“Auld Lang Syne”- Ý nghĩa của bài nhạc

đón giao thừa

Kim Anh sưu tầm

Auld Lang Syne, tên của bản nhạc mà chúng ta thường nghe trổi lên vào lúc giao thừa tại nước Mỹ có nghĩa gì ? một cựu giáo chức với văn bằng cao học về văn chương cổ Hy Lạp, bà Cathy Ingraham giải thích:

“Auld lang syne là một cụm từ, có nghĩa là thời gian trôi qua với những ngày xưa êm ái”.

*

Bài thơ "Auld Lang Syne" trở thành lời của bản nhạc này, thường được coi là của Robert Burns, một thi sỹ nổi tiếng của Tô Cách Lan. Nhưng chính Robert Burns thì lại nói là “Auld Lang Syne” thực tế là một bài dân ca cổ, được tác giả ghi chép tay lại từ tiếng hát của một cụ già ngồi ven đường. Một nhà xuất bản chuyên sưu tập các bài hát dân gian, ông George Thomson, đã soạn nhạc cho bài thơ năm 1793 và từ đó có bài hát mà chúng ta vẫn nghe vào lúc năm cũ sắp qua đi, năm mới đang gần kề.

Ý nghĩa của đoạn mở đầu bản nhạc là 1 điệp khúc được lập đi lập lại nhiều lần một ý chính:

“Lẽ nào lại quên đi những người bạn cũ năm xưa

Và không bao giờ nhớ gì nữa?

Lẽ nào quên đi những người bạn xưa ấy

Và những ngày xưa êm đềm?”.

Và cái điệp khúc đó dĩ nhiên ngầm mang ý nghĩa là chẳng bao giờ chúng ta quên những ngày xưa êm ái đó.

Trong những đoạn khác của lời nhạc tác giả nhắc đến những kỷ niệm êm đềm cùng bạn rong chơi, hái hoa ngoài cánh đồng, bơi trong dòng suối nhưng bây giờ bạn bè cũ, người thân yêu cũ đã bị ngăn cách vì sóng gió trùng dương.

Lời ca của “Auld Lang Syne” nhắc nhở chúng ta, dù thời gian trôi qua mỗi giây, mỗi ngày nhưng không bao giờ được lãng quên quá khứ và những người đã đến trong cuộc đời ta, dù họ mang đến đắng cay hay ngọt ngào. Bởi vì chính họ đã tạo nên chúng ta ở thì hiện tại. Nói tóm lại “Auld Lang Syne” là bản nhạc gợi nhớ những gì êm ái của quá khứ, của ngày tháng cũ đã qua.

Lời ca đậm chất nhân văn thông qua giai điệu mang tính ám ảnh của “Auld Lang Syne” chính là nguyên do giúp ca khúc đến với đông đảo công chúng toàn cầu hơn cả. Không chỉ ở Scotland, “Auld Lang Syne” trở thành bản nhạc nổi tiếng khắp thế giới .

Bản nhạc không phải đã được sáng tác để dùng cho đêm Giao thừa hàng năm, nhưng đã trở thành phổ biến và dùng cho những đêm đón mừng năm mới, là do một sự trùng hợp rất tình cờ khi Guy Lombardo và ban nhạc của ông ta đã dùng bản nhạc “ Auld Lang Syne” này để trám vào khoảng trống giữa hai chương trình trực tiếp truyền thanh của một buổi trình diễn tại khách sạn Roosevelt ở Nữu Ứơc năm 1929, tình cờ lại đúng ngay vào lúc kim đồng hồ chỉ nửa đêm, giây phút đầu tiên của một năm mới . Và kể từ đó việc cử bản nhạc “Auld Lang Syne” vào ngay giây phút đầu tiên của năm mới Dương lịch trở thành một tập tục lưu truyền cho đến ngày nay.

Audio :

Auld Lang Syne BBC Symphony, Chorus & Singers

Auld Lang Syne Lea Michele

Auld Lang Syne Piano music



Trở lại Trang Chính