Sau 50 Năm Ðọc Lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Phần 2)

Vài lời của Vườn : Trong Câu Chuyện Văn Học lần này, Vườn xin được đăng lại loạt bài của Giáo Sư Trần Văn Chi viết về đề tài “ Sau 50 năm đọc lại “ Quốc Văn Giáo Khoa Thư “ . Những bài viết vừa gợi lại kỷ niệm của thời thơ ấu mới bước chân vào lớp học vỡ lòng và học những bài học đầu tiên trong đời học sinh, vừa là những bài phân tích rất giá trị của tác giả về những bài học trong cuốn sách giáo khoa đầu tiên của nền giáo dục nước ta .

Loạt bài gồm 14 bài viết sẽ được Vườn chia đăng làm 3 kỳ . Ngoài ra để cho các bạn đọc muốn tham khảo lại tất cả các cuốn sách “ Quốc Văn Giáo Khoa Thư “ của 3 lớp Sơ Đẳng, Đồng Ấu và Dự Bị, Vườn cũng xin đăng lại đầy đủ cả 3 cuốn sách này. Xin các bạn vào đường link dưới đây để vào đọc sách .

( Xin lưu ý các tài liệu được đăng dưới dạng PDF text )

* Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Lớp Sơ Đẳng )

* Quốc Văn Giáo Khoa Thư ( Lớp Đồng Ấu )

* Quốc Văn Giáo Khoa Thư ( Lớp Dự Bị )

***

Sau 50 Năm Ðọc Lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư

GS Trần Văn Chi

Bài 6: Ông Phan Thanh Giản

Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) lớp Dự Bị là quyển tập đọc (Lecture Cours Préparatoire) gồm 111 bài. Tuy là quyển sách Tập đọc nhưng mang tính giáo dục cao, đây là quyển sách Giáo Khoa cấp Sơ Học, đã được dùng suốt nửa thế kỷ đầu thập niên thuộc thế kỷ 20.

Trong 111 bài, các tác giả đã dành 10 bài nói đến các nhơn vật lịch sử Việt Nam từ đầu cho đến hiện đại. Như là:

1. Truyện hai chị em Bà Trưng

2. Truyện ông Ngô Quyền

3. Vua Lý Thái Tổ dời đô ra Hà Nội

4. Ông Trần Quốc Tuấn

5. Ông Lê Lai liều mình cứu chúa

6. Một kẻ thoán nghịch: Mạc Ðăng Dung

7. Vua Lê Thánh Tôn

8. Ông Nguyễn Kim

9. Ông Tổ sáng nghiệp ra nhà Nguyễn: Ông Nguyễn Hoàng

10. Ông Phan Thanh Giản

Các tác giả lịch sử dạy cho học trò dưới hình thức kể chuyện qua bài tập đọc. Quả là phương pháp mới, có giá trị sư phạm cao so với thời điểm bấy giờ, thời đất nước Việt Nam thời Tây cai trị.

Các tác giả đề cao nhơn vật Phan Thanh Giản trong quyển sách giáo khoa thời bấy giờ quả là khó khăn nếu không thừa lòng can đảm, nếu không quý trọng ông Phan Thanh Giản thì các ông không bao giờ dám làm.

Chúng ta hãy đọc xem các tác giả kể chuyện ông Phan Thanh Giản sau đây; xin trích:

" Ông Phan Thanh Giản làm kinh lược sứ (1) ba tỉnh phía Tây trong Nam Việt (2). Khi chính phủ Pháp đánh lấy ba tỉnh ấy. Ông biết rằng chống với Pháp không được nào, mới truyền đem thành ra nộp. Nhưng ông muốn tỏ lòng trung với vua và tự trị tội mình không giữ nổi tỉnh thành cho nước, ông bèn uống thuốc độc tự tử". Hết trích.

Ông Phan Thanh Giản là tiến sĩ đầu tiên ở xứ Nam Kỳ, là danh thần phục vụ 3 đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức.

Phan Thanh Giản sinh năm 1796 tại làng Bảo Thạnh, Quận Ba Tri, Tỉnh Bến Tre, đậu Cử Nhơn tại trường Gia Ðình năm 1825, năm sau, 1826, đậu tiến sĩ Kỳ Thi Hội, và là người duy nhất đậu tiến sĩ khóa này.

Tổ tiên ông gốc Trung Hoa lánh nạn Mãn Thanh, sang đất Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre) xứ Ðàng Trong, làm Thượng Thơ Bộ Hình năm 1847 thời Thiệu Trị; rồi Thượng Thơ Bộ Lại năm 1848 thời Tự Ðức. Thực ra Phan Thanh Giản không nộp thành cho Pháp như QVGKT kể lại. Ta trở lại lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, bằng cách đọc lại cuốn " Việt Nam Danh Nhân Tự Ðiển" của tác giả Nguyễn Huyền Anh trang 474, có ghi như sau; Xin trích:

"Năm 1862, tình hình Nam Kỳ thêm phần khẩn trương (sau khi đồn Kỳ Hòa ở Gia Ðịnh thất thủ, lần lượt Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Ðịnh Tường, Bà Rịa, Vĩnh Long). Triều đình Huế sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Ðịnh nghị hòa. Kết quả, ta phải ký hiệp ước ngày 5/6/1862 nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Ðông là Biên Hòa, Gia Ðịnh và Ðịnh Tường. Tiếp đó, ông lãnh Tổng Ðốc Vĩnh Long và được lệnh phải thương thuyết với người Pháp để cứu vãn những thất lợi trước.

Năm 1863 ông được cử làm Như Tây Chánh Sứ sang Pháp mong chuộc lại 3 tỉnh đã mất. Phái Bộ đã phải chờ chực trên đất Pháp hơn 2 tháng để cuối cùng chỉ nhận được một lời hứa hẹn vu vờ." Hết trích.

Trước dã tâm của Pháp muốn chiếm 3 tỉnh còn lại là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Phan Thanh Giản lần nữa được lệnh Tự Ðức vào Nam tìm cách đối phó. Tác giả Nguyễn Huyền Anh viết tiếp, xin trích:

"Ngày 20-6-1867, Phan tiên sinh cùng Án Sát Vĩnh Long là Võ Doãn Thanh tìm gặp De Lagrandière để hội đàm. Pháp yêu sách quá đáng, bên ta yêu cầu được hỏi ý kiến triều đình Huế; De Legrandière cũng chấp thuận. Nhưng khi Phan Thanh Giản trở về thành thì thấy quân đội Pháp đã chiếm thành Vĩnh Long. Rồi Châu Ðốc thất thủ vào nửa đêm 21 rạng 22, Hà Tiên sáng ngày 24. Năm ngày mất 3 tỉnh. Toàn lãnh thổ Nam Kỳ vào tay quân cướp nước. Sứ mạng không thành Phan Thanh Giản đành chịu chết để đền nợ nước." Hết trích.

Sau khi viết sớ về triều, nói lên vận nước không thể ngăn nổi, lời lẽ thống thiết, khuyên các con không nên cộng tác với Pháp, ráng phò vua rồi nhịn đói 17 ngày không chết. Cuối cùng phải uống thuốc độc tự tử chết ngày 5 tháng 7 năm 1867.

Sau khi mất, ông bị triều đình luận tôi gắt gao, bị tước chức vị, tên trên bia tiến sĩ bị đục bỏ. Mãi đến Ðồng Khánh, năm 1886 Phan Thanh Giản mới được khôi phục danh hàm như trước.

Dầu vậy nhân dân miền Nam trước sau vẫn quý trọng ông và xây đền thờ ông ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà vinh. Thời Việt Nam Cộng Hòa trước nam 1975 tên tuổi ông được đặt tên đường, tên trường....

Sau năm 1975, người Cộng Sản Bắc Việt vào Nam xóa bỏ đến thờ, tên đường và dùi dập tên tuổi Phan Thanh Giản một lần nữa...

Xem ra mới thấy danh thần Phan Thanh Giản sanh ra trong thời nhiễu nhương. Con người và cuộc đời của ông là một "bi kịch của thời đại".

Ngày nay sau 30 năm, người Cộng Sản miền Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình nên tìm cách phục hồi danh dự cho Ông Phan Thanh Giản. Xem ra mới thấy mấy ông tác giả QVGKT quả là có bản lảnh và có lòng yêu lịch sử Việt Nam. Nên QVGKT là bộ sách giáo khoa có giá trị vượt thời gian.

* Ghi chú:

(1) Kinh lược sứ: quan được toàn quyền cai trị một vùng.

(2) Ba tỉnh Miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

***

Bài 7: Lính thú đời xưa(1)

Con người từ thời xa xưa, khi biết sống hợp quần dưới hình thức bộ tộc, cho tới lúc văn minh biết tổ chức thành quốc gia thì đã thường xuyên có chiến tranh. Do đó người lính được xuất hiện làm nhiệm vụ bảo vệ (hay xâm lăng) bộ tộc, lãnh địa, quốc gia. Bài " Lính thú ngày xưa" được các tác giả QVGKT đưa vào lớp Sơ Ðẳng ( Cours Elémentaire) gồm 2 phần:

Phần 1: Lúc ra đi

Phần 2: Lúc đóng đồn

Cả hai viết dưới dạng ca dao, thể thơ lúc bát cho học trò thuở ấy học thuộc lòng.

Phần 1 tả cảnh lúc ra đi như sau; Trích:

" Ngang lưng thì thắt bao vàng (2)

Ðầu đội nón dấu vai mang súng dài (3)

Một tay thì cấp hỏa mai (4)

Một tay cấp giáo, quan sai xuống thuyền (ghe)

Thùng thùng trống đánh ngủ liên (5)

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa".

Lính ở đây, tác giả ám chỉ lính xưa trước lúc Tây vào, ta có thể hiểu là lính thời nhà Nguyễn. Thời bấy giờ, tùy theo nhu cầu, xã thôn lập sổ đinh ( sổ thanh niên trai tráng) trong xã rồi chọn ra 3 lấy 1 hoặc 5lấy 1... để rồi nộp giao cho quan huyện tập trung chuyển lên phủ.. làm nhiệm vụ ở địa phương hoặc triều đình (trung ương) điều động theo nhu cầu.

Qua bài này ta thấy lính ta đời xưa đã có quân trang quân dụng: lưng thắt dây vải vàng ( thay vì dây nịt như ngày nay) nón là nón dấu trên chóp làm bằng thau, trang bị súng hỏa mai, loại súng nạp trên đầu ( nạp tiền) và phải châm ngòi( quả mai) mới phát nổ được, lính bấy giờ còn đi chân đất chưa có giày dép như sau này.

Trong hình, ta thấy cảnh vợ con lính ra tận bến sông, tay bồng tay dắt con thơ bịn rịn; trong khi đó quan quân thúc trống ngủ liên ra lệnh cho lính phải xuống ghe để đưa đi đóng đồn ở miền xa, miền núi rừng (miền ngược). Cảnh chia ly quả là thảm não làm sao! Lính của ta đời xưa như thế thì làm sao chống lại bọn lính Tây, trang bị hiện đại, có tàu chiến bằng sắt, súng nạp hậu bắn xa; họ có đại bát, được dẫn đường chỉ điểm của con chiên đạo Ca Tô.

Ðọc " Lính thú đời xưa" ta mới hiểu tại sao thành Gia Ðịnh bị mất dễ dàng, rồi 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường phải nhường cho Pháp, cũng như 3 tỉnh cuối cùng của Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên bị mất trong 5 ngày!!!

Người Pháp chiếm nước ta ngoài vấn đề tương quan lực lượng, quân đội Pháp vượt trội, cốt lõi là do Gia Long đã sử dụng lực lượng truyền giáo Ca Tô để tranh thắng với quân Tây Sơn, khiến cho Pháp dòm ngó nước ta. Phần 2 tả cảnh lúc đóng đồn: Trích:

" Ba năm trấn thủ lưu đồn (6)

Ngày thì canh điếm(7), tối dồn việc quan.

Chém (đốn ) tre, đẵn( chặt) gỗ trên ngàn

Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai.

Miệng ăn măng trúc, măng mai

Những dang (8) cùng nứa, lấy ai bạn cùng

Nước giếng trong, con cá vẫy vùng".

" Ba năm trấn thủ:, tác giả cho ta hiểu chế độ quân dịch bấy giờ là 3 năm, trong thời gian này lính thú phải đưa đi xa làm nhiệm vụ lưu đồn. Họ là số dân đinh khỏe được chọn từ xã thôn; còn một số đinh lớn tuổi, hoặc có gia cảnh phải ở lại làm lính địa phương như lính làng lính nghĩa quân, lính dân vệ, thời trước 75 của VNCH.

Hình vẽ trong bài cho thấy cảnh lính thú khuân cây để làm doanh trại, canh gác. Một số lính không nhỏ phải làm việc quan có thể là gia nhân, phục vụ quan chỉ huy ở đồn mà họ trấn thủ. Ngày xưa các cấp chỉ huy hành chánh, quân đội gọi là quan, quan trên, quan lớn, quan huyện, quan phủ.... Khi Tây vào cai trị nước ta họ duy trì cách gọi đó và có quy định chi tiết thế nào là quan, cấp nào là quan lớn; có quan ta và quan Tây!!!

Nay, Việt Nam cũng qui định cách xưng hô mới, không gọi là quan có vẽ phong kiến mà gọi là Ngài cho ra vẽ văn minh hơn.. Lính thú hay soldier của Hoa Kỳ thì thân phận cũng như nhau, "hữu thân hữu khổ" quả không biết "phàn nàn cùng ai"

Thời lính thú vẫn có khoảng cách giữa người lính và người thường; nhưng thời nay khoảng cách đó cự ly cách biệt rất lớn, nên soldier cảm thấy khổ cực rất nhiều. Do vậy mà nhân mùa bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ ông Bush bị tố là "trốn quân dịch" Bush cha cậy quyền gởi gắm con mình ( Bush con) cho vị chỉ huy vệ binh, đã vậy mà Bush con còn trốn trại, bỏ trại. Con người thời nào cũng vậy, vẫn còn nạn con ông cháu cha ( COCC), mà ta thường thấy ở quê nhà.

Lính thú, quân dịch, nghĩa vụ quân sự chỉ khác nhau tên gọi, tất cả nhằm kêu gọi tráng đinh xung vào quân ngũ. Tùy theo cái quân ngũ đó nhằm mục đích gì: Bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh, trị an, bảo vệ hòa bình, xâm lược..v..v...

Các tác giả trong QVGKT không nói gì tới nghĩa vụ cao quý của lính ta ngày xưa cũng không cho thấy lính Tây ra sao!!!.

Qua bài "Lính thú ngày xưa" tác giả chỉ nhằm kể chuyện lính thú ngày xưa, như là chuyện cổ tích. Ðó là mục đích của QVGKT: phi chánh trị (!)

Chú thích:

1. Lính đi đóng đồn miền xa, miền ngược

2. Bao bằng vải vàng, đeo lưng

3. Nón bằng lá trên có chóp bằng thau

4. Ngòi nổ dùng cho loại súng nạp trên ( nạp tiền)

5. Trống đánh từng hồi 5 tiếng

6. Ðồn nhằm canh giữ giặc cướp

7. Trạm gác, điểm canh ngày đêm

Loại nứa giống như tre ( không có trong Nam)

***

Bài 8: Công việc nhà nông quanh năm

Nước Việt ta từ xưa lấy nghề nông là chánh. Trong nghề nông thì trồng lúa là chánh, các loại nông phẩm hoa màu khác là phụ. Dân mình xưa nay ăn cơm là chủ yếu, có vùng thiếu lúa thì dân ăn kèm khoai mì, khoai lang, bắp. Nên ông bà ta có câu: "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền."

Hột gạo, hột cơm được cha mẹ dạy ta quí trọng kêu bằng hạt ngọc; vua chúa luôn có chính sách khuyến nông, khuyên dạy dân không nên bỏ ruộng hoang:

"Ai ai đừng bỏ ruộng hoang,

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu."

Suốt lịch sử dân mình gắn liền với nông nghiệp, công việc đồng án không ai dạy, trong gia đình cha mẹ tập tành con cháu ra đồng làm lụng quanh năm, tập tành theo lối "cha truyền con nối".

Chúng ta hãy xem Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) tả " công việc nhà nông quanh năm" như thế nào:

" Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

(Chớ không phải tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè)

Tháng ba thì đậu đã già

Ta đi ta hái về nhà phơi khô.

Tháng tư đi tậu trâu bò,

Ðể ta sắp sửa làm mùa tháng năm.

Sáng ngày, đem lúa ra ngâm (1)

Bao giờ mọc mầm, ta sẽ vớt ra.

Gánh đi ta ném ruộng ta (2)

Ðến khi lên mạ, thì ta nhổ về.

Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,

Cấy xong thì mới trở về nghỉ ngơi. Phần 1 công việc nhà nông quanh năm trích trong QVGKT lớp Sơ Ðẳng (Lecture Cours Elémentaire). Công việc nhà nông được mô tả theo thứ tự thời gian trong cả năm, theo chu kỳ thời tiết. Nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều độ ẩm cao. Miền Bắc có 4 mùa, Trung và Nam chỉ có 2 mùa mưa và nắng. Qua bài ta biết đây là công việc nhà nông Miền Bắc. Tháng giêng ( tháng âm lịch) là tháng ăn Tết vui chơi, lễ chùa, dân mình ai cũng không muốn đi làm.

Ở Miền Bắc trồng nhiều hoa màu phụ tự túc gia đình, khoai là thức ăn phụ trộn với cơm gọi là ăn độn, dân Miền Nam sau năm 75 mới biết ăn độn, mới nghe nói từ ăn độn!

Ở Miền Nam nông dân ngoài trồng lúa, còn trồng các loại khác nhưng chủ yếu là để bán, họ biết chuyên canh, do đất rộng người thưa. Nên trong Nam có Bến Tre xứ dừa, Cổ Cò xứ dưa hấu. Trung lương xứ mận, Hóc Môn rau cải, Bà Ðiểm xứ trầu cau...v.. v... Các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Bính, Nguyễn Hiến Lê vô Nam đã viết nhiều về đời sống phong phú, ruộng vườn miền Nam cũng nói lên chuyên canh xứ Nam Kỳ đã có từ lâu.

Con trâu trong câu "Tháng tư đi tậu trâu bò" cũng nêu lên nét đặc thù trong đời sống nông thôn ta xưa. Trâu là phương tiện chánh của sản xuất, có trâu phải đăng bộ ở làng xã, chủ được cấp sổ trâu cũng như sổ bộ ghe. Khi Tây vô thì lập ra sở thú y chủ yếu bảo vệ đàn trâu hầu khai thác các vùng đồn điền miền Tây. Ngoài việc đăng bộ ghi sổ, trâu còn được đóng dấu vào mông (dấu bằng đồng, nướng đỏ, đóng vô mông trâu) đề phòng trâu bị trộm. Luật ta xưa phạt người ăn trộm trâu rất nặng, có lúc phải lưu đày biệt xứ.

Việc cấy lúa cần nhiều nhơn công, trong Nam thường thì người ta cấy lấy vần công, chỉ có các nhà điền chủ lớn mới mướn công cấy. Người đứng ra lãnh bao cấy cho chủ điền gọi là đầu nậu. Sáng sớm đầu nậu thổi tù và tập hợp công cấy rồi phân bổ đến ruộng. Chủ điền thường bao ăn cho thợ cấy.

Phần 2 công việc nhà nông, QVGKT tả như sau:

" Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,

Nước ruộng vơi mười, cỏn độ một hai

Ruộng cao đóng một gàu giai (3)

Ruộng thấp thì phải đóng hai gàu sòng (4).

Chờ cho lúa có đòng đòng (5)

Bây giờ ta sẽ trả công cho người

Bao giờ cho đến tháng mười,

Ta đem liềm hái (6) ra ngoài ruộng ta

Gặt hái ta đem về nhà

Phơi khô, quạch sạch ấy là xong công."

Sau khi cấy công việc nhà nông chuyển sang giai đoạn hai, chăm sóc nước, cỏ, chờ lúa trổ và thu hoạch.

Trong Nam có 2 loại ruộng lúa: một là loại ruộng đồng, cây lúa chỉ sống nhờ nước mưa; loại thứ hai là ruộng rẫy (đa số) chủ yếu lấy nước sông; loại 2 này thấy ở Hậu Giang, còn miệt Tiền Giang xen kẻ có đồng có rẫy.

Ruộng rẫy thường dùng hệ thống kinh, mương dẫn thủy hoặc xã nước nên không dùng gàu tưới. Ruộng đồng gặp khi nắng hạn phải dùng gàu để đưa nước vào ruộng. Trong Nam ruộng phẳng, không có triền, dốc nên thường tưới bằng gàu sòng. Ở quê gàu gia thường dùng tát ao, tát đìa bắt cá vào mùa khô gần Tết âm lịch, vì ao đìa rất sâu. Lúa chín được thu hoạch bằng vòng hái (Bắc gọi là liềm hái), sau khi gặt xong lúa được bó và chở về sân nhà bằng ghe, cộ, gánh bằng đòn sóc (như cây đòn gánh) nhưng hai đầu nhọn để sóc (đâm) vào bó lúa. Có người gánh mỗi đầu 1 bó, có người mạnh gánh 2 bó mỗi đầu. Do vậy dân Nam Kỳ thường dùng hình tượng cây đòn sóc để chỉ người không có kiên định, đầu nào cũng theo nhẳm thủ lợi ( Ðòn sóc hai đầu). Lúa được tách hột ra khỏi rạ ( cành lùa) bằng cách cho trâu đạp, sau đó đem phơi khô, dùng quạt (loại xa quạt lúa), quạt cho sao cũng có nơi dùng gió để "dê" cho sạch.

Lúa được chứa trong bồ ở nơi khô ráu, người làm ruộng nhiều lúa được dựa trong kho lớn đóng bằng ván gọi là lẩm lúa. Tóm lại công việc nhà nông, chủ yếu trồng lúa, suốt năm từ lúc gieo mạ đến gặt lúa. Lúa sớm kết thúc vào tháng 10 ta, lúa mùa vào tháng 11, tháng chạp.

Lúa nuôi sống dân, ai có nhiều lúa là nhà giàu. Xã hội ta xếp hạng: Sĩ -Nông - Công- Thương. Nông dân chỉ sau Sĩ (giai cấp quan lại người có học) mà thôi.

Xem ra mới thấy nông nghiệp là nghề chánh của dân mình cho đến thế kỷ 21 nầy. Ðời sống nông dân một nắng hai sương, vất vả nhưng nói chung vẫn nhàn nhạ hơn xã hội công nghiệp ở Mỹ này. Nên những ai ở độ tuổi lục tuần không quên được câu: "Tháng giêng là tháng ăn chơi" trong bài ca dao " Công việc nhà nông quanh năm" của QVGKT, như tiếc rẽ thuở nhân hạ ngày xưa!

Chú thích:

(1) Trong Miền Nam gọi là ngâm giống.

(2) Trong Nam gọi là gieo mạ.

(3) Loại gàu có cột dây 2 bên có 2 người cầm tát.

(4) Loại gàu có cáng, treo bằng 3 cọc, do một người tát.

(5) Bông lúa non chưa trổ ra.

(6) Vòng hái dùng gặt lúa ngày xưa, bằng loại cây quau nhẹ, hình cùi chỏ, một đầu làm cán cầm, đầu kia để quở lúa, có tra lưỡi liềm để cắt.

***

Bài 9: Ði học để làm gì?

Trước khi người Pháp chiếm lấy nước ta, người mình học chữ Hán. Chữ Hán là chữ của Tàu, được truyền bá sang ta từ thời nước ta bị lệ thuộc họ. Mãi sau khi độc lập dân mình vẫn dùng chữ Hán và vẫn có hệ thống thi cử để chọn nhơn tài. Chữ Hán sử dụng nước ở nước ta không khác chữ Hán ở Tàu nhưng cách phát âm lại khác. Nước ta xưa có hệ thống giáo dục lâu đời, tổ chức thi cử công minh, học trò không phân biệt giai cấp, mặc dù nhà vua có tổ chức trường Quốc Tử Giám, dạy riêng cho con cháu nhà vua và quan lại của triều đình.

Khi Tây chiếm nước ta, đầu tiên biến Nam Kỳ thành thuộc địa, và Pháp dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán, xây dựng hệ thống giáo dục mới 3 cấp: làng, xã, tỉnh.

Bài " Ði học để làm gì?" Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) dành cho lớp Dự Bị (Cours Préparatoire, lecture) nói về học chữ quốc ngữ trong thời Tây cai trị nước ta.

Thuở đầu, khi chữ quốc ngữ mới hình thành ở Nam Kỳ, Bài "Ði học để làm gì?" cho thấy rõ mục đích của dạy và học chữ quốc ngữ: Ði học trước hết là để biết đọc và viết thơ; vì thuở đó cả làng không có người biết đọc quốc ngữ, thơ từ giấy tờ do làng đưa xuống không ai biết để thi hành. Ði học cũng nhằm biết đọc báo và bắt chước làm theo báo. Xứ Nam Kỳ bấy giờ có tờ Gia Ðịnh Báo (1) là tờ báo quốc ngữ đầu tiên nhằm truyền báo chánh sách thực dân Pháp, tháng 8 năm 1868 Pháp giao cho ông Trương Vĩnh Ký (2) coi bài vở (chủ bút) cùng các ông Tôn Thọ Tường, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký.

Báo đầu tiên ở xứ ta là báo quốc doanh, người viết (nhà báo) làm thuê ăn lương cho nhà nước Pháp.

Ði học cũng để biết toán (tính toán), biết mọi sự vật (cách trí) và biết vệ sinh thường thức nữa. Ðúng là các môn khoa học mà hệ thống giáo dục xưa của ta không có. Từ khi Pháp vào, họ đem kiến thức khoa học phổ biến cho dân mình qua hệ thống giáo dục.

Cuối cùng theo QVGKT đi học để biết luân lý, hiếu thảo và thành người công dân tôn trọng luật nhà nước Pháp mà tác giả gọi là người dân lương thiện.

Ðúng là chế độ chánh trị đẻ ra chánh sách giáo dục, nhằm đào tạo con người phục vụ chế độ đó, hay ít ra cũng không chống lại nhà nước đó!

Ngày xưa, thời phong kiến, nền giáo dục ta chịu ảnh hưởng giáo dục Trung Quốc, nó nhằm đào tạo con người quân tử, trên nền tảng Tứ Tư, Ngũ Kinh, nhằm bảo vệ một hệ thống xã hội, thứ bậc vua -quân- dân, ràng buộc theo quan niệm chính danh (ngày nay Trung Quốc phục hồi Khổng Tử)

Người Pháp vào đánh đổ hệ thống giá trị cũ, phế bỏ quyền lực tuyệt đối nhà vua, loại trừ giai cấp quan lại trung gian sĩ phu và thay thế vào đó bằng hệ thống gia trị mới, hệ thống giáo dục mới, thông qua chữ quốc ngữ. QVGKT góp phần xây dựng hệ thống giá trị đó. Giáo dục Pháp không dạy học trò thành người công dân yêu nước, mà nhằm tạo nên lớp người thừa hành, trung gian để cai trị lại dân mình, và trong chừng mực nào đó, lớp trung gian này, lớp tân trào, tây học cũng hãnh diện đối với đa số đồng bào nghèo khổ, thất học của mình nữa!

Lịch sử Việt Nam gồm lịch sử chế độ thực dân đối với Việt Nam, Cuộc Chiến Tranh Việt Pháp, sự xuất hiện của người Mỹ ở Miền Nam cũng như sự ra đời của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, v.v... tất cả quan hệ hữu cơ với nhau, tác động nhau như là nhân quả.

Nhân đọc lại bài " Ði học để làm gì?" ta hiểu được âm mưu Pháp muốn loại bỏ chữ Hán, dùng chữ quốc ngũ trong giáo dục nhằm tạo ra lớp tân học theo Tây, nên các sĩ phu yêu nước tẩy chay chữ quốc ngữ như cụ Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, vv...

Tác giả QVGKT nói về mục đích của việc học như sau:

"Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe. Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gởi cho tôi và viết những thư từ tôi gởi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước. Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ gìn thân thể cho khỏe mạnh.

Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, để hiểu cách ăn ở thành người con hiếu thảo và người dân lương thiện.

Bài đi học để làm gì làm tôi nhớ lại lúc nhỏ không ai nói cho tôi biết đi học để làm gì. Sau này khi đưa con vào trường ngày đầu, tôi cũng không dạy cho con tôi là tại sao phải đi học! Người ta chỉ nói học làm sao cho giỏi Toán, giỏi Văn, giỏi Sinh Ngữ, làm sao vào được đại học... Vậy mà từ thế kỷ trước mấy ông QVGKT đã biết đưa vào lớp Sơ Ðẳng dạy cho học trò biết mình đi học để làm gì. Chắc ít ai trong số học trò QVGKT còn nhớ bài tập đọc "Ði học để làm gì?", nên không ai biết mình đi học để làm gì!!!

Nay 50 năm sau, đọc lai, ta thấy tác giả đã mô tả ích lợi của việc đi học ngày xưa lòng cảm thấy bùi ngùi khi nhớ lại một chuỗi dài thời niên thiếu, nhớ về kỷ niệm thời học QVGKT, nhớ kỷ niệm những lúc thi nhau lật sách QVGKT xem ai có được nhiều hình nhất...

Toát yếu của bài "Ði học để làm gì "? QVGKT đã nêu lên câu:

Người không học, không biết lý lẽ. (Nhân bất học, bất tri lý.)

Thật chí lý. Muôn đời người bất học luôn bất tri lý. Chữ Học và chữ Lý ở đây thật cao siêu, vượt ra ngoài cái Học và cái Lý bình thường ở nhà trường.

Viết tặng các bậc phụ huynh nhân mùa khai trường.

? Chú thích:

(1) Tờ Gia Ðịnh Báo xuất bản ở Saigon năm 1865 do Pháp chủ trương, ở Bắc Kỳ có Ðại Nam Ðồng Văn Nhựt báo viết bằng chữ Nho (Hán) ra đời 1892 mãi đến năm 1907 mới có thêm phần quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút, Phan Kế Bính làm thư ký.

(2) Trương Vĩnh Ký (1837-1898) quê Cái Mơn, Vĩnh Long (Nam Kỳ) lúc 4 tuổi được giáo sĩ Pháp cho xuất ngoại học, năm 1863 được Pháp cử làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường. Năm 1869 được Pháp giao coi bài vở( Chủ Bút) tờ Gia Ðịnh Báo. Năm 1886 Paul Bert, tổng trú sự Pháp, cử ra Huế sung vào Cơ Mật Viện để giúp giao thiệp Pháp Việt. Ông mất ngày 1-9-1898 thọ 61 tuổi.

Trở lại Trang Chính