Phật Đản và niềm tin

Tịnh Đức

Hằng năm, cứ mỗi lần Phật đản về, tôi lại hay nhớ đến những mùa Phật đản ở quê nhà. Đó cũng là cái bệnh "Nhớ" của tôi. Dù tôi cũng biết rằng, những gì đã qua không nên gợi lại. Tuy nhiên, tôi cũng có nghe một Thầy giảng, nếu mình nhớ quá khứ để mà luyến tiếc hay để buồn vui với cái quá khứ đó, thì không nên. Còn nếu mình đem cái quá khứ đó để làm một bài học cho hiện tại, thì điều đó không có gì là sai trái. Tôi luôn áp dụng điều nầy. Nhớ để có thêm bài học kinh nghiệm và cũng để soi sáng cho việc làm hiện tại.

Nhớ lại, biết bao mùa Phật đản đã qua mà tôi đã có dịp tham dự. Lúc nhỏ, tôi thường theo mẹ tôi đến chùa dự lễ. Hồi đó, tôi chỉ biết dâng lời mẹ dạy thắp hương lạy Phật, mẹ bảo sao thì làm theo như vậy. Tuyệt nhiên, tôi không hiểu biết gì về Phật đản hết. Thậm chí, tôi thấy tượng Phật sơ sanh nhỏ đứng trên bàn, tôi còn cười và nói với mấy đứa bạn, tụi bây biết không ông Phật nhỏ nầy là ông Phật con. Còn ông Phật to lớn ngồi cao trên kia, đó là ông Phật cha. Với tuổi đời còn non dại khờ khạo thì làm sao tôi hiểu biết được. Vả lại, ở quê tôi, thời đó ít có được nghe thầy giảng pháp. Chỉ có những ngày đại lễ đặc biệt như lễ khánh thành chùa thì mới có thỉnh giảng sư ở nơi khác đến thuyết pháp mà thôi. Còn lại, những ngày đại lễ thường trong năm thì thầy trụ trì chỉ hướng dẫn Phật tử tụng kinh bái sám dâng hương cúng Phật, thế thôi.

Hơn nữa, đời sống của người dân quê, quanh năm suốt tháng họ lam lũ với những công việc đồng áng cực khổ mệt nhọc, thì thử hỏi làm sao họ có nhiều thời giờ rảnh rỗi để đến chùa nghe pháp học hỏi? Phần lớn, họ đi chùa là noi theo truyền thống cổ lệ của ông bà cha mẹ. Xưa ông bà cha mẹ đi thế nào thì nay họ bắt chước làm theo thế ấy. Một năm, họ chỉ đi chùa vào những dịp đại lễ như: Rằm tháng giêng ( thượng ngươn ) rằm tháng tư ( Phật Đản ) rằm tháng bảy ( Vu Lan ) rằm tháng mười ( hạ ngươn ) và Tết Nguyên Đán. Thêm nữa là ngày mùng 8 tháng giêng cúng sao hội. Đó là lệ thường đi chùa của họ.

Đến chùa họ chỉ biết thắp nhang cúng bái cầu khẩn van xin Phật, Bồ tát gia hộ cho họ và gia đình của họ luôn được bình an khỏe mạnh. Ngoài ra, họ không hiểu gì về những lễ nghi phép tắc thông thường của Phật giáo. Có người đi chùa cả đời mà họ cũng không hiểu Tam quy, Tam bảo là gì. Phần nhiều tới chùa họ chỉ biết làm công quả hoặc cúng bái. Đối với họ như thế cũng là đủ lắm rồi. Xin đừng đòi hỏi họ làm gì hơn nữa. Đối với họ đi chùa là để cầu phước hoặc để van xin theo ý muốn của họ. Nếu van xin mà đáp ứng theo sở cầu, sở nguyện của họ, thì Phật, Bồ tát đó linh thiêng. Ngược lại, thì họ cho là Phật, Bồ tát của ngôi chùa đó không linh. Nếu không linh, thì họ lại đi tìm cầu van xin ở nơi chùa khác hay bất cứ ở nơi đâu. Cứ thế mà họ đi hết nơi nầy đến nơi khác để khẩn cầu van xin lạy lục cho được. Thậm chí có người còn lạy Phật cầu Phật cho họ đánh trúng số đề. Đó tâm trạng và trình độ của họ đi chùa là như thế.

Điều nầy, ngẫm kỹ lại chúng ta cũng không nên vội trách họ. Bởi vì một phần, do hoàn cảnh sống eo hẹp vất vả lam lũ cực khổ, phần khác, thì trình độ học hỏi kiến thức của họ cũng không có được bao nhiêu. Vả lại, khi họ tới chùa, Tăng, Ni vì bận lu bu công việc cũng không có rảnh rỗi để dạy họ về những lễ nghi cung cách của một người Phật tử, và những giáo lý căn bản thiết yếu cần hiểu của Phật giáo. Phần lớn, họ chỉ biết công quả giúp cho chùa làm những công việc lặt vặt để có thêm chút phước đức thế là đủ lắm rồi.

Còn nói Phật ra đời như thế nầy, hay giáo lý Phật cao siêu như thế kia, đối với họ thì thật là mù tịt xa vời. Vì không hiểu Phật pháp, nhất là giáo lý nhân quả, do đó, nên niềm tin của họ rất là cạn cợt và dễ bị lung lay. Từ đó, họ đâm ra mê tín, tin tưởng tạp nhạp đủ thứ và họ trở thành con mồi ngon cho những tay phù thủy lợi dụng niềm tin của họ để moi tiền thủ lợi. Tệ hơn nữa là dẫn họ đi vào con đường tà đạo mê tín dị đoan. Thật là đáng thương xót tội nghiệp biết bao!

Riêng tôi, như đã nói ở trên, cũng nhờ có chút ít duyên lành, nên từ thuở nhỏ tôi cũng đã có dịp tới lui chùa chiền và biết được chút ít Phật pháp, nhưng biết theo kiểu của một đứa con nít miệng còn hôi sữa thôi. Chỉ biết theo mẹ đi chùa để kiếm xôi chè ăn cho đỡ thèm. Cũng nhờ ăn xôi chè của chùa, mà sau nầy khi lớn lên tôi lại có cơ duyên may mắn là được sống hít thở trong môi trường của Phật pháp. Nghĩa là đời tôi được gắn liền chặt chẽ với Phật pháp một cách sâu đậm. Tôi nghĩ, đó không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà cũng do nhân duyên thiện căn của tôi đời trước. Đó là hạt giống Phật pháp không phải chỉ ở hiện tại mà nó đã có từ quá khứ. Nếu không như thế, thì làm gì tôi được gần gũi thầy hiền bạn tốt để học hỏi Phật pháp. Từ khi biết được Phật pháp không năm nào mà tôi không tham dự lễ Phật Đản.

Từ đó Phật đản đối với tôi đã nghiễm nhiên trở thành rất quen thuộc. Không phải chỉ quen thuộc trong những mẫu lễ nghi hình thức không thôi, mà tôi còn tìm hiểu về nội dung mang ý nghĩa trọng đại thiêng liêng của sự kiện Phật ra đời. Từ nhỏ, tôi không bao giờ tin đức Phật là một đấng thần linh có quyền năng thưởng phạt. Dù lúc đó tôi chưa học Phật pháp và trí hiểu biết của tôi còn thô sơ nông cạn chưa được phát triển. Nhưng tôi vẫn tin đức Phật là một con người như bao nhiêu con người khác. Sau nầy khi học lịch sử đời Ngài, tôi mới thấy cái ý nghĩ quan niệm của tôi khi còn nhỏ là đúng. Trong tờ báo Văn Hóa Phật Giáo số đặc biệt kính mừng Phật đản PL 2550, phát hành ngày 15-5-2010, có đăng bài phỏng vấn giữa biên tập viên Melvin McLeod của tờ Nguyệt san Shambhala Sun, ông có nêu ra nhiều câu hỏi với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong số những câu hỏi đó, có một câu hỏi ông nêu ra là: Bụt là ai? Tôi xin trích nguyên văn người hỏi và người đáp như sau:

Melvin McLeod: Thầy nói Bụt là một con người. Nhưng Đại thừa nói có vô lượng Bụt và Bồ tát ở trong mọi cõi đang trải lòng từ đến mình. Làm sao có những người Tây Phương duy lý chúng tôi có thể hiểu những vị Bụt và Bồ tát nầy? Làm sao chúng ta có thể mở lòng ra với họ khi chúng ta không thể nhận biết họ qua năm giác quan?

Thích Nhất Hạnh: "Trong đạo Bụt, Bụt được xem như một vị Thầy, một con người, chứ không phải một vị thần linh. Ta cần phải nói cho mọi người biết cái điều thật quan trọng đó. Chúng ta không cần Bụt là một đấng thần linh. Ngài là một vị đạo sư, như vậy là đủ lắm cho chúng ta rồi! Tôi nghĩ chúng ta cần phải nói cho các bạn ở Tây phương biết như vậy. Và chinh vì Bụt là một con người, cho nên vô lượng người mới thành Bụt được".

Chính vì đức Phật là một con người, cho nên Ngài mới hiểu và cảm thông những gì mà con người đã có. Và từ khi sanh ra cho đến khi xuất gia, suốt trong khoảng thời gian đó, Ngài cũng đã nếm đủ mùi vị lạc thú hay khổ đau của một con người. Nếu là một con người mà chỉ biết hưởng những lạc thú không thôi và không có những khổ đau thì e rằng chưa đúng lắm. Dù đó là một đông cung thái tử, sống trong ngai vàng điện ngọc, tất cả mọi thú vui Ngài đều có đủ, điều đó không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế không thôi thì thiết nghĩ, Ngài chưa hưởng đầy đủ trọn vẹn hương vị của một con người. Đã có thân, tất nhiên ít nhiều gì cũng phải có bệnh đau và những biến động của sinh lý và tâm lý. Nếu không có những biến động nầy, thì làm sao có đầy đủ chất liệu của một con người? Chẳng qua, Ngài ít đau khổ hơn người thường là vì mọi thứ tiện nghi vật dụng thiết yếu, nói rõ hơn là những nhu cầu vật chất của đời sống thông thường của một con người Ngài đều có đủ. Cứ nhìn Ngài ở góc độ của một con người bình thường như thế thì chúng ta sẽ dễ tu hơn. Bởi vì Ngài là con người nhờ ý thức giác ngộ được cuộc đời đau khổ, rồi gia công nỗ lực công phu tu hành mà được thành Phật. Sự khác biệt giữa Ngài và chúng sinh chỉ ở góc độ "Mê và Ngộ" đó thôi.

Nếu nhìn Ngài trên phương diện tích môn hay tục đế, thì ta thấy Ngài không khác gì những người khác. Ngài cũng có đầy đủ những gì mà người đời đều có. Đâu phải chỉ riêng Ngài là một thái tử, mà trên thế gian nầy từ xưa tới nay đã có biết bao là ông hoàng thái tử như Ngài. Nhưng không phải ông hoàng thái tử nào cũng có đời sống tâm linh như Ngài. Hơn nữa, Ngài còn có tấm lòng từ bi, vị tha, nhân ái, lòng độ lượng bao dung cao cả mà người đời khó có ai sánh kịp. Đó là điểm khác biệt mà chính Ngài đã dám từ bỏ tất cả. Từ bỏ tất cả vì Ngài thấu hiểu được cái chân lý vô ngã cũa vạn thể vũ trụ. Là một thái tử thông minh xuất chúng, lẽ nào Ngài không thấu hiểu được điều đó. Chính vì hiểu lẽ sinh tử luân hồi, cho nên Ngài là người đầu tiên dám khẳng quyết tuyên bố với mọi người là Ngài đã tìm ra lẽ sống miên viễn và hoàn toàn chấm dứt vòng luân hồi sinh tử khổ đau.

Muốn tựu thành con đường giác ngộ cứu cánh như Ngài, chúng ta cần phải tu tập và thật hành những gì mà Ngài đã chỉ dạy. Xưa kia, Ngài là người đích thực đơn thân độc mã tự một mình mò mẫm khám phá ra chân lý, không thầy chỉ dạy. Ngài đã độc hành độc bộ trải qua thiên nan vạn nan, phải đương đầu với biết bao chướng ngại khó khăn gian lao thử thách, từ nội và ngoại tại, nhưng cuối cùng, Ngài đã chiến thắng vượt qua tất cả. Nói thế để chúng ta thấy rằng, con đường Ngài đi đến đích giải thoát thật không phải dễ dàng. Đối với chúng ta ngày nay thì thật là may mắn, vì con đường đi đã có Ngài chỉ bày vạch sẵn. Ngài đã nêu ra nhiều con đường để đi đến đích tuyệt đối. Bản đồ chỉ dẫn Ngài đã vẽ chỉ bày rất rõ ràng. Hướng nào đi vào con đường trầm luân khổ hải và hướng nào sẽ đạt được giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Trên bản đồ chỉ dẫn nêu ra có nhiều nẽo để đi. Tùy theo căn cơ trình độ và sở thích của mỗi người mà chọn lựa cho mình một con đường thích hợp để khởi hành tiến bước. Hướng đến cuối cùng thì chỉ có một, nhưng con đường tiến đến thì tạm phân chia có nhiều phương tiện pháp môn khác nhau. Nhưng đi con đường nào niễn sao đạt được đến đích giải thoát cuối cùng là được.

Điều quan trọng là chúng ta nên tránh những con đường tà kiến. Mỗi người hãy trang bị cho mình có được chánh kiến. Khi có chánh kiến thì chúng ta mới nhận định được con đường mình đang đi là đúng hay sai. Pháp môn Phật dạy tuy nhiều, cũng như cái nhà có nhiều cửa, hành giả muốn chọn cửa nào đi vào cũng được. Miễn sao vào được trong nhà thì thôi. Nhà thì chỉ có một, nhưng cửa vào thì có nhiều. Hành giả thích cửa nào đi vào cửa đó. Điều quan trọng đáng nói ở đây là, hành giả phải sáng suốt để chọn cho mình một cái cửa thích hợp và gần nhất. Cửa là pháp môn, cho nên chúng ta có nguyên phẩm kinh trong Kinh Pháp Hoa gọi là Phẩm Phổ Môn. Phổ là khắp là cộng thông, là bao trùm không sót; môn là cửa có nghĩa là thông suốt không ngăn ngại. Phổ môn là cánh cửa đã mở toát ra để mọi người bưóc vào. Bước vào cửa nào cũng được. Dù cửa hẹp hay cửa rộng cũng là cửa để ta bước vào. Điều quan trọng không phải ở nơi cái cửa, vì cái cửa lúc nào cũng vẫn mở rộng, nhưng quan trọng là ở nơi người bước vào. Chúng ta phải bước vào đúng cái cửa mà ta đã chọn. Khi đã chọn thì không được dời đổi. Không thể nay đến cửa nầy mai chạy qua cửa khác. Cứ chạy lòng vòng như thế, rốt cuộc không vào được cửa nào hết.

Hơn thế nữa, chúng ta nên tránh cái bệnh là chê khen cái cửa. Cứ cho cái cửa nầy tốt, cái cửa kia xấu. Cả đời cứ có một việc là chê khen cửa không thôi. Như vậy, thử hỏi làm sao mà vào trong cái cửa được. Cũng thế, có người hết chê pháp môn nầy, lại khen pháp môn khác. Người tu Thiền thì nói chỉ có tu Thiền mới mau chứng quả. Người tu Tịnh thì nói chỉ có tu Tịnh mới không bị sai lạc và chóng thành Phật. Người tu Mật, thì cho rằng, chỉ có tu Mật mới được thanh tịnh giải thoát ở nơi kiếp nầy. Cùng tu Phật, mà người nầy thì công kích người kia, thậm chí còn bài báng đả kích đủ thứ. Họ cứ chê khen như thế mà quên rằng, tất cả pháp môn đều do Phật nói. Đã do Phật nói thì tại sao lại công kích chê bai nói xấu lẫn nhau? Nếu chê bai công kích lẫn nhau, thì vô tình chúng ta đã bài báng kích bác đức Giáo Chủ Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta rồi! Như thế, tu chưa tới đâu mà đã làm tổn thương đến Phật pháp. Thật là tội lỗi biết chừng nào! Pháp môn Phật nói không có tốt xấu, hay dở, cao thấp gì cả. Cao thấp, hay dở, chẳng qua là do căn cơ trình độ nhận thức tu học của mỗi người có sai khác đó thôi.

Kỷ niệm Phật đản không phải chỉ có phô trương hình thức bên ngoài không thôi là đủ, mà chúng ta cần phải hướng nội quán chiếu sâu sắc và đặt định niềm tin vững chắc ở nơi ta và ở nơi Ngài. Niềm tin phải được điều động của lý trí. Tin Ngài mà không hiểu Ngài vô tình chúng ta trở thành kẽ phỉ báng Ngài. Trong đạo Phật, niềm tin rất quan trọng đối với người Phật tử. Bởi niềm tin là công đức là cội gốc của muôn pháp và luôn nuôi lớn các căn lành. Nhưng niềm tin đó phải được đặt đúng hướng vị trí chân lý. Nhất là phải tin sâu, tin chắc vào lý nhân quả. Phải tin mình có đầy đủ khả năng thành tựu đạo quả như Ngài. Bởi Ngài có chủng nhân Phật tánh tu hành thành Phật thì chúng ta cũng có cái chủng nhân Phật tánh đó. Đã thế, nếu chúng ta cố gắng vận dụng công phu tu hành thì chúng ta cũng thành Phật như Ngài. Hẳn chúng ta còn nhớ lời tuyên bố khẳng quyết của Ngài: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Câu nói đó đã xác quyết niềm tin nơi ta. Phải tin chắc như thế, nếu không thì chúng ta dễ rơi vào mê tín tà kiến. Một khi đã đặt định niềm tin sai lệch theo hướng chân lý nhân quả, thì ta phải chịu trầm luân đau khổ muôn đời.

Khởi đầu của niềm tin là chúng ta phải hướng niềm tin đặt định vào Tam bảo. Trong Tam bảo tin Phật là trước tiên. Tin Phật ngoài và tin Phật ở trong lòng ta. Có tin Phật vững chắc thì mới tin những lời dạy của Ngài, đó là tin pháp. Pháp ở đây là những giáo pháp: từ bi, trí tuệ, bình đẳng, thanh tịnh v.v...Và tin các bậc Thánh tăng cũng như phàm tăng là những bậc Thầy tu hành chơn chánh, đạo cao đức trọng, đời sống thanh cao, các ngài trọn đời phụng sự cho đạo pháp và phục vụ làm lợi ích cho chúng sinh.

Mục đích của Phật ra đời là cốt để chuyển mê khai ngộ cho hết thảy chúng sinh. Còn mê là còn đi trong vòng sinh tử thọ khổ. Hết mê, tức hết vô minh phiền não là giải thoát. Mê là chúng sinh, ngộ là Phật. Giáo pháp của Phật dạy có công năng xây dựng niềm tin vững chắc và đúng hướng chân lý. Người tu thiếu niềm tin như cây thiếu rễ cái. Vì thế việc xây dựng niềm tin đúng với chánh pháp thật là quan trọng. Chúng ta hướng về Phật ra đời cũng là hướng về nội tâm để xây dựng niềm tin kiên cố nơi tự tâm của ta. Niềm tin là bước khởi đầu để xây dựng đời ta được an lạc hạnh phúc sau nầy. Do đó niềm tin đối với người Phật tử thật hết sức quan trọng. Vì niềm tin là lý tưởng chỉ hướng cho thuyền đời và làm nẩy hoa hạnh phúc trong đời sống hiện tại và tương lai.

Nhân kỷ niệm ngày Phật đản, mỗi người chúng ta nên kiểm định soát lại thật kỹ ở nơi niềm tin của chính mình. Phải đặt định cho mình một niềm tin vững chắc vào Tam bảo và nhân quả. Có thế, thì mới đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống của chúng ta. Bằng không, thì chúng ta sẽ mãi bị chìm đắm trong vòng sanh tử khổ đau triền miên vậy.

Kỷ niệm Phật Đản lần thứ 2637

Trở lại Trang Chính