Vũ Thành, người nhạc sĩ khí khái và ngạo nghễ

Quỳnh Giao

Kim Anh sưu tầm

Tin nhạc sĩ Vũ Thành đã từ trần đem đến cho tôi một cảm giác đau đớn, bàng hoàng, dù tôi đã được chuẩn bị tinh thần trước cái chết của ông. Dĩ nhiên không riêng đối với tôi, cái chết của ông là một mất mát lớn lao cho giới yêu nhạc, và là cái tang chung cho giới văn nghệ sĩ Việt Nam.

Lần cuối cùng vợ chồng tôi đến thăm ông, chúng tôi nhận thấy ông đã bị cơn bệnh tàn phá rất nhanh. Một bên mắt phải bịt giải khăn đen vì ông không điều chỉnh được hướng nhìn. Ông cũng không nuốt được thức ăn và nói năng một cách khó khăn. Thế mà buổi sáng hôm đó, ông giữ tay tôi trong tay ông, cố gắng thều thào nói với tôi rất nhiều, toàn về âm nhạc.

Nhạc sĩ Vũ Thành (1926-1987)

Ông luôn luôn nói đến âm nhạc. Nhạc không nuôi sống ông, nhưng nhạc là lý tưởng của đời ông. Có lẽ suốt đời tôi không quên được hình ảnh của ông lúc đó. Nhất là con mắt còn lại (con mắt không bị bịt kín) chiếu một vẻ rực rỡ, tinh anh khác thường. Dường như tất cả mầm sống của các tứ chi tê liệt dồn tất cả vào cửa ngõ tâm hồn đó. Tia mắt ấy có một chút ánh nồng nàn của niềm hy vọng, yêu đời, lần một chút thờ thẫn của niềm bị thương, tuyệt vọng. Ông trình bày một vài “nuances” mà ông thích trong bản “Plaisir d'amour” của Martini. Sợ tôi không ghi nhận được, ông còn rán hát lên nữa.

Ông khuyên tôi giữ vững lập trường và ý hướng nghệ thuật của mình. Đừng hát bừa bãi, hát vị “nể”. Phải luôn luôn khó tính. Khó với mình và với người... Trước khi từ biệt chúng tôi để vào phòng trong thay y phục, sửa soạn vào nhà thương, ông nói câu cuối cùng với một nụ cười héo hắt: “Cháu đừng buồn, chứ không sợ chết đâu! Bác sĩ bảo phải vui vẻ mới sống được. Gặp các “toi" (nhìn về phía nhà tôi) là “moi” vui rồi!

Người bạn đời của ông, suốt buổi thăm viếng của chúng tôi, lịch sự ngồi kế cận tiếp chuyện và nói cười vui vẻ. Nhưng khi tiễn chúng tôi ra cửa, tôi bắt gặp đôi mắt đỏ hoe của bà. Từ nãy giờ, bà che dấu nỗi đau buồn của mình trước mặt ông. Khi tôi ôm bà và nói: “Cô rán giữ gìn sức khoẻ, vì cô mới là người phải có nhiều nghị lực và can đảm” thì bà bật khóc. Bà chỉ những đệm ghế trong phòng và bảo rằng ông làm gẫy hết, vì ông đứng, ngồi rất khó khăn, mà chẳng chịu nhờ ai nâng, cứ rán sức tì mạnh nên gẫy hết giường ghế trong nhà. Tôi thầm nghĩ hành động đó chỉ có thể có ở một con người khí khái. Những người yêu mến ông, gần gũi ông, không ai lạ gì tính khí đó.

Lúc chúng tôi ra khỏi nhà ông, trời đất vào thu của mùa đông nước Mỹ thật hiu hắt, thê lương. Những chiếc lá vàng lả tả rụng, lá vàng rực rỡ đè lên những lá màu nâu đã tàn rữa. Tôi rùng mình với ý tưởng so sánh kiếp lá với kiếp người... Nhìn sang bên cạnh, nhà tôi đang rất yên lặng lái xe, mắt nhìn thật thẳng và tôi nhận thấy được đôi bàn tay trên“volant" anh hơi run rẩy...

Tôi đau đớn khi hồi tưởng lại phút giây đó. Rõ ràng là tôi xúc động, nhưng, còn một nỗi vui mong manh trong tôi. Bởi vì tôi vừa mới được trông thấy ông, được nói chuyện cùng ông. Tôi sửng sốt nhận định với chính mình hiện giờ, là ông đã ra người thiên cổ. Người của muôn năm cũ. Tôi không đang nằm mơ đâu! Cảm giác mình đang nằm mơ thường xảy đến với tôi khi tôi gặp những thực tế đau buồn.

Có lẽ đọc đến đây độc giả đã thấy rõ sự quí mến của tôi đối với nhạc sĩ quá cổ Vũ Thành. Nó có quá đáng không? Tôi xin thưa là không. Bởi vì không ai không yêu mến một người có đủ tài năng, tư cách, kiến thức và đạo đức như Vũ Thành. Tôi may mắn được biết Vũ Thành qua cả hai khía cạnh: Âm nhạc và đời sống. Đối với giới yêu nhạc thì Vũ Thành quả là người “uy tín" vào bậc nhất trong làng tận nhạc Việt Nam, Nhạc của ông xuất hiện từ buổi sơ khai của nền tản nhạc Việt. Ông xuất hiện chỉ sau Lê Thương, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy... Người nhạc sĩ tài hoa lỗi lạc ấy đã cống hiến cho đời những tác phẩm bất hủ như “Nhớ Bạn”, “Say Nhạc Canh Tàn”, “Gió Thoảng Hương Duyên”, “Tình Xuân”, “Giấc Mơ Hồi Hương”, “Gửi Áng Mây Hàng", "Nhặt Cánh Sao Rơi", v,v... ông sáng tác tương đối ít, trên dưới 20 bản, nhưng toàn những tác phẩm mà trong giới chúng tôi thường gọi là “Bão lớn”. Nét độc đáo trong nhạc Vũ Thành là đặc tính tao nhã, sang trọng mà chúng ta thường thấy ở những bản nhạc cổ điển tây phương. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự hiểu biết âm nhạc tưởng tận của ông. Vũ Thành là một “guitariste" cứng cỏi của Việt Nam. Đã từng được mời dạy trường Quốc Gia Âm Nhạc, nhưng vì khiêm tốn, tự nhận mình không biết nhiều về “pédagogie"; ông nhường lại cho nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ngoài ra, ông còn xử dụng Flute (ông học với một giáo sư người Pháp) rất điêu luyện, từng ngồi “ghế đầu” của giàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam.

Trước năm 1954, ông là công chức của bộ thông tin, và là nhạc trưởng ban “Việt Nhạc” của đài phát thanh Hà nội. Chính thời kỳ này nhạc Vũ Thành được hát đến nhiều nhất. Âm hưởng thanh tao, ống ả của những dòng nhạc tuyệt vời của Vũ Thành, đem đến một luồng không khí mới mẻ cho nhạc Việt, lúc đó còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung, và một số của Văn Cao. Từ năm 1954, di cư vào Nam, ông thành lập một ban nhạc thính phòng lấy tên “Thanh Tao” với sự cộng tác của một số bạn thiết của ông từ Hà nội như: Hoàng Trọng, Nguyễn Quý Lãm, Lưu Văn Khoa, Nguyễn Cầu, Nguyễn Trí Nhưởng, Đặng Văn Hiền... Có lẽ đây là thời kỳ vui nhất của ông, vì ông vẫn thường nhắc nhở lại với chúng tôi. Từ năm 1960 ông giữ chức trưởng phòng văn nghệ của đài phát thanh Saigon. Trong quân vụ, ông là Trung tá trưởng ban quân nhạc của phủ tổng thống, và còn là nhạc trưởng của giàn nhạc đại hoà tấu của đài Saigon, đài “Tiếng nói Tự Do” (của Hoa Kỳ) và đài truyền hình Việt Nam.

Với những chức vụ “ngạo nghễ” vừa kể, ông chỉ đủ sống một cuộc sống thanh bạch, đạm bạc. Khi giữ chức trưởng phòng văn nghệ, ông có thể có một cuộc sống phú quý nếu ngoảnh mặt làm ngơ để loại nhạc “thương mãi” tràn ngập các chương trình. Với quyền hành của một nhạc trưởng, ông có thể có xe hơi nhà lầu nếu để một vài chú tân binh vùng “Chợ Lớn" về đơn vị của mình mà chẳng biết thổi kèn đánh trống gì cả! Không! Ông từ chối tất cả. Chỉ lãnh số lượng công chức đủ mua 2 tạ gạo, hàng ngày vẫn cùng các bạn đồng nghiệp đàn guitare và thổi flute cho các ban nhạc. Có ông, đài phát thanh là nơi phát huy văn hoá đích thực. Có phải đài phát thanh Saigòn đã hãnh diện có được những ban nhạc nổi tiếng: Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Văn Phụng? Các chương trình của Phạm Duy, của Anh Ngọc, của Nguyễn Đình Toàn? Những mục đặc biệt “Văn Học Nghệ Thuật” của Trần Dạ Từ, Phan Lạc Phúc, những “Trước Đèn Đọc Sách” của Mai Thảo? Những vở kịch giá trị của Vi Huyền Đắc, của Đinh Xuân Hoà? Có ai đã nhắc nhở, ngợi khen Vũ Thành bằng một bài báo? Tất cả chỉ vì Vũ Thành đã âm thầm làm việc, phụng sự nghệ thuật vì yêu nghệ thuật. Và ông - Chính ông - không cần gì cả! Tuy nhiên đôi khi Vũ Thành không dấu được niềm chua chát. Ông thường tâm sự là nghệ thuật đích thực thường hiếm tri kỷ, thanh tao quá không có người đồng điệu. Ông thường nói rằng “Giấc Mơ Hồi Hương” được nhiều người ưa thích chỉ vì lời mà thôi. Trong khi một số tác phẩm khác về phần nhạc, đối với ông, hay hơn. Quả thật vào thời điểm 1954, khi các bản nhạc Việt Nam còn nặng những khuôn sáo cổ điển, ước lệ, thì cách Vũ Thành gọi thành phố Hà nội bằng đại danh từ mỹ miều “Em” nghe thật trữ tình và mới lạ. Nói như thế không có nghĩa là lời ca những bản nhạc khác của Vũ Thành kém hay. Thật ra, Vũ Thành làm lời ca rất sâu sắc. Ông rất thích triết lý Lão, Trang, coi đời như một giấc mộng. Chúng ta hãy nghe ông nói đến “Giấc mơ đã tàn” (Nhớ Bạn), “Sống chung giấc mơ vàng” (Tình Xuân). “Đếm sao canh dài, mộng thấy nhau” (Nhặt Cánh Sao Rơi). “Giờ này hương ái ân, mộng tình phai” (Say Nhạc Canh Tàn) v.v... Vì nét nhạc Vũ Thành quá trang trọng nên lời ca của ông không thể quá trữ tình, quá nồng nàn. Lời ca đó như những cánh chim xa vời, những đám mây muôn màu. Và ông thường dùng cảnh để tả tình.

Ngoài tài năng của một người viết “giai điệu” ông còn là người soạn “hoà âm phối khí” có công nhất với tân nhạc Việt Nam. Công việc này, trái với sáng tác ca khúc, ông làm rất nhiều. Có thể nói hầu hết các ca khúc của Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Cung Tiến được ông làm đẹp bằng những hoà âm công phu, tuyệt diệu. Ông đã nâng những ca khúc phổ thông lên hàng tác phẩm nghệ thuật. đây tôi xin được nói qua về vai trò quan trọng của người soạn hoà âm. Thính giả khi thưởng thức một bản nhạc thường ghi nhận hai điều khiến họ thích thú: giọng hát của ca sĩ và tác giả bài hát. Tên của tác giả đôi khi còn bị quên hoặc lầm lẫn, huống hồ là người viết hoà âm cho ca khúc ấy. Nhưng nếu nghe lại cũng chính ca sĩ đó và bài hát đó không có phần hoà âm phối khí cho giàn nhạc, chắc chắn sự thích thú giảm thiểu đến 80%. Tôi xin ghi ra vài thí dụ: Bạn hợp ca Thăng Long, nếu không có Phạm Đình Chương viết hoà âm và bè cho từng giọng ca, thì thử tưởng tượng các giọng ca vàng ấy sẽ hát ra sao? Có nghệ thuật không nếu họ đồng ca một giọng như một toán quân trong quân trường? Trường ca “Con Đưởng Cái Quan” nếu tước bỏ phần hoà âm thật công phu của Nghiêm Phú Phi mà quí vị thường nghe, làm sao nghe ra được một tác phẩm tầm vóc như thế được? Nếu bỏ phần hoà âm của Văn Phụng, có lẽ cuốn băng “Tình Khúc Ngô Thụy Miên” bớt hay đi nhiều lắm. Nhạc sĩ Cung Tiến là người cẩn trọng tối đa, ông đã viết hoà âm cho tất cả các ca khúc của mình. Vì thế ca sĩ khi hát dùng hoà âm của ông nên luôn luôn trình bày đúng ý của ông.

Viết đến đây, tôi thấy xót xa cho những người soạn hoà âm cho các ca khúc. Tôi liên tưởng đến nhân vật Liên trong truyện ngắn “Người Kép Phụ” của Thanh Nam, những người chuyên môn đóng vai phụ, làm cái việc đẩy những con tàu khác vượt khỏi những đoạn đèo dốc. Nghĩa là, họ sinh ra để làm đẹp cho người khác chứ không cho chính họ. Đôi khi họ là những người học thức, sâu sắc hơn cả người được họ đẩy...Hồi tưởng lại những năm tháng cũ, từ khi tôi bước chân vào đài phát thanh để nối tiếp giọng hát của mẹ tôi, nhạc sĩ Vũ Thành là người tôi luôn nể sợ. Không riêng gì tôi, các ca sĩ bậc đàn cô, đàn chị của tôi đối với ông đều như thế. Sự nể trọng bắt nguồn từ sự kính phục tài năng và tư cách của ông. Trong công việc ông là người nổi tiếng khó tính. Ca sĩ hát ban ông không ai dám đến trễ. Nhạc sĩ công tác bị ông bắt tập dượt riêng với ông cả giờ trước khi thâu thanh. Nhưng không phải họ chỉ “nể sợ" ông, họ còn “yêu mến” ông vì ông là con người rất mực khiêm tốn. Ông khen các nhạc sĩ trẻ trong ban nhạc: “Các “toi” giỏi hơn bọn “moi” hồi đó. Hồi trước bọn “moi đàn một bản nhạc mà cứ hết “cùng một lúc” là vui rồi! Con người tài hoa dễ mến đó được từ Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Văn Phụng, Cung Tiến cho đến người trẻ lớp sau như Lê Văn Khoa, Hồ Đăng Tín xem như tri kỷ.

Sau biến cố 1975, ông và gia đình thoát ra được nước ngoài với hai bàn tay trắng cùng một số băng nhạc cũ kỹ (mà ông quí hơn châu báu) thu một số ca khúc của ông và những ca khúc khác do ông hoà âm, và... một niềm ân hận (mà ông không có lỗi và không làm gì được) là để kẹt lại vợ chồng người con gái thứ 4 trong 8 người con của ông, ở Việt Nam. Ông sống trong thương nhớ không nguôi. Tin nhà đưa qua: người con rể bị đi học tập, càng làm ông thêm buồn bã. Ông không sáng tác thêm, hoạt động gì thêm cho đến khi lìa đời. Câu chuyện tôi vừa kể không có chủ đích kể một câu chuyện riêng tư của một gia đình mà chỉ để bạn đọc thấy rõ một con người đầy tình cảm. Một người quí vợ, thương con, tốt với bằng hữu.

Có một lần nhạc sĩ Phạm Duy lên Washington D.C. trình diễn, ghé ở nhà chúng tôi. Chỉ gọi phone lên cho ông, ông vội vàng lái xe từ Maryland xa lắc sang thăm. Một lần khác, nhạc sĩ Lê Văn Khoa và danh ca Kim Tước về miền đông Hoa Kỳ trình diễn, ông gọi các nghệ sĩ cùng vùng (Châu Hà, Văn Phụng và chúng tôi) sang nhà ông ăn cơm và để gặp gỡ hai vị trên. Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Quý Lãm ở Úc Châu sang chơi, ông vội mời bạn cũ anh chị Lưu Văn Khoa cùng chúng tôi lại gặp. Ông luôn luôn là cái gạch nối giữa các nghệ sĩ. Ông nối tình người với nhau bằng chính tấm lòng hiền hoà, nhân ái của mình. Ông bao giờ cũng ngợi khen đồng nghiệp. Chẳng bao giờ nghe ông nói xấu một người vắng mặt. Trái lại, có điều gì không vừa ý, hoặc không thấy là đáng ngợi khen, ông rất thẳng thắn tỏ bày. Ông có cái mà người ta gọi là “Oai" dù ông chẳng là một tướng quân ngoài mặt trận. Tôi là một kẻ hậu sinh, vẫn gọi ông là “chú” (và được ông yêu thương như con cháu) thế mà ông cho tôi cái hân hạnh chia sẻ những cảm nghĩ về nghệ thuật, những kinh nghiệm sống và những mẩu tâm tình nghệ sĩ của ông. Tôi xem đó như những bài học giá trị mà suốt đời sẽ không bao giờ quên.

Tôi chỉ có một điều ân hận nhỏ sau cái chết của ông: đó là ông đã yêu mến mà giới thiệu tới trong một bài hát của một cuộn băng “hát cho kỷ niệm” 2 tôi mới thực hiện cách đây 3 tháng rưỡi. Vì thời hạn của cuộn băng (vì bài nhạc là bài cuối cùng) và cũng vì ông quá khen mà tôi tự nhận thấy chưa xứng đáng với lời khen đó, tôi đã tự ý cắt bỏ 2 phút giới thiệu của ông. Rốt cuộc tôi chì giữ một điểm ngợi khen nhỏ trong ba điểm khen ngợi. Ông không hề giận, nhưng không vui, Ông gọi cho tôi và giải thích tại sao ông nêu lên ba điểm, và ba điểm ấy tương quan với nhau. Tôi cắt đi nên lời nói của ông không đủ ý nghĩa. Giờ đây nghe cuộn băng, đến đoạn giới thiệu của ông, tôi chực khóc. Nhưng tôi vẫn không ghi lại ở đây lời của ông, vì tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời lời nói đó, như một kỷ niệm đẹp đẽ nhất và riêng tư nhất của tôi.

Ông cũng có một kỷ niệm đẹp, đã có lần kể cho tôi nghe. Tôi xin kể lại để bạn đọc cùng hãnh diện cho ông. Số là ông có một người cháu (ca sĩ Ngọc Giao của thập niên 1950) làm việc ở khách sạn Watergate (nổi tiếng qua vụ Nixon). Một hôm Ngọc Giao gặp nhạc trưởng Mstislav Rostropovich, một nhạc trưởng nổi danh gốc Nga hiện là nhạc trưởng giàn nhạc National Symphony Orchestra của Hoa Kỳ, thích thú quá về khoe với Vũ Thành. Vốn rất hâm mộ Rostropovich, Vũ Thành đề nghị Ngọc Giao đưa ông đến gặp. Gặp nhau, Vũ Thành đưa bản hoà tấu khúc soạn cho vĩ cầm và giàn nhạc của ông, tựa đề “Cạn Một Hồ Trường" cho nhà nhạc trưởng xem, Rostropovich đòi giữ lại vài ngày rồi sẽ cho biết nhận xét. Ngay hôm sau ông gọi cho Vũ Thành và ngợi khen rằng: “Tôi không ngờ nước Việt Nam mà tôi chỉ biết qua báo chí và TV, nhỏ bé và rách nát, mà lại có những nhạc sĩ viết được những tác phẩm không kém gì chúng tôi cả. Xin thành thực ngợi khen." Có lẽ đó là phần thưởng tỉnh thần đẹp đẽ và hiếm hoi nhất của Vũ Thành.

Chú Vũ Thành, chú đã đi rồi. Chủ trở về với cát bụi. Nhưng, những thanh âm tuyệt diệu của chủ để lại nơi trần thế chắc chắn sống mãi trong lòng những người yêu mến âm nhạc... Chủ tin cháu đi!

(Nguồn: Văn Học số 26 tháng 3 .1988, trang 18-23)



Trở lại Trang Chính