. Vì không ai cầm lòng được trước những than thở của ông", chị nói.

Bức tường phòng khách ẩm mốc, treo bằng khen và hình ảnh thời trẻ của nhạc sĩ. Ảnh: Châu Mỹ.

Giữa những tủi hờn khi nói về sự cực khổ của cuộc sống hiện tại, khi nhắc đến những kỷ niệm quá khứ, Nguyễn Văn Tý tỏ ra hứng khởi. Ông say sưa kể về mối tình với một cô gái 16 tuổi, người đã tạo cảm hứng cho bài hát Dư âm. “Khi đó tôi chơi với cô chị. Cô em mới 16 tuổi, một hôm ghé cằm lên vai chị, đưa đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vào tôi. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Tôi ngày đó nhát lắm, không dám bày tỏ tình cảm. Sau này cô ấy lấy một anh bộ đội, chuyển ra thủ đô. Một lần đi công tác, tôi tình cờ gặp lại nhưng tìm cách lánh mặt. Sự tiếc nuối vì không đến được với nhau khiến tôi viết lên bài Dư âm. Tôi thương cô ấy lắm, nhưng giờ cô ấy chết rồi!”.Nói về hai người vợ đã đi qua cuộc đời mình, nhạc sĩ cho biết ông nặng tình với cả hai. Người vợ sau là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, được ông ưu ái dành tặng bài hát Mẹ yêu con. “Khi lấy tôi, bà ấy đã có một đời chồng và bốn người con riêng. Tôi không quan trọng hay câu nệ gì cả, tôi chỉ yêu cái đẹp thôi. Bà vợ thứ hai của tôi đẹp lắm!” - ông nói rồi chỉ tay lên bức ảnh cưới được ông lồng khung và để ở vị trí dễ thấy nhất trên tường.

Sau những câu chuyện tình, nhạc sĩ còn hào hứng nhắc lại những tháng ngày hoạt động trong đoàn văn công 304. Ông tỏ vẻ tiếc nuối khi mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm.

Người giúp việc trên 50 tuổi đút cơm chiều cho nhạc sĩ. Ảnh: Châu Mỹ.

Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì giờ cơm chiều. Trước khi ăn, ông được người cháu đút cho một thìa mật ong. Nhạc sĩ nằm nghiêng, với tay lấy ca nước để sẵn trên đầu giường, uống một ngụm rồi chờ được đút cơm. Bát cơm có thịt lợn và rau xúp lơ ninh nhừ. Ông ăn nhanh và tỏ vẻ ngon miệng. Cô Thương, người chăm sóc nhạc sĩ, chia sẻ: “Cho ông ăn như cho trẻ con ăn vậy. Thức ăn phải ninh nhừ, cơm phải trộn đều với canh. Ông nhõng nhẽo lắm, bữa nào cũng hỏi hôm nay thức ăn có gì”.

Chị Hoa, người làm vật lý trị liệu cho nhạc sĩ được gần một tháng cho hay: “Ông cụ tội nghiệp lắm, cô đơn lắm nên khóc hoài. Tôi biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng, bài hát Dáng đứng Bến Tre của ông khiến chúng tôi nhớ mãi. Sự nghiệp lừng lẫy như vậy mà cuối đời thảm não quá”.

Niềm an ủi còn lại với người nhạc sĩ già là Hội nghệ sĩ vẫn không lãng quên ông. Bức tranh lớn treo trên tường do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tặng, như một biên niên ký nhỏ về chặng đường hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Kể từ khi nằm liệt giường, những lúc cô đơn, ông chỉ biết ngắm tranh và sống với hoài niệm tuổi trẻ.

“Ngày trước, tôi quan tâm, sống tốt với nhiều người lắm. Không hiểu sao khi về già, cuộc đời đáp lại tôi thế này!”- nhạc sĩ nói trong nước mắt.

( 21/08/2014 )

VnExpress.net

Bài đọc thêm : Hoài Cổ 88



Trở lại Trang Chính