Giáo sư Nghiêm Toản - tác gỉa "Luận Văn Thị Phạm"

Bùi Xuân Cảnh

Nguyễn Văn Khuy sưu tầm

Thầy dạy việt văn năm Đệ Nhị ở trưòng Văn Lang của tôi là cụ Nghiêm Toản. Hồi còn ở quê nhà ngoài Bắc, tôi tình cờ được đọc và rất thich cuốn Luận Văn Thị Phạm, một cuốn sách dạy viết luận văn của cụ. Lúc ấy tôi không hiểu danh từ “ Thị Phạm” trong tựa đề cuốn sách nghĩa là gì. Tôi xin ông anh giải nghĩa cho hai chữ “Thị Phạm “,ông giảng bừa rằng cụ Nghiêm là một ông đồ nho tinh thông chữ Hán. Đây có lẽ là một điển tích gì đó trong Hán văn.Từ đó tôi tưởng tuợng hình ảnh cụ Nghiêm Toản qua các ông đồ nho, khăn đóng, áo dài, râu ba chòm, cầm quạt lông .

Giáo sư Nghiêm Toản

Khi học ở Văn Lang, được biết thầy dạy quốc văn là giáo sư Nghiêm Toản, tôi hồi hộp chờ đợi được nhìn dung mạo thầy. Trong căn phòng học mái tôn, nóng hầm hập, đầy học sinh chen nhau trong những dẫy bàn hẹp, tôi ngỡ ngàng thấy một người bệ vệ, mặc complet trắng, đeo kiếng trắng gọng vàng, không râu ria, đi giầy tây, xách một chiếc cặp da to tướng đi vào lớp học : giáo sư Nghiêm Toản. Trông cụ rất oai vệ, đúng là hình ảnh một giáo sư, nhưng quả không giống chút nào với dung mạo tôi vẽ cụ trong tưởng tượng.

Cụ Nghiêm uyên bác, tinh thông Hán Học và Pháp ngữ. Nơi con người cụ, có sự trang nghiêm và tính khôi hài. Cụ gọi chúng tôi, đám học sinh của cụ , là “ Tiên sinh”, hoặc các “thầy Tú”.

Sau khi khai giảng vài tháng, một hôm cụ vào lớp, trịnh trọng nói rằng: ”Thưa các thầy tú, tôi khám phá một điều đáng buồn và không thể tha thứ : Các thầy không biết dùng dấu chấm và dấu phết !”.

Nói xong, cụ dở tập bài của chúng tôi và đọc nhiều câu văn mà cụ gọi là” bất thành cú”. Đọc xong nhiều câu cụ kết luận: “Từ nay tôi không chấm ý tưởng trong các bài văn, tôi chỉ chấm điểm các dấu chấm, phết. Các thầy muốn viết nhăng cuội thế nào cũng xong, nhưng nếu các thầy đặt dấu chấm phết sai hai chổ thôi, các thầy sẽ không có điểm”.

Cái tính rà soát dấu chấm, phết của tôi ngày nay , bắt nguồn từ ngày tôi là học trò của cụ Nghiêm.

Trong khi giảng bài, đôi khi cụ ngưng lại, và hỏi chúng tôi về một danh từ nào đó. Khi chúng tôi không trả lời được, cụ dơ hai tay lên đầu, vẻ thất vọng và nói “ Thế ra các thầy Tú chưa biết điều đó hay sao ?“

Một lần, cụ gọi tên tôi, bắt giảng một đoạn Kiều, có câu : “ Dặm hồng bụi chốn chinh an “. Thình lình bị gọi tên, tôi quýnh quáng, giảng liều nghĩa câu Kiều đó là ” Dặm đường, bụi hồng cuốn lên làm cho ngưòi đi chinh chiến được an toàn”. Cụ Nghiêm dơ cả hai tay lên khỏi đầu, rồi lại buông thỏng hai tay xuống, vẻ chán nản, cụ nói : ” Chết nỗi ! thế ra tiên sinh chưa biết chinh an là cái yên ngựa hay sao ?!”

Cụ Nghiêm cũng thường quở trách chúng tôi vì thường dùng trong luận văn các chữ mà cụ cho là sáo rỗng, tầm thường, nhạt nhẽo. “Các thầy Tú chớ nên dễ tính, bắt chước nguời ta mà sài những chữ sáo, rỗng, đã mòn nhạt. Những chữ ấy không sai, nhưng nó đã thành sáo ngữ, vì sài không đúng, hoặc đã bị lạm dụng. Khi các thầy viết : nước Việt Nam nói riêng, và trên thế giới nói chung, thì không có sai . Nhưng vì sao cứ phải sài nói chung và nói riêng là gì nhỉ ? Các chữ ấy đã mòn vẹt đi rồi, thêm nó vào câu văn chỉ làm tăng sự nghèo nàn, kém cỏi “.

Cụ Nghiêm cũng cảnh cáo chúng tôi phải cẩn thận, và hiểu thấu đáo khi viết những danh từ Hán Việt. Một lần, trong bài luận văn, một học sinh viết : ” Nơi kinh đô Thăng Long, với cung vua, phủ chúa, xe ngựa ra vào thường trực..”, bị cụ bắt đứng lên gỉải thích chữ “thường trực“. Nghe anh học trò giải thích, cụ nói : “Thưa tiên sinh, chữ tiên sinh vừa giảng đó, có nghĩa là thường xuyên, không phải thường trực !. Xe ngựa ra vào không bao giờ là thường trực. Thường trực là khi nào nó đứng nguyên một chỗ !”

Cụ Nghiêm cẩn trọng tới nỗi cụ tiết lộ rằng : cụ đã ba lần hiệu đính lại cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử do chính cụ dịch,“nhưng mỗi khi coi lại, tôi vẫn thấy muốn dịch lại từ đầu!”Vẫn biết Đạo Đức Kinh của Lão Tử là một cuốn sách uyên áo, khó hiểu và khó dịch, song đối với chữ nghĩa do cụ viết ra, mà cụ còn khó khăn như thế, thì học trò làm sao mà làm cụ vừa lòng được!

Trong khi giảng bài, gặp một chữ khó hoặc một điển tích, cụ thường ngừng giảng và bảo chúng tôi : ” Nếu các thầy Tú đã đọc cuốn … thì các thầy tất phải biết ý nghĩa của câu này”. Khi biết chưa có trò nào từng đọc cuốn sách cụ vừa nói, cụ dơ hai tay lên khỏi đầu và than: “Thật là trần ai vô tri kỷ!”

Một bữa tôi còn nhớ, khi cụ hỏi một câu, tôi không trả lời được, cụ làm ra vẻ ngạc nhiên và than rằng : “ Chết nỗi ! thế ra tiên sinh chưa đọc Nửa Mảnh Trăng Thề của Bửu Đình hay sao !?”. Ý cụ muốn nói : nếu tôi đã đọc cuốn sách đó, ắt tôi phải trả lời được câu hỏi của cụ.

Thú thực ngày nay việc tìm kiếm sách vở trên Net rất dễ dàng, song tôi vẫn không biết có cuốn sách nào tựa đề Nửa Mảnh Trăng Thề của tác gỉa Bửu Đỉnh nào đó!

Từ ngày học quốc văn với cụ Nghiêm, tôi sợ hãi không bao giờ dám dùng từ ngữ “nói chung, nói riêng” trong câu văn. Tôi cũng ngần ngại khi dùng một từ Hán Việt mà chưa hiểu nghĩa thấu đáo. Tôi sợ các dấu chấm, dấu phết, và rà soát chúng rất kỹ khi viết .

Tiểu sử

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học Nghiêm Toản, hiệu Hạo Nhiên, sinh ngày 5 tháng 3 năm Đinh Mùi (1907) tại Nam Định.

Thuở nhỏ học trung học ở Nam Định, Trung học Bảo hộ, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (Hà Nội) vào năm 1930.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường 1929-1930, ông tham gia Việt Nam Quốc Dân đảng, bị bắt giam ở Hỏa Lò rồi đày ra Côn Đảo, sau đó được phóng thích trở về Hà Nội dạy tư và nghiên cứu văn học Việt Nam.

Sau năm 1945, ông dạy ở Đại học Văn khoa Hà Nội, cộng tác với các nhà xuất bản Vĩnh Bảo, Sông Nhị, Minh Tân. Từ năm 1954, ông làm giáo sư tại Đại học Văn khoa Sài Gòn chuyên ngành Việt Hán ở miền Nam. Ông từng giữ chức Trưởng ban Việt Hán tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn nhiều năm. Năm 1968, ông là một trong ba người dạy Đại học Văn khoa không có văn bằng Tiến sĩ được đề bạt vào ngạch giáo sư diễn giảng Đại học.

Ông mất năm Ất Mão (1975) tại nhà riêng ở Sài Gòn, hưởng thọ 68 tuổi

Tác phẩm

Việt Nam văn học sử trích yếu (1949)

Mai Đình mộng ký (soạn chung với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, 1951)

Thi văn Việt Nam - Từ đời Trần đến cuối đời Mạc (soạn chung với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, 1951)

Luận văn thị phạm (1951)

Việt luận (1952)

Lão Tử Đạo đức kinh (1959)

Quân trung đối (hiệu đính và chú giải, Nhà xuất bản Đông Nam Á, Paris, 1995)

Thủy hử (dịch sang tiếng Pháp)



Trở lại Trang Chính