Lan Đài - một người Hội An suốt một đời đam mê âm nhạc

Kim Anh sưu tầm

Nhạc sĩ Lan Đài

Người nhạc sĩ của hàng chục ca khúc và gần 20 sách dạy nhạc thuộc diện huyền thoại của Hội An, nhưng ngày nay ít người còn nhớ, đó là Lan Đài (1926-1982). Những sách nhạc thuộc diện kinh điển của ông có Cẩm nang Tây ban cầm, Tự học hạ uy cầm, Tự học hạ băng cầm, Tự học đại hồ cầm, Tự học ukulele, Tự học măng cầm.

Nhạc sĩ Lan Đài tên thật là Nguyễn Kim Đài sinh năm 1926 tại Hội An. Là một người có khả năng và yêu âm nhạc, từ những giai đoạn hình thành và sáng tác tân nhạc tại Hội An ông đã tham gia hoạt động âm nhạc bên cạnh những người bạn của mình. Họ là Lê Trọng (Lê Trọng Nguyễn), Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa,Trương Đình Quang, Hoàng Tú Mỹ, Hồ Văn Thiết, Huỳnh Bá, Huỳnh Đồng, Huỳnh Phụng, Huỳnh Cầm… Với sự hướng dẫn nhạc lý của nhạc sĩ La Hối – người sáng lập Hội Ái hữu âm nhạc FaiFo (Societe philharmonique de FaiFoo) năm 1942 – tân nhạc tại Hội An có một dấu ấn đáng kể.

Thời kháng Pháp, ông cùng những người bạn của mình như Lê Trọng Nguyễn, Phan Huỳnh Điểu, Huỳnh Bá, Hoàng Tú Mỹ, Dương Minh Hòa… tham gia vào Ban văn nghệ kháng chiến liên khu 5. Sau 1954 ông trở về sinh sống với gia đình tại Hội An. Khoảng năm 1955 ông chuyển vào Phan Rang làm giáo sư dạy âm nhạc tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị xã Phan Rang. Năm 1956 ông được chuyển vào dạy âm nhạc tại Trường Trung học kiểu mẫu Thủ Đức và Trung học Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn, hai trường trực thuộc hệ thống Đại học sư phạm Sài Gòn.

Năm 1957, ông vào làm việc tại bộ Thông Tin Sài Gòn (cũ). Từ 1959 ông phụ trách “ Chương Trình Lan Đài”, một chương trình chuyên về âm nhạc trên đài truyền hình Sài Gòn (cũ). Vài người lớn tuổi tại Hội An vẫn còn nhớ đến hình ảnh ca sĩ Diễm Hồng (Vũ Thị Hồng Lê), bà cũng là người bạn đời duy nhất của ông, đã biểu diễn những ca khúc do ông sáng tác trong vài chương trình truyền hình phát vào thời đó.

Tại Sài Gòn Lan Đài gặp lại nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và in chung tuyển tập “Nhạc Ru Tuổi Hồng” với Lê Trọng Nguyễn và các nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Hoàng Nguyên, Anh Việt. Cũng thời gian này ông cùng làm việc với nhạc sĩ Y Vân trong một chương trình âm nhạc, họ đã viết chung nhiều nhạc phẩm và sách nhạc như: “Tìm Về”, “Nhạc Xanh” tuyển tập nhạc dành cho thiếu nhi, “Tự học Tây Ban Cầm (phương pháp Flamenco)”. Đồng thời ông cũng viết chung nhiều nhạc phẩm với các nhạc sĩ khác như : “Xếp Áo Thư Sinh”- viết chung với Đằng Vân. “Em Là Tất Cả, Tà Áo Tím” viết chung với Mạnh Phát. “Bước Chân Dĩ Vãng” viết chung với Nguyễn Hiền.

Những sáng tác của ông như: “Chiều Tưởng Nhớ”, “Câu Chuyện Tâm Tình”, “Nuối Tiếc”, “Đôi tay Ngọc Nữ”, “Nụ Cười Tái Ngộ”, “Tà Áo Trinh Nguyên”, “Nói Đi Em”, “Sao Vẫn Còn Thương”, “Hoàng Hôn Trong Đáy Mắt”, “Khói Lam Chiều”, “ Nhắn Cánh Chim Chiều”, “Quán Chiều”, “Trên Đường xuôi Ngược”, đã được trình diễn bởi những giọng ca của các ca sĩ hàng đầu thời bấy giờ như: Hà Thanh, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Lệ Thu, Phương Dung, Ngọc Lan, Diễm Hồng. Đồng thời được phổ biến trên các đài phát thanh, truyền hình, và in ra dĩa nhựa (dĩa nhạc) trong thời điểm này.

Ngoài việc mở lớp dạy nhạc, Lan Đài còn viết sách dạy sử dụng các loại nhạc cụ, khiêu vũ, sáng tác nhạc, hòa âm, hòa điệu và lý thuyết âm nhạc căn bản như các sách: “Cẩm nang Tây ban cầm”. “Tự học Tây Ban Cầm (nhạc thời trang – nhạc Jazz)”. “Tự học Hạ uy cầm”. “Tự học Hạ băng cầm”. “Tự học Đại hồ cầm”. “Tự học Ukulele”. “Tự học Măng cầm”. “Tự học Tây ban cầm điện”. “Tự học Tây ban cầm điện trầm”. “Tự học Khiêu vũ”. “Nghệ thuật độc tấu Tây ban cầm”. “Tự điển Tây ban cầm 2000 thế bấm”. “Để sáng tác một bản nhạc phổ thông”. “Hòa điệu sơ cấp”. “Nhạc lý căn bản”. “Kỹ thuật hòa âm”. “Hòa điệu tổng quát”. “Tự Học Khẩu Cầm- Đồng chuyển và dị chuyển” viết chung với Đằng Vân. Các nhạc phẩm và tuyển tập nhạc của ông đều được các nhà xuất bản lớn như Xuân Thu, Khai Trí, Văn Hiến hợp đồng ấn hành trên toàn quốc (miền Nam).

***

Cảm nhận về nhạc Lan Đài, nhà thơ Tô Thùy Yên viết: “… và Lan Đài với Chiều tưởng nhớ – một thứ elégie (bi thương) não nùng. Ta tưởng chừng như đang đắm mình trong một buổi chiều thu xám, ngoài trời lá chết rụng đầy, tiếng trầm hồ cầm đâu đây đang rền rĩ, than van cho một nức nở sinh ly: Bàn tay đâu tìm đâu thấy nữa/ Bờ môi đâu mắt đâu ôi tìm đâu”.

Nhưng đâu phải chỉ có một Lan Đài bi thương não nùng trong Chiều tưởng nhớ, đâu đó trong những nhạc phẩm của ông ta còn bắt gặp một Lan Đài lãng mạn, đong đầy yêu thương, trong bản luân vũ Đôi tay ngọc nữ: “Làn môi thắm tươi làm sáng duyên thơ/ Với đôi tay ngà chờ đón duyên mơ”…, để rồi mơ về một ngày được đoàn viên bên người yêu: “Rồi đây cánh chim giang hồ muôn hướng/ Ước mong mây chiều về bên gác vàng”.

Nhiều thế hệ cầm đàn nối tiếp nhau từ ngày ấy đến bây giờ chắc không ít người đã từng học vỡ lòng từ những cuốn sách dạy nhạc của ông. Mấy ai còn nhớ? Thời gian trôi nhanh, dâu bể cuộc đời là điều không tránh khỏi, những tác phẩm của ông giờ lưu lạc phương nao, chắc chẳng còn bao người lưu giữ?


Trở lại Trang Chính