Câu chuyện Điện Ảnh : Vũ Điệu Trong Bóng Mờ

Thực hiện : NGV

Vào khoảng thập niên 60, lứa tuổi học sinh, sinh viên chúng ta phần nhiều đều quen thuộc với hai rạp chiếu bóng Lê Lợi ở đường Lê Thánh Tôn và rạp Vĩnh Lợi ở đầu đường Lê Lợi cạnh nhà hàng Thanh Bạch .Với giá vé thích hợp túi tiền học trò và môi trường của hai nơi này cũng không quá bình dân, chúng ta được coi những phim hay mà ít tháng trước mới được chiếu lần đầu tại các rạp lớn như Rex, Đại Nam hay Eden . Cũng chính tại rạp chiếu bóng Lê Lợi này đám thanh niên nam nữ chúng ta đã có dịp “thổn thức” với câu chuyện tình “đẹp nhưng đau thương” trong phim “Vũ điệu trong bóng mờ” -“ La valse dans l’ombre”. Thuở ấy phim chiếu ở Việt Nam thường là phim nói tiếng Pháp và phụ đề Việt ngữ . Nên cái tên “La valse dans l’ombre” vẫn quen thuộc với dân Việt hơn cái tên Anh ngữ của phim là “Waterloo Bridge”

Hai diễn viên chính trong phim nữ tài tử Vivien Leigh là vai nữ đã nổi danh qua phim “Cuốn theo chiều gió “- “Gone with the wind” và nam diễn viên đẹp trai Robert Taylor.

Nhưng qua phim “La valse dans l’ombre” nữ tài tử Vivien Leigh mới để lại hình ảnh xinh đẹp của cô xâu đậm trong trái tim của lứa tuổi “teen” chúng ta thời bấy giờ

Điệu luân vũ trong bóng mờ

Đây là một câu chuyện tình giữa nàng Myrna một nữ vũ công ballet xinh đẹp và chàng Roy là một sĩ quan quý tộc của hoàng gia Anh. Họ tình cờ gặp gỡ trên chiếc cầu Waterloo và quen nhau trong căn hầm tránh bom trong một vụ không kích . Roy và Myra có cuộc hẹn hò đầu tiên tại câu lạc bộ Candlelight và họ đã khiêu vũ trong tiếng du dương của bản luân vũ “Auld Lang Syne” bản nhạc cuối cùng được chơi trong buổi tối hôm đó, trong ánh nến lung linh mờ ảo, họ say đắm trao nhau ánh mắt yêu thương và nụ hôn ngọt ngào khởi đầu cho một tình yêu thật đẹp.

Ðang say sưa trong tình yêu ấy thì chàng Roy bị gọi ra tuyến đầu lửa đạn. Dự tính kết hôn trước giờ chia ly cũng không thành, chàng phải ra đi. Cõi lòng tan nát, nàng kiều nữ bất chấp mọi trở ngại đã bỏ buổi trình diễn quan trọng để tới tiễn đưa người tình tại nhà ga, nhưng nàng đã không đến kịp chuyến tầu đã chuyển bánh và Myrna đành đẫm lệ nhìn người yêu trên con tầu dần dần xa . Trở về nàng bị kỷ luật đuổi khỏi đoàn vũ, nàng và người bạn gái Kitty trung thành rơi vào cảnh ngộ thật nghèo túng khó khăn. Rồi một hôm nàng đọc thấy tên chàng trên danh sách những binh sĩ đã tử trận. Mọi hy vọng tiêu tan,. nàng không còn sức mạnh nào để phấn đấu với nghịch cảnh, đành buông xuôi và dấn thân vào con đường trụy lạc, hàng đêm đón khách trên cầu Waterloo.

Nhiều tháng trôi qua, rồi tình cờ nàng gặp lại chàng trên cầu, thì ra tin báo tử chỉ là một sự lầm lẫn chàng vẫn sống và đã về đây ngay trước mặt nàng. Dù Roy đã đưa nàng về với gia đình chàng ở Scotland với hy vọng lập lại cuộc đời mới và với tình yêu vĩnh viễn bên nhau. Nhưng giữa cảnh gia thế quý tộc và tương lai sự nghiệp của Roy nàng nghĩ mình không còn xứng đáng với danh phận và tình yêu của chàng nữa. Nàng thú thực với mẹ chồng về dĩ vãng tì vết của mình, để lại vài dòng tạ từ ngắn ngủi cho chàng và bỏ về London. Mặc dù Roy và cô bạn Kitty đã cố gắng tìm kiếm khắp nơi nhưng Myrna cố tình lẩn tránh nên họ vẫn bặt tin tức về nàng. Và... vào một đêm đầy sương mù và gió lạnh, với thân xác tiều tụy Myrna lang thang trên cây cầu Waterloo, thẫn thờ buông mình trước đoàn xe nhà binh đang lao nhanh tới.. . Nàng Myrna đã ra đi, trên mặt đường chỉ còn rơi lại một kỷ vật của chàng đã trao ngày nào .

Câu chuyện tình lãng mạn đã khởi đầu một đêm trên chiếc cầu Waterloo khi Roy gặp gỡ Myrna để họ yêu nhau, và cũng kết thúc thật bi thương cũng tại cây cầu của định mệnh này và họ đã mãi mãi mất nhau .

Bản nhạc “ Auld Lang Syne “

Cuốn phim còn có một trọng điểm đã làm chúng ta nhớ mãi. đó là bản nhạc “Auld Lang Syne” được chơi trong một phân cảnh đã tạo cảm xúc mạnh và khó quên cho chuyên phim, khi Roy và Myra khiêu vũ trong cuộc hẹn hò đầu tiên tại câu lạc bộ Candlelight ,cặp tình nhân dìu nhau trong ánh nến mờ ảo và tiếng nhạc ngọt ngào, rồi ánh sáng của những ngọn nến cứ từ từ lịm tắt. Chỉ còn đôi tình nhân khiêu vũ trong điệu valse cuối cùng của buổi tối hôm đó, trong bóng tối mờ ảo và điệu nhạc da diết, Khi Roy và Myra trao nhau nụ hôn đầu tiên thì giai điệu nhạc chuyển từ hoà tấu sang hát bè bởi giọng nam . Nhà soạn nhạc Herbert Stothart, người mà tài năng đã được chứng minh với giải Oscar về âm nhạc của phim “The wizard of Oz”. đã đưa “Auld Lang Syne” từ một bài dân ca với giai điệu đơn giản trở thành phần âm nhạc chính cho phim “Waterloo Bridge”.

Ngày nay trong những đêm New Year Eve - Giao thừa Dương lịch, chúng ta thường nghe cử bản nhạc “Auld Lang Syne” như một nhạc khúc giã từ năm củ và đón chào một năm mới, nhưng có thật là bản nhạc đươc sáng tác để dùng cho chủ đích này không thì chúng ta cần biết qua về nguốn gốc của “Auld Lang Syne”.

Tên của ca khúc này là bằng tiếng Tô Cách Lan có thể dịch nghĩa theo Anh ngữ là “ times gone by” ( tạm dịch là : đã qua đi) và có ý nghĩa để tưởng nhớ đến những người bạn đã mất và để nhắc nhở đừng bao giờ quên những người đã không còn nữa .

Mặc dù bản nhạc đã được gắn liền với những buổi lễ “New Year’s Eve” đón mừng năm mới Dương lịch . Ca khúc “Auld Lang Syne” được sáng tác bởi nhạc sĩ Robert Burns vào thập niên 1700 mà tác giả đã thực sự không có ý viết như là một ca khúc dành cho ngày lễ này. Bản nhạc đã trở thành phổ biến và dùng cho những đêm đón mừng năm mới là do một sự trùng hợp rất tình cờ khi Guy Lombardo và ban nhạc của ông ta đã dùng bản nhạc “ Auld Lang Syne” này để trám vào khoảng trống giữa hai chương trình trực tiếp truyến thanh của một buổi trình diễn tại khách sạn Roosevelt ở Nữu Ứơc năm 1929, tình cờ lại đúng ngay vào lúc kim đồng hồ chỉ nửa đêm, giây phút đầu tiên của một năm mới . Và kể từ đó việc cử bản nhạc “Auld Lang Syne” vào ngay giây phút đầu tiên của năm mới Dương lịch trở thành một tập tục lưu truyền cho đến ngày nay.

Riêng chúng ta chắc hẳn cũng không dễ quên khúc nhạc này, khi nhắc tới thời thơ ấu thường hay nghêu ngao với câu hát đã được đám nhi đồng cải biến thành : “Ò e con ma đánh đu, tặc giăng nhẩy dù, zo rô bắn súng….”

Cuối câu chuyện, chúng ta hãy nghe lại bản nhạc “Auld Lang Syne” và coi lại vài hình ảnh cuốn phim của kỷ niệm: “Vũ Điệu Trong Bóng Mờ - La Valse Dans L’ombre – Waterloo Bridge “ .

NGV

Tháng 4 . 2013


* Phần Audio :

Auld Lang Syne BBC Symphony, Chorus & Singers

Auld Lang Syne Lea Michele

Auld Lang Syne Piano music


* Phần Video : ( Xin nhớ mở Full screen để coi video )