Hoàng Nguyên

cung đàn tài hoa bạc mệnh

Nguyễn Ánh 9

Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần phần tư thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng, bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm, buồn man mác. Có lẽ trong long những người yêu nhạc sẽ mái mái vang vọng những giai điệu đầy kỷ niệm của thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp … “Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn, thì em ơi, em chớ sầu thương chi ! Em thấy chăng khói súng của giặc thù còn mịt mùng và còn che khuất mờ …”. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc Anh Đi Mai Về này ở tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết trong bối cảnh cả dân tộc đang trường kỳ kháng chiến. Bài hát tức khắc được đón nhận nồng nhiệt và phổ biến rộng khắp. Hiếm có những nhạc sĩ trẻ xưa nay tìm được thành công dứt khoát ngay tác phẩm đầu tay của mình và nhanh chóng thành danh như anh.

Với tôi, Hoàng Nguyên như vẫn còn ở đâu đó quanh đây và những kỷ niệm với anh còn như mới hôm qua… Anh Hoàng Nguyên – Cao Cự Phúc của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học Trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ Nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra ”nhà” anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. “Nhà” anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên Trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh “mời” tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào “nghề ca nhạc”, năm 1956.

Năm đó, Hoàng Nguyên đang phác thảo ca khúc Bài Thơ Hoa Đào:

“Chiều nào dừng chân phiêu lãng,

Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi…”

Tôi hân hạnh là người ái mộ đầu tiên được anh đàn và hát cho “nghe thử” những âm điệu lời ca lãng đãng sương khói núi đồi của Bài Thơ Hoa Đào. Tôi vẫn nhớ như vừa ra khỏi giấc mơ còn tươi rói: chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Đằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt … Hỏi “Chắc anh đã chọn Đà Lạt làm quê hương ?”. Đôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng …”.

Vâng, Hoàng Nguyên chỉ “ghé chân” – như anh viết “dừng chân phiêu lãng” nơi phố núi mù sương này một quãng thời gian ngắn nhưng cũng đủ để anh viết nên hai ca khúc tiêu biểu về một vùng đất thơ mộng dễ yêu: Bài Thơ Hoa Đào và Ai Lên Xứ Hoa Đào, hai ca khúc bất hủ đã làm rung động trái tim nhiều thế hệ người yêu nhạc, mãi mãi gắn chặt nghệ danh của anh với địadanh nổi tiếng này.

“Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.

Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều Xuân mây êm trôi.

Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ …”

Bẵng đi một thời gian, chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn khảng đầu thập niên 70. Lúc ấy, tôi đã đi vào lĩnh vực ca diễn và Hoàng Nguyên đã bị động viên vào binh chủng Quân cụ chế độ cũ. Như một số các nghệ sĩ khác cùng thời, buổi sáng anh thường đến uống cà phê ở nhà Thanh Thế, đường Nguyễn Trung Trực. Nghe nói dạo đó tình cảm gia đình anh gặp chuyện không vui. Anh trở nên u uất hẳn và có lẽ vì thế anh đã rất thích bài hát Summertime có âm sắc blues-jazz trầm mặc đang thịnh hành và được phát thường xuyên ở nhà hàng Thanh Thế. Tác phẩm Cho Người Tình Lỡ của anh ra đời khoảng thời gian đó, chịu phần nào âm hưởng khắc khoải của Summertime.

“Nhớ mà chi, đau thương qua rồi

Thương mà chi, xót xa cũng đắng cay…”

Năm 70, bài Không của tôi được Khánh Ly thu vào đĩa 45 vòng do Hàng đĩa Tình Ca Quê Hương sản xuất, mặt sau có bài Cho Người Tình Lỡ do Thanh Lan hát. Ngày hãng đĩa trao tặng đĩa hát nói trên cho chúng tôi, Hoàng Nguyên thân mật vỗ vai tôi, thì thầm:”Mau quá Ánh hỉ ? Mới ngày nào ở Đà Lạt, anh em mình nói chuyện âm nhạc nhập môn, bây giờ Ánh đã có bài thu đĩa với anh…”. Vẫn là ngôn phong của một người anh ân cần, trìu mến !

Hoàng Nguyên còn để lại một tác phẩm khác, được yêu mến không kém các ca khúc đã có của anh, mà anh viết về xứ Huế, quê anh: Tà Áo Tím.

“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang

Tôi đã gặp một tà áotím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương

Mầu áo tím sao luyến thương…”

Hoàng Nguyên đột ngột chia tay với không gian âm nhạc của chúng ta một buổi sáng năm 1973 trong một tai nạn giao thông khi anh từ Vũng tàu trở về Sài Gòn. Ở độ tuổi 50 chín muồi rung động và từng trải cuộc đời. Tôi thầm nghĩ, nếu Hoàng Nguyên chưa vội ra đi chắc chắn ca mục của anh sẽ còn nối tiếp bằng những ca khúc dịu dàng, thanh thoát trong đó nỗi u hoài được nâng lên thành những vần thơ trong vắt…

Nguyễn Ánh 9


Bài đọc thêm :

Bâng khuâng khúc hát hoa đào

Sưu tầm : John Dzũng Phan


Hoa đào, vườn đào, động đào là hình ảnh lãng mạn muôn thuở với trí tưởng tượng của thi nhân. Thế mà trong thế kỷ 20, ở một góc núi đại ngàn cõi địa đàng có một xứ hoa đào. “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi…”. Theo tiếng nhạc réo rắc, tôi lần tìm đến các gốc đào để rồi “giờ này nhìn sương khói lòng thầm mơ màu hoa trên má ai…”

Hoàng Nguyên (1932-1973) là một nhà giáo-nhạc sĩ của Đà Lat đầu thập niên 60 thế kỷ trước.

Thuở ấy, Đà Lạt còn mờ ảo sương giăng, tiếng chuông nhà thờ ngân vang, tiếng vó xe thổ mộ lóc cóc gõ mặt đường theo nhau về chợ mỗi sáng, mỗi chiều, đêm đêm ngọn đèn đường vàng vọt soi bóng vài cặp tình nhân sát bên nhau tìm hơi ấm trong những chiếc áo Pardessus dày cộm, sãi từng bước dài trên con đường vắng. Trong không gian mơ hồ, huyền ảo đó, người nhạc sĩ yểu mệnh này có hai ca khúc nổi tiếng về hoa đào: Ai lên xứ hoa đào và Bài thơ hoa đào. Trong cả hai ca khúc, màu hoa đào đều gợi lên hình bóng giai nhân xứ lạnh. Đó là Đà Lạt, người tình muôn thuở của thi ca nhạc họa.

Hoa Đào ở đây Hoàng Nguyên ca ngợi là Mai Anh Đào, một tên ghép tổng hợp của 3 loài hoa khác nhau: Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Anh Đào. Mai Anh Đào là loài hoa có năm cánh nở về mùa xuân như Hoa Mai, cánh màu hồng như Hoa Đào, nở rộ từng đám lung linh chờn vờn theo gió xuân để chóng tàn như Anh Đào Nhật Bản. Có nhiều người ngộ nhận gọi Mai Anh Đào là Hoa Đào hay Hoa Anh Đào và vì thế Đà Lạt có tên là “Xứ Hoa Đào”.

Lời bài hát

Ai lên xứ hoa đào

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,

Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi

Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,

Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thợ

Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xựa

Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa

Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ại

Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,

Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,

Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.

Ôi! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nàọ

Ôi! màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,

Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa

mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du

Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa

Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,

Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương

Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.

Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.

Trở lại hai ca khúc bất tử của Hoàng Nguyên viết về Đà Lạt. “Ai lên xứ hoa đào” là lời mời gọi khách xa về thăm xứ lạnh, nhìn chiều rơi bên hồ, nghe hơi giá len vào lòng người, nghe thông reo bên suối vắng một chiều xuân êm trôi; về thăm xứ Hoa Đào, lần bước theo đường hoa có vài cánh hoa ngại ngần bay theo chân ai… để mơ về cuộc tình hoa bướm, đến khi quay về, mang theo cành hoa gợi nhớ một chiều sương khói, thầm mơ màu hoa trên má ai đó của một bóng hồng Đà Lạt. Điệu nhạc réo rắt, ca từ trữ tình, hình ảnh mông lung huyền ảo gợi lại cảnh đào nguyên lãng đãng sương khói đẹp như chuyện ngày xưa.

“Bài thơ hoa đào” là lời nuối tiếc một cuộc tình thoáng qua. Khách lãng du dừng chân phiêu lãng đến Đà Lạt yêu màu đào trên má giai nhân rồi khi chia tay lòng tê tái mơ về giấc mơ tiên nữ giáng trần, tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ mòn mõi đợi tình nhân đến. Dẫn dắt lời nhạc là mấy câu thơ dạo đầu “Ngày mai em đi khỏi/ Hoa Đào ghen với ai/ Ngày mai em đi khỏi/ Hoa nhạt, nắng phôi phai”…

Hoàng Nguyên đã đồng hóa màu hoa và màu má thiếu nữ Đà Lạt. Tứ thơ này không mới. Thôi Hộ đời Đường đã có câu “Nhân diện đào hoa tương áng hồng”, Nguyễn Du trong truyện Kiều đã để Từ Hải thắc mắc với Kiều “Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”. Với Hoàng Nguyên không phải là má đào mà là màu hoa đào trên má. Người thiếu nữ Đà Lạt má ửng hồng trong khí trời se se ngọn gió xuân mát lạnh, nắng nhuộm cánh Mai Anh Đào hồng như đôi má giai nhân. Một vẻ đẹp thần tiên của thiếu nữ xuân thì, của thành phố trẻ trung như thiên thai giữa trần thế.

“Ai lên xứ hoa đào” nhiều người biết, nhiều người hát. Có thể nói người Đà Lạt nào biết hát thì ít ra cũng đôi lần hát bài này. “Bài thơ hoa đào” như người thiếu nữ kín đáo chưa vào mắt xanh của một số người hâm mộ.

Những ngày chưa đến Đà Lạt, qua sóng phát thanh, hai ca khúc này đã cuốn hút tôi từng ngày, từng đêm. Giọng ca Lệ Thanh sâu lắng, kín đáo như diễn tả với tôi đầy đủ vẻ đẹp hoa đào trong mơ tưởng lãng mạn bay bổng của tôi.

Bài Thơ Hoa Đào

Ngày mai em đi khỏi

Hoa đào ghen với ai !

Ngày mai em đi khỏi

Hoa nhạt, nắng phôi phai ...

1. Ngày nào . . . dừng chân phiêu lãng

Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi

Màu hoa in dáng trời

Tình hoa lưu luyến người

Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi

2. Ngày nào . . . đường xuân phơi phới

Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai

Rồi yêu hoa trên má

Mà ghi câu luyến nhớ thành bài thơ

ĐK. Ôi! . . . Đà Lạt là thơ . . .

Bài thơ mến yêu reo muôn đời

Dệt bằng tiếng gió ngàn reo

Qua đồi thông hay bên . . . bờ suối

Ôi! . . . Đà Lạt là mơ . . .

Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần

Tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ

Đợi tình quân đến trong giấc mơ

Nhưng . . . rồi mùa hoa tàn

Người hoa . . . sao vắng mãi

Bao . . . chiều lòng mong chờ

Đường hoa . . . sao hững hờ

3. Để lòng . . . lữ khách tê tái

Cất bước đi nhớ hoa đào trên má ai

Màu hoa in trên má

Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi!

Gần nửa thế kỷ thay da đổi thịt lớn lên từng ngày, Đà Lạt như một sơn nữ mặn mà hương rừng gió núi trở thành cô gái thị thành kênh kiệu, đài trang. Nhịp đập cuộc sống văn minh át hẳn tiếng dìu dặt thông reo bên suối vắng. Đường trần hoa bướm đã lạc dần vào quên lãng như chuyện ngày xưa. “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào” vẫn còn làm say đắm lòng người nhưng có ai biết đến, ai nhớ đến người nhạc sĩ-nhà giáo của Đà Lạt xưa đã thổi hồn mộng mơ vào từng giai điệu réo rắt lòng người. Bài viết này như là một nén nhang cho người nhạc sĩ bỏ quê hương vùng gió cát Quảng Trị, một thời đã gắn bó với Đà Lạt và bất tử với màu hoa đào xứ lạnh ngàn hoa.

Hoàng Nguyên (1932 - 1973) là một nhạc sĩ tên tuổi, tác giả các ca khúc nổi danh như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ.

Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh 3 tháng 1 1932 tại Quảng Trị. Lúc nhỏ theo học trường Quốc học Huế. Đầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên có tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố.

Lên ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu số 4 Đà Lạt, do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm Hiệu trưởng. Thầy giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp đệ lục. Trong ở đó, ông là thày giáo dạy nhạc choNguyễn Ánh 9, người sau này trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời là nhạc công chơi đàn dương cầm.

Năm 1956, trong một đợt lùng bắt ở Đà Lạt, do trong nhà có cả bản Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, Hoàng Nguyên bị bắt và đày raCôn Đảo khoảng năm 1957.

"... Ở Côn Sơn, thiên tình sử của người nghệ sĩ Hoàng Nguyên mở đầu với cảnh tình éo le và tan tác. Là một tài hoa đa dạng, người tù Hoàng Nguyên được vị Chỉ Huy Trưởng đảo Côn Sơn mến chuộng nên đã đưa chàng ta về tư thất dạy Nhạc và Việt văn cho ái nữ ông, tên H. năm đó khoảng 19 tuổi... Mối tình hai người nhóm lên vũ bảo. Trăng ngàn sóng biển đã là môi trường cho tình yêu ngang trái nầy nẩy nở.

Chợt khi người con gái của Chúa Đảo mang thai. Mối tình hai nhịp so le bị phát giác. Để giữ thể thống cho gia đình. Vị Chúa Đảo giữ kín chuyện nầy và chỉ bảo riêng với người gây ra tai họa là nhạc sĩ Hoàng Nguyên: ông ta đòi hỏi Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện lứa đôi của hai người với điều kiện vận động cho người nhạc sĩ được trả tự do..." (Lâm Tường Dũ - Tình Sử Nhạc Khúc).

Hoàng Nguyên được trả tự do, trở về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian theo học đại học, Hoàng Nguyên có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi. Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn. Trước đó Hoàng Nguyên có ý định quay lại với cô gái ở Côn Sơn, nhưng cô đã đi lấy chồng. Ca khúcThuở ấy yêu nhau ra đời trong khoảng thời gian đó.

Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau đó chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng và được giao quản lý ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt. Hương Thời Gian xuất hiện trên truyền thanh và truyền hình Sài Gòn đã thu hút khá đông khán thính giả.

Ngày 21 tháng 8 năm 1973 ở Vũng Tàu, Hoàng Nguyên mất do một tai nạn xe hơi.



Trở lại Trang Chính