Ý nghĩa sâu sắc của ngày Tết Trung Thu

Bài : Tổng Hợp

Nguồn gốc

Nguyên thủy của Tết Trung thu có nguồn gốc dân dã từ nền văn minh lúa nước người Việt. Những nghiên cứu mới nhất về văn hóa dân gian cho thấy, Tết Trung thu khởi nguyên từ đồng bằng Châu thổ sông Hồng của người Việt, sau đó du nhập vào Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Theo sử sách, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu.

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn

Tết Trung Thu ở Việt Nam

Trung thu xa xưa ở Việt Nam, lễ rước đèn, bày cỗ, phá cỗ, hát trống quân… dưới trăng là những nghi thức quan trọng nhất.

Ngày tết Trung Thu được diễn tả trong tục: “ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Bày cỗ trung thu thực chất là màn trình diễn của con người với trăng, với trời những sản vật, hương hoa của đất. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp”.

Tết Trung thu là tết của những thiên thần bé nhỏ được sự chuẩn bị, chăm sóc của người lớn. Trẻ em phá cỗ trông trăng và mơ màng về hình bóng chú Cuội dưới gốc cây đa nơi cung Hằng dịu dàng, yêu thương tràn ngập.

Đồ chơi Tết Trung thu thuở xa xưa chủ yếu là đèn ông sao, mặt nạ thú, trống ếch và trống bỏi. Đèn kéo quân, đèn lồng… Đêm Trung Thu, nhịp trống quân thùng thình, thùng thình… nhịp trống bỏi binh bông, binh bông… cùng với ánh đèn ông sao mờ ảo, hương cốm, hương bưởi, hương ổi, hương hồng… ngọt ngào, thấm đẫm vào ánh trăng rằm vằng vặc, rong ruổi trong làn gió nhẹ đêm thu, ríu rít những bàn chân sáo đám trẻ thơ… là thế giới kỳ ảo muôn màu của các cháu bé, của ước vọng hòa bình.

Thế giới ấy không chỉ lay động, xao xuyến tâm hồn con trẻ mà còn quyến rũ, rủ rê người lớn cùng ùa vào cuộc chơi. Hình ảnh những người cha cặm cụi vót tre làm đèn ông sao, những người mẹ lễ mễ bê mẹt trái cây, cốm, xôi sắp cỗ, những đứa trẻ chơi trò bịt mắt bắt dê, thả ba ba chờ trăng rằm mọc… là những nét đẹp cổ kinh điển phổ biến của văn hóa Việt trong mỗi dịp Tết Trung thu thuở những thập niên 1970 trở về trước. Ngày ấy, ngẫu hứng về thiên nhiên vẫn rong ruổi bất tận cùng mây gió.

Và đêm Tết Trung thu còn là dịp nông nhàn của nghề cày cấy. Lúc này lúa vụ mùa đã vào đòng, chỉ chờ sây bông mẩy hạt, đón trăng xong ra đồng thu hoạch thành quả lao động. Trẻ con trông trăng để bay bổng cùng cây đa, chú Cuội. Người lớn trông trăng kiếm tìm hy vọng cơm áo năm sau. Bằng kinh nghiệm dõi theo chu kỳ của tạo hóa, người xưa đoán định mùa vụ qua ánh trăng đêm Trung thu: trăng màu vàng trúng mùa tằm tơ, trăng xanh lục báo hiệu thiên tai, trăng màu cam đất nước thái bình thịnh trị hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa” Nhưng dù điềm lành hay điềm dữ, thì con người vẫn luôn đồng hành, say đắm cùng trăng quanh năm suốt tháng, người và trời đất tự nhiên hòa hợp đó là nét văn hóa đặc sắc và thú chơi tao nhã trong lành hiền dịu của người Việt Nam ta.

Cúng trăng

Trong đêm 15 tháng 8 âm lịch hằng năm, khi trăng rằm tỏa sáng, lễ tế thần mặt trăng bắt đầu. Trên bàn thờ có hoa quả, có bánh hình mặt trăng còn gọi là bánh "đoàn viên", bởi lẽ, trong dịp này, cả gia đình có dịp đoàn tụ để cùng ăn bánh và cùng thưởng thức ánh trăng thu trong trẻo và bầu không khí ấm áp của đêm rằm đến với mọi nhà.

Rước đèn

Tết Trung Thu là tết của trẻ em. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

Trẻ em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ. Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Trong dịp này, để thưởng trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.

Bầy cỗ

Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.

Múa Sư tử (múa lân)

Vào dịp Tết Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.

Trẻ em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền. Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị v.v. Người Trung Hoa không có phong tục này.

Hát Trống quân

Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Tết Trung Thu của người Hoa không có phong tục này.


* Đến Hội Trống Quân Thanh Lam

* Em Đi Rước Đèn Hợp Ca

* Em Đi Xem Hội Trăng Rằm Như Quỳnh

* Hát Hội Trăng Rằm Ái Vân

* Hát Hội Trăng Rằm Ái Vân & Elvis Phương

* Rước Đèn Tháng Tám Hợp Ca

* Rước Đèn Trung Thu Nhóm Byty

* Thằng Cuội Tô Hà