Nghe lại khúc Nghê thường trên Cung Quảng Hàn

Hoàng Lâm

Khúc Nghê thường là khúc nhạc trên tiên cảnh, đã bị thất truyền từ hơn nghìn năm về trước và mới được phục hồi gần đây…

“Khúc Nghê thường” còn có tên gọi đầy đủ là “Nghê thường vũ y khúc” hay “Nghê thường vũ y vũ”, gọi tắt là Nghê thường. Ở nước ta, “Khúc Nghê thường” được nhiều người biết đến qua tác phẩm “Thiên Thai” của nhạc sĩ Văn Cao.

Khúc nghê thường ở Việt Nam xuất hiện trong “Thiên Thai” qua khổ thơ:

“Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian.

Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần.

Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm.

Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn.”

(Nguồn ảnh: Shen Yun Performing Arts )

Đây có thể coi là khổ thơ hay nhất trong bài “Thiên Thai” của nhạc sĩ Văn Cao. Toàn bộ “thế giới quan” của tác phẩm đều hiển thị nơi bốn câu thơ này.

Lạc cảnh “hoa xuân chưa gặp bướm trần gian”, “Mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần” chắc chỉ có ở cõi Tiên, nơi mà không gian – thời gian chưa phân chia. Và “ Khúc nghê thường” được sử dụng trong bối cảnh đó.

Audio : Thiên Thai ( Văn Cao ) - Thái Thanh

Hành trình lên cung trăng và “Khúc nghê thường”

Nhà Đường là thời kỳ xán lạn nhất trong lịch sử văn hóa âm nhạc Trung Quốc. Nhà Đường thống trị quốc gia gần 300 năm, trong thời kỳ đó, tài lực, vật lực, nhân lực đều tập trung trong tay hoàng thất

Đường Huyền Tông (685 – 762 SCN) tuy không phải là con trai cả của Hoàng đế Duệ Tông, nhưng ông là người tài năng nhất.

Từ thời niên thiếu, Huyền Tông đã chứng kiến những biến động to lớn của triều đại. Vị hoàng tử trẻ tuổi trưởng thành từ hoàn cảnh đó, từ nhỏ đã nuôi chí chấn hưng xã tắc Đường triều. Đường Huyền Tông được vua cha nhường ngôi ở tuổi 27.

Vua Đường Huyền Tông và Trương Quả Lão

Ông là người tôn kính Đạo và thuận lẽ trời. Huyền Tông thường mời những vị đạo sĩ nổi tiếng đến cung điện của mình. Và ông đã trở thành bạn với một trong “Bát tiên” là Trương Quả Lão, người nổi tiếng với hình ảnh cưỡi lừa ngược.

Các vị đạo sĩ xưa luôn có đầy đủ công năng và đôi khi họ cũng biểu diễn khả năng của mình cho hoàng đế xem. Vua Huyền Tông đã được chứng kiến điều đó.

Vào năm đầu tiên sau khi lên ngôi, một vị đạo sĩ đã mời Huyền Tông tham quan cung trăng. Vị đạo sĩ già ném chiếc gậy lên cao, lập tức nó biến thành một cây cầu bạc khổng lồ hướng thẳng lên trời. Vị đạo sĩ và hoàng đế bước lên cây cầu, rời khỏi mặt đất.

Đi được một lúc, ánh sáng chói lòa từ mặt trăng làm họ lóa mắt. Khi đến gần, họ nhìn thấy một chiếc cổng lớn. Đấy là Quảng hàn cung mà vị đạo sĩ nói.

Quảng Hàn Cung (Nguồn ảnh: Shen Yun Performing Arts )

Các tiên nữ xinh đẹp đang nhảy múa ở bên trong cung điện. Một số cưỡi những chú chim trắng bay lượn, trong khi những người khác đang chơi nhạc cụ và nhảy múa.

Cùng lúc đó, chợt nghe tiên thanh từng trận, Đường Huyền Tông xưa nay am hiểu âm luật, vì thế ghi nhớ trong lòng. Đây đúng là “Khúc này chỉ trên trời mới có, nhân gian có thể mấy lần nghe!”

(Nguồn ảnh: Shen Yun Performing Arts )

Vua Huyền Tông hỏi vị đạo sĩ: “Trang phục các tiên nữ đang mặc gọi là gì?” Vị đạo sĩ trả lời: “Đó là vũ nhung phục, điệu múa họ đang biểu diễn gọi là Nghê thường vũ y khúc”.

Chuyến thăm ngắn ngủi phải kết thúc, vị đạo sĩ già và vua Huyền Tông trở lại mặt đất. Họ về đến sân của cung điện tại kinh đô Trường An. Ở đó, ánh trăng sáng vằng vặc và nhà vua dường như vẫn nghe thấy giai điệu ca múa của các tiên nữ.

(Nguồn ảnh: Shen Yun Performing Arts )

Ông muốn chép lại khúc nhạc đó để cho nhạc công diễn tấu cùng ca nữ múa. Ông dần dần hồi tưởng lại giấc mơ, rồi lần lượt chép lại vũ điệu, nhạc khúc, thậm chí có lúc thiết triều, Lý Long Cơ còn thủ sẵn một cây Địch bằng ngọc, vừa nghe các Đại thần bẩm tấu, vừa lén bịt lỗ Địch nhằm dò tìm âm điệu.

Rồi một lần tới trạm Tam Hương, Lý Long Cơ dõi nhìn ra núi Tiên Sơn xa xăm. Trước cảnh núi non điệp trùng, mây mờ che phủ, ông vua nổi tiếng phong lưu tài hoa nhất trong lịch sử quân vương Trung Hoa bỗng tức cảnh sinh tình, nhớ lại toàn bộ cảnh tượng trong mộng ngày trước.

Sau khi trở về, ông sáng tác Khúc Nghê thường với kết cấu của một Đại khúc sử dụng cho cung đình.

Nhạc công diễn tập nhạc khúc, lệnh ái phi Dương Ngọc Hoàn thiết kế phần vũ đạo. Kể từ đó, Khúc nghê thường chính thức ra đời và chuyên sử dụng trong các nghi thức quan trọng hoặc yến hưởng (tiệc tùng) diễn ra tại cung đình.

Cũng có điển cố viết rằng: Vua Đường Huyền Tông ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng vào ngày rằm tháng tám để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Đó cũng là tiền thân của ngày tết Trung thu hiện nay.

Hoàng Lâm (Tổng hợp)

Nguồn: Đại Kỷ Nguyên

Tài liệu : The Emperor’s Journey to the Moon – ShenYun

Lý Ngọc Cương 李玉刚 ] Nghê Thường Vũ Y Vũ



Trở lại Trang Chính