Nhớ Sĩ Phú - Người lính hát tình ca

Cát Linh, phóng viên RFA

Những ngày của Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1975, tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, rất nhiều những chiếc trực thăng vội vã cất cánh rời khỏi Việt Nam trong tình trạng hỗn loạn, không mệnh lệnh. Những chiếc phi cơ rời đường băng mang theo hàng nghìn sĩ quan cùng gia đình, người thân, và mang theo cả một thiếu tá Binh Chủng Không Quân VNCH. Để rồi 25 năm sau đó, tiếng hát trữ tình, tha thiết của ông tiếp tục cất lên ở xứ lạ với những bản tình ca da diết. Đó là cố danh ca Sĩ Phú.

Phố núi cao, phố núi đầy sương

May mà có em, đời còn dễ thương

“Bản tính của anh, một bên là người lính, một bên là người tình. Người tình của đất nước, người tình của…của mình”

Nếu cố danh ca Sĩ Phú là “người tình của mình” như lời ca sĩ Uyên Ly, người đã gắn bó với ông trong những tháng ngày đầu nơi xứ người, thì đối với người yêu nhạc, ông là người tình của tất cả, cho dù đã 15 năm ông lìa xa cuộc đời.

Những ai yêu những bài nhạc lính, nhạc tiền chiến, hay nhạc trữ tình đều biết đến tiếng hát trầm ấm, sang trọng của Sĩ Phú, một người khoác áo lính hát tình ca quê hương. Tiếng hát tha thiết, nhẹ như làn khói nhưng không mềm như sương đã đi vào lòng người qua biết bao thế hệ. Từ những cuộc đời trong thời khắc khốc liệt nhất của chiến tranh cho đến những người yêu nhạc của đầu thập niên 80, và đến tận bây giờ.

Sĩ Phú bước vào con đường âm nhạc khá trễ. Theo gợi nhớ của nhà văn, nhà thơ Du Tử Lê thì lúc ấy,

“Thoạt tiên ông hát cho chương trình không quân trên đài truyền hình. Một người bạn của tôi là nhà văn Nguyễn Đình Toàn thấy hay quá nên mời lên chương trình Nhạc Chủ đề.”

Từ đó, mọi người khó mà quên hình ảnh của một ca sĩ hào hoa trong bộ đồ bay, cùng với chất giọng tình tứ, trầm ấm hát trong các chương trình văn nghệ không quân.

Nhà văn nhà thơ Du Tử Lê, người mà ca sĩ Sĩ Phú đã tìm đến trước khi ông ra đi nói về người bạn thân mà một thưở họ gọi nhau “mày, tao”

“Khoảng mãi đến đầu năm 1970 thì Sĩ Phú mới được nhiều người biết đến. nhưng đó là một tiếng hát mà tôi cho rằng đến bây giờ vẫn không có một giọng hát nào có giọng đặc biệt, trầm ấm như Sĩ Phú.”

Mây bao la trời đen tối

Đến đông chưa, lữ khách bâng khuâng

Ngóng về phương xa chờ tin nhạn

Nhưng nhạn nào có biết hay chăng, mà chờ… (Tan tác)

“Sự thật ông ấy hát được tất cả mọi loại nhạc, nhất là những bài về người lính, những bài sau năm 54, ông hát rất nồng nàn.Vì là một người lính, nên ông dành tiếng hát của mình cho rất nhiều ca khúc hát về người lính.”

Ca sĩ Sĩ Phú không hát riêng về dòng nhạc của một nhạc sĩ nào cả. Ông có thể thể hiện tài năng thiên phú của mình ở hầu hết thể loại. Nhưng với chất giọng trầm buồn, mạnh mẽ của mình, mang một nét đẹp không nhầm lẫn được với ai khác, Sĩ Phú biết rõ dòng nhạc nào là thuộc về ông. Và người biết điều này nữa, hơn ai hết, chính là ca sĩ Uyên Ly, người từng là một nửa cuộc đời ông ,

“Cái người đó là cái người thích nhạc tiền chiến, thích nhạc của Việt Nam. Ông trút tâm hồn ông vào những thể loại nhạc đó. Giọng mềm mại dịu dàng của ông làm sao hát được nhạc giựt.

Trong những tháng ngày tươi đẹp, tràn đầy hạnh phúc ấy, Sĩ Phú cùng với ca sĩ Uyên Ly, người đầu ấp tay gối với ông và ca sĩ Kim Anh, là những người trong nhóm tam ca Cat’s Trio ở Sài Gòn trước năm 1975 lập ban nhạc Ba Con Mèo. Họ cùng trình diễn những bản nhạc vui có tiết tấu khá nhanh như Một ngày mùa đông của Lê Uyên Phương

“Em lên ngày mai

Đường gió trăng cài

Mong em từng giây

Rộn ràng như mây…” (Một ngày mùa đông)

Hay ca khúc Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận.

“Ra đi khắp nơi xa vời

Gió bốn phương,

kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi

Người đi khúc nhạc chơi vơi

Gió khắp nơi, kìa gió khắp trời

vang vang khúc nhạc say đời…”

Nguyên là thiếu tá không quân cho đến ngày 30 tháng Tư, chất hào hoa, lãng tử của người lính và chất trữ tình lãng mạn cùng hoà quyện, thấm nhuần vào tâm hồn ông, lan toả vào từng làn hơi của câu hát. Tiếng hát của Sĩ Phú đẹp, thanh thoát như cái gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng để nhớ ai.

“Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng nhớ người

Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau

Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi

Sông này đây chẩy một giòng thôi

Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông…”

Và cũng có khi là lời tỏ tình dí dỏm, lém lỉnh của chàng trai đang yêu

“Anh còn, còn có mỗi, mỗi cây đàn

Anh đem, đem bán nốt

Anh theo, theo cô hàng, hàng chè xanh

Tình tính tang, tang tính tình

Cô hàng rằng, cô hàng ơi

Rằng có biết, biết cho chăng?

Rằng có biết, biết cho chăng?...”

Và đôi khi, Sĩ Phú cũng cất lên nỗi lòng nuối tiếc tuy muộn màng nhưng thấm đẫm chân tình. Khó ai ngoảnh mặt làm ngơ trước lời tình tự muốn níu kéo thời gian rất da diết của ông:

“Nếu anh còn trẻ như năm cũ. Quyết đón em về sống với anh. Những khi chiều vàng phơ phất đến. Anh đàn em hát níu xuân xanh. Có mây bàng bạc gây thương nhớ. Có ánh trăng vàng soi giấc mơ. Có anh ngồi lại so phím cũ. Mong chờ em hát khúc Xuân xưa…”

Chính nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã dí dỏm kể lại rằng, những cô gái nghe tiếng hát của Sĩ Phú như đắp tấm chăn bông vào người.

Còn với ca sĩ Uyên Ly, bà vẫn bồi hồi khi nhớ về tiếng hát của ông

“Là một người rất bình thường, rất yêu đời. khi chọn bản nhạc nào hát thì trút hết tâm hồn ông vào đấy. Còn bình thường thì rất vui vẻ, rất dễ thương. Nhưng khi hát thì cho mình lên cung trăng, đi dạo.”

Sỹ Phú hào hoa. Sỹ Phú đa tình. Cái hào hoa của Sĩ Phú đến từ chính tiếng hát của ông. Mà tiếng hát ấy được cất lên từ chính tâm hồn và trái tim ông, trái tim đẹp và đa tình. Chính những ca khúc ông chọn để hát đã nói lên điều ấy. Ông đa tình trong cả những giấc mơ của mình.

“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ….”

Nhưng thật ra, ông không phải là người dễ dàng khi chọn ca khúc trình diễn.

“Sĩ Phú là người rất thận trọng, cân nhắc ở các bản nhạc của ông. Chẳng hạn người ta không thấy ông hát nhạc của Trịnh Công Sơn. Vì ông không thích tinh thần phản chiến.”

Cho dù, với chất giọng tha thiết, trữ tình đặc biệt ấy, ông sẽ thể hiện rất đậm đà những bản tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng, hình như trong hầu hết các ca khúc ông đã hát trong cuộc đời của mình, không có ca khúc nào là nhạc Trịnh.

Với nhà thơ Du Tử Lê, “Sĩ Phú là một người vừa tự trọng, vừa ý thức, vừa nhiều cá tính.”

Cả cuộc đời của mình, Sĩ Phú đã dành một nửa cho người tình quê hương, một nửa cho người tình âm nhạc. Cả hai mối tình ấy hoà trộn vào tâm hồn của chàng thiếu tá không quân hát nhạc tình ca quê hương, làm cho những bài ca ông hát đi vượt rào thời gian, ở mãi trong trái tim người, sống mãi cùng năm tháng.

Như lời ca sĩ Uyên Ly tình tự:

“Anh mất 15 năm mà mình cũng vẫn còn thích anh ngồi bên cạnh mình. Sáng trưa chiều tối gì cũng nghĩ đến anh thôi.”


Bài đọc thêm

Về Sĩ Phú

T.H.T

Nguyễn Văn Khuy sưu tầm


Trước tháng 4/75 tôi không quen biết và gặp anh bao giờ. Chỉ trông thấy anh trên TV và nghe giọng anh hát qua radio. Một ngày trong tháng 8 hay tháng 9/75, anh từ San José bay xuống San Diego và ở lại chung với chúng tôi 3, 4 tháng trờị Lý do: anh chán ông sponsor cựu sĩ quan Không Quân Mỹ và cơm Mỹ.

Căn nhà ở đường Redding Road, San Diego lúc ấy có 7 sinh viên du học đang ở, cộng thêm 2 anh em tôi vừa từ trại tỵ nạn Pendleton ra và anh nữa là 10 người. Tôi và anh đã phải trải sleeping bag ngủ dưới sàn nhà ngoài phòng khách mấy tháng trời cho đến ngày anh rời San Diego lên Los Angeles. Sau đó anh có trở lại San Diego vài lần để trình diễn trong các buổi đại nhạc hội do Khánh Ly và tôi tổ chức. Nhưng gần 20 năm qua, tôi chỉ gặp lại anh có một lần và lần này thì nghe tin anh đã yên nghỉ vĩnh viễn.

Bốn tháng trời ăn, ở chung nhau dù không lâu trong một đời người nhưng anh đã để lại trong tôi một vài kỷ niệm cũng khó quên. Hôm nay tôi nhắc lại để nhớ về anh, về một người tha hương vừa nằm xuống ở đất khách. Thiếu tá Không Quân VNCH và cũng là giọng hát quý Sĩ Phú.

Tôi không muốn viết về anh những gì tôi nghe thấy hay đồn đãi, mà tôi chỉ viết về những gì chính tôi biết về anh.

Anh là một người rất kín đáo, ít thố lộ chuyện riêng tư dù là trong những lúc vui hay buồn. Tôi bị mất ngủ nhiều đêm trong suốt mấy tháng trời khi ngủ cùng phòng khách với anh. Nhiều lần 2, 3 giờ sáng anh ngồi dậy trong bóng tối, châm thuốc lá hút hết điếu này đến điếu khác rồi thở dài. Anh làm tôi bị mất ngủ cũng ngồi dậy hút theo anh. Có lần tôi hỏi anh tại sao không ngủ dược, anh nói là nhớ đứa con trai 4 hay 5 tuổi, nhớ những lúc nó chạy ra quấn lấy chân anh khi anh đi làm về. Bây giờ vắng anh không biết nó ra sao. Tôi lúc đó chưa có con nên chưa thấu hiểu sự đau khổ của anh nhưng gia đình tôi cũng kẹt lại hết nên cũng lây cái buồn của anh. Hai tên có khi ngồi hút thuốc cho đến sáng mà chỉ thỉnh thoảng mới trao đổi với nhau một hai câu. Đó là tất những gì tôi biết về gia đình anh ở Việt Nam.

Ai cũng biết anh là một sĩ quan Không Quân và là một nam ca sĩ có một giọng hát thật ấm, thật quyến rũ với những bản tình ca. Nhưng ít ai biết anh cũng là một đầu bếp rất giỏi. Đám du học sinh thời ấy toàn là dân "mì gói làm chuẩn", khá lắm thì L. Sơn có món gỏi bắp cải, cháo gà, V. thì có món sườn heo bỏ lò sau khi trét ít BBQ sauce. Anh trổ tài nấu nướng các món ăn Bắc, Trung, Nam và cả của Tầu làm cả bọn, nhất là các cô sinh viên du học bấy giờ cũng phải cười...thua, phục sát đất. Ai cũng phải công nhận là món "phá lấu" và soup măng cua anh nấu rất tới.

Có lần cô T., một nữ sinh viên du học, đã phải thốt lên. "Người ta có thể thấy một Sĩ Phú oai hùng mặc đồ bay hát trên TV hay một Sĩ Phú complet cà vạt hát trong phòng trà nhưng chắc không ai mua được vé xem Sĩ Phú mặc xà lỏn, áo thung, vừa nấu bếp vừa hát "Cô láng giềng"..." và anh hát thật tình như khi đang anh đứng ở trước khán giả.

Một buổi chiều cả bọn vừa cơm nước xong, người đang đọc báo, người đang xem TV, bỗng chúng tôi nghe thấy từ trong phòng vệ sinh đóng kín cửa có tiếng anh Sĩ Phú hét thật lớn, dài, tiếng thét nghe thật kinh hoàng như anh đang bị tai nạn, cả bọn chạy xúm lại cửa phòng vệ sinh nhốn nháo hỏi han, anh mở cửa ra, mặt hơi đỏ tươi cười. "Các cậu làm gì mà nhắng lên vậy? Có gì đâu, mấy tháng nay không hát hò gì cả tối nay "ra quân" phải thử lại xem còn giọng không?". Đêm hôm đó anh được mời hát trong ngày "International Day" tại Organ Pavillion trong công viên Balboa Park. Có lẽ anh là người Việt Nam đầu tiên trình diễn tại sân khấu lộ thiên này. Bài đầu anh trình bầy là bài "Vũng lầy của chúng ta" của Lê Uyên Phương. Khi được khán giả vỗ tay yêu cầu hát thêm bài nữa anh làm cả bọn tôi nín thở khi anh giới thiệu tên bản nhạc kế bằng tiếng Mỹ: "Born free" để mừng sự tự do anh đã chọn và phải bỏ lại gia đình lại Việt Nam. Chúng tôi đã nghe anh hát tiếng Việt, biết anh từng tu nghiệp Anh ngữ ở Texas nhưng chưa đứa nào nghe anh hát tiếng Mỹ, nhưng mà sự hồi hộp cũng tan biến khi các khán giả Mỹ vỗ tay ầm ầm lúc anh vừa chấm dứt những lời hát cuối.

Trong bọn tôi có nhiều người thích Lệ Thu với bản "Ngậm ngùi" của Phạm Duy. Có tên còn quả quyết Lệ Thu đã làm "Ngậm ngùi" nổi tiếng và ngược lại, nhưng có lần anh đã tự hào nói với chúng tôi là chính anh đã hát bài này trên đài phát thanh Nha Trang và được thính giả yêu cầu nhiều lần trước cả Lệ Thu.

Buổi văn nghệ đón cái Tết tha hương đầu tiên của người Việt tại San Diego thành công một phần cũng là nhờ sự "móc nối" của anh với các ca sỹ. Anh đã "kéo" được Khánh Ly từ Florida sang, "lôi" hai "con Mèo", ban nhạc New Life với Trung Nghiã, Trung Hành, Quang Minh và Thanh Tuyền (ái nữ~ của cố tài tử Đoàn châu Mậu) từ Los xuống. Dư âm của buổi trình diễn Tết này đưa đến kết quả vẫn còn cho đến nay là Khánh Ly gặp và trở thành bà Nguyễn Hoàng Đoan, con Mèo "lớn" trở thành bà Sĩ Phú và tôi, tên MC hôm đó cũng bị "sư tử" vồ.

Anh cũng kể cho chúng tôi nghe là làm ca sỹ nên đôi khi cũng gặp nhiều "tai bay vạ gió". Chuyện anh bị đày ra Phan Rang vì có tin đồn anh cho i "sì ke", "hút sách"... thực tế không phải, anh bị một "ông lớn" trong Không Quân "đì" vì anh nhận lời hát cho phòng trà Khánh Ly, mà ông lớn cho rằng như thế làm mất tư cách sĩ quan KQ. Còn những tin đồn về bồ bịch, trai gái thì nhiều đếm không xuể, nhưng có một chuyện mà tôi và các sinh viên ở căn nhà đường Redding Road biết rất rõ. Trong thời gian anh ở chung với chúng tôi, có một cô cũng dân tỵ nạn 75, xinh xắn, dáng người phải nói là thật quyến rũ, mê anh vô cùng, cô ta lăn xả vào anh với đủ đòn phép nhưng anh vẫn tỉnh như không, anh nói với tụi tôi là coi cô ta như em, và đối với cô ta một mực rất đứng đắn, nghiêm túc trong khi đó vài tên chúng tôi tiếc rẻ. Sau này anh bỏ đi lên Los, cô ta thất vọng và đã lập gia đình với một thanh niên Mễ.

Giữa tôi và anh, anh để lại cho tôi một bài học kinh hoàng, "ớn" cho tới hôm nay. Lúc còn ở chung, tôi thú thật với anh là hồi ở VN nghe nói phim "con heo" Mỹ bên này "độc đáo" lắm nhưng cứ tò mò, thắc mắc mà không dám đi coi một mình vì "dốt" tiếng Mỹ. Anh cười bảo tôi là "có con mẹ gì...cậu coi một hai lần là chán ngấy..." tôi cười cười không tin. Thế rồi một buổi sáng, anh nhờ một tên trong nhà có xe trên đường đi làm bỏ tôi và anh xuống khu Horton Plaza ở downtown, anh mua vé dẫn tôi vào xem phim "XXX". Chúng tôi coi từ 9 giờ sáng hôm đó cho đến 2 giờ sáng hôm sau, chỉ nghỉ "giải lao"' hai lần đi ra ngoài mua hamburger ăn lunch và dinner. Kết quả ngoài sức tưởng tượng, tôi chưa hề bước chân vào lại một rạp phim "XXX" nào từ đó cho đến nay, bây giờ nghĩ lại còn muốn "ói".

Giáng Sinh năm 1982 hay 83 tôi tình cờ gặp lại anh trong một dạ vũ ở Hollywood Palladium. Tôi đến bắt tay và chia buồn với anh vì được tin trễ cháu bé của anh và UL đã mất. Anh ngồi một mình ủ rũ ở quầy rượu, chúng tôi trao đổi một vài câu thăm hỏi xã giao nhưng đầu óc của anh lúc đó hình như đang để ở đâu. Một vài người bạn đi qua vỗ vai, anh cũng chỉ ngước nhìn rồi thôi. Tôi chỉ biết thêm là anh đã quay lại San José và đang làm cho một hãng điện tử. Thế rồi lại chia tay cho đến hôm qua thì một người bạn KQ ở quận Cam gọi điện thoại báo tin cho tôi biết là anh đã ra đi vĩnh viễn đêm hôm trước.

Tôi đóng cửa phòng viết vội vài dòng này trong giờ làm việc cho anh nhưng thật ra là để cho tôi và vài người bạn ở Reding Road ngày xưa, chứ anh bây giờ có còn gì để mà bận tâm, ưu phiền hay lo lắng.

Anh Phú! Tôi vẫn còn nhớ những ly cà fê nóng chia nhau trong những buổi sáng thất nghiệp không biết làm gì, đi đâu, không tiền, không xe, chúng nó đi học, đi làm hết bỏ hai thằng di tản buồn nằm chèo queo ở nhà. Những buổi tối cuối tuần mệt mỏi, 2, 3 giờ sáng mới lái xe về San Diego từ Roosevelt Hotel ở Hollywood sau những giờ tán gẫu, nhảy nhót với bạn bè, và những câu nói đùa của anh:

"Năm thằng kỹ sư nuôi hai thằng cư sỹ" (là đám sinh viên du học cùng tôi và anh)

"Mèo khen mèo dài đuôi,... Phú khen Phú lắm râu"

"Hữu xạ tự nhiên hương, chuột xạ tự nhiên hôi" và những bài hát bị sửa lời thật là tiếu lâm của anh....

Cầu xin cho anh ra đi thật thảnh thơi, tạm biệt anh...

T.H.T


Vài dòng tiểu sử

Sĩ Phú tên thật là Nguyễn Sĩ Phú, sinh ngày 09 tháng 1 năm 1942 tại Bonneng Thakhet, Lào. Theo gia đình di cư vào Sài-Gòn năm 1954 .

Đậu Tú Tài toàn phần năm 16 tuổi và theo học tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.

Năm 18 tuổi, ông đã là giáo sư trung học đệ nhất cấp dạy toán và lý hoá ở hai trường Trung học La San Nghĩa Thục và Thăng Long tại Sài Gòn.

Gia nhập binh chủng Không Quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1962 và từng mang cấp bậc thiếu tá không quân.

Năm 1968, Sĩ Phú bắt đầu sự nghiệp ca hát khi trình bày một nhạc phẩm trên đài truyền hình Việt Nam trong dịp kỷ niệm ngày thành lập binh chủng Không quân.

Chỉ sau một thời gian ngắn, ông trở nên nổi tiếng với những nhạc phẩm tình cảm lãng mạn.

Mặc dù nổi tiếng, nhưng coi việc ca hát chỉ là nghề phụ, Sĩ Phú rất ít xuất hiện trong các sân khấu nhạc hội hay vũ trường ở Sài Gòn, ông thường hát trong những chương trình ca nhạc tổ chức tại Câu lạc bộ Không quân ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Năm 1975, Sĩ Phú rời Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã tốt nghiệp ngành kỹ sư viễn thông và làm việc toàn thời gian cho một công ty Mỹ. Tại hải ngoại Sĩ Phú đã đi trình diễn tại nhiều nơi . Người chung đường đời với ông lúc bấy giờ là ca sĩ Uyên Ly.

Ông mất ngày 19 tháng 7 năm 2000 tại bệnh viện UCI, nam California do ung thư phổi.


Trở lại Trang Chính