Tin Văn nghệ quê nhà : Có còn lại chăng dư âm thôi

Thất Sơn

Sưu tầm : LN. Phượng

Nhạc sĩ Thanh Bình mất tại nhà riêng vào 4h sáng 23/5, thọ 82 tuổi. Gia cảnh nghèo lại không con cái kề bên, chuyện hậu sự của ông nhờ vào người thân và những tấm lòng hảo tâm.

Ca sĩ Ánh Tuyết kể, rạng sáng 23/5, mấy người cháu của nhạc sĩ Thanh Bình gọi điện cho chị, nghẹn ngào thông báo, ông bị ngã trong đêm rồi sau đó lịm dần đi. Dù người nhà kịp thời sơ cứu và gọi xe cứu thương, nhạc sĩ vẫn không qua khỏi. Ông ra đi vào lúc 4h sáng và không thực hiện được mong mỏi lớn là chờ đến ngày con gái ra tù.

Ánh Tuyết là một trong những người gần gũi với nhạc sĩ Thanh Bình.

Ánh Tuyết ngậm ngùi chia sẻ, mấy hôm trước, đi công tác ở Vũng Tàu về, chị ghé sang biếu ông 500.000 đồng, nhạc sĩ rất mừng, không phải vì được cho tiền mà vì có người còn nhớ đến ông. "Vừa có khán giả ở Mỹ gửi về cho tôi 200 USD để nhờ biếu nhạc sĩ Thanh Bình, tôi chưa kịp mang sang thì ông đã mất rồi. Ông sống cùng mấy người cháu, gia cảnh khó khăn nên tôi gom góp được gần 10 triệu đồng của khán giả nhờ gửi ông để gia đình kịp lo hậu sự", ca sĩ Ánh Tuyết cho biết.

Cuối năm 2013, vì thương xót cho hoàn cảnh của người nhạc sĩ tài hoa có số phận bất hạnh, Ánh Tuyết từng tổ chức đêm nhạc để quyên tiền lập sổ tiết kiệm giúp đỡ nhạc sĩ Thanh Bình. Đêm nhạc còn có sự tham gia của các ca sĩ như: Quý Bình, Đức Tuấn, Vân Khánh, Thụy Long, Tấn Dạo, Duy Hưng... Đêm này quyên được hơn 60 triệu đồng. "Cộng với nhiều nguồn tiền hỗ trợ từ khán giả, tôi đã lập cho ông sổ tiết kiệm được 230 triệu đồng. Giờ ông qua đời, người thân bàn nhau để lại cuốn sổ tiết kiệm này chờ ngày trao lại cho con gái ông", Ánh Tuyết nói.

Nhạc sĩ Thanh Bình thời trẻ.

Vừa qua, khi về nước để thực hiện liveshow, danh ca Khánh Ly dành thời gian đến thăm nhạc sĩ Thanh Bình - tác giả của tuyệt phẩm Tình lỡ. Họ mừng mừng, tủi tủi sau hàng chục năm xa cách. Nữ danh ca xúc động: "Anh ơi, em vẫn là em của anh như ngày đầu tiên được hát khúc 'Tình lỡ' mà thôi". Khánh Ly cũng không thể ngờ đây là lần cuối cùng bà hội ngộ người xưa.

Dự kiến, nhạc sĩ Thanh Bình được hỏa táng và gửi tro cốt tại chùa.

Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Thanh Bình là ca khúc Những nẻo đường Việt Nam - viết từ tình yêu quê hương đất nước khi ông còn đang ở xứ Thanh, rồi Lá thư về làng... Ông có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng ra đời trong thập niên 1950 - 1970 như: Tiếc một người, Chiều vàng trên sóng, Gặp gỡ duyên nhau, Hợp đoàn mà ca lên, Mưa qua sông, Kẻ ở (thơ Quang Dũng),... Ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Tình lỡ - bản tình ca được nhiều nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam thể hiện.

Trước khi về lại Mỹ, ca sĩ Khánh Ly tìm thăm nhạc sĩ Thanh Bình tại Sài Gòn.

Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán Bắc Ninh. Cha mẹ đều sớm qua đời, để lại ông cùng 3 chị em gái. Chị và em gái út của ông hiện tại đã mất, còn người em kế sống ở Pháp nhưng anh em không còn liên lạc. Khoảng 1952-1953, khi còn sống ở ngoài Bắc, ông viết truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo với bút danh Thanh Bình. Từ 1950 đến 1954 ông xuôi ngược các vùng miền Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sầm Sơn, Hà Nội rồi sau đó vào Nam tiếp tục rong ruổi cho đến nay

Thời trẻ, Thanh Bình từng ba lần đổ vỡ hôn nhân nhưng chỉ có duy nhất một cô con gái. Hiện người con này đã gần 40 tuổi. Chị không may vướng vòng lao lý vì hùn hạp làm ăn và bị thua lỗ, đang phải chịu án tù.

Thất Sơn

Bài đọc thêm :

Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán Bắc Ninh. Mồ côi mẹ khoảng 10 hay 11 tuổi sau vài năm cha mất.

Ông có một chị và hai em gái. Nay chị và em gái út đã mất, còn cô em kế sống ở Pháp nhưng không có liên lạc gì. Năm 19 - 20 tuổi ông viết truyện dài Gió dập mưa vùi, Mình còn trẻ lắm.

Cố nhạc sĩ Thanh Bình.

Khoảng năm 1952 - 1953, khi còn sống ở ngoài Bắc, ông viết truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo: Tia Sáng, Liên Hiệp, Tin Sớm, Bình Minh, Văn Nghệ... với bút danh Thanh Bình. Nhạc sĩ Phó Quốc Thăng là cậu ruột của ông nhưng ông lại say mê cảm hứng học nhạc từ giáo sư âm nhạc Phạm Sửu tại Thanh Hóa.

Từ năm 1950 - 1954, ông xuôi ngược các vùng miền Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sầm Sơn, Hà Nội rồi sau đó vào Nam tiếp tục rong ruổi cho đến nay.

Thời trẻ, nhạc sĩ Thanh Bình từng ba lần đổ vỡ hôn nhân. Đến năm 1973 ông mới lập gia đình với một người phụ nữ xinh đẹp, sống trong căn hộ chung cư ở quận 1, Sài Gòn.

Sau năm 1975, vợ chồng gặp cảnh "cơm không lành, canh không ngọt". Vợ bỏ đi, bỏ lại ông và con gái mới hơn ba tuổi. Nhạc sĩ rơi vào cảnh túng quẫn khi phải gà trống nuôi con. Nhắc về cuộc hôn nhân buồn này, nhạc sĩ Thanh Bình nhận lỗi phần lớn là do ông. Sau đó, nhạc sĩ Thanh Bình được hai cô cháu gái này rước về ở chung dù hoàn cảnh của hai người cũng rất khó khăn.

Những ngày cuối tháng 12/2013, vì thương xót cho hoàn cảnh của người nhạc sĩ tài hoa có số phận bất hạnh, ca sĩ Ánh Tuyết từng tổ chức đêm nhạc mang chủ đề "Tình lỡ" để quyên tiền lập sổ tiết kiệm giúp đỡ nhạc sĩ Thanh Bình. Đêm nhạc còn có sự tham gia của các ca sĩ như: Quý Bình, Đức Tuấn, Vân Khánh, Thụy Long, Tấn Dạo, Duy Hưng... Đêm này quyên được hơn 60 triệu đồng.

* Đừng đến rồi đi Hoàng Lan

* Lá thư về làng Việt Dzũng

* Những nẻo đường Việt Nam Duy Khánh & Hương Lan

* Tiếc một người Vũ Khanh

* Tình lỡ Khánh Ly

* Tình lỡ Lệ Thu

* Tình lỡ Hạ Vy

* Tình lỡ Ngọc Lan

* Tình lỡ Thanh Hà

Các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Bình được ông viết bằng cả tình yêu ngọt ngào, dung dị của hồn quê, tình yêu thương sâu sắc quê hương đất nước mình, với những cảm xúc đầu đời hồn nhiên của chàng trai lãng mạn, đau đến tận cùng những mối tình đã lỡ...

Sáng tác đầu tay của ông là Những nẻo đường Việt Nam - viết từ tình yêu quê hương đất nước khi ông còn đang ở xứ Thanh: Những nẻo đường Việt Nam. Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan. Ôi những nẻo đường Việt Nam. Ơ! Ta đắp đường làng ta. Nhắn ai đi, xin chớ quên quê nhà. Con đường về thôn vui quá!

Ông có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đáng nhớ đã lần lượt ra đời trong những thập niên 1950, 1960 và 1970 của thế kỷ trước như: Tiếc một người, Chiều vàng trên sóng, Còn nhớ hay quên, Ðừng đến rồi đi, Gặp gỡ duyên nhau, Hợp đoàn mà ca lên, Mưa qua sông, Kẻ ở (thơ Quang Dũng), Bông súng đồng quê, Thương nhau hát lý qua cầu... Nổi tiếng nhất vẫn là ca khúc Tình lỡ - bản tình ca đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam cất cao tiếng hát chinh phục trái tim hàng triệu khán giả./.




Trở lại Trang Chính