Gọi Người Yêu Dấu

Kim Anh sưu tầm

" Tôi viết Gọi Người Yêu Dấu vào năm 1969 trong một cuộc phiêu lưu tình cảm. Khi viết xong, ca sĩ Thanh Lan ghé nhà chơi. Tôi đưa cho cô và may mắn Thanh Lan đã đem về hát ở Đài Truyền Hình và các Đài Phát Thanh.Từ đó nhạc phẩm đuợc giới trẻ biết đến. Tôi rất nhớ ơn Thanh Lan đã chắp cánh cho Gọi Người Yêu Dấu của tôi đuợc bay xa và bay cao.

Lời 1 là hoàn toàn của tôi viết năm 1969. Sau đó thi sĩ Hoàng Anh Tuấn có viết lời 2. Khi ở tù, tôi cũng viết thêm lời 2. Ra tù, tôi kết hợp lời của tôi và của Hoàng Anh Tuấn. Tóm lại, lời 2 gồm 3 phần, phần A và C là của tôi , phần B là của Hoàng Anh Tuấn "

(Vũ Đức Nghiêm)

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm (1930 - 2017 )

Về tình ca thì những năm của thập niên 60, Vũ Đức Nghiêm viết cũng khá nhiều nhưng có lẽ nhạc phẩm đã đưa anh lên “vinh quang” và gắn liền với tên tuổi mình chính là bài “Gọi người yêu dấu”. “Người yêu dấu” này đã được Vũ Đức Nghiêm bật mí trong cuốn sách nhỏ “Vũ Đức Nghiêm anh tôi” của nhà văn Vũ Trung Hiền. Đó là vào khoảng 1968, một người bạn gửi gấm một cô bạn của anh ta cho Nghiêm. Cô này có bầu vài tháng. Coi như đó là người đẹp đi tị nạn “bầu bì”. Ngày xưa, mỗi khi bị nạn kiểu đó các cô gái thường bị gia đình “tống” cho đi ở thật xa, thật hoang vắng cho đến khi sinh nở xong thì lại trở về để dấu mọi người về cái bầu. Vì thế vào thời đó mỗi khi thấy cô nào “bặt tăm” vô cớ, chúng tôi thường suy đoán “chắc lại trốn đi đẻ” rồi!

Khi ấy Vũ Đức Nghiêm đang được giao nhiệm vụ trông coi một số biệt thự ở Đà Lạt. Cô gái trẻ mắc nạn được anh chăm sóc chu đáo. Ban đầu chỉ là bổn phận giúp bạn, chỉ là cảm thương cảnh ngộ giai nhân phải đi trốn nhưng sự gặp gỡ hàng ngày và “hình dáng mong manh” của người đẹp đã khiến Vũ Đức Nghiêm không cầm lòng được. Khung cảnh thơ mộng xinh đẹp của Đà Lạt hẳn cũng góp phần vào mối tình có lẽ “không giống ai” này! Sau khi cô bé sinh nở mẹ tròn con vuông, cha mẹ cô đem cô về và đôi ngả chia ly từ đó. Mỗi chiều nhìn trời Đà Lạt, nghe rừng thông vi vu, mỗi gốc cây bụi cỏ đều gợi nhớ cho Vũ Đức Nghiêm về “cành lan mong manh”. Trong sự xúc động của nỗi nhớ nhung người tình ấy, Vũ Đức Nghiêm viết “Gọi người yêu dấu”.

Người ca sĩ mà Vũ Đức Nghiêm bảo rằng anh vô cùng tri ân là “bé Thanh Lan”. Có gì đâu, như là một định mệnh dun dủi cho Thanh Lan vào năm 1969 khi cô hỏi Vũ Đức Nghiêm sáng tác mới và Nghiêm gửi “Gọi người yêu dấu” cho cô. Giọng hát nhẹ nhàng, học trò lúc ấy của Thanh Lan đang được giới học sinh sinh viên mến mộ. Mến mộ vì dáng dấp thanh mảnh của Thanh Lan, vì đôi mắt biết nói, vì cử chỉ duyên dáng và cả vì Thanh Lan đang là sinh viên Văn Khoa. “Gọi người yêu dấu” nhanh chóng chiếm được cảm tình của người thưởng ngoạn chứ không phải chỉ giới học trò. Ai trong rất nhiều ca sĩ của các thập niên 60 và cả 70 mà chưa từng một lần “Gọi người yêu dấu xa vời, mà lòng se sắt bồi hồi..”?

(Trích từ mục “ Trò Chuyện với Lan Chi” của Nguyệt San Bút Tre (Arizona ).


Bài đọc thêm :

Mời ngắm "người yêu dấu" và nghe Vũ Đức Nghiêm gọi Thanh Lan

Vũ Công Hiển

Khoảng mười năm trước đây khi phong trào làm pps nhạc nở rộ, tôi cũng làm thử “tác phẩm đầu tay” với hình ảnh do chính mình chụp. Chọn bài hát nào đây? Tôi nghĩ ngay đến Gọi Người Yêu Dấu của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, một bài hát mà tôi yêu thích từ những ngày ở tuổi 20s. Mà người trẻ nào lại không thích bài hát này cho được? Điệu nhạc êm đềm, du dương, lời ca mượt mà, nhẹ nhàng, không than van, oán trách, chỉ nhớ người yêu và… gọi thôi!

Người yêu dấu ơi, sao lòng se sắt đầy vơi?

Người yêu dấu ơi, thu về tim vẫn đơn côi.

Người yêu dấu ơi, khi ngàn sao đêm lấp lánh.

Tâm hồn bâng khuâng, nhớ ngày vui đã qua nhanh.

“Người yêu dấu” của Vũ Đức Nghiêm đã được ông mô tả thật giản dị, nhẹ nhàng như sau:

Thương đôi mắt sao trời lung linh.

Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh.

Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.

Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình

Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.

Thương yêu nét môi cười ngây thơ.

Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng.

Thương em mong manh như một cành lan…

Lãng mạn và nên thơ quá.

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm từng tâm sự: "Tôi viết Gọi Người Yêu Dấu vào năm 1969 trong một cuộc phiêu lưu tình cảm. Khi viết xong, ca sĩ Thanh Lan ghé nhà chơi. Tôi đưa cho cô và may mắn Thanh Lan đã đem về hát ở Đài Truyền Hình và các Đài Phát Thanh".

Lúc thực hiện pps Gọi Người Yêu Dấu 10 năm trước thì kho hình ảnh của tôi còn ít ỏi và kỹ thuật làm pps còn thô sơ, nhưng clip nhạc cũng được gần 40 ngàn người đón nghe trên YouTube. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm có viết một thư cảm ơn và rủ khi nào xuống San Jose thì đi uống cà-phê với ông.

Gần đây nghe tin ông không được khỏe tôi tự nhủ phải làm lại một pps mới hoàn chỉnh hơn với màn hình rộng, hình ảnh phong phú và sắc nét để gửi biếu ông. Tôi nghe đi nghe lại khoảng một chục ca sĩ, cả nam lẫn nữ, cuối cùng đã chọn Thanh Lan với “tiếng hát học trò” được Shotguns thu âm trước 1975. Cô có giọng hát thích hợp nhất với bài hát này, nhẹ nhàng, dễ dàng, truyền cảm, không bị gò bó về kỹ thuật khiến có thể lạc điệu với ca từ. Và nhất là cô không hề hát sai một chữ nào. Làm sao nhạc sĩ và người nghe có thể êm tai khi câu “Thương em mong manh như một cành lan” lại bị một ca sĩ tên tuổi hát thành “Thương em long lanh như một cành lan”?

Chọn lọc hình ảnh, trau chuốt vừa xong, đang chuẩn bị phổ biến thì bất ngờ nghe tin ông đã ra đi. Tôi cảm thấy hụt hẫng! Lại trễ một bước lần nữa, như tôi đã từng trễ một bước với Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Anh Việt, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương,… Thôi, bác Vũ Đức Nghiêm thông cảm nhé, clip nhạc mới này sẽ được phổ biến khắp nơi ngay hôm nay khi bác còn nằm ở Oak Hill chờ bạn bè, thân hữu tới tiễn biệt. Mong bác còn nghe văng vẳng trong không gian vùng Thung Lũng Hoa Vàng giọng hát ngọt ngào của Thanh Lan: “Ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi khi chiều nhẹ rơi…”.

Mời các bạn bấm vào link dưới đây để nghe Vũ Đức Nghiêm “gọi người yêu dấu” và ngắm các người mẫu ảnh, không chỉ xinh mà còn mang nét đẹp dịu dàng Đông phương, hòa điệu với lời của bài hát.

Gọi Người Yêu Dấu & vuconghienPlaylist