Mùa thu chết: từ thơ tới nhạc, niềm cảm hứng

và sự liên tưởng thiên tài.

Đinh Kỳ Thanh

Kim Anh sưu tầm & audio

Trải qua mấy thập kỷ rồi nhưng nhiều thế hệ khán, thính giả yêu nhạc Việt Nam vẫn say mê thả hồn mình vào giai điệu mượt mà, thanh khiết và quyến rũ của Phạm Duy cũng như những vần thơ tình tứ và mê đắm của Bùi Giáng qua tác phẩm “Mùa Thu chết” .

Có lẽ không một ai khi nghe bài hát này không nhớ những câu ca :

…. Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi….

Nhiều khán, thính giả thưởng thức bài ca bất hủ này đã không để ý tới xuất xứ kỳ lạ của nó và không hề nghĩ rằng đây chính là một minh chứng điển hình của sự kết hợp từ Thơ tới Nhạc, một sự liên kết xuyên qua không gian và thời gian của niềm cảm hứng và của sự liên tưởng thiên tài của những thế hệ tác giả sống rất cách xa nhau.

Nguyên tác ban đầu của “Mùa Thu chết” chỉ là một bài thơ ngắn mang tên L’ Adieu của nhà thơ Guillaume Apollinaire (1880 – 1918), một thi hào Pháp nổi tiếng sống vào đầu thế kỷ XX. Ông là một nhà thơ Pháp gốc Ba Lan có tên thật bằng tiếng Ba Lan là Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris de War – Kostrowitcki, khi chuyển từ Ý về sống tại Paris đã đổi qua tên Pháp là Guillaume Apollinaire do sự kết hợp hai chữ Wilhelm và Apollinaris.

Bài thơ tuyệt tác L’Adieu của ông chỉ có năm câu như sau :

“ J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t’attends”

Nhà thơ Bùi Giáng sống tại Sài Gòn trong khoảng nửa cuối thế kỷ XX đã đồng cảm tài tình với tứ thơ của đại thi hào Pháp để chuyển ngữ qua tiếng Việt thành bài thơ “Lời vĩnh biệt” đầy tính cách thơ tình Việt Nam duyên dáng như sau :

“ Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo

Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ chẳng tương phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian, mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé, ta vẫn chờ em đó…”

Cảm được tứ thơ của người xưa, chuyển tải tài hoa qua vần thơ tám chữ Việt Nam hết sức kiêu sa và lãng mạn, lại rất phù hợp với hơi hướng Mùa Thu hoa mộng thường được coi là mùa của chia ly và của nỗi buồn man mác lòng người, Bùi Giáng đã như truyền nguồn điện thiêng liêng gợi mở tâm hồn của Phạm Duy để người nhạc sĩ lãng mạn và đa tình này ngân rung lên giai điệu tuyệt vời da diết, khắc khoải của “Mùa Thu chết”….

Hoa Thạch Thảo(Calluna vulgaris)

Phổ thơ Bùi Giáng phóng tác Apollinaire song Phạm Duy đã nâng lên không cùng sự tưởng tượng với nỗi đau xa cách người yêu và khóc hận vì mùa Thu đã chết .

Lời của bài ca bỗng mở rộng và biến hóa như sau :

“ Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo

Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi…

Mùa Thu đã chết, em nhớ cho mùa Thu đã chết…

Đã chết thật rồi…

Em nhớ cho

Hai chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa

Trên cõi đời này…

… Từ nay mãi mãi không thấy nhau…

… Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo

Em nhớ cho rằng ta mãi chờ em

Mãi chờ em

Mãi chờ em

Mãi chờ

Mãi đợi….

Đợi chờ em…”

Từ bài “L’Adieu” Pháp ngữ êm đềm và truyền cảm của Guillaume Apollinaire chuyển qua thơ Việt tài tình và mê đắm của Bùi Giáng, đến bài ca “Mùa Thu chết” của Phạm Duy, tác phẩm đã có một sự “thoát xác” hoàn toàn và chuyển hóa thành một bản tình ca Việt lâm ly, tiêu biểu cho cuộc sống đô thị của miền Nam nước ta vào một thời lãng mạn song cũng còn nhiều bất trắc…

Biết được những bước đường từ Thơ tới nhạc của bài ca này chúng ta càng thêm yêu thêm quý và trân trọng sự đồng điệu của ba tâm hồn nghệ sĩ xuyên qua không gian từ Âu sang Á và xuyên suốt thời gian từ đầu tới nửa cuối thế kỷ XX.

Mỗi độ Thu về, tiết trời se lạnh, lòng dạ bâng khuâng, tâm hồn ta chợt ngân rung lên giai điệu bài ca Mùa Thu chết của Phạm Duy chúng ta hãy kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới hai thi sĩ Việt và Pháp đã để lại cho chúng ta những vần Thơ bất hủ “Lời vĩnh biệt”…

Audio :

* Mùa Thu Chết Bằng Kiều

* Mùa Thu Chết Đức Tuấn

* Mùa Thu Chết Duy Quang

* Mùa Thu Chết Elvis Phương

* Mùa Thu Chết Hải Lý

* Mùa Thu Chết Julie

* Mùa Thu Chết Khánh Hà

* Mùa Thu Chết Khánh Ly

* Mùa Thu Chết Lệ Thu

* Mùa Thu Chết Ngọc Anh

* Mùa Thu Chết Ngọc Lan

* Mùa Thu Chết Thái Thanh

* Mùa Thu Chết Ý Lan


***

Guillaume Apollinaire (28 August 1880-09 November 1918)

Guillaume Apollinaire: tên thật Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris Kostrowitcki, nhà thơ Pháp gốc Ba Lan, sinh ở Roma, Italy.

Nãm 1887 Wilhelm Kostrowitzky cùng gia đình mẹ chuyển về Monaco và học ở Monaco, Cannes. Từ nãm 1899 chuyển về sống ở Paris, làm thơ, viết báo với bút hiệu Guillaume Apollinaire, ông cộng tác với một số tờ báo như La Revue blanche, La Plume và Le Mercure de France. Năm 1903, ông lập ra các tờ tạp chí của chính mình Le Festin d”Esope (November 1903-August 1904) và La Revue immoraliste (1905).

Năm 1912 ông cùng bạn bè thành lập tạp chí “Les soirées de Paris” và làm chủ bút từ năm 1913. Cũng trong năm này in bài thơ nổi tiếng nhất của ông: Le Pont Mirabeau và trường ca Zone. Năm 1913 ông phát hành tập thơ Alcools (Rượu), và năm 1914 có xuất bản một số bài thơ viết theo kiểu tạo hình. Apollinaire mất ngày 9 tháng 11, năm 1918 tại Paris, Pháp. Mộ ông chôn ở nghĩa trang Père Lachaise ở Paris.

Nhà thơ đa tài Bùi Giáng (17.12.1926 – 07.10.1998)

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là một nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học của Việt Nam, ông nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập Mưa Nguồn.

Thuở nhỏ ông theo học tại học Trường Bảo An tại Ðiện Bàn (Quảng Nam), học trung học ở trường Thuận Hóa (Huế). Tháng 5 năm1952 Bùi Giáng về Huế thi Tú Tài tương đương và vào Sài gòn ghi danh Ðại Học Văn Khoa. Cũng trong năm này Bùi Giáng quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

Từ 1957 đến 1997, Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về thơ, dịch và triết học trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập thơ “Mưa Nguồn”, xuất bản năm 1963..

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông

Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc.

Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng). Ông được chôn cất tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức.



Trở lại Trang Chính