Về bài hát “Bông Hồng Cài Áo” và bài thơ “Mất Mẹ”

Hoài Hương tổng hợp

Audio :NGV.

Ở Việt Nam Nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan bắt đầu vào năm 1962, do thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyến khích. Trước năm 1962, trong một lần sang Nhật, đi nhà sách với bạn vào đúng Ngày của Mẹ (Mother’s day, ngày lễ truyền thống của nhiều nước Âu, Mỹ), thiền sư đã được một cô gái cài lên áo tràng một bông hoa trắng mà không rõ lý do. Hỏi ra thì thiền sư được biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài bông hoa đỏ, ai mất mẹ thì cài hoa trắng. Năm 1962, thiền sư đã viết một bài viết dài mang tên “Bông Hồng Cài Áo”. Chính bài viết và câu chuyện trên của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã là khởi điểm cho nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan và làm đề tài cho mọi tác phẩm cải lương, kịch nói, tân nhạc và cả thơ,ca,nhạc,họa về sau.

* Bông Hồng Cài Áo và Bông Hồng Cài Áo…Trắng

Rất nhiều người thuộc lòng bài hát "Bông Hồng Cài Áo" mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết vào năm 1967 dựa theo lời văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh với những câu chữ quen thuộc: “Một bông hồng cho anh. Một bông hồng cho em. Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ….”.

Vậy nhưng vẫn còn một bài hát “Bông Hồng Cài Áo” khác ra đời trước cả bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, đó là bài “Bông Hồng Cài Áo” của Phượng Linh một bút danh khác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (tác giả các ca khúc nổi tiếng Sắc hoa mầu nhớ, Nhớ một chiều xuân, Về mái nhà xưa...) viết riêng cho vở cải lương “Bông Hồng Cài Áo” của soạn giả Hoàng Khâm do đoàn cải lương Thanh Minh trình diễn.

Tuy không được biết tới nhiều như bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ song “Bông Hồng Cài Áo” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng là bài hát nổi tiếng mà sau này có nhiều người gọi tên thành “Bông Hồng Cài Áo Trắng” để phân biệt với bài “Bông Hồng Cài Áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

* Bài thơ “ Mất Mẹ “

Về mặt văn và thơ thì trong bài văn ngắn “Bông Hồng Cài Áo” thầy Nhất Hạnh đã viết tại Medford vào năm 1962, người đọc thấy có 12 câu thơ mà thầy đã trích dẩn từ bài thơ “Mất Mẹ” để dẩn chứng tình mẹ con, bài thơ này có một vài khác biệt nhỏ so với bài thơ gốc, vì bài thơ không ghi tên của tác giả nên rất nhiều người đã nghĩ rằng bài thơ này là do chính thầy Nhất Hạnh đã sáng tác.

Nhưng trong một bài viết nhan đề “ Về tác giả của bài thơ "Mất Mẹ " trong truyện “Bông Hồng Cài Áo” của thiền sư Nhất Hạnh, GS.Nguyễn Vĩnh Thượng đã cho biết :

“Thật ra thì thầy Nhất Hạnh đã viết: “Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị” có nghĩa là Thầy không phải là tác giả của bài thơ này, có lẽ nhiều người không để ý đến câu viết này:

“Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu... sợ sệt, lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến:

“Năm xưa tôi còn nhỏ

mẹ tôi đã qua đời!

lần đầu tiên tôi hiểu

thân phận trẻ mồ côi.

***

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

để dòng nước mắt chảy

là bớt khổ đi rồi...

***

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

mất cả một bầu trời.”

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi”.

(Nhất Hạnh, Bông Hồng Cài Áo)

Tác giả bài thơ Mất Mẹ là thi sĩ Xuân Tâm (1916 – 2012). Đây là một bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, tức là mỗi khổ có 4 câu, mỗi câu có 5 chữ, gồm có 6 khổ như sau:

Mất Mẹ

Năm xưa tôi còn bé

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi

***

Quanh tôi ai cũng khóc

Yên lặng tôi sầu thôi

Mặc dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi

***

Độ nhỏ tôi không tin

Người thân yêu sẽ mất

Hôm ấy tôi sững sờ

Và nghi ngờ trời đất

***

Từ nay tôi hết thấy

Trên trán Mẹ hôn con

Những khi tôi phải đòn

Đau lòng Mẹ la dạy

***

Kìa nhà ai bên cạnh

Mẹ con vỗ về nhau

Tìm Mẹ tôi không thấy

Lúc buồn biết trốn đâu

***

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông Chùa nhẹ rơi rơi

Tôi biết tôi mất Mẹ

Là mất cả bầu trời.

Xuân Tâm

Bài thơ này được chọn làm bài ám đọc trong giờ học môn Quốc văn ở lớp tiểu học của thế hệ thập niên 1940, 1950. Tương tự đoạn văn ngắn “ Tôi đi học” được trích từ tập truyện ngắn Quê Mẹ của Thanh Tịnh (1911 – 1988) do nxb Đời Nay xuất bản ở Hà Nội vào năm 1941, được chọn làm bài giảng văn cho học sinh trung học thế hệ 1950, 60, đầu 1970 ở miền Nam Việt Nam, rất nhiều học sinh trung học đã thuộc lòng đoạn văn này. Cũng tương tự đoạn văn ngắn La rentreé des classes (Ngày tựu trường) được trích từ quyển tự truyện Le Livre de mon ami (Cuốn sách của bạn tôi) của nhà văn Pháp Anatole France (1844 – 1924), được xuất bản vào năm 1885 ở Pháp, đã được đưa vào môn Pháp văn cho học sinh trung tiểu học thế hệ 1940, 50, 60 và đầu 1970 ở miền Nam Việt Nam.

Bài thơ Mất Mẹ được trích từ tập thơ “Lời Tim Non” của Xuân Tâm, được xuất bản vào năm 1941 tại Hà Nội, gồm các bài thơ được sáng tác từ năm 1935 (lúc ấy Xuân Tâm được 19 tuổi) đến năm 1941.

Xuân Tâm là bút hiệu của Phan Hạp. Ông sanh năm 1916 tại tỉnh Quảng Nam. Ông là một trong các thi sĩ của phong trào thơ mới vào thời tiền chiến. Trong quyển “Thi Nhân Việt Nam (1932 – 1941)“ của Hoài Thanh và Hoài Chân, xuất bản tại Hà Nội vào tháng 10 năm 1941, đã giới thiệu Xuân Tâm trong phong trào thơ mới.

Ông đã qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2012 tại Hà Nội, hưởng thọ được 97 tuổi.

Audio :

Bông Hồng Cài Áo - Phạm Thế Mỹ

* Bông Hồng Cài Áo Ánh Tuyết

* Bông Hồng Cài Áo Bằng Kiều

* Bông Hồng Cài Áo Đan Trường

* Bông Hồng Cài Áo Duy Khánh

* Bông Hồng Cài Áo Giao Linh

* Bông Hồng Cài Áo Hạ Vy

* Bông Hồng Cài Áo Khánh Ly

* Bông Hồng Cài Áo Mạnh Quỳnh

* Bông Hồng Cài Áo Phương Dung

* Bông Hồng Cài Áo Quang Linh

* Bông Hồng Cài Áo Thái Châu

* Bông Hồng Cài Áo Thanh Tuyền

* Bông Hồng Cài Áo Thùy Trang

* Bông Hồng Cài Áo Tuấn Ngọc


Bông Hồng Cài Áo - Nguyễn Văn Đông

* Bông Hồng Cài Áo Giao Linh

* Bông Hồng Cài Áo Mỹ Tâm

* Bông Hồng Cài Áo Tâm Hảo

* Bông Hồng Cài Áo Thanh Lan



Trở lại Trang Chính