Nghĩa của tiếng Việt : Đồng hồ – nhỏ nước trước

rồi mới hiện đại sau

Nguyễn Hữu Khoáng sưu tầm

Đồng hồ là một từ Hán-Việt, nhưng hiện nay trong các nước đồng văn chỉ có mỗi Việt Nam dùng từ này để nói về dụng cụ chỉ thời gian.

Tranh vẽ “Đồng hồ nước”, trích từ “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger.

Chữ hồ ở đây nghĩa là cái bình. Đồng hồ nghĩa là cái bình, hay hệ thống bình, bằng đồng, dùng nước để tính thời gian (Lưu ý: chữ hồ này không phải là hồ nước nhé). Kỹ thuật này ở phương Đông do người Hán phát triển. Ở đáy mỗi bình có một lỗ nhỏ để nước (hoặc thủy ngân – dùng khi lạnh quá, nước đóng băng) nhỏ giọt đều đặn xuống. Ở cái bình dưới cùng có khắc giờ, kèm một cái phao có gắn kim để chỉ giờ. Dần dần kỹ thuật phát triển tới mức làm cho đồng hồ tự đánh chuông báo giờ.

Đồng hồ nước bằng đồng khai quật được ở huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây vào năm 1958, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây. Đồng hồ này được làm vào khoảng giữa triều Tây Hán cao 32.3cm, có dạng hình trụ với bề mặt không trang trí. Trên đầu là nắp có quai, dưới có ba chân với một cái vòi nhô ra. Hình từ trang này

Cái bình chứa thường làm bằng đồng, hay chính xác hơn là hợp kim của đồng với thiếc (đồng điếu), vì nó dễ đúc. Nhưng nó không nhất thiết phải làm bằng đồng. Trong bài “Ô thê khúc”, Lý Bạch nói về cái bình nhỏ giọt bằng vàng (kim hồ) trong cung của vua Ngô Phù Sai:

“Ngân tiễn kim hồ lậu thủy đa”

(Tên bạc bình vàng nước nhỏ đã nhiều)

Cách thức đo thời gian chính xác nhất ngày xưa vẫn là dùng đồng hồ mặt trời (gọi là nhật quỹ), nhưng lại không dùng được vào ban đêm hay lúc trời không có nắng. Dùng đồng hồ tiện hơn, nhưng kém chính xác hơn do nhiệt độ, độ ẩm đôi khi làm thay đổi tốc độ nước chảy, dẫn tới lệch giờ, phải dùng nhật quỹ để canh lại.

Nhật quỹ khổng lồ ở Nice. Ảnh từ trang này

Chúng ta có thành ngữ “thông đồng bén giọt” để chỉ sự việc diễn ra suôn sẻ, không bị vướng mắc. Thành ngữ này vốn có xuất xứ từ cái đồng hồ nước. Chữ đồng trong câu là một chữ đồng Hán-Việt khác, nghĩa là cái ống (cái ống nhỏ nước ấy). Thông đồng là cái ống thông suốt, không bị tắc. Bén giọt nghĩa là giọt nước nhỏ ra đều đặn.

Bản sao một cái đồng hồ nước của Ai Cập trong đền Karnak. Hình từ trang này

Lê Quý Đôn có viết về cái đồng hồ cơ học phương Tây đầu tiên ở Việt Nam, xuất xứ từ Hà Lan, trong cuốn “Phủ biên tạp lục” (Ghi chép tạp về vùng biên thùy đã yên ổn, tức vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, thời chúa Trịnh). Ông miêu tả cái đồng hồ cơ, mặt tròn chia làm 12 giờ, với giờ Ngọ trên cùng, có hai kim ngắn dài, bên trong có hệ thống bánh răng, chạy nhờ con lắc phía dưới, hoặc một cái khác thì chạy bằng lên dây cót. Có người tên “Văn-Tú là người làng Đại-hào huyện Đăng-xương” đã từng du học nghề làm đồng hồ ở Hà Lan và về truyền lại nghề, cả nhà làm đồng hồ. Có lẽ từ sự giao thương với phương Tây từ thế kỷ 18 mà chúng ta dần dần chuyển cách dùng chữ “đồng hồ” từ việc chỉ cái bình nhỏ nước sang dùng chung cho tất cả các dụng cụ đo thời gian.

Nguồn : Facebook “Cùng Học Tiếng Việt”



Trở lại Trang Chính