Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam

1955-1975 ( Phần 2 )

Bài : Thế Uyên

Duy Vũ sưu tầm

Vài lời của Vườn : Bài ” Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 ” của tác giả Thế Uyên viết về 4 nhà văn nữ nổi tiếng ở miền Nam, các nữ văn sĩ Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương và Nguyễn Thị Hoàng là một bài viết rất xúc tích và khá dài . Để cho phù hợp với dung lượng của một bài đăng trên trang web, và cũng để cho bạn đọc có thể thong thả đọc và chiêm nghiệm về văn vẻ và ý tình của từng nữ văn sĩ, đã được tác giả Thế Uyên trình bầy trong bài viết dài này, nên Vườn xin được chia bài viết của tác giả thành 2 phần mỗi phần sẽ gồm 2 bài về 2 nhà văn nữ, và sẽ đăng làm 2 kỳ liên tiếp . Dưới đây là phần thứ hai bài viết về nữ văn sĩ Trùng Dương và Nguyễn thị Hoàng .

Vườn CVA 5461

Bài 3 : Trùng Dương

Trùng Dương qua nét bút của họa sĩ Chóe

Một vài nhà biên khảo về văn học miền Nam thời kỳ 1954-1975 thường nói tới ảnh hưởng của triết thuyết hiện sinh của Pháp đối với Việt Nam. Những nhận xét kiểu như vậy chỉ đúng cho một số nhỏ giáo chức và linh mục thường tốt nghiệp các đại học bên Pháp, Bỉ... Triết thuyết hiện sinh và các phụ tùng của nó thực ra chưa rời khỏi các sách vở biên khảo, dịch thuật và giảng đường các đại học. Cái mà ảnh hưởng tới, vào các nhà văn Việt thời kỳ đó, là các tác phẩm văn chương, nhiều hay ít chất hiện sinh, của các tác giả Pháp, hoặc được dịch hoặc được đọc nguyên tác Pháp ngữ (ảnh hưởng nói chung của Mỹ còn xa lắm, tít bên kia biển Thái Bình). Khi trường phái Tiểu Thuyết Mới ra đời ở Paris, cũng chỉ ảnh hưởng tới một vài nhà văn có nhiều năm học nơi trường trung học Pháp ở Đà lạt, Sàigòn, ban Triết của Đại học Công giáo Đà lạt, và các tác phẩm của các vị này ít được quần chúng thưởng ngoạn, vì các khoản hấp dẫn của tiểu thuyết thông thường lại không có.

Nhà văn Pháp có nhiều ảnh hưởng tới lớp trẻ và một vài nhà văn Việt Nam, là một nhà văn nữ trẻ tuổi của Pháp (trẻ với hồi ấy, sau cũng lên lão như tài tử sexy Brigitte Bardot và nay vừa qua đời), đó là Francoise Sagan. Những tác phẩm của cô (gọi là cô vì hồi đó trẻ lắm, mới hơn hai mươi) được đọc nguyên tác hay chuyển ngữ: Bonjour tristesse (Buồn ơi, chào mi), Dans un mois dans un an (Trong một tháng trong một năm), Un peu de soleil dans l’eau (Một chút mặt trời trong nước)... Giới trẻ Việt Nam trình độ tú tài và đại học hâm mộ Sagan qua văn chương đã đành mà còn say sưa thưởng thức qua điện ảnh Pháp, trong đó những nhân vật nữ của Sagan được đóng bởi các tài tử trẻ xinh đẹp và dễ thương. Một số độc giả và khán giả khó tính có chê bai thái độ sống buông thả trong tình yêu, khiêu vũ và rượu, biển và tình dục của các nhân vật ấy, nhưng không thể ghét được: ghét làm sao được những thứ tuổi trẻ nõn nà, những thứ thường được gọi là thực phẩm tươi đẹp ngon lành của trần gian này. Chung cục của các tác phẩm của Francoise Sagan hay buồn, không phải là cái buồn não nề, đau lòng, mà là thứ buồn khi nhìn lá vàng rụng vào mùa thu, nỗi buồn khi ngồi trên đá tảng nghe sóng vô tận trên đá. Cứ như thế từ ngàn năm, trong khi đời mình và tuổi trẻ thật phù du: chưa chi những cái gọi chung là thực phẩm ngon lành của trần gian, cái quyến rũ của thân xác phàm tục, cái trái ương chưa cắn vào đã thấy ghê răng, các trái chín mọng làm mềm môi ngọt miệng... đã rời xa khỏi tầm tay với.

Các tác phẩm làm Trùng Dương nổi tiếng một thời nằm trong dòng văn chương ảnh hưởng văn hóa Pháp, văn chương Francoise Sagan nói chung, với một chút triết lý hiện sinh. Francoise Sagan và các nhân vật của bà thường buồn chán, tiếng Pháp là l’ennui, tiếng Anh là boring, nhưng không triết lý xa gần. Còn các nhân vật nữ của Trùng Dương uống rượu ít hơn, và lúc nào cũng lý luận, tìm hiểu mọi sự ở đời. Dĩ nhiên ở vị trí một cô gái con nhà khá giả, không phải lao động mới có ăn và tiền học, miêu tả đại khái như trong tác phẩm "Vừa đi vừa ngước nhìn" của Trùng Dương:

"Tôi còn được bố mẹ cho ăn nhờ ngày hai bữa cơm, cho ngủ nhờ và không ngớt chê bai tôi là vô dụng vì tôi chê bai cả chính tôi vì chính tôi chả là cái gì cả. Tôi thiếu một chỗ đứng, không có một chỗ đứng. Biết vậy nhưng vẫn phải sống. Biết vậy, nhưng không thể chết. Để cứ mãi chán ngán, buồn nản... Tôi không hiểu tại sao, bỗng dưng tôi lại tách rời ra khỏi lứa tuổi của tôi để bây giờ muốn trở lại nhưng không tìm thấy đường vào... cảm thấy mình trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ xíu giữa biển sóng lớn nước mênh mông. Ở giữa đảo là một cái cây trụi lá..."

Đọc những đoạn văn trên, thấy phảng phất đâu đây không những không khí Francoise Sagan mà còn của cả anh chàng Roquentin ngồi nhìn cái rễ cây trong công viên, thấy mình là thừa mứa đến buồn nôn lên được, trong một tác phẩm nổi danh một thời của Jean Paul Sartre. Nhưng là đàn bà, nhân vật của Trùng Dương không thèm để ý đến cái rễ cây hòn đá vô duyên, mà lao vào tình dục, một địa hạt đảm bảo là đỡ chán hơn, coi làm tình như một cách thế "để xác nhận mình đang sống, đang tồn tại".

Một triết gia Pháp đã nói một câu để đời: "Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu", bây giờ Trùng Dương sửa lại cho hấp dẫn hơn, đại khái: "Tôi làm tình, vậy tôi hiện hữu". Nhân vật "tôi" của Trùng Dương còn tiến hơn một nấc nữa, bằng cách tách rời tình yêu với tình dục, love đi một đằng sex đi một nẻo, điều mà ở đàn ông mới thường thường hay có (đi chơi gái điếm, là do nhu cầu về sex, không phải tình yêu), còn đàn bà, thường phải có tình yêu, cảm tình trước đã, rồi làm tình sau. Nhân vật nữ của Trùng Dương có thể làm tình đã, còn có yêu hay không tính sau, như đàn ông vậy:

"Từ trước, tôi vẫn nghĩ rằng mình ghê tởm vấn đề sinh lý. Nhưng lầu đầu tiên tôi thấy mình thèm muốn thực sự. Tôi ngạc nhiên về sự thèm muốn ấy, nhất là tôi lại không thèm muốn anh, một người đàn ông, và là một người đàn ông tôi không yêu... Trong lúc cô độc, người ta thường khao khát, đôi khi cũng không ý thức là mình khao khát, thèm muốn nữa. Đêm thứ hai nằm với anh, tôi nhận là mình cảm thấy thèm muốn. Sao không chứ? Anh đã thỏa mãn tôi... Sự thực đối với tôi, sự việc ấy khá tự nhiên. Tôi ít gần đàn ông, nhưng tôi yêu con người nên tôi yêu những gì gọi là tự nhiên của con người, như những đòi hỏi của nó chẳng hạn... Nhưng anh ạ, tại sao chúng ta phải hổ thẹn khi đề cập tới việc ấy chớ? Tôi cho rằng phần lớn chúng ta đã bị thành kiến nhiễm độc rồi. Thật ra việc yêu đương đâu phải là một tội lỗi. Tôi cho rằng chỉ có những người biết yêu con người, như những nhà văn yêu thương và nâng niu những nhân vật của mình mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc thụ hưởng này... Tôi đã trao thân cho anh và ý thức việc làm của mình. Tôi không hối hận, không xấu hổ về việc làm ấy..."

(Mưa không ướt đất)

Suy nghĩ như thế, vào thập niên 60 của thế kỷ 20 ở Việt Nam, đúng là một thứ cách mạng nhỏ rồi, nhưng phù hợp với giới trẻ thời nội chiến đang diễn ra dữ dội. Trai ra trận mạc, gái nằm nhà Đêm nghe tiếng đại bác (Nhã Ca). Một lần chia tay, ở cổng nhà hay quán cà phê, là một lần tự hỏi không biết còn có thể trông thấy nhau lần nữa, nên trai gái thế hệ thời chiến đã yêu, là yêu bằng cả tinh thần lẫn thể xác. Càng sớm càng tốt, chưa cưới hỏi cũng không sao. Người nữ không cần phải triết lý dài dòng như nhân vật của Trùng Dương, cũng trao thân dễ dàng cho người yêu. Bởi thế các đám cưới thời chiến, nhiều cô dâu thản nhiên và sung sướng mang bầu ba bốn tháng dự đám cưới của chính mình. Không cần biết số đào hoa của mình có ngộ sao Thai không nữa, cứ thản nhiên tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng (Ca dao).

Nếu giới Công giáo bảo thủ (ở đâu thời nào chẳng bảo thủ, không ít thì nhiều) với quan niệm tội tổ tông, tội lỗi xác thịt, các ông đồ còn sót lại từ thời trước (hơi đông), các cán bộ Cộng sản theo thanh giáo XHCN... trước và sau 1975, thường kết tội Trùng Dương là thứ phó sản dư thừa của chủ nghĩa hiện sinh Tây phương, là phổ biến reo rắc tư tưởng đồi trụy, không còn làm chúng ta bây giờ ngạc nhiên. Nếu có điều để ngạc nhiên là những người kết án Trùng Dương, đã không chịu nói rõ là sự kết án của mình nhằm các tư tưởng, những tư duy, những thái độ tà đạo... của tác giả, hay là những hành động, miêu tả thuộc địa hạt tình dục thông thường. Bởi vì tương tự Francoise Sagan, văn Trùng Dương không có miêu tả nào hấp dẫn cả, hơn nữa làm đàn bà mà vừa làm tình vừa triết lý này nọ, khó hấp dẫn ai... Bởi thế các tác phẩm của Trùng Dương không được đông đảo quần chúng thưởng ngoạn, như Túy Hồng, Thụy Vũ... Đọc văn bà, hơi mệt! Nhà biên khảo Uyên Thao trước 1975 đã có lý khi kết luận về bà: "Nhưng cũng chính qua những tác phẩm đó, Trùng Dương còn cho thấy sự hiện diện trong làng văn một con chim rừng đang ghé trên bãi cát. Không có gì bảo đảm con chim đó đậu lại, dù cho tới nay, cũng chưa có dấu hiệu nào xác nhận con chim đó sẽ bay đi... Tuy nhiên có một điều chắc chắn là trong cả hai trường hợp trên, dấu chân chim vẫn đã có và sẽ còn được lưu ý".

Nhà biên khảo Uyên Thao quả thực đã có khả năng tiên tri: sang thập niên 70, Trùng Dương thôi làm nhà văn, chuyển sang làm báo và cứ thế làm báo tiếp khi sang định cư ở vùng bờ biển phía tây Hoa Kỳ. Văn chương, đối với Trùng Dương, chỉ là một cái gì đó để xác định mình là mình, khi mình còn trẻ.

Nói đến "bốn nữ tặc" của một thời đã qua, tính tới Trùng Dương mới là người thứ ba, vậy ai là người thứ tư? Người thì cho là Nhã Ca, tuy tác giả này viết khá hay và viết nhiều, nhưng bút pháp cổ điển, đôi khi phảng phất Tự lực Văn Đoàn, không phá phách, hùng hổ, không thể là nữ tặc, dù nữ tặc trong văn chương. Cũng có người cho là Lệ Hằng, nhưng nhà văn này xuất hiện chậm và lối viết ngay thẳng, cổ điển, có đụng chạm luân lý nhưng đụng nhẹ như một cô gái mới lớn, mới ra khỏi tuổi hồng tuổi ô mai... Vậy nếu không lầm, bậc nữ tặc thứ tư có lẽ chỉ là Nguyễn Thị Hoàng, cũng là con gái xứ Huế như Túy Hồng và cũng là một cô giáo.

Bài 4 : Nguyễn Thị Hoàng

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về qua nét bút của họa sĩ Chóe

Cô giáo Trâm, nhân vật chính của Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, đã theo học đại học nhiều năm ở Sàigòn trước khi lên Đà lạt dạy một trường trung học nam. Cô thuê một căn nhà quá lớn để chỉ ở một mình, trong một khung cảnh:

"Trong những chiều hiu quạnh như chiều hôm nay, chỉ còn có mình Trâm đối diện với chính mình, với niềm cô độc, xót xa giữa tòa nhà hai tầng vắng lạnh. Như chiều hôm qua, chiều hôm kia, bao nhiêu buổi hoàng hôn yên lặng đi qua, Trâm lại thấy cần một cái gì phá tan thế giới im lìm này... Những ngày còn đi học, mỗi khi nhìn mặt biển nối tiếp chân trời, Trâm cũng đã khao khát phiêu du... khước từ những năm tháng đều đặn, nếp sống lầm lì, công thức sáo hủ của cuộc đời".

Với một tâm trạng như thế, cô giáo Trâm không chịu chọn giải pháp đời thường là cho mấy cô sinh viên hoặc nữ sinh thuê lại phía dưới, vì như thế là rơi vào "công thức sáo hủ của cuộc đời". Cô quyết định cho một nam sinh tên Minh ở phần dưới nhà:

"Vô tình, Trâm đã chỉ cho Minh kê giường trong phòng nó song song và ở ngay dưới giường mình. Vô tình Trâm nhận ra điều đó, sự song song của hai chiếc giường qua một không gian đồng lõa, như hai mặt phẳng số kiếp cùng ở trên một bình diện cuộc đời. Và trong đáy im lìm tiềm thức bỗng mơ hồ vang lên một âm thanh bỡ ngỡ. Một tiếng gọi. Một lời nhắc nhở: Trâm là đàn bà, và người mới tới dù sao cũng là đàn ông. Hai cực Bắc Nam của hai thanh nam châm tiến dần vào một môi trường nguy hiểm là tòa lầu hoang vắng, là tâm hồn sa mạc, là trái tim tha ma của người đàn bà đã từ lâu đơn chiếc..."

Khi hiện tượng mà sáo ngữ gọi là "tiếng sét ái tình" bùng ra giữa một đàn ông và một đàn bà, cả Phật lẫn Chúa cũng không còn nghĩa lý, chứ đừng nói luật lệ nhà trường, dư luận và chênh lệch tuổi tác. Vậy đôi trẻ bèn đi một đường yêu nhau, không phải chỉ yêu "trong tinh thần trong lý tưởng" như Loan và Dũng của Nhất Linh, Ngọc và Lan của Khái Hưng, hay như chàng Bắc kỳ lái xe tải bên đông dãy núi, nàng đi dân công phía tây dãy núi, cùng nhớ nhau và cùng chẳng thấy nhau, của Phạm Tiến Duật thời bao cấp ngoài Bắc... Chàng học trò và nàng cô giáo của Nguyễn Thị Hoàng yêu nhau như thế này:

"Trong mê sảng, Trâm có cảm giác như có một đôi môi nóng bỏng nào chồm lên mái tóc mình xõa dài sông đêm trên mặt gối. Bàn tay Trâm chới với níu lấy tóc mình. Nhưng bàn tay Minh như vòi mực biển khổng lồ đã quấn chặt tay nàng, dìm xuống, dìm xuống đáy nước cảm giác sôi trào ùa ngập, cho khuôn mặt mình phủ lên trên như một phiến san hô nóng ấm. Những ngón tay Trâm bất động thiếp mê một phút trong tay Minh rồi trở mình xoay nhẹ, xoay như tiếng trục đối chiếu của một bánh xe hốt hoảng đuổi theo cái bóng lờ mờ thoát hiện lên ở một ngã ba đời huyền hoặc... Trục bánh xe im tiếng, chợt đứng. Và những ngón tay Trâm quật lên, xoắn lấy những ngón tay Minh siết nhẹ. Siết đau. Rồi siết chặt... Và cuối cùng mười ngón tay buông nhau. Một dòng cảm xúc không tên ào ào ngập lụt trong lòng và Trâm nghe như lưỡi dao bén ngọt nào vừa rạch suốt chiều dài thân thể. Cơn mê sảng đầu tiên kéo dài suốt đêm...".

Chỉ có vậy thôi, nhiều chữ nghĩa bóng bẩy, còn về thực chất, cụ thể, đâu có gì là quá mặn, quá sexy. Nếu cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng đã gây ồn ào dư luận một thời, nguyên nhân nằm ở chỗ khác, là vấn đề đạo lý. Như tên cuốn sách đã chỉ rõ, vấn đề là vòng tay học trò...

Mỗi xã hội, mỗi thời có những thứ cấm kỵ, taboos, về vấn đề sex, tính dục tình dục của mình. Thời cô Scarlett O’Hara của Nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ, tương tự các xã hội châu Á, không hạn chế tuổi tác nam nữ trong việc làm tình và cưới hỏi. Cô Scarlett lấy chồng năm 16 tuổi, mẹ cô còn lấy chồng sớm hơn: 15 tuổi. Bây giờ ở Mỹ mà như thế, cả cô dâu chú rể và hai họ bị còng tay ra toà hết, ít nhất cũng vì tội child abuse, nếu không phải là tội nặng hơn là hiếp dâm và tòng phạm hiếp dâm. Như vậy ngay ở Mỹ, những tội lỗi liên quan tới sex, giao hợp... thay đổi tùy theo cả không gian lẫn thời gian. Nhất là theo thời gian: ngày người viết mới tới định cư ở nước Mỹ, năm 1987, gay còn là một thứ khinh tội, ai ở lính mà đồng tính luyến ái, dù là nữ với nữ, sẽ bị sa thải ngay lập tức. Còn bây giờ Quân đội áp dụng chính sách Don’t ask, don’t tell (không hỏi tới, nhưng cũng đừng nói ra), một thứ truyền thống vẫn có từ lâu tại các xã hội Đông Á, như Tàu, Việt, Nhật... Hơn thế nữa, trong xã hội dân sự ở San Francisco và tiểu bang Massachusetts... lúc bài văn này đang được viết, đã chính thức cho những cặp nam-nam, nữ-nữ chính thức làm hôn thú với nhau...

Nhưng có một thứ, một sự cố Á châu, Âu châu và Mỹ thời nào cũng kết án, cấm cản ít hay nhiều, đó là, như Nguyễn Thị Hoàng đã đặt cho tên tác phẩm của mình, "vòng tay học trò". Do hiện tượng gọi là double standard (con trai làm thì được, con gái thì không), dư luận tương đối khoan dung, cho thầy yêu và lấy học trò, còn cô giáo mà yêu học trò, nhất định không được là không được. Cách đây nhiều thập niên ở Pháp, một bà giáo sư yêu một sinh viên học trò, và dù rằng tình yêu này không có gì trái luật pháp (cả hai đã trưởng thành), nhưng xã hội tỉnh nhỏ Pháp khắt khe ồn ào quá, đâu phóng khoáng như Paris, làm bà giáo sau cùng phải tự tử. Còn ở tiểu bang WA miền tây bắc Hoa Kỳ, gần đây thôi, một bà giáo da trắng đã có chồng con nhưng li dị, không hiểu sao lại đi yêu cậu học trò da nhuôm nhuôm dưới 15 tuổi và có con với "chàng". Mặc dù bà mẹ của chàng nhóc tì sẵn sàng nhận con dâu cô giáo và cháu, chính quyền địa phương vẫn tống giam bà giáo và tòa án xử tới 7 năm tù về tội "cưỡng hiếp trai dưới 15" (nếu cậu này cũng da trắng, chắc bà không bị phạt nặng như thế).

Nhưng thôi, dù trắng hay đen hay nhuôm nhuôm, dư luận nói chung chê bản án là quá nặng nên sau khi bị giam một thời gian, bà giáo được cho về quản chế tại địa phương, với điều kiện không được nối lại tình xưa. Nhưng làm sao cấm được tình yêu, cố nhân Đông Tây đều đã phán vậy, nên cô giáo tìm lại "vòng tay học trò", và lại có bầu lần nữa. Cô giáo lại bị bắt giam và phải tiếp tục thi hành bản án đã có. Dù người khen người chê, cũng đều thán phục: Yêu như thế mới gọi là Yêu chứ...

Đối với dân Á châu theo phụ hệ kiểu xưa cũ, luật lệ không qui định phạt nữ nhân về tội chọc trai, xách nhiễu tình dục đàn ông, hiếp dâm đàn ông, nên có thể ngạc nhiên về bản án quá nặng chỉ vì "vòng tay học trò" trên. Đâu có biết, do đòi hỏi của phong trào nữ quyền, Hành pháp và Tư pháp Mỹ đã cho đàn bà bình đẳng tuyệt đối luôn, không ke gì đến sự khác biệt giới tính nữa. Nữ được lái máy bay đủ loại, kể cả khu trục cơ và phi thuyền không gian, được phục vụ dưới các chiến hạm và ra trận như đàn ông, và cũng dĩ nhiên, phải coi chừng chàng trai đi chơi tối với mình, xem đã đủ 18 hoặc 21 chưa, không thì đi tù như không.

Một trung úy trẻ đẹp chưa chồng lái B.52 chở bom nguyên tử, đã bị cho giải ngũ vì "tội ngoại tình", lý do vì yêu lầm một chàng đã có vợ... Làm dân Mỹ gốc Á châu ngẩn ngơ thấy gái Mỹ chưa chồng vẫn bị phạt hành chánh về tội ngoại tình...

Cô giáo tên Trâm yêu và làm tình với trò Minh vị thành niên tại Đà lạt, Việt Nam, Á châu xa xôi, thật may mắn cho cô. Dư luận trong tỉnh có đồn đại ầm ĩ, cấp trên trong ngành Giáo dục chỉ nhẹ nhàng thuyên chuyển cô về Sàigòn, cho mối tình từ từ tiêu tan. Quả thực đúng như vậy, mối tình với cô giáo chỉ là mối tình đầu của trò Minh. Lớn thêm, chàng theo đuổi những người đàn bà khác... Trong cuốn Thần Điều Đại Hiệp của Kim Dung, học trò Dương Quá và sư phụ Tiểu Long Nữ yêu nhau làm ồn cả giới võ lâm lên. Mọi người nhăn nhó chê bai, nhưng không có biện pháp chế tài nào đối với đôi trẻ, ngoại trừ sự khuyên can, cách ly. Chàng và nàng thấy dư luận ồn quá khó chịu, trò Dương Quá bèn mang thầy Tiểu Long Nữ đi tuyệt tích giang hồ, tìm sơn cùng thủy tận mà yêu nhau cho khoẻ.

Có thể tạm kết luận về phương diện tình yêu và tình dục, miền Đông Á có những cách xử trí dễ thương, cận nhân tình và có tinh thần nhân bản hơn miền đất Mỹ có những ông bà thanh giáo khó ơi là khó... Nói theo kiểu nhà văn Lâm Ngữ Đường, là "bất cận nhân tình". Dù là nhân tình da trắng da đen da nhuôm nhuôm hay da vàng.

Thế Uyên


Trở lại Trang Chính