Nhân một tối đi xem diễn nhạc Flamenco

Trịnh Bách

Lê Ngọc Phượng sưu tầm

Hình như ở nước mình ai cũng nghĩ là không ai biết gì. Từ thường thức đời sống cho đến văn hóa, ẩm thực. Nào là bánh bao Singapore mà người dân Singapore tìm tóe khói không thấy bên đất nước họ. Hay chè cung đình gì mà các cụ ngày xưa có sống ở trong cung đều than chưa bao giờ biết. Ngọt quá đậm mà lại có cả nước cốt dừa. Ca Huế trên du thuyền sông Hương nhiều khi bao gồm cả nhạc sến. Nhưng ai cũng nhắm mắt chấp nhận. Có thể là vì quả thật không ai biết gì?

Rồi hiện nay rộ lên ở các club, các bar đều có loại nhạc gọi là Flamenco. Mà các thể loại nghệ thuật trình diễn có liên quan đến lĩnh vực tinh thần, như Flamenco của người Tây Ban Nha, Jazz và Rap của người da mầu bên châu Mỹ, hay ngay cả nhạc lên đồng của Việt Nam chẳng hạn, thì nên chỉ dành riêng cho dân tộc bản địa của các loại nghệ thuật đó.

Flamenco trong một hang động của dân Zi-gan vùng Granada, miền nam Tây Ban Nha

Những loại nhạc trên phải được thể hiện từ tâm hồn dân tộc được đúc kết từ thăm thẳm ngàn đời, rồi mới có thể được ứng khẩu ra thành ý, thành lời. Cho nên ngay như nghe một người Mỹ da trắng học thuộc một vài bài Jazz, rồi cố gắng bằng mọi cách hát lên cho có vẻ Jazz, thì cũng không thể nào “phê” bằng nghe một người Mỹ da mầu ứng khẩu ra hát. Cái hồn châu Phi đen biệt xứ không thể ai ngoài những người da đen biệt xứ đó có được. Các “cung văn” sân khấu của mình hiện nay khi hát các bài Văn thuộc lòng thì có càng uốn éo, vặn vẹo, thì cũng lại càng rời xa cái tinh thần Văn ứng khẩu của các vị hát Văn thật ở các đền, phủ thôn quê.

Bàn đến Flamenco thì vô tận. Về khái lược thì ngoài mục đích trình diễn, Flamenco cũng là một loại hát lên đồng của dân tộc Tây Ban Nha. Chính xác hơn là của người Tây Ban Nha có gốc Zi-gan và Bắc Phi ở miền nam Tây Ban Nha. Người cung văn (cantaor) dùng giọng hát bên cạnh tiếng đàn guitar (toque) để kích động bản thân và vũ công, tức là người lên đồng (nam: bailaor, nữ: bailaora).

Lên đồng đây không phải là để các giá bên ngoài nhập vào, mà là sự thức tỉnh của cái phần hồn thâm sâu bên trong của con người; thường là đau khổ, chịu đựng; nhưng tuyệt đối kiêu hãnh trong trường hợp Flamenco. Nhạc Flamenco, nhất là qua giọng hát của cung văn, cho thấy ảnh hưởng đậm nét từ hơn nửa thiên niên kỷ đô hộ của người Hồi giáo lên miền nam Tây Ban Nha (từ thế kỷ 8 đến 14).

Người cung văn (cantaor)

Một bailaora trong trang phục truyền thống

Một nam vũ công (bailaor)

Từ trái sang: người cung văn (cantaor), người lên đồng (nữ – bailaora), nhạc công guitar

Thông thường thì vũ công nghe tiếng hát cung văn một lúc sẽ bị kích động ra múa may trên sàn để tìm hứng cho đến lúc “nhập”. Trạng thái “nhập” hay “phê”, tức là cái trạng thái họ gọi là “duade”, là lúc người vũ công bắt đầu đập chân nhanh (zapateado). Lúc này cả đàn lẫn cung văn đều tăng tốc. Khách dự khán cũng khích động không khí bằng những câu thúc giục như “Olé”, “Venga”, “Andalé”, v.v. Các động tác tay chân của vũ công đều được tập kỹ từ nhỏ, đại để như của các phái võ. Đến khi “nhập” rồi thì các động tác này sẽ tự đươc thể hiện ra từ vô thức, tùy theo thể loại nhạc đang chơi.

Trạng thái duade

Vì thế, không phải người Tây Ban Nha gốc, không sinh ra và lớn lên ở Tây Ban Nha, thì không nên “xạo” mà trình diễn Flamenco…

Vài khúc nhạc và vũ điệu căn bản của Flamenco chính thống lấy được từ Youtube để làm ví dụ:

1. Điệu Soleares

2. Điệu Bulerias

3. Điệu Fandango (por Serrana): (vũ công cổ truyền, già dặn)

4. Điệu Alegrias (Trình diễn của cung văn, phần múa rất đẹp)

5. Điệu Faruca (trên lý thuyết là của nam giới)

6. Tài liệu ngắn về nghệ thuật đánh cặp song loan (castanuelas) của Flamenco. Để phụ họa, và có khi thay thế, cho nhịp đập chân (đoạn múa đôi là điệu Bulerias)

(Ảnh toàn bài lấy từ Internet)



Trở lại Trang Chính