Sắc mầu đạo Phật trong nhạc Trịnh Công Sơn

Bài : Tổng hợp

Kim Anh sưu tầm & audio

Trịnh Công Sơn được coi như một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hơn 600 nhạc phẩm của ông đã xây dựng trong tâm trí người nghe một ngôi chùa, một ngôi chùa bằng nhạc trong tâm để mỗi người đều biến thành những con người “hình đồng không xuất gia nhưng tâm niệm lại xuất gia”. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn đối với nhiều người Việt cũng gần giống như nghe một câu kinh. Có được điều đó là bởi giữa âm nhạc Trịnh Công Sơn và tư tưởng của đạo Phật đã có một cuộc hòa đồng kỳ diệu. Những triết lý Phật giáo thấm nhuần trong từng nốt nhạc Trịnh Công Sơn. Nó tạo nên cho nhạc của ông một màu sắc riêng, một dòng khắc khoải mà lại bình yên, thanh thản, một dòng mát dịu giữa không khí linh thiêng, yên ắng của cõi Chân Như, cõi sắc-sắc-không-không…

Trong bài viết năm 2001 trên tờ “Nguyệt san Giác Ngộ”, Trịnh Công Sơn đã nói trực tiếp về những ảnh hưởng của Phật giáo đến cuộc đời và những sáng tác của ông : “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hoá Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.”

Trong Tứ Diệu Đế của đạo Phật, chân lý đầu tiên là khổ đế. Khổ đế là một đề tài rất phổ thông trong nhạc Trịnh Công Sơn:

Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”

(Gọi tên bốn mùa)

Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả. Theo Kinh Kim Cương (Kim cương bát nhã ba la mật kinh), một trong những bộ kinh quan trọng nhất của Phật giáo, tất cả các pháp hữu vi là “như sương mai, như ánh chớp”. Đây là một ý niệm mà Trịnh Công Sơn đã nhắc đi, nhắc lại trong nhiều lời ca của mình. Giống như con chim ở đậu cành tre và một con cá... trong khe nước nguồn, không ai trong chúng ta là những người định cư vĩnh viễn, tất cả đều là những người ở trọ trần gian này.

Một đề tài Phật giáo khác trong nhạc Trịnh Công Sơn là thuyết luân hồi.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi”,

(Cát bụi)

Hay:

“Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô”

(Rừng xưa đã khép)

Trong các ca khúc của mình Trịnh Công Sơn có vẻ đồng ý với đạo Phật rằng “Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện tại”. Trịnh Công Sơn cũng tỏ ra chấp nhận thuyết luân hồi của nhà Phật trong những câu mà Trịnh Công Sơn đã làm nhòa nhạt biên giới giữa đi và về, như trong bài Phôi pha:

Có những ai xa đời quay về lại

Về lại nơi cuối trời.

(Phôi pha)

Nếu chết là để đi đến tái sinh thì khi ta ra đi nghĩa là ta trở lại.Nhìn sống và chết cũng như nhìn nước chảy trên sông và tự hỏi nước đang ra đi hay nước đang trở về . Đó là ý của Trịnh Công Sơn trong "Gần như niềm tuyệt vọng" :

Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng

Sông bao lần sông đã ra đi

Những ngàn xưa trôi đến bây giờ

Sông ra đi hay mới bước về

(Gần như niềm tuyệt vọng)

Theo đạo Phật không có cái ta trường cửu nhưng mà có một chút gì trong cái ta đã mất được tiếp nối trong cái ta tái sinh. Quá trình này thường được so sánh như khi ta thắp một cây nến từ một cây nến khác, có cái ra đi và cũng có cái trở lại, một cõi đi về như Trịnh Công Sơn đã viết :

" Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Đi - về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trãi qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật ".

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

(Một cõi đi về)

Một ảnh hưởng khác của Phật giáo trong ca khúc của Trịnh Công Sơn là sự mập mờ và siêu lý luận của các câu văn, Nhạc, lẽ dĩ nhiên là tiếng nói của con tim không phải là của lý trí nhưng sự xác định này cũng chưa đủ để giải thích tại sao Trịnh Công Sơn có vẻ như không muốn làm cho lời ca rõ ràng.Ta có thể nghĩ rằng đây là ảnh hưởng của Phật giáo, rằng người ta không thể chỉ ngồi mà lý luận để đi đến một sự bình an cho tâm hồn, rằng ý niệm giác ngộ vượt qua biên giới của ngôn ngữ và lý luận.

Trịnh Công Sơn giống như một nhà thiền sư phủ nhận rằng tuyết thì trắng, quạ thì đen, với mục đích nói lên rằng muốn giác ngộ thì phải tránh xa cái đối lập giữa “có” và “không” để thành một tổng thể hài hòa. Lời ca của Trịnh Công Sơn giống như các công án trong Phật giáo, chẳng hạn như công án nổi tiếng nói về lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay, và cũng giống như công án, bài hát của Trịnh Công Sơn không thể giải thích được bằng đầu óc.

Trịnh Công Sơn có ý nói đến thuyết vô ngã trong các bài ca của ông.Ông có nói đến “phụ người” như trong bài Ru em nhưng cái buồn của ông thật ra cũng là cái buồn của nhân thế.

“Yêu em yêu thêm tình phụ

Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”

(Ru em)

“Từ bi” có nghĩa là tâm từ (maitri) và tâm bi (karuna), hai đức hạnh mà theo Phật giáo mình nên tu dưỡng.

Nhạc Trịnh Công Sơn khó hiểu nhưng lời ca của ông có khả năng xoa dịu những tâm hồn bị dao động.“Đóa hoa vô thường” là một bản tụng ca Đức Phật, có thể là Phật Quan Âm. Người nữ ở đây không mười sáu tuổi, không một chiều kia có em buồn buồn, không cười đâu đó trong phố xá đông vui. Một người mà anh đã đi tìm trong xa gần đất trời rộn ràng, trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh, tìm trong đàn chim ngậm hạt sương bay. Tìm ngày tìm đêm, bền bĩ một cách lạ thường không bao giờ tuyệt vọng.

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai

Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi

Tìm em tôi tìm,nhủ lòng tôi ơi

Tìm đêm chưa từng,tìm ngày tinh khôi

Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay

Tìm lại trên sông những dấu hài

Tìm em xa gần,đất trời rộn ràng

Tìm trong sương hồng,trong chiều bạc mệnh

Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em

Và anh đã gặp một người mình hạc xương mai, với nụ cười mong manh. Nàng tinh khiết như cội nguồn nguyên thủy, nàng ngát hương giữa đôi giòng kinh. Nàng là Đạo, hay Đạo được anh hoá thân thành Nàng cho gần với Đời. Và nàng tắm gội dưới mưa bốn bề toả ngát hương trầm. Nàng dạy dỗ anh, tan chảy trong anh.

Tìm trong vô thường

có đôi dòng kinh

sấm bay rền vang

Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn

Đạo thấm vào anh, gần gũi đến nỗi có tôi trong dáng em ngồi trước sân. Từ đó hoa là em, một sớm kia rất hồng, nở hết trong hoàng hôn. Nhờ có kinh đắp bồi, nên từ đó anhlà đêm nở đóa hoa vô thường. Khi cái Đẹp lên ngôi (lời kinh là những cái Đẹp) thì sự phụng thờ của anh, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm và tôn thờ cái Đẹp, cuộc trùng phùng chỉ là một tất yếu.

Từ đó hoa là em

Một sớm kia rất hồng

Nở hết trong hoàng hôn

Đợi gió vô thường lên

Từ đó em là sương

Rụng mát trong bình minh

Từ đó ta là đêm

Nở đóa hoa vô thường

(Đóa hoa vô thường)

“ Sóng về đâu ? ” là bản nhạc Trịnh Công Sơn viết cuối năm 1995 . Đó là vào một buổi tối trên bãi biển Nha Trang , trong tiếng sóng vỗ ầm ì vào bờ cát ông tưởng như nghe được tiếng thở dài của người bạn trẻ đang đương đầu với con sóng lớn của cuộc đời. Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ " Gate, Gate, Paragate, Parasamgate Bodhi Svaha ". (Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, Bồ đề, Tát bà ha !)

“Biển sóng, biển sóng, đừng xô tôi,

Đừng xô tôi ngã dưới chân người.

Biển sóng, biển sóng, đừng xô tôi

Ðừng cho tôi thấy hết tim người "

(Sóng về đâu?)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một phật tử đi lại trong cõi đời bụi bặm để giác ngộ chúng sinh. Giúp họ nhận ra cái vô ngã của con người và cái hư vô của cuộc đời. Giúp họ bình thản suy ngẫm về sự sống và cái chết. Giúp họ sống biết yêu thương và tin tưởng, sống từ bi…tuy nhiên, cũng nên hiểu rằng nhạc của Trịnh Công không xui người ta rời bỏ cõi đời .

"Tôi đang cố gắng quên Phật Giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng đuợc một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi Phật Giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.

Phật không mong có nhiều phật tử xuống tóc đi tu. Và thấm lời Phật dạy, Trịnh Công Sơn đã tu chính ngay giữa cõi đời:

“Không xa đời và cũng không xa loài người

Không xa ngậm ngùi và cũng không xa nụ cười

Đời cho ta thế hãy cứ cất bước đi với người”

(Đời cho ta thế)

Cõi cuộc đời là hư không nhưng người nhạc sĩ này luôn sống với đời bằng một tình cảm gắn bó:

“Quê hương là nỗi nhớ

Đời nhẹ như là thu

Yêu càng yêu quê nhà

Yêu những đời bão tố

Nhọc nhằn trong nắng mưa”

(Cánh chim cô đơn)

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là âm nhạc của sự giải thoát nhưng cũng đồng thời là âm nhạc của sự gắn bó. Có lẽ vì thế mà nó là âm nhạc của sự vĩnh hằng.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

***


Audio :

Gọi tên bốn mùa - Khánh Ly

Cát bụi - Khánh Ly

Rừng xưa đã khép - Khánh Ly

Phôi Pha - Khánh Ly

Gần như niềm tuyệt vọng - Khánh Ly

Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn

Một cõi đi về - Khánh Ly

Ru em - Khánh Ly

Đóa hoa vô thường - Khánh Ly

Sóng về đâu? - Thu Phương

Đời cho ta thế - Trịnh Công Sơn

Cánh chim cô đơn - Thái Hòa



Trở lại Trang Chính