Bài vọng cổ đầu tiên của soạn giả Viễn Châu

Ngành Mai - RFA

Kim Anh sưu tầm & audio

Thật ra thì rất nhiều người đã biết Viễn Châu chuyên môn viết bài ca vọng cổ, tân cổ giao duyên, tức vọng cổ pha tân nhạc. Cũng như đã biết qua Viễn Châu từng soạn một số tuồng cải lương và một vài tuồng cũng nổi tiếng như “Hoa Mộc Lan Tùng Chinh” chẳng hạn.

Thế nhưng, có điều mà ít ai biết được Viễn Châu bắt đầu viết bài ca 6 câu vọng cổ từ lúc nào, năm nào, và bài vọng cổ đầu tiên do ông sáng tác mang tên gì?

Cũng nên nói rõ khi xưa Viễn Châu là nhạc sĩ Bảy Bá, người gốc gác ở Trà Vinh, quận Trà Cú, đi theo gánh hát làm thầy đờn từ năm 1943 (lúc bấy giờ chưa có cái tên Viễn Châu). Suốt mười mấy năm dài chỉ chuyên đờn cho gánh hát, gánh nầy rã thì đi gánh khác với tiền thù lao chỉ đủ cà phê thuốc lá và sống qua ngày. Với tư cách là thầy đờn ông cũng giúp bầu gánh chỉnh sửa những bài ca cổ nhạc trong các tuồng cải lương, và cũng cùng các thầy tuồng viết kịch bản cải lương.

Chợt đến khoảng cuối năm 1958 thấy soạn giả Quy Sắc viết 6 câu vọng cổ “Cô Bán Đèn Hoa Giấy” vô dĩa hát do cô Thanh Hương ca, được giới mộ điệu hoan nghinh, dĩa bán khá chạy. Từ đó Bảy Bá nãy sinh ra ý định viết 6 câu vọng cổ, và ông đã viết bài “Tiếng Đàn Trên Bến Hán Dương” tức sự tích Bá Nha Tử Kỳ, lấy bút hiệu là Viễn Châu. Nhưng khổ nỗi viết xong rồi để đó chớ lúc bấy giờ rất khó mà được hãng dĩa hát cho thu thanh.

Sở dĩ soạn phẩm của Quy Sắc được vô dĩa hát là nhờ ông là thầy dạy học cho Thanh Nga, nên được Năm Nghĩa giới thiệu cho hãng dĩa, chớ còn Bảy Bá thì lúc ấy tên tuổi chưa ai biết nhiều, cũng chẳng quen lớn với ai, thành thử ra bài Bá Nha Tử Kỳ của ông chỉ gởi đăng trên tờ báo Xuân Dân Tộc Kỷ Hợi 1959, và để đó chờ dịp. Bài ca khá hay, dễ ca nên giới tài tử một số đã thuộc bài ca này, nhưng sự phổ biến rất là hạn chế.

Nghệ sĩ Thanh Hải và Nghệ sĩ Viễn Châu. Courtesy photo. Photo: RFA

Lúc bấy giờ ở giải trí trường Thị Nghè có quán Lệ Liễu, về đêm có đờn ca cổ nhạc, có sân khấu nhỏ, mỗi tối tài tử giai nhân thường đến đây ca hát, trong số có Văn Hường. Soạn giả Viễn Châu đến đây nghe Văn Hường ca, và ông khai thác giọng ca Văn Hường bằng cách viết bài vọng cổ “Tư Ếch đi Sài Gòn” đem chào hàng với hãng dĩa Hồng Hoa và được cho thu thanh phát hành. Thừa thắng xông lên ông viết thêm vài bài vọng cổ hài hước khác và cũng được hãng dĩa mua luôn.

Không lẽ chỉ viết vọng cổ hài hước cho mỗi một Văn Hường ca, Viễn Châu quay trở lại viết vọng cổ thông thường, tức 6 câu vọng cổ, vì lúc ấy các soạn giả Quy Sắc, Kiên Giang cho ra đời các bài vọng cổ rất được giới mộ điệu ưa chuộng như: "Đội Gạo Đường Xa", "Ông Giáo Già", "Nắm Xương Tàn"... Cũng nên biết rằng thời điểm này các soạn giả viết bài ca là viết đủ 6 câu vừa cho vô 2 mặt dĩa đá.

Soạn giả Viễn Châu đã viết các bài vọng cổ như: "Người Đánh Đàn Trên Bắc Mỹ Thuận", "Tình Anh Bán Chiếu", "Gánh Nước Đêm Trăng", "Tu Là cội phúc"... Nhờ đã có tên tuổi nên bài nào cũng được hãng dĩa mua bản quyền cho thu thanh.

Riêng với bản “Tình Anh Bán Chiếu” thì theo tôi được nghe kể lại như sau: Trong một chuyến đi miền Tây, lúc chờ đợi xe dừng lại nghỉ ngơi ở kinh Ngã Bảy, Phụng Hiệp. Viễn Châu thấy dưới bến ghe, có một ghe chiếu, và anh bán chiếu là một nông dân còn trẻ lam lũ với bộ bà ba đen củ mốc, anh ta đang ngồi tư lự với nét mặt buồn hiu, vì bởi lúc ấy bên kia sông có một đám cưới đi ngang qua. Anh bán chiếu nhìn theo mãi cho đến khi đám cưới khuất dạng mà vẫn còn nhìn.

Có lẽ hiểu được tâm trạng người bán chiếu đã mơ mộng có được một đám cưới cho mình với cô dâu khá đẹp như đám cưới nọ, nhưng đó chỉ là mơ mộng, ước mong, chớ với thân phận của anh ta làm sao có được cái diễm phúc ấy chớ. Bối cảnh chỉ thế thôi chứ làm gì có chuyện cô gái dẫn anh bán chiếu vào phòng loan để đo ni chiếc giường gõ đỏ. Cũng như đâu có chuyện cô gái theo chồng không một lời từ giã anh ta như bài ca diễn tả.

Khi lên xe đò Viễn Châu bắt đầu viết bài vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” và hư cấu khá nhiều như đã nói. Nhưng giới mộ điệu đâu có tìm hiểu làm gì tình tiết câu chuyện ấy có hoàn toàn đúng, hay đúng được bao nhiêu phần trăm. Thiên hạ chỉ nghe sao hiểu vậy và thông cảm nỗi long của anh bán chiếu mà thôi!

Giới đờn ca tài tử rất thích bài ca “Tình Anh Bán Chiếu” và nhiều người đã học thuộc lòng. Do vậy mà đi đâu cũng nghe ca, ở thâm sơn cùng cốc cũng nghe ca, ở tiền đồn biên giới cũng nghe ca, trong trại cải tạo cũng nghe ca...

Như vậy bài vọng cổ 6 câu đầu tiên của Viễn Châu là “Tiếng Đàn Trên Bến Hán Dương” tức Bá Nha Tư Kỳ đã không được vô dĩa hát. Và bài vọng cổ được ưa chuộng nhứt là “Tình Anh Bán Chiếu”.

Nhà ở trong hẻm, bề ngang hẹp, cầu thang dốc, vậy mà ở tuổi ngoài 80, Soạn giả Viễn Châu hàng ngày vẫn ba buổi lên lầu 2, xuống tầng trệt để uống trà, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối đều đều. Cứ mỗi lần đến thăm tác giả bản “Tình anh bán chiếu”, tôi đều để ý đến dáng điệu ông lên xuống cây cầu thang hẹp và dốc này để “đoán” sức khỏe của ông.

Nhưng lần này tôi có “âm mưu” lên thư phòng của ông, ngồi chơi lâu và “điều tra” xuất xứ của “Tình anh bán chiếu”!

Phòng riêng của Soạn giả Viễn Châu có cửa sổ hậu thoáng mát. Xung quanh ông là sách vở, đĩa nhạc, trên tường treo một cây đàn tranh, bên cạnh ghế ngồi trong tầm tay với là chiếc đàn ghi-ta “mini”, đằng sau treo lẫn với quần áo là cây đàn ghi-ta… lớn.

Tôi bắt đầu vào chuyện: Tôi đã nhiều lần được nghe bản “Tình anh bán chiếu” ở nhiều nơi khác nhau, thường là người ta ngẫu hứng ca lên bên chén trà, ly rượu hay lúc hội họp đông người. Người ca đều là “nghệ sĩ” dân gian. Vậy mà họ thuộc làu bản vọng cổ này… Điều chi làm họ thuộc bài ca?

Soạn giả Viễn Châu sau khi nhả một làn khói thuốc đậm đặc, nói:

“Một bài vọng cổ phải có cốt truyện, phải có vai chính như trong một truyện ngắn. Bài hay trước nhất là ở cốt truyện.

Ông kể:

“Năm 1961, ông Giám đốc Hãng Đĩa Nhạc Hồng Hoa cho tôi biết Đệ Nhất Danh Ca Út Trà Ôn đã ký với hãng của ông một hợp đồng làm việc, vì vậy tôi phải sáng tác ngay một bản vọng cổ để Út Trà Ôn ca bản đầu tiên thâu đĩa hát! Ngay sau đó tôi có công chuyện đi Bạc Liêu, khi về ngang Ngã Bảy Phụng Hiệp tôi vô quán cà phê nghỉ chân, thấy một anh bán chiếu trẻ dáng quê mùa hiền lành đang ngồi dưới một mái hiên nhà nghỉ chân, tay cầm nón lá quạt quạt.

“Dưới sông ghe thuyền tấp nập, phía trong đồng lại có một đám cưới đang rước dâu trên đường… Thế là tôi nghĩ ra một chủ đề. Anh bán chiếu có một mối tình thầm kín với cô gái đặt mua chiếu, năm sau anh đem chiếu lên giao thì cô đã đi lấy chồng… Anh bán chiếu thất tình, thất vọng và nỗi buồn của anh dâng trào như con sông “lai láng muôn dòng”. Trên đường từ Ngã Bảy về tới Sài Gòn đêm đó, tôi đã soạn xong bản “Tình anh bán chiếu” trên xe!”

Nghe soạn giả Viễn Châu kể, tôi nghĩ đến 2.000 cốt truyện cho 2.000 bài vọng cổ và 60 cốt truyện cho các vở cải lương mà soạn giả Viễn Châu đã sáng tác trong suốt nửa thế kỷ qua để làm nên một tên tuổi trong giới sân khấu Ca Cổ Nam bộ mà thầm phục sức sáng tạo của ông già.

Nguồn : rfa.org

Audio : “Tình Anh Bán Chiếu” - Út Trà Ôn

" Tình Anh Bán Chiếu " - Kim Tử Long


***


Bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu"

Soạn giả Viễn Châu

Hò hơ… chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu, chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp. Hò hơ… tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm.

1) Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, tại sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào, cửa vườn cô đóng kín tự hôm nào. Tôi vác đôi chiếu bông từ bến ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau trước vắng tanh, gió lạnh chiều Ðông, bỗng có ai dạo lên mấy khúc nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm.

2) Cô đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước, có lẽ để điểm tô giữa chốn loan phòng, rồi hôm nay cô đành đoạn bỏ tôi để cất bước theo chồng. Cô ơi đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lác sợi gai. Rồi hôm nay cô đành đoạn bỏ nhà sang xứ khác, còn đôi chiếu bông này tôi biết tặng lại cho ai đây.

3) Nhớ năm trước khi ghe vừa đến vàm kinh Ngã Bảy, cô dắt tôi đến nhà để đo ni chiếc giường sơn gõ đỏ. Cô đặt làm đôi chiếu, cô hỏi qua giá cả, tôi trả lời lấy giá rẻ làm quen. Năm hôm sau khi tôi vừa sắp sửa lui ghe, cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Khi cô vừa quay gót, chiếc áo bông hường cũng vừa khuất dạng sau mấy hàng tre. Cô có biết đâu tôi đã lấy chiếc nón lá che đôi dòng lệ đang từ từ cuộn chảy, vì tôi không muốn bàng quang thiên hạ họ chê cười tôi là một kẻ si tình.

Nói lối:

Khi hỏi lại xóm giềng tôi mới biết, cô theo chồng đã được bốn trăng qua, mình dám đâu sai hẹn với người ta, họ đành đoạn bỏ nhà sang xứ khác.

4) Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không… hồn, ngọn gió Thu rơi theo gió lộng bên đường, gió Ðông sục sùi thổi lạnh, lạnh đất trời lạnh cả đến tim tôi.

Thơ:

Người ta đã có đôi rồi,

Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung.

Ðể mình vác cặp chiếu bông,

Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ.

5) Khuya đêm nay ngồi nhìn nước lớn mà nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, tôi thấy lòng tôi sao lạnh lẽo khôn cùng. Còn chi buồn hơn nghề bán chiếu, để tô điểm loan phòng cho những gái còn Xuân. Nhưng đến khi họ cất bước sang ngang không một lời hỏi han từ giã. Còn cho đến đôi chiếu bông, tôi ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã, mà nay vẫn còn nằm trơ ở dưới khoang thuyền.

6) Ngọn gió Ðông kia đừng thổi nữa, lòng tôi lạnh lắm gió Ðông ơi. Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trôi xuôi, lòng nặng trĩu một nỗi buồn tê tái, tôi ngồi yên sau lái, mắt vẫn hướng về nẻo cũ vườn xưa. Ôi con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngả, mà lệ tôi đây cũng lai láng muôn dòng. Có ai hiểu được nỗi lòng của tôi với cô gái mỹ miều bên kinh Ngã Bảy. Sông sâu bên lỡ bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai.




Trở lại Trang Chính