Chùa Hương qua Nhạc và Thơ

Kim Anh sưu tầm & audio

Thực ra đã từ xa xưa, chùa Hương gắn liền với thắng cảnh Hương Tích luôn nằm trong tâm thức mỗi người dân Việt. Nơi đây vừa là chốn tôn nghiêm cửa Phật vừa là thắng cảnh đệ nhất động trời Nam nên luôn mang đến nguồn cảm hứng thi ca cho những ai trót một lần đặt chân tới, trót “bén” và trót “say” với tiếng chuông chùa hòa quyện vào không gian hùng vĩ của núi rừng cùng dòng suối như dải yếm đào, với những động tuyệt đẹp ẩn sâu trong lòng điệp trùng núi non… ngỡ như tiên cảnh, lạc chốn Đào Nguyên. 

Và cũng vì thế mà ranh giới giữa đạo và đời thật mong manh  Dường như không ở đâu linh thiêng như thế và cũng chẳng nơi nào lại gần gũi đến như thế. Chính nơi đây đã là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam. Nền Tân nhạc nước ta hình thành và phát triển cho tới nay cũng quãng 80 năm thì gần như chừng ấy thời gian dấu ấn của Hương Sơn đã in vào những tác phẩm âm nhạc.

1. Chùa Hương qua Âm nhạc 

Năm 1934 nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp sáng tác bài thơ nổi tiếng “Cô gái Chùa Hương”, sau đó năm 1946 nhạc sĩ Trần Văn Khê đã phổ nhạc và lấy tên là “Đi chơi chùa Hương”. Chừng nửa thế kỷ sau Trung Đức phổ lại bài thơ này và lấy tên là “Em đi chùa Hương” ngay lập tức ca khúc được yêu thích và nhanh chóng được phổ biến rộng khắp. Song, ca khúc đầu tiên của nền Tân nhạc viết về Chùa Hương có lẽ là “Chùa Hương” của Hoàng Qúy sáng tác vào năm 1943.

 Audio :  Chùa Hương (Hoàng Quí) -  Mỹ Linh 

 Nhiều nhạc sĩ trong nước và hải ngoại như Thanh Tùng, Song Ngọc… cũng đã có những tác phẩm hay về chùa Hương. Và hẳn đâu đó vẫn còn những ca khúc ca ngợi Chùa Hương chưa được phổ biến. Song dẫu có chừng ấy hoặc hơn thế vẫn chưa đủ để xứng với một Hương Tích gắn liền với đời sống tín ngưỡng, tinh thần của người Việt.

 

    Audio :

 Đi Chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp -  nhạc Trần Văn Khê) – Ý Lan

  Em Đi Chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp – nhạc Trung Đức) – Ái Vân

 

Mặt khác, ca khúc về Chùa Hương đã được phổ biến chủ yếu nghiêng về phần hội, âm nhạc mang hơi hướng dân ca đồng bằng Bắc bộ tả những nam thanh nữ tú háo hức đi chơi hội chùa như trong: “Đi chơi chùa Hương”, “Em đi chùa Hương”; hay “Chùa Hương thiếu em” (Thanh Tùng) qua giọng ca Bảo Yến khiến ta liên tưởng tới một bản tình ca mang hơi hướng của âm nhạc dân gian miền Trung; còn với “Bao giờ anh đưa em đi chùa Hương” (Song Ngọc) là một bản nhạc trữ tình, tác giả giãi bày tâm trạng hoài niệm về cố hương.

 

 Audio :

          Chùa Hương Thiếu Em (thơ Dương Trọng Dật - nhạc Thanh Tùng) -  Bảo Yến

 Bao Giờ Anh Đưa Em Đi Chùa Hương (Song Ngọc) – Ý Lan & Vũ Khanh

 

Chỉ duy nhất thấy ở “Chùa Hương” của Hoàng Qúy khai thác đậm yếu tố âm nhạc Phật giáo. Có thể cảm nhận được ở đây màu sắc Phật giáo ngập tràn từ những giai điệu. 

Tập nhạc “Hương Sơn ca” của Cù Lệ Duyên gồm 11 ca khúc, cũng là chừng ấy bức tranh âm nhạc về các góc độ khác nhau trong chủ đề Hương Tích, chùa Hương, đạo Phật và con người. 

Ca khúc “Hương Thiên” nhè nhẹ vào lòng người bằng tiếng đàn bầu bổng trầm kết hợp cùng tiếng mõ đều đặn điểm tô thêm tiếng chuông chùa, tất cả như gợi hồn dân tộc trên nền của hòa âm đi theo hình hợp âm rải dễ liên tưởng tới nhịp mái chèo đều đặn trên dòng suối mộng mơ, để rồi giọng nam đầm ấm cất lên như đưa người nghe vào thế giới linh thiêng mà gần gụi:

“Trăng sáng Hương Thiên như chiếc gương soi nghìn trùng ai đã treo đỉnh núi/ Lòng nhớ mong, ai về nơi ấy Thiên trù cho nhắn câu hoà ca...”

 Audio : Hương Thiên (Cù Lệ Duyên)  - Ngọc Kỳ 

Vẫn âm hưởng âm nhạc Phật giáo nhưng “Ngọc sáng trời Nam” có giai điệu “mở” hơn, phóng khoáng hơn, tiết nhịp hối thúc hơn:

“Bên trời ngọc sáng soi/ Mà sao chẳng tới ôi ánh dương soi ngàn lối/ Giờ tìm đâu phía trời xa xôi/ Người về nơi ấy trời Tây phương…”

Ngay sau đó vút lên giai điệu sáng láng như khẳng định:

“Mãi bóng ai còn đây/ Có tay ai dựng xây/ Rạng ngời Thiên Trù hôm nay/ Sáng bừng trời Hương Sơn”

 Audio : Ngọc Sáng Trời Nam (Cù Lệ Duyên) - Tuấn Anh 

Ca khúc “Cung đàn Hương Sơn” mang một âm hưởng trong sáng. Ta cảm nhận thấy tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng đàn tỳ bà nhả từng âm thanh như những giọt nước thanh khiết nơi động Hương Sơn, rồi đan xen với tiếng đàn bầu khiến không gian thêm diệu vợi, giọng nữ trong vắt cất lên nhẹ nhàng:

“Lắng nghe tiếng xuân về/ Chim vui hát ca gió đưa hương ngàn hoa/ Nhẹ nâng nắng lung linh giọt sương mai biết ai đong đầy lá xốn xang trời mây”

khiến lòng ta thêm vấn vương, hồn ta thêm xao động trước vẻ đẹp của Hương Sơn, tựa như si mê một cô gái đẹp:

“Bến xưa có mong chờ/ Đàn ai vấn vương tiếng tơ buông ngàn thương…”.

Thêm cả tiếng mõ xa xa, văng vẳng cứ nhịp quyện vào tiếng đàn bỗng hóa tiên cảnh: “…Ai gẩy lên non ngỡ ngàng ánh trăng vàng rơi/ Thuyền nhẹ trôi sóng canh khuya quyện hồn ai biết ai lòng xao xuyến nhớ chăng cung đàn thần tiên…”

 Audio : Cung Đàn Hương Sơn (Cù Lệ Duyên) – Tân Phương 

Hai ca khúc “Trảy hội” và “Hương Xuân” dường như muốn thoát khỏi không gian âm nhạc linh thiêng để đến với sự chộn rộn, xao xuyến của những chàng trai, cô gái trong mùa trẩy hội Chùa Hương.

Ca khúc “Trẩy hội” mang âm hưởng dân gian đồng bằng Bắc bộ, có điều không như hội xuân bình thường, ở đây, đi trẩy hội chính là dịp nam thanh nữ tú thành kính lễ Phật để hiểu thêm những lời Phật dậy, để nhận ra và tìm thấy chân lý soi rọi cuộc đời mình.

 Audio :  Trẩy Hội (Cù Lệ Duyên) – Tân Nhàn 

Ca khúc “Hương Xuân” mở ra không gian âm nhạc lãng mạn của thời kỳ đầu nền tân nhạc, ngỡ như không gian của miền sơn cước với núi non điệp trùng, giọng nữ đầy chất phóng khoáng lả lơi càng làm cho “Hương Xuân” thêm lung linh: “Về đây Hương Tích dấu yêu ngàn năm/ Trùng dương có biết nơi đây là bến…”

 Audio : Hương Xuân (Cù Lệ Duyên) – Mai Hoa 

Điều thú vị ở album này là đề tài hết sức độc đáo, có lẽ ít ai thấy những đề tài như “Áo cà sa”, “Suối Giải Oan” hay “Mẹ Quán Âm”… tưởng chừng như nằm sâu trong phạm vi của Phật giáo vậy mà đã được khai thác để trở thành những ca khúc đại chúng là điều cần ghi nhận đối với tác giả. 

Với “Áo cà sa” một giai điệu thanh khiết, sáng láng cất lên thật tự nhiên, thoải mái: “Trùng dương sóng nước mênh mông/ Biết trôi phương nào sóng xô về đâu?/ Gặp Người nơi ấy phút thiêng liêng/ Ánh dương huy hoàng sáng soi rạng ngời chân mây”. Tấm áo cà sa chính là hình ảnh tác giả mượn để ca ngợi với vẻ đẹp, sự tôn nghiêm của Thầy: “Ghi khắc công ơn Thầy/ Ôi! Biết bao nghĩa tình/ Lời Thầy thấm đượm lòng con/ Nhẹ nhàng sâu lắng thanh cao…” Và màu áo ấy thêm đẹp, thêm ý nghĩa khi gắn quyện với nắng quê hương để rồi: “Trọn đời theo ánh Từ Quang/ Sáng bình minh rọi muôn hành tinh/ Trọn đời theo bước Người ơi!/ Sáng niềm tin rọi muôn trùng khơi” Phần phối khí khai thác âm hưởng của dàn nhạc giao hưởng kết hợp với sự thể hiện của giọng nam cao trong sáng tạo sự chú ý tới người nghe.

 Audio : Áo Cà Sa (Cù Lệ Duyên) - Ngọc Kỳ 

Với “Màu áo sơn khê” vừa trữ tình, vừa dứt khoát bởi tác giả đã sử dụng những quãng nhảy xa liên tục trong “Lặng nghe tiếng suối hân hoan” đối xứng với giai điệu êm đềm liền bậc ngay sau đó: “Trời Hương áo nâu màu thắm tươi hoàng hôn…” Giọng nữ cao trong vắt tăng thêm sự uy nghiêm mà gần gũi, đầy tình yêu thương như tỏa ánh hào quang “Sáng soi đời con/chiếu khắp ngàn phương… Tiếng Người thanh thoát/ Vang vọng trời Hương”

Audio : Màu Áo Sơn Khê (Cù Lệ Duyên) – Thanh Quý 

Còn một điểm đáng chú ý nữa là nhiều thuật ngữ vốn chỉ thường thấy trong Phật giáo đã được tác giả khai thác một cách tự nhiên đầy sáng tạo: “Niềm lạc an tựa trái mơ ngọt ngào” (Hương Xuân) hay “Ôi! Phúc điền sáng ngời/ Từ bi ánh dương ngàn nơi” (Áo cà sa) hoặc  “Trên đường về bến/ Thoát đời trầm luân/ Muôn ngàn thử thách/ Vô minh che mờ/ Ai người lạc lối/ Muôn dặm trùng khơi/ Đâu thuyền về bến Chân Như Người ơi?” (Suối giải oan)…

 (Trích bài : Những giai điệu đẹp về chùa Hương của Nguyễn Quang Long) 

2. Chùa Hương qua thi ca 

Hằng năm cứ đến độ tết đến, xuân về, người dân quê tôi lại bồi hồi ngóng đợi ngày khai hội chùa Hương vào mùng 6 tết. Vừa trông đợi vừa tự hào, bởi chùa Hương có 4 cái nhất: Ngoài việc, ngày xưa được Vua ban tặng: “Nam thiên đệ nhất động”, nơi đây còn là lễ hội dài nhất (kéo dài 3 tháng), người trong cả nước tới lễ hội đông nhất và ở đây có nhiều đò, ghe nhất, để chở du khách theo dòng suối Yến vào chùa. Riêng chúng tôi còn thấy một cái nhất nữa là từ xưa tới nay, chùa Hương có nhiều bài thơ tình, ý nhị, nổi tiếng nhất. 

Đầu tiên phải kể đến bài thơ “Rau Sắng Chùa Hương” của Tản Đà. Đó là vào mùa xuân năm 1922, trong hoàn cảnh túng thiếu, ông không đi hội chùa Hương được, ngồi ở Hà Nội, nhớ hội chùa, nhớ rau Sắng (sản vật nổi tiếng ở chùa Hương), ông làm bài thơ tự tình: 

Muốn ăn rau Sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà

Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm. 

Bài thơ được đăng trên báo. Không ngờ ít ngày sau bỗng nhận được một bưu phẩm không đề của ai gửi. Mở ra xem thì thấy một bó rau Sắng chùa Hương còn tươi, kèm thêm mảnh giấy đề 4 câu thơ rằng: 

Kính dâng rau Sắng chùa Hương

Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa

Không đi thì gửi lại nhà

Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.

Ký tên: Đỗ Trang Nữ 

Nhà thơ cảm động không biết món quà của ai. Với trí óc đầy mơ mộng, ông gọi ngay kẻ cho quà là “Người tình không quen biết” và làm bài thơ “cảm tạ tri ân” đăng lên báo. Nghe đâu mớ rau Sắng và mấy vần thơ trên là của Đỗ thị Khê, biệt hiệu Song Khê- một người hay làm thơ và rất mến phục Tản Đà, lúc ấy đang làm công tác y tế ở thị xã Phủ Lý . (Đỗ tang nữ là cô gái hái dâu họ Đỗ, chính là nữ sĩ Song Khê (1903)).  

Nhiều người còn nhớ mãi bài thơ nổi tiếng. Bài thơ dài (136 câu), điển hình cho phong trào thơ mới (1932- 1945) của Nguyễn Nhược Pháp về “Chùa Hương”. Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, là thể thơ gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân nhưng lại không tầm thường, dung tục. Nhân vật chính của bài thơ là một cô gái có nhan sắc nhưng còn ít tuổi và rất hồn nhiên: 

Em tuy mới mười lăm

Mà đã lắm người thăm

Nhờ mối mai đưa tiếng

Khen tươi như trăng rằm

Nhưng em chưa lấy ai

Vì thầy bảo người mai

Rằng em còn bé lắm

Ý đợi người tài trai

Trong chuyến đi chùa Hương năm ấy, cô gái đã gặp người “tài trai” khiến cô rung động: 

Người đâu thanh lạ nhường

Tướng mạo trông phi thường

Lưng cao dài, trán rộng

Hỏi ai người không thương 

Cô gái trong bài thơ thể hiện rõ là con nhà gia giáo, thật thà mà ý tứ. Thoạt tiên cô còn giấu tình cảm của mình, song bố mẹ cô cùng đi chùa, cũng biết chàng trai là người có học, lễ phép, từ đó suốt cả hành trình thăm chùa chiền, hang động, đôi bạn trẻ đã có cớ để luôn gần nhau. Cô gái từ tâm lý ngại ngùng, giữ ý ban đầu: 

Em đi, chàng theo sau

Em không dám đi mau

Ngại chàng chê hấp tấp 

Số gian nan không giàu 

Ở phần kết bài thơ đã chuyển sang bạo dạn, công khai bộc lộ cảm xúc của mình: 

Đường đây kia lên giời

Ta bước tựa vai cười

Yêu nhau, yêu nhau mãi

Đi, ta đi, chàng ơi 

Và 

Ngun ngút khói hương vàngSay trong giấc mơ màng

Em cầu xin Giời Phật

Sao cho em lấy chàng 

Chính sự chủ động trong việc tìm kiếm tình yêu của cô gái, khiến thi phẩm “Chùa Hương” bứt lên khỏi một bài thơ kể chuyện bình thường, trở thành một khúc tình ca đầy mê đắm. Vì thế, dù bài thơ được tác giả sáng tác đến nay đã hơn 80 năm (từ năm 1934), song ngôn ngữ của nhân vật trong thơ, đọc lên vẫn cứ tươi mới, sinh động như không hề có dấu vết của thời gian .

 Audio : Chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp) - Hồ Điệp & Hoàng Oanh diễn ngâm 

Bài thơ “Chùa Hương thiếu em” của Dương Trọng Dật đã được Tô Thanh Tùng phổ nhạc cũng là một bài thơ hay, giàu cảm xúc về mối tình của chàng thi sĩ nhớ mãi về thuở yêu đắm say cô gái trẻ, hồn nhiên có bím tóc “đuôi gà” khi đến lễ hội chùa Hương: 

Tứ thơ ai đánh mất rồi

Chùa Hương tản hội ngậm ngùi khói sương

Nửa đời trở lại hành hương

Muốn qua bến đục không đường sao qua

Mơ chua, rau Sắng lại già

Còn đâu bím tóc đuôi gà, còn đâu? 

Không còn bím tóc đuôi gà ở lễ hội chùa như năm xưa, chàng thi sĩ thấy nhớ nhung, bâng khuâng, trống vắng nhạt nhòa và bơ vơ chốn đông người: 

Thiếu em nắng bỗng nhạt màu

Chùa tiên cơn gió lạc nhau vô tình

Thiếu em Hương Tích rộng thênh

 Người chen vai vẫn thấy mình bơ vơ 

Dù thế nhưng chàng vẫn mong ước tới ngày lễ hội và khẳng định tình yêu là vĩnh hằng, như sự trường tồn của đất trời vậy: 

Bao giờ cho đến bao giờ

Hội chùa Hương để cho thơ tìm người

Nam thiên nhất động đâu rồi?

Ngàn năm chỉ có đất trời và em

Bài thơ là một kỷ niệm đẹp và ý nhị, biểu hiện Thời còn trẻ, chúng tôi cũng hay tới chùa Hương. Là học sinh cấp ba trường huyện Thanh Oai (ngoại thành Hà Nội), cách chùa Hương không xa, nên hằng năm cứ đến cuối thu là chúng tôi lại rủ nhau hứng khởi đạp xe đi vãn cảnh chùa. Đường tới chùa thật đẹp. Hai bên đường là bãi mía, nương dâu xanh ngắt một màu. Tới Bến Đục, nhưng nước trong veo. Người đi chùa hồi đó rất ít, đa phần là người già, chứ không đông đúc như bây giờ. Con thuyền nhỏ, khoan thai lướt trên suối Yến đưa chúng tôi vào Thiên Trù, rồi ngược đà núi lên chùa Hương Tích, thi thoảng mới gặp người cùng đi hoặc người ngược xuống, lúc gặp nhau tay để trước ngực, miệng đọc câu: A Di Đà Phật, một cách cung kính lễ phép. Đối với chúng tôi đường núi lên chùa thật thanh tịnh, linh thiêng, huyền bí, và tĩnh lặng, nghe được cả tiếng chuông, tiếng mõ đâu đó vẳng ngân, đúng như Chu Mạnh Trinh đã viết về chùa Hương: 

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

Lững lờ khe nước, cá nghe Kinh.            

Mãi sau này, chúng tôi mới biết, cảnh, tình chùa Hương đẹp như vậy, quyến rũ như thế, nên nơi đây đã có nhiều bài thơ tình nổi tiếng (mà vì sự hạn hẹp của bài báo, chỉ xin trích dẫn đôi ba bài thơ tình tiêu biểu) đó cũng là một điều dễ hiểu.                                                                                                  

( Bài : Chùa Hương và những bài thơ tình nổi tiếng của Phạm Tài Nguyên)


Bài đọc thêm :

Đi Chùa Hương của Trần Văn Khê 

Nhật Hoa Khanh phỏng vấn 

GS. Trần Văn Khê (1921 - 2015 ) 

Suốt gần 60 năm nay, bài thơ Chùa Hương (tác giả Nguyễn Nhược Pháp) sau khi được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bài, ngày càng nổi lên trên văn đàn và trên sân khấu. Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp được Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bài và lấy tên là Đi Chùa Hương

* Thưa GS nhạc sĩ, ông đã từng gặp nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp lần nào chưa? 

- Tôi chưa bao giờ gặp nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Nhược Pháp mà chỉ đọc những bài thơ của ông trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân mà thôi. 

* Vì sao ông lại phổ nhạc toàn bộ bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp? 

- Đó là năm 1946, khi đang lánh nạn ở Lộc Ninh, ban đầu tôi chưa hề có ý định, nhưng vì rất thích nên tôi đã đọc bài thơ đó nhiều lần. Tôi thường hay ngâm thơ nên ban đầu có ý ngâm bài thơ, nhưng vì là thể thơ ngũ ngôn, có rất nhiều đoạn khó. Vì thế tôi thấy rằng làm như vậy không hấp dẫn bằng có nhiều đoạn mình ngâm "theo kiểu mới". Một hôm, khi chuyển qua ngâm thơ theo điệu mới, một vài nét nhạc thoáng qua đầu, trong 10 ngày, tôi ghi lại những đoạn tâm đắc, lúc đó mới nghĩ đến việc ký âm lại cho dễ nhớ và từ đó bắt đầu phổ nhạc. 

* Xin GS kể chi tiết một số đoạn xử lý với bài thơ độc đáo này? 

- Tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác, nhưng lúc đàn piano phụ họa theo tiếng ngâm của mình, tôi bắt đầu bằng gam Pha trưởng, rồi nhiều đoạn chuyển sang gam Rê thứ, chỉ có lúc cuối cùng, do tình cảm nhớ thương da diết nên tôi chuyển sang ngâm theo phong cách Sa mạc, nhưng cũng dựa theo gam Rê thứ. Lúc đó, tôi cũng định ghi nhạc để hát chơi cho các bạn nghe chớ không định phổ nhạc một bài thơ. 

* Hành trình tiếp theo của cuộc đời bài hát, thưa GS? 

- Người đầu tiên tôi đưa bài phổ nhạc là nhạc sĩ Lê Thương, bạn rất thích. Khi tôi chuẩn bị sang Pháp thì Lê Thương gởi thư nói rằng nến không giới thiệu với công chúng thì rất uổng. Lê Thương đã nhờ ca sĩ Mộc Lan học thuộc lời và giới thiệu trong một buổi hoà nhạc có nhiều bạn bè của ông, lúc đó tôi đang ở Pháp. 

Sau đó, NXB Tinh Hoa, qua giới thiệu của Lê Thương, đã viết thư yêu cầu tôi cho phép xuất bản bài Đi Chùa Hương. Lúc đó tôi đang bịnh, đang nhập viện nên rất cần tiền. NXB bằng lòng trả tiền tác giả để in lần đầu khoảng 2000 bản và không lâu sau, báo tin đã bán hết và xin tái bản lần hai, đồng thời gửi đầy đủ tiền tác quyền sang Pháp cho tôi. Lúc đó, 1 đồng VN bằng 17 franc cũ. Nhờ tiền tác quyền, tôi sống bình yên 4 tháng trời tại Paris! 

Lê Thương còn cho biết, Mộc Lan cũng trình bày bài đó trên Đài phát thanh Pháp á. Rồi bên nhà báo sang là Thái Thanh cũng hát. Nhưng tôi không nhận được bản ghi âm nào. Sau này, tôi biết bên Mỹ cũng có vài ca sĩ giới thiệu bài Đi Chùa Hương, trong đó có ý Lan – con gái Thái Thanh - đã thu được nhiều kết quả. Khi về nước làm việc, tôi được Thanh Lan tặng một cuốn băng video ghi lại bản nhạc Đi Chùa Hương rất đầy đủ. Trong các nghệ sĩ hát bài này, có Hồng Vân là thuộc hết bản nhưng chỉ thường giới thiệu trích đoạn chứ không hát cả bài. 

* Những năm 50, 60 ở VN, những năm 90 ở hải ngoại, nhiều nữ danh ca đã thể hiện Đi Chùa Hương với những giọng truyền cảm sâu sắc. GS thích nhất giọng nào? 

- Tiếc rằng tôi không được diễm phúc nghe tận tai tất cả các ca sĩ hát bài này. Đến nay tôi chỉ còn nhớ giọng của ý Lan mà tôi được một người bạn bên Mỹ cho nghe qua điện thoại. Giọng của Thanh Lan, tôi cũng còn nhớ rõ vì có cuộn băng. Hồng Vân thì đã rất nhiều lần hát tặng tôi ở những buổi họp mà tôi có mặt... 

* Nhạc sĩ Lê Thương đã nói : Chùa Hương là bai thơ dài thấm đẫm hồn dân tộc trong thể thơ và nội dung, trong lời thơ. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã phổ nhạc thành công bài thơ dài và độc đáo đó. GS suy nghĩ thế nào về nhận định này? 

- Bạn tôi vì quá ưu ái mà có lời khen tặng như vậy. Về mặt nhạc học, lẽ tất nhiên là Lê Thương rất sành sỏi nên lời nhận xét đó không xa với thực tế. Nhưng tôi vẫn không dám nhận tất cả những lời khen của bạn, vì tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác chuyên môn để có được những quan điểm sâu sắc về cách phổ nhạc. 

* GS có nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội và lần đầu tiên thăm chùa Hương? 

- Tôi đi chùa Hương lần đầu lúc đang học trường Y tại Hà Nội năm 1942. Về sau được đọc bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp thì bao nhiêu cảnh đẹp chùa Hương mà tôi đã được thấy, như hiện rõ trong câu thơ và nhờ đó mà bản phổ nhạc được nhiều bạn yêu thích. 

Năm 1976, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tổ chức cho tôi đi viếng chùa Hương cùng GS Nguyễn Hoán và phu nhân, Võ Thị Tri Túc, và con trai của hai bạn là cháu Cảnh. Tôi thật bồi hồi! Không gian cũ hiện lên, cùng với những cảm xúc vẫn nguyên vẹn trong lòng, tất cả như còn tươi mới! 

* Chân thành cảm ơn GS nhạc sĩ Trần Văn Khê!

Ghi chú :

 (1) cũng có nhiều tài liệu ghi tên bản nhạc là “Đi Chơi Chùa Hương” 

Hình ảnh : Internet 


Trở lại Trang Chính