Nghệ thuật yêu trà

Minh Đức Hoài Trinh

Tập sưu tầm này người ta nói nhiều về Trà, về nghệ thuật uống trà, hôm nay chúng ta nói đến nghệ thuật yêu Trà, vì yêu cũng là cả một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng, và sự hướng dẫn chu đáo.

Muốn yêu ai thì cần phải tìm hiểu tính tình, rồi lại phải tìm biết tổ tiên quê quán, biết cả từ tính tốt đến tính xấu, sau đó mới xét lại xem có thích hợp với mình không rồi mới yêu, khi đã biết rõ những ưu khuyết điểm mà vẫn chịu được thì tình mới bền.

Trà cũng như người, cổ nhân gọi trà là Tình Nhân, và ngày xưa cũng như bây giờ có những người yêu trà, chờ đợi giờ phút được ngồi cạnh ấm trà như chờ đợi giờ phút hò hẹn với người yêu. Từ độ lưu vong, người Việt sống toàn ở các xứ Rượu, đi đến đâu cũng chỉ nghe nhắc đến nho với rượu không nhớ đến trà. Người Việt Nam lại thông minh, dễ hội nhập, e rằng sau một thời gian ở xứ người, sẽ quên mất mối tình cũ đi chăng. (thiên sưu tầm nầy viết từ năm 1976). Thiên tìm hiểu nầy sẽ được chia làm nhiều mục:

- Lịch sử và nguồn gốc.

- Bước đi của Trà từ Á sang Âu.

- Các giống trà và tính chất.

- Dụng cụ và cách thức pha trà.

- Những giai thoại, thi ca và triết lý của Trà.

- Kết luận.

Lịch sử và Nguồn gốc

Loài người biết về cây trà qua những trang ghi chép trong các sách sử. Cây trà không được nhắc đến nhiều như cây Nho, vì là một giống cây sinh trưởng, xuất phát từ Á châu, mà dân tộc Á châu vốn trầm lặng, yêu để đấy, biết cũng để đấy, chỉ giữ riêng cho mình không cần phải phô trương ra cho người thấy, người nghe làm gì. Họa hoằng mới có người nói đến, mà cũng không bao giờ chịu nói kỹ, chịu đi sâu vào chi tiết. Ngày nay sách vở có một số thất lạc, ai là kẻ thắc mắc, tò mò, muốn tìm hiểu về trà cần phải mất nhiều công, nhiều thì giờ…

Cây trà được biết từ đời Thần Nông, sứ giả gọi là Cổ Đế (2737-T.C.) Ông sinh trưởng ở đất Khương Thủy. Thời ấy con người còn ở chế độ mẫu hệ, chẳng nghe nói đến cha mà chỉ biết ông đã lấy đất Khương làm họ, nên còn được gọi là Khương Thị (họ Khương). Ông là người thứ nhất biết dạy dân trồng trọt nên còn được gọi thêm một tên nữa là Thần Nông Thị, một tên khác nữa là Viêm Đế vì đã biết lấy cái đức của lửa mà trị dân.

Viêm Đế rất say mê nghiên cứu về môn y dược và cỏ cây, ông thường đi tìm các thứ cây, cỏ, lá nào, có đức chữa được những thứ bệnh gì rồi đưa ra dạy dân, theo đó mà làm thuốc trị bệnh. Viêm Đế rất được dân biết ơn và yêu kính, lúc ông chết được chôn ở Trường Sa, thuộc miệt Hồ Nam ngày nay.

Sách sử chép lại cho biết một hôm ông đang ngồi dưới gốc cây, chờ nước đun sôi để uống. Vì thời ấy con người đã biết đun nước sôi uống để tránh các thứ bệnh tật. Có mấy chiếc lá từ trên cây rơi ngay vào nồi nước, ông bắt để yên, không cho vớt ra, cứ thế mà uống, sau đó, nhận thấy có vị hơi lạ, đăng đắng , nhưng uống xong một lúc lại nghe ngọt mà thoang thoảng dư hương, sắc nước vàng óng ánh, trong như mầu mật tươi, mầu ánh nắng, một lát sau lại nghe chừng như cơ thể thanh thoát, nhẹ nhàng, tinh thần minh mẫn hơn.

Cho người trèo lên cây hái thêm lá thử đun và uống lại mấy lần, bảo người chung quanh cùng thử sau khi ông đã thử, đều nhận định giống nhau, cảm giác lâng lâng tỉnh táo.

Trà đi vào cuộc sống của con người từ buổi ấy. Văn minh của trà cũng đi theo giòng sông như tất cả mọi nguồn văn minh thế giới khác. Từ miệt Tứ Xuyên, thuộc lưu vực Trường Giang (Ba Thục), Trà tràn xuống lưu vực Hoàng Hà.

Thuở đầu tiên, sau kinh nghiệm quý báu của Thần Nông, trà mới chỉ được xem như một thứ thuốc, uống vào thì đầu óc tỉnh táo, hết chứng bần thần, hay ngủ. Y gia còn nhận thấy trà tính hàn nên chữa được cả bệnh kiết lỵ, bã trà nhai còn chữa được các vết thương chảy máu, làm cầm máu, chữa vết bỏng lửa, da không bị phồng, chữa được chứng dứt đầu, hôm mê, lợi dại tiểu trường, tức ruột già ruột non, chữa được cả chứng đau lưng, đau tim và trúng độc do rau và nấm, vì trà còn có sát trùng tính. Các nước Đông Âu ngày nay vẫn còn rửa vết thương bằng nước trà, kể cả vết mổ vì họ đã biết sức mạnh sát trùng của trà.

Cố nhiên, là phải tìm thứ trà tốt không ướp hoa vớ vẩn rẻ tiền. Nếu không thì không thể có nhiều công dụng, mà chỉ giúp một vài thứ thôi. Trà nguội mất một vài đức tính đã kể trên, tuy cũng vẫn hơn các thứ nước hóa học.

Người ta biết dần dần thêm về trà qua các tác phẩm của các y gia trải nhiều thời đại. Sau đó mới được những thi nhân, triết nhân như Tống Thái Trương, Lý Thời Trân, Tô Đông Pha, Lục Vũ… biết đến, nói đến, yêu và nghiên cứu kỹ hơn về các giống trà, phương pháp uống trà…

Người nói nhiều nhất, và đã đưa trà lên một địa vị xứng đáng nhất là Lục Vũ, ông sinh vào đời nhà Đường, quê ở Cảnh Lăng, ông còn mang nhiều biệt hiệu khác như Hồng Tiềm, Tang Trử Ông, Cảnh Lăng Tử… Vào thời Thương Nguyên (Uyên Tông 756-762) Lục Vũ an cư tại Diêu Khuê, tính ông say phong cảnh, yêu nơi thôn dã, giỏi thi phú, dịch lý, biết rõ về cơ trời, ông thường hay đi lang thang một mình ở các vùng núi non để ngâm thơ cho cây cỏ cùng nghe với mình.

Một đặc điểm dị thường của Lục Vũ mà đã được chú ý và ghi vào sử sách là có những gốc cây đã bị ông cầm roi đánh vào rồi khóc to lên mà bỏ đi. Không ai hiểu lý do. Sự giỏi về môn Dịch Lý làm ông rất tự hào, cho đó là một đặc ân của thiên nhiên dành cho mình.

Lục Vũ nổi tiếng về khoa uống trà, phải nói rằng Lục Vũ nổi danh nhờ trà, nhưng trà cũng nhờ Lục Vũ mà từ đó đã được người đời chú ý hơn. Tác phẩm TRÀ KINH, mà tất cả những ai chuyên về trà đạo đều phải từng nghe qua (xem hình). Tác phẩm được chia làm ba quyển, gồm 10 chương nói về Trà nguyên, trà tính và trà cụ. Tức là nguyên thủy của trà, cách trồng trà, phương pháp chọn trà, tính chất riêng biệt của trà, cách thức nấu trà và những dụng cụ để uống trà, cũng như các thứ nước để nấu trà làm tăng vị trà.

Cũng nên nói qua rằng thời Lục Vũ người ta còn uống theo lối Đoàn Trà, tức là trà khô được vo tròn thành bánh, trước lúc uống trà phải mang bánh trà ra hong trước bếp cho mềm trà, rồi đặt giữa hai tờ giấy sạch mà nghiền vụn ra. Chờ nước vừa sôi thì bỏ muối vào, chờ nước sôi thêm một lúc thì mới mang trà đã nghiền mà bỏ vào. Nước sôi sùng sục như giận dữ mới là lúc quan trọng nhất. Cần phải bỏ vào lúc ấy một thìa nước lạnh gọi là để trấn trà, và là phục hồi tính của nước, tức là nguyên khí. Sau đó mới mang pha ra để uống.

Đến đời Tống (962-1274) Lối uống trà của Lục Vũ tức Đoàn Trà đã được bỏ đi để uống theo lối Mạt Trà. Lối nầy được gọi là đệ nhị trà phái, trà được bỏ vào cối đá nghiền thành bột rồi mang đặt vào chén, đổ nước thật sôi, quấy đều bằng một chiếc trà tiễn, hình như một cái chổi bằng tre, vót thật khéo, chọn tre tốt, chẻ tách ra thành nhiều que như que tăm dài, một đầu không chẻ để làm cán. Tiễn là để chùi nồi, chùi âm như ta vẫn thấy nhưng đây cũng là một loại tiễn mà được vót công phu hơn, thanh cảnh hơn, đặc biệt để quậy trà.

Người của thời đại nầy rất hâm mộ trà, và lối uống trà nầy đã thay đổi nhiều, từ dụng cụ đến phương pháp so với thời đại của Lục Vũ. Người Nhật và lối trà đạo của họ là lối uống theo nghi thức của thời đại Tống nầy, sẽ có một chương nói về cách thức uống trà.

Trở về với tác phẩm Trà Kinh của Lục Vũ, ông quả đã làm cho mọi người ý thức về Trà, một đặc ân của thiên nhiên dành cho loài người, mà có bao nhiêu kẻ đã nhắm mắt bưng tai, không biết thưởng thức cái đẹp, cái hay, cái tao nhã của trà. Thật đáng tiếc.

ĐỒ là cái tên thuở ban đầu của TRÀ, có người ngờ rằng chữ “Đồ” đã bị đọc chệch ra thành chữ Trà đó thôi. Sách Nhĩ Nhã cũng ghi là đồ, khổ thái, hoặc khổ thảo gọi là một thứ rau đắng, nhưng có thể ăn được. Trà còn một tên nữa là Mính, về sau người ta chia ra búp non, hái sớm được gọi là Trà, lá già hái muộn là Mính hay Minh, các văn gia cổ điển còn gọi thêm những tên khác như Thiệt, Thuần, Gia,…

Sau khi Trà Kinh ra đời, còn có Trà Lục của Tống Thái Trương, ông nầy chê Trà Kinh còn thiếu sót, Lục Vũ không chép đủ các thứ trà và nói nơi sản xuất. Dầu sao Trà Kinh cũng đã được hoan nghênh và Lục Vũ cũng đã trở thành người bạn, con cưng của Đại Tông Hoàng Đế (763-766). Người đời tiếp tục tôn Lục Vũ làm Trà Thánh, có kẻ chê gọi là Trà Điên.

Bước đi của Trà từ Á sang Âu.

Vào đời Tống có một vị thiền sư là Vĩnh Tây Thiền Sư, khi ông sang Nam Hoa để nghiên cứu về phái Thiền ở đấy, ông còn nghiên cứu về các giống trà, ông đã chọn giống trà Phù Lương về trồng tại mấy vùng khác, mà Chân Sơn và Vũ Thủy là nổi tiếng nhất. Ông còn viết ra một quyển sách mang tên: Khiết Trà dưỡng sinh lực, và đã lấy trà nầy để chế ra một thứ trà khác tẩy được chướng, lấy tên là Nham Thượng.

Mãi thế kỷ thứ 16, người Âu châu mới được nếm hương vị tuyệt vời của trà. Có nên nói thêm rằng nhờ trà nên mới có nước Hoa Kỳ ngày nay. Nếu trà không thanh cao, đặc biệt đem lại bao nhiêu niềm lâng lâng cho con người thì liệu có nước Hoa Kỳ như hôm nay? Lại một lần nữa nhắc đến cái mũi của nữ hoàng Cléopâtre, nếu nó to hơn, dài hơn thì sao? Nếu trà không làm cho người dân Anh quốc đã say mê đến độ đánh thuế quá nặng thì liệu, người dân thuộc địa Hoa Kỳ có phải kiệt sức, không thể chịu nổi, nên đã vùng dậy mà ném cả 342 thùng trà xuống biển, để rồi bắt đầu cuộc khởi nghĩa dành độc lập năm 1773. Cố nhiên là không lỗi ở trà và cũng không phải chỉ vì trà mà còn một nghìn lẽ một lý do khác, nhưng đã nói đến trà thì cứ nên cho rằng, nhờ đó mà cái gọi là Boston Tea Party trở thành bất hủ.

Một sinh viên y khoa người Pháp tên gọi là Morrisset khi trình bày luận án trước viện y học Paris, đã đề cao trà gọi trà là một thức uống có thể làm tăng sự minh mẫn, tăng thêm trí tuệ. Cái luận án nầy, tiếc thay đã bị phản đối, phải chịu mang đốt đi vì một số người muốn bênh vực một thức uống khác, đã không hài lòng.

Vào đến thế kỷ 19 mà Trung Hoa vẫn còn là nơi độc quyền sản xuất trà bán ra khắp toàn thế giới. Thuở ấy người ta chỉ mới biết mua trà về pha chế thêm, mang bỏ vào hộp, đóng thùng dán lên các thứ nhãn hiệu rồi đưa đi bán lại mà thôi. Càng ngày thấy nhu cầu càng tăng và nguồn lợi càng rõ ràng vĩ đại, người ta nghĩ đến mang giống trà đi trồng ở các miền đất đai các xứ khác mới đủ cung cấp cho cả thế giới.

Người Anh quốc là kẻ tiên phong đã biết dùng ngay đất thuộc địa của mình, tức là xứ Ấn Độ thời ấy, làm nơi trồng trọt và sản xuất trà, thay vì phải mua từ người Trung Hoa. Họ đã lấy giống trà từ Trung Hoa, đón một số chuyên viên Trung Hoa trong ngành trồng tỉa cũng như pha chế, đưa những người nầy sang Ấn Độ để dạy cách thức trồng trọt pha chế cho dân địa phương, và họ đã thành công. Người ta cũng đã tìm được ở những vùng Assam xứ Ấn Độ những giống trà mọc từ đất ấy, và ở phía đông bắc Ấn Độ vùng Darjeeling là nơi được mang giống trà đến gieo trồng trước nhất. Sau đó mới đến vùng Ceylan, dần dần các nước khác cũng noi theo, chạy đi kiếm hạt giống mang về trồng ở xứ mình như Nga, Phi, Mỹ…

Ngoài ra còn những vùng mà cây trà được trời ban cho cũng mọc lên tự nhiên và hợp khí hậu không kém trà của Trung Hoa đó là những vùng như Việt Nam, Miến Điện, Mã Lai, Lào, Miên. Về sau có những thứ tưởng là trà tàu, gọi là trà tàu nhưng sự thực là họ đã mua rất rẻ ở xứ ta về pha chế, đặt tên, đóng hộp rồi lại gửi sang bán cho người Việt, mà chúng ta không ngờ tới.

Các giống trà và tính chất.

Trà từ thời Thần Nông, hay từ thuở có mặt trên quả đất cho đến bây giờ vẫn là thứ trà xanh lá, mùa đông cũng không đổi mầu. Thân trà cao từ 5 đến 15 thước, khi được cắt tỉa thì chỉ còn từ 1 đến 2 thước.

Trà có nhiều giống, nhiều loại, có thứ chuộng khí ấm nhưng cũng có thứ chuộng khí lạnh. Muốn trồng trà trước hết phải lấy hạt trà ương vào chậu con trong vòng 6 tháng, sau đó mới cho ra đất, hai năm sau, khi cây trà cao lên hơn một thước, người ta cắt sát gốc chờ đến năm thứ 3 mới bắt đầu hái lá, mỗi cây trà sống được từ 25 đến 50 tuổi, nếu không gặp tai nạn. Hương vị và độc đáo của mỗi thứ trà là do khí hậu đất đai, tuổi lá, cách thức vun xới, phân bón, tuổi lá và thời gian người ta trẩy lá, thay đổi từng mùa.

Những vùng cao nguyên ở trên 1000 thước, là một yếu tố cần thiết làm cho hương vị thêm đậm đà. Theo sự suy nghiệm của các chuyên gia thì chính ánh quang tuyến ở những vùng cao nguyên ấy đã chiếu xuống nụ trà làm tăng hương vị.

Trà được chia ra mấy thứ, Hồng trà, Hắc trà và thanh, lục trà. Tất cả đều do cách thức pha chế chứ trà thì nguyên thủy vẫn là mầu lá xanh chỉ trừ giống Lạp Mộc trà mọc ở Phúc Kiến mang mầu vàng mà về sau chúng ta sẽ đề cập tới.

Có những tên trà quen thuộc mà người sành trà ai cũng phải biết đến, nếu không cũng đã từng nghe qua như Long Tĩnh, Đông Đỉnh, Vũ Tiền, Vũ Hậu, Xã Tiền, Hỏa Tiền, Ngân Châm, Tước Thiệt, Ưng Trảo, Phổ Nhĩ, Ô Long, Vũ Di… Những tên nầy được chia ra từng loại hoặc do từ giống trà, hoặc từ thời gian hái trà, hoặc địa phương trà mọc lên, ngoài ra là những tên được đặt theo hứng cảm của nhà chế tạo như: La Hán, Châu Trà, Bạch Trà, Bích Lệ, Thiết Quan Âm…

Trà mang tên Long Tĩnh là một thứ trà mà thuở ban đầu đã mọc ở Triết Giang, thuộc Hàng Châu, đặc biệt nhất tại vùng nầy là nước suối hay nước giếng đều trong và thơm ngọt. Chung quanh những cái thiên tỉnh (giếng trời thiên nhiên) mọc lên những giống trà đặc biệt từ hương lẫn vị. Bao nhiêu người sành trà sau khi thưởng thức đều phải chịu là: Thậm giai (ngon nhất). Người ta thử đưa giống trà nầy đi trồng tại các nơi khác thì không thể nào sánh với thứ trà của thiên nhiên chính gốc được. Trà được mang tên Long Tĩnh là do từ những cái giếng của rồng uống nầy. Vùng Đoan Châu trên Bạch Vân sơn có một ngôi chùa, mà nơi đây các tăng ni đã trồng trà với một nghi thức trang trọng, lúc pha chế cũng như lúc gieo trồng, tưới tẩm đều riêng biệt khác thường. Trà chế riêng biệt nầy còn được mang tên là Tố Hinh Hoa Khí, vị ngọt, mát, thơm lại còn một tên là Đỉnh Hồ Trà, không dễ gì có tiền mà mua được.

Vùng La Phù có Trà Yêm, mỗi năm trước ngày vào tiết Xuân Phân (trung tuần tháng 2) người hái trà phải đến từ hôm qua, ngủ lại suốt đêm trong những cái lều lá gọi là cái Yêm, đợi sáng tinh sương dậy hái trà. Thứ trà nầy đòi hỏi phải được hội đủ cả khí âm và khí dương, vì thế không thể hái muộn hơn. Nấu trà Yêm với La Phù tuyền tức là nước ở suối La Phù thì không còn gì hơn. Người Xưa vẫn cho suối là bạn của trà, vì chỉ có nước suối mới đưa được hương vị trà lên đúng tầm thơm ngọt (sẽ nói sau về các thứ nước). Tại La Phù có những giòng suối rất nổi tiếng. Tào Khê trà mỗi năm chỉ có thể hái 4 lần, khác với những thứ trà khác ở điểm ấy, vì có những giống cứ 2 tuần là có thể hái một lần. Bốn lần hái trà nầy phải canh vào dịp Thanh Minh và Hàn Lộ, do đó mà Tào Khê trà rất hiếm và rất quý.

Tân An có Mông Sơn trà, lúc pha trà nghe thoảng mùi hương lan hoặc hương Mạt Ly, mùi hương tự nhiên do từ nụ trà mà ra chứ không phải trà ướp hoa như nhiều người vẫn tưởng và vẫn lầm. Người ta chỉ ướp hoa nhưng thứ trà không hương, loại trà hai tuần một lần hái, có khi còn trộn thêm với một thứ Phi Trà.

Vùng Tân An nầy có trên mười thứ nước suối, đưa ra pha trà, mỗi suối mang một hương vị khác nhau, mà hương vị nào cũng thơm ngon. Người được hân hạnh nếm qua đều ngạc nhiên, khó quên. Nhờ mọc trên núi cao, mây móc u nhàn, nên trà đã hấp thụ được hết tất cả cái gọi là tinh anh của thiên nhiên.

Lạc Xương có Mao Trà, một giống trà lá thật nhỏ, trên lá mang đầy lông tơ trắng, vị trà vừa thanh vừa ngọt, một thứ ngọt trong trẻo tinh khiết.

Triêu Dương có Phượng Sơn trà uống vào thì giọng nói trở nên trong trẻo, còn mang tên là Hoàng Trà.

Quỳnh Châu có Linh Trà, còn gọi là Giang Nam Hoàng Liên Trà, hay là Điểu Dược Trà hoặc Sơn Dược Trà., uống vào thì bổ khí.

Đất Kinh Hồ có Long Khê Trà và Vũ Tiền Trà, Vũ Hậu Trà. Sao gọi là Vũ Tiền vì thứ trà nầy đòi hỏi phải chỉ được hái vào trước tiết Cốc Vũ (lối đầu tháng ba, âm lịch). Theo sách Nông Phổ Lục Thư thì vào tiết nầy, trời hay mưa và cần có mưa để cây cỏ thêm lá nhưng nước mưa lại làm nhạt vị của hoa, quả, tất nhiên là nụ trà cũng phải chịu chung cái họa hại ấy. Vì vậy phải hái trước khi Cốc Vũ để hương vị trà khỏi bị ảnh hưởng.

Vũ Hậu Trà lại là thứ trà phải hái sau tiết Cốc Vũ mấy ngày để cho hương vị trở lại thơm ngọt, tức là trước tiết Lập Hạ. Lối 18 tháng ba âm lịch.

Xã Tiền là thứ trà phải được hái trước ngày tế Xã Thần, tức là Thổ Thần, vị Thần chủ âm khí, người ta vẫn chọn ngày Thân hoặc ngày Mậu, vì theo âm lịch thì hai ngày nầy tốt nhất trong hàng Can và Chi của âm lịch vào tháng Trọng Xuân.

Hỏa Tiền tức là vào ngày Hàn Thực, trước tiết Thanh Minh hai hôm. Ngày nầy người ta chỉ ăn nguội, không đốt lửa để tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi. Thời Xuân Thu, ông đã phò Tấn Văn Công đi trốn suốt 19 năm có khi đói quá ông phải cắt cả thịt đùi mình nấu cháo cho vua ăn. Ngày được trở về nước làm vua lại, Tấn Văn Công đã ban thưởng cho mọi người mà quên mất Giới Tử Thôi. Ông chỉ lặng lẽ cõng mẹ vào Miên Sơn ở ẩn, có người biết chuyện làm một bài thơ treo ở cổng thành. Nhà vua lúc nầy mới nhớ chuyện cũ, ân hận cho đi tìm. Biết ông và mẹ ở trong núi nhưng nhất định không chịu ra. Nhà vua cho lệnh đốt rừng để mong ông sợ lửa mà chạy ra nhưng ông quyết tâm ôm gốc cây mà chết.

Trà đen

Từ đó nhà vua ra lệnh mỗi kỳ trước Thanh Minh 2 ngày, thì dân gian phải ăn thức nguội để khỏi đốt lửa. Trà hái vào ngày ấy gọi là Hỏa Tiền trà.

Hạng thứ ba, tên trà do từ hình dạng mà ra, thí dụ giống trà mang tên ngân châm tức là một giống trà khô, bé và mãnh mai như những cây kim lại có ánh bạc, trà nầy hiếm và rất ngon.

Tước Thiệt, hình mỏng như lưỡi chim sẻ, cánh tròn, theo Mông Khê Bút Đàm, trà nầy là thứ non nhất, non như những mầm lúa sữa. Cố nhiên là quý và hiếm.

Ưng Trảo, thứ lá trà nhỏ hình cong úp như móng chim, ở vườn phía bắc vùng Nam Kinh, trà vườn nầy nổi tiếng, không phải dễ mua.

Lạp Trà là thứ trà Phúc Kiến, lá vàng bóng như mầu sáp ong, còn tên là Lạp Hồ, Viên Kiến Trà. Phổ Nhĩ, loại trà chỉ thấy sản xuất ở Vân Nam, vùng Phổ Nhỉ phủ, pha nước có thể đen như sơn, có thể làm cho giã rượu, lại còn làm tiêu các chất mỡ của thức ăn chiên xào, chữa được cả chứng ung thư dạ dày, theo sách thuốc của người xưa. Những hiệu ăn thường đãi khách với loại trà nầy. Còn một tên nữa, rất quen thuộc là Ô Long trà, có hai thứ Ô Long, một thứ là Ô Long thanh trà và một thứ là Ô Long hồng trà, vì lá được làm dập ra trước khi….

Trà Ô Long

Thanh trà nhiều chất trà tố hơn nên gọi là trà của tuổi trẻ và Hồng trà ít trà tố nên để dành cho các bô lão.

Ngoài ra còn những tên thú vị như Trảm Mã Trà, Hầu trà, Cô Nương Trà hay là Trinh Nữ trà. Tất cả đều là những tên mà nay chỉ còn vang danh. Nói đến Trảm Mã trà, phải biết rằng ngày xưa người ta phải dùng riêng một thứ kiếm gọi là Trảm mã kiếm để giết ngựa, mổ bụng ra để lấy lá trà còn nguyên, chưa tiêu hóa. Sự thực vì ngày xưa có những giống trà mọc trên đồi cao, đường đi gai góc, người không thể nào trèo tới. Trong khi đó lại có những con ngựa già không làm gì được, người ta cho trèo lên đó ăn no một bụng lá trà rồi bắt về mổ bụng, lợi một công hai việc. Kiếm để giết phải là thứ kiếm nhọn, bén, để không làm dẫy dụa, như loại dao giết cừu của các vị đồ tể Do Thái, Ả Rập mà trong Kinh của cả hai đạo đều có dặn dò. Trà hoang vẫn ngon hơn, hương vị đặc biệt hơn là thứ trà được trồng tỉa trong vườn.

Hầu Trà là thứ trà do khỉ hái, người ta cho khỉ quen với một thức ăn gì đó, có sách ghi là thuốc phiện, hòa vào nước cho khỉ uống, khỉ đâm nghiện nên cứ mỗi kỳ hái trà, chỉ việc mang vào cổ khỉ một cái túi, khỉ trèo lên cây hái thoăn thoắt, đầy túi thì trèo xuống để được thưởng, do đó mà mang tên là Hầu Trà. Sự thực cũng chỉ vì có những cành lá trà trên đồi mọc ra xa, người không thể nào hái được, chỉ có khỉ nhẹ mình mới có thể ra tận đầu cành mà hái. Loài người từ thuở nào đã biết tận dụng các thứ thú vật bắt làm tôi mọi mình.

Trinh Nữ trà hay là Cô Nương trà, thứ trà nầy chỉ để dành cho các cụ già mà còn ham chuyện hưởng thụ. Vì người ta tin rằng trong thân các cô gái đồng trinh có tỏa ra một chất sinh khí rất bổ ích cho tuổi cao niên. Nhà bán trà bèn bày đặt ra chuyện tuyển các cô gái trẻ nhỏ, nuôi cho ăn, ở, đến ngày đi hái trà thì lùa các cô ấy đi hái bỏ vào trong thân mình do một thứ áo may riêng, bó chân để giữ trà suốt đêm. Ngày mai mới lấy ra mà pha chế. Cố nhiên là giá trà rất cao và các bô lão rất tin.

Phải nhận rằng vì xứ Trung Hoa ngày xưa quá đông dân, nhà ai cũng đẻ cả chục hơn, nên sự dùng người làm những việc nầy để phục dịch thương mại cũng không lấy gì làm lạ.

Để kết thúc tưởng cũng không nên quên một thứ trà nữa là Vân Vụ Trà, giống trà nầy ở Lư Sơn thuộc phía Bắc tỉnh Giang Tây, truyền thuyết rằng ngày xưa có một giống chim bay từ phương Nam tới, mỏ chim thường ngậm một giống hạt trà mà chim đã rất ưa thích. Bay ngang Lư Sơn nhìn xuống thấy phong cảnh quá đẹp, chim thích chí, lượn một vòng ngắm cảnh, càng ngắm càng say, không nhịn được, chim đã cất tiếng hót và hạt trà đã từ mỏ chim rơi xuống, những hạt trà tinh túy công trình của chim đã mang từ phương Nam tới. Những hạt trà nầy đã rơi xuống đúng vào một khe đá, chẳng bao lâu, đã thành một vùng trà rất đặc biệt.

Trà xanh

Người đời sau không tin, cho là huyễn thoại, cũng như người phương Nam bảo đó là giống trà ở miệt Đà Lạt. Nhưng hình như sự thật, Vân Vụ trà chỉ là một thứ trà tự nhiên, còn được gọi là Toãn Lâm Trà, toãn có nghĩa là dùi ở từ dưới đất dùi lên, và giống trà nầy đã dùi từ đá mà chui ra, đến tiết Đoan Ngọ mới bắt đầu nẩy mầm non, cây cao không hơn một xích. Đoan Ngọ vào mùng 5 tháng 5 còn được gọi là Thi Nhân Tiết. Ngày nay các nhà thơ vẫn giữ tục họp nhau, ngâm vịnh xướng họa. Trà Vân Vụ mọc trên các núi đá cao nên khó hái, nhất là sự phải đương đầu với gai góc cùng những dã thú chung quanh.

Vì Vân Vụ trà có nhiều chất thiết (ferrum) lẫn chất toan diêm (phosphore)… điều kiện khí hậu thích hợp nên trà rất nhiều nụ, mà nụ rất mập, đầy lông tơ, khi pha trà ra, nước vàng hơi lóng lánh xanh. Vị trà giống vị Long Tĩnh nhưng thuần hậu hơn, Long Tĩnh hơi chát, uống vào khỏi cổ thì vị ngọt còn giữ mãi, chén trà đã uống xong từ lâu mà vẫn còn giữ hương. Đời nhà Thanh gọi là cống phẩm chỉ dành cho giới quý tộc.

Hái trà và chế thành trà

Ngày xưa trước khi có máy, người ta thường sung đàn bà con gái làm công việc hái trà, vì công việc không có gì quá vất vả, ngày nay tuy có đủ các thứ máy hái nhưng nhiều nơi vẫn tiếp tục dùng các cô các bà, bàn tay người có thể lựa chọn, cố nhiên là đây chỉ dành cho những đồi trà quý, không được xuất cảng ra ngoài, dành cho những nhân vật biết thưởng thức, đại nghiện. Cùng một đồi trà, một cách hái, một cách thức sấy nhưng trà hái mỗi mùa lại mang một hương vị khác. Các vị tình nhân của trà, hay các chuyên gia, nhận rằng mùa xuân trà đượm, mùa hạ trà nồng, mùa thu trà ngát, còn mùa đông thì chỉ được nước, vị trà chát và hương kém hẳn, so với những mùa kia.

Bón phân cho trà cũng phải tính ngày, bón phân sớm hoặc muộn sẽ có ảnh hưởng cho cả hương lẫn vị. Có những thứ trà chỉ thích được hái vào đầu thu, khi heo may chớm thổi. Sau đó người ta mang về phơi trong nhà, chỉ có gió vào, nhờ gió làm cho héo đi, chứ không phơi, không sấy than như những thứ trà khác. Phần đông trà của hai mùa Xuân và Thu là loại trà ngon, những mùa kia hái trà chỉ để phục vụ thương mãi.

Trà ngon, muốn cho thật đúng, còn phải biết săn sóc, làm cỏ, bón phân, ở đây không dùng phân hóa học, chỉ một số phân thiên nhiên, còn thì cần nhất là hái lá trà già, ủ làm phân, lá trà tự nuôi lấy cây thì trà mới ngon. Đối với các nhà trồng trà để bán nhiều ra ngoài, không bao giờ chịu bỏ phí lá trà như thế.

Phải cắt ngọn thế nào cho cây trà ra thật nhiều nhánh, để có nhiều nụ, nhiều lá, để chế các thứ hồng trà, hắc trà mà xuất cảng chứ không cần phải nghĩ đến hương và vị, tất cả đều có các chất hóa học giả tạo phụ giúp nếu cần đến, cố nhiên là trà ngon sẵn thì tự nó đã thơm.

Chúng ta vẫn nghe nói đến mấy chữ: Nhất thương nhất kỳ, tức là một cái que một lá, rồi đến nhất thương nhị kỳ, là một que hai lá. Thương tức là cái cán cờ, cái que cắm cờ, và nhất kỳ là chỉ có một nụ một lá, thứ trà quý nhất, sau đó là một nụ hai lá, dưới một tí nhưng cũng đã phải trả giá đắt, sau đó là một nụ ba, bốn, năm lá để chế các thứ chè mạn, chè buồm, cuối cùng, xứ ta còn gọi là chè Huế, là thứ lá già bên dưới, hái về phơi nắng mỗi lần nấu nước lên một lần với lá chè, rẻ tiền.

Có những thứ trà phải cần được sấy bằng than, ủ một lần trong mấy tiếng đồng hồ là đủ, nhưng có những thứ khác cần sấy hơi, sấy than, sấy nắng, sấy gió, và ngày nay người ta sấy bằng máy trong những cơ xưởng chế trà.

Trà tươi 100 ký lúc sấy khô chỉ còn có 25 ký mà như chúng ta đã nói ở trên, có thứ cần hái khi mới dứt sương, có thứ phải hái vào lối từ 12 đến 14 giờ rồi thôi, như thế mới hội đủ hương vị, đòi hỏi của giống trà.

Trà tốt phải dính chắc như keo, sắc vàng mật, ánh như nắng mùa xuân, hương trà lại phải tùy theo mỗi giống, cố nhiên là hương tự nhiên, không phải thứ ướp hoa.

Dụng cụ và cách thức pha trà.

Nhắc lại, chúng ta uống trà ngày nay là theo lối uống trà của đời nhà Minh, tức vào lối thế kỷ thứ 16 mà thôi. Đời nhà Đường, tức là lối của Lục Vũ chúng ta không theo. Sử chép vào thời Thần Nông người ta còn bỏ thêm vào nồi trà nào gừng, nào muối, nào vỏ cam, có khi thêm cả hành để trị bệnh. Chúng ta cũng không uống theo lối Mạt Trà, từ đời nhà Tống như người Nhật Bản mà chúng ta uống theo lối Tiễn trà hay là Tán trà, tức là bỏ trà khô vào ấm, chế nước sôi lên.

Một bộ trà gồm có một cái dầm để ngâm trà cho nóng, gọi là trà tẩm, một cái ấm gọi là trà hồ, một cái khay là trà bàn, một chén tống và ba chén quân.

Chén tống xưa gọi là tướng, sau đổi gọi là tống, chén tống rất quan trọng, như một vị tướng chỉ huy ba đội quân, nó vừa để tống vừa để nghênh đón những giọt trà mà được người xưa gọi là “Dịch thể ngạnh ngọc bào”. Để rồi chuyển qua những chén quân sau đó.

Chén tống có hai loại hoặc là trên dưới bằng nhau, hoặc là miệng hơi loe ra cho khỏi vung vãi đổ ra ngoài phí trà, chén tống làm cho nước vừa uống, khỏi bỏng môi bỏng họng, vì nước từ ấm trà ra bao giờ cũng phải dùng thứ nước thật sôi, mỗi lần mỗi nấu lại, nếu muốn pha một ấm trà mới, không lấy nước đã được nấu mười phút trước. Nước chưa đủ độ trà sẽ không chìm và không toát ra đủ tất cả hương vị của từng lá trà.

Tại sao phải là ba chén quân, vì người xưa hay có câu tam quân đương nhất chiến, phải ba đạo quân mới giữ vững được một trận tuyến, và người xưa lại còn nói thêm một câu khác nữa là: Quân chi tam đội, thành nhất chiến chi công. Ngay những lúc độc ẩm cũng phải cần tam quân để cho trà vừa nguội, uống hết chén nầy lại uống chén nữa, sau đó mới pha lần khác. Có người để sẵn trong chén tống, pha riêng khi độc ẩm, nhưng nghi thức vẫn đòi hỏi tam quân. Con số ba là dương số, con số vừa vặn nếu 5 thì lại quá nhiều mà người xưa ít thích âm số, tức số chẳng. Sau đó là cái khay, tùy từng hoàn cảnh, có những cái khay mà người ta có thể súc chén đổ ngay xuống, nhưng có loại khay phải cần thêm một cái lon hoặc bình để đổ các thứ nước thừa thãi, bã trà…

Cuối cùng, chúng ta để dành riêng một trang để nói riêng về cái ấm mà còn gọi là trà hồ. Theo đúng lễ nghi nguyên tắc, bao giờ cũng phải có cái ấm. Ngày nay có vài nhà đã theo lối mới chỉ bỏ trà trong cái cốc đổ nước sôi đậy lại, nhưng như thế chỉ là để uống nước cho khỏi khát, khó thưởng thức trà trong lối uống như thế. Hẳn vì sợ người ngoại quốc không hiểu nên người ta mới phải làm đơn giản hóa nghi thức uống trà, xem trà như cà phê chắc cũng là ảnh hưởng của người Âu châu chăng?

Không phải cái ấm nào cũng giữ được hương vị trà, yếu tố cần thiết là đất, rồi đến những điều kiện đòi hỏi một cái ấm tốt phải hội đủ, mới có thể pha được một ấm trà ngon.

Xin được nói qua một chút về truyền thuyết và lịch sử, chúng ta thường nghe nói đến cái tên Nghi Hưng, và các cụ mua ấm ngày xưa cũng đòi cho được loại ấm làm tại đấy. Nhưng Nghi Hưng là đâu, tại sao lại đòi phải cho được ấm từ Nghi Hưng.

Đọc sử hẳn ai cũng biết câu chuyện Phạm Lãi với nàng Tây Thi, ông là người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn trả được mối thù với Ngô Vương Hạp Lư, nhờ dùng Mỹ Nhân kế là nàng Tây Thi, làm cho Ngô Vương mải vui theo người đẹp mà quên mất chính sự.

Sau khi chiến thắng ông thực hành đúng câu nói của cổ nhân là công thành, thân thoái (thành công rồi thì rút lui), sự thực thì tại ông biết xem tướng. Thấy Việt Vương Câu Tiễn là người có cái cổ dài và cái miệng giống mỏ chim mà người như thế với tướng đàn ông thì là thứ người chỉ có thể ở với nhau lúc hoạn nạn nhưng không thể cùng chung sống khi giàu sang thanh bình, vinh hiển (khả cộng nhục bất khả cộng vinh). Nên ông đã xin từ chức mặc dầu Câu Tiễn dọa dẫm đòi bắt vợ con ông cũng không cần, cứ ra đi. Sử ghi ông đã bơi thuyền nhỏ đến Ngũ Hồ, sau khi đã vượt khỏi Tam Giang. Có sách ghi ông sang Tề làm đến Thượng Khanh đổi tên là Lục Di Từ Bi, sau đó mới bỏ Tề sang Thái Hồ làm nghề đào khí, tức là đồ gốm đổi tên, họ một lần nữa là Đào Chu Công.

Ban đầu người trong làng bắt chước ông chỉ làm để dùng trong vùng sau đó tiếng tăm càng ngày càng nổi. Nghi Hưng trước tên là Dương Tiện, trên đất tỉnh Giang Tô phía tây Thái Hồ. Trước đời nhà Minh người ta uống trà trong những cái ấm lớn mà nổi tiếng nhất là ấm của Chu Cao Khởi. Sang đến niên hiệu Chính Đức, Thái Hồ có một ngôi chùa nhỏ mang tên là Kim Sa tự, trong chùa có một vị sư hiệu là Vô Danh, nhà sư cũng rất thiện trà, một hôm, ông suy nghĩ rồi nhận thấy quả thật uống trà trong cái ấm lớn vừa tốn trà vừa tốn nước, lại không đủ hương vị, nhân quen với những đệ tử làm nghề đào khí, ông bèn chọn thứ đất tốt rồi tự tay nắn lấy cho mình một cái ấm nhỏ, hình như quả trứng có nắp đậy, trên nắp có lỗ để cho thông khí. Mang vào lò nung xong, về chùa tự pha trà uống thì đúng y như ý muốn. Chỉ cần một nắm trà, không phải đun nhiều nước mà rồi uống chén nào ra chén nấy, hội đủ hương vị sắc, lại không phải uống nhiều đến nổi mất ngủ. Ấm trà nhỏ ra đời từ đấy, mọi người đều công nhận sự ích lợi thiết thực của cái ấm nhỏ và phong cách uống trà cũng đổi bắt đầu từ đấy, ấm lớn chỉ được dùng khi nào cần đãi đông người, uống nước cho đã khát, nhưng với bạn tri kỷ, đạo trà, thì người ta mang ấm chén như đã nói trên ra để chủ với khách cùng thưởng thức.

Nghi Hưng được nổi tiếng chỉ vì nơi nầy có thứ đất sét gọi là Dao, để nặn ấm mà các vùng khác không có. Xứ Nhật Bản trong tác phẩm Minh Đại chi đào khí, người ta cũng rất quan tâm về vấn đề xuất xứ của thứ ấm đất nầy. Căn cứ vào các thi phẩm từ Hán, Đường, Tống và ngờ rằng ấm trà bằng đất đã có mặt từ trước ở những nơi khác chứ không riêng gì Nghi Hưng. Nhưng người ta cũng tìm được một số tài liệu từ đời Hán, mà bên dưới những cái ấm đất đều có khắc chữ triện Dương Tiện Chế và Dương Tiện là tên cũ của Nghi Hưng. Trong sử cổ cũng có câu: Thuấn đào Hà Tân, mà Hà Tân chính là Nghi Hưng.

Đời Đường uốn trà thịnh hành nhất, thì trà cũng sản xuất từ huyện Nghi Hưng. Có người đặt câu hỏi, có phải ở giữa cây trà và đất Nghi Hưng đã có một sự liên hệ chăng. Nhà sư Vô Danh ở Kim Sa tự, không phải chuyên nghiệp nên sau đó ông chỉ làm một số cho các bạn bè, nên ấm Vô Danh mà dấu tay của nhà sư thay cái triện dưới đáy ấm. Ngày nay không còn thấy, có học trò của ông là Cung Xuân mới chính là người đã làm phát triển loại tiểu hồ trà nầy. Cũng có người cho Cung Xuân là thủy tổ của nghề làm đồ gốm.

Thuở ấy người ta lại có cái lệ khắc thơ hoặc một câu gì trên ấm, có một câu “Hồi Văn Thi” rất được nổi tiếng đọc ngược xuôi gì cũng được đó là câu “Khả dĩ thanh tâm dã” có thể đọc thành “dã khả dĩ thanh tâm” , ”thanh tâm dã khả dĩ”, hoặc “Tâm dã khả dĩ thanh”,… Ý nghĩa thì mọi người đã hiểu là uống trà trong cái ấm nầy thì có thể làm cho cái tâm người được trong sáng.

Về sau có những cái ấm kỳ hình quái trạng ra đời nhưng chỉ để bày cho vui mắt chứ không thể dùng để pha trà được.

Một cái ấm quý phải hội đủ mấy điều kiện, miệng, vòi và quai ấm phải ngang nhau lúc đặt sấp xuống bàn không chênh vênh, đổ nước sôi vào phải nóng ngay, mà quai ấm cầm vẫn không bỏng, nắp ấm phải khít khao với miệng ấm, nắp ấm có một lỗ nhỏ mà nước không được trào ra ở lỗ ấy. Lúc cầm lên pha vào chén, nước từ ấm ra phải chảy thành một đường như đường chỉ, không được vung vãi. Lúc ngừng tay, nước không trào ra ngoài giọt nào. Đặt ấm vào tai, nghe vi vu như tiếng sóng. Đất phải thật nhẹ và mịn nhuyễn. Đất mầu tím là hạng nhất gọi là Tử Sa, Thiết Sa, Chu Sa hạng nhì, sau đó còn hoàng sa, bạch sa, lam sa, đều có thể dùng làm ấm trà nhưng ở các hạng sau. Sau khi nhà Minh mất thì mới bắt đầu nghe nói đến Tam Đại, Tứ Gia và Ngũ Đại Danh Hồ. Tam Đại có: Thời Đại Ban, Lý Trung Phong và Từ Hữu Tuyền, cả ba đời nầy làm đồ gốm, nhất là trà hồ rất nổi danh.

Tứ Gia là Đông Hàn, Triệu Lương, Nguyên Sướng và Thời Bang.

Ngũ Đại Danh Hồ có: Vô Danh Hồ, Tư Đình Hồ, Đạt Công Hồ và Mãnh Thần Hồ.

Ngày nay chỉ còn nghe và thấy một vài khi đến Ngũ Đại Danh Hồ mà thôi, nhất là Mãnh Thần Hồ thì vẫn còn sản xuất, với các tên khác, nhất là Vô Danh, không ai còn giữ được ấm nào hay là có, mà chúng ta chưa được biết.

Sau đây xin lượt kể vài đặc điểm của các thứ ấm Ngũ Đại Danh Hồ.

Vô Danh Hồ, ấm xuất từ chùa Kim Sa, nắn bằng tay chứ không nắn bằng bàn đạp, mầu đất của ấm là mầu cổ đồng, hình quả trứng, đáy ấm có ấn dấu tay, khi đổ nước sôi vào thì ấm tự xủi lên, từ ở ấm phát ra một âm hưởng nhè nhẹ, không ngừng cho đến khi nước nguội dần.

Tư Đình Hồ do Cung Xuân chế, bên trong là thứ đất thường, nhiều mầu, đậm nhạt đều có, giản dị, xinh, đáy rộng, thường khắc một câu thơ: Nhất luân tân nguyệt trạm giang hình.

Đạt Công Hồ mầu sáng, miệng ấm nhỏ mà cao cổ, vòi ấm dài, nhỏ, bụng ấm rộng mà dẹp, đáy khắc thơ hoặc 4 chữ Xuân Hoa Thu Nguyệt.

Mãnh Thần ấm nhỏ, tinh xảo, thanh nhã, nắp và ấm khít nhau, hay khắc những câu như Minh Nguyệt Tùng Giang Chiếu. Ngày nay chúng ta vẫn thường thấy các cụ để lại cho con cháu đa số là Mãnh Thần Hồ….

Da ấm cần phải mỏng, láng, gõ vào kêu tiếng thanh, ấm dùng lâu, bao giờ cũng có cốt trà đóng bên trong, để cho giữ hương vị trà. Không ai mang ấm trà ra mà kỳ cọ bao giờ, đó là điểm tối kỵ trong nghệ thuật uống trà.

Tùy từng lúc, với một người nghiện nặng, trong nhà bao giờ cũng có mấy cỡ ấm, lúc một mình độc ẩm cần ấm riêng cho một người, song ẩm để uống với tri kỷ, và quần ẩm lúc có trên ba người. Uống trà chỉ thú vị khi uống với tri kỷ, nếu không là tri kỷ, thì thà uống một mình để còn có thể suy tư.

Trà tẩm tức là cái dầm, bộ trà nào cũng có cái dầm vừa tầm với cái ấm, để ngâm ấm mà không ngập đến miệng vòi, vì trà cần được nóng từ bên trong đến bên ngoài.

Chén uống trà mà chúng ta gọi là tam quân ở đoạn trên, cũng rất quan trọng, người ta phải chọn chén, men chén phải mầu gì để hợp với sắc trà, hoặc làm tăng thêm sắc lóng lánh của trà, trái lại có những mầu men làm giảm sắc trà, tức là giảm hứng thú.

Trà ngon phải hội đủ ba yếu tố: Hương, Vị, Sắc. Nếu để mất đi một là không thể đạt được, đây dành cho người biết thưởng thức. Lắm khi trà ngon lại pha không thành, mà trà thường lại pha ra ngon, đó cũng là nhờ tài pha của người biết trà. Hà tiện, bỏ ít trà, thì vị sẽ kém, bỏ quá nhiều thì vị và sắc cũng quá độ.

Nhà thơ Trà Thánh Lục Vũ thích mầu men xanh, thứ men nầy đời Đường gọi là Thanh Từ, nhưng chỉ riêng ở phương Nam mới chế được mầu men nầy, phương Bắc chỉ chế được men trắng, Bạch Từ. Lục Vũ chuộng mầu Thanh Từ, cho rằng nó làm tăng thêm mầu lục của nước trà, trái lại, với ông thì men trắng làm cho sắc trà trở thành vàng hồng, sẽ kém đẹp, giảm phần thi vị.

Người ta còn nhận định chất thơm ở lá trà và chất ngậy ở nụ. Đoạn trên có nói đến một thứ trà mang tên Tước Thiệt. Khi lá trà nầy chỉ được hái một nụ một lá, tức là nhất thương nhất kỳ, bề dài chỉ độ từ một phân rưỡi đến hai phân rưỡi là hết. Mỗi cân trà đếm độ trên hai chục nghìn nụ mà thôi.

Sang đời Tống, uống theo lối Mạt trà nên lại chuộng men mầu xanh đen (thanh mặc) và mầu nâu sẫm (ám hạt) hơi u ám nặng nề. Ngày nay người ta tìm được những vết tích các thứ ấm đất từ thời ấy, rất thô sơ, nhưng cũng để chứng minh rằng, đất Dương Tiện đã là nơi cung ứng loại ấm trà bằng đất từ trước đời Minh.

Xứ ta cũng bắt đầu uống trà theo lối của nhà sư Vô Danh và Chúa Trịnh đã cho người sang Trung Hoa đặt riêng cho Phủ Chúa những thứ chén trà có dấu Nội Phủ mà chúng ta còn được thấy rất nhiều ngày nay ở Việt Nam.

Những bộ chén nầy phù hợp với loại kỷ trà chạm cẩn do người thợ Việt Nam với bàn tay khéo léo đã làm ra, còn lại rất nhiều, chúng ta vẫn thấy ở các gia đình cổ kính.

Chén uống trà cũng được chia ra chén đông ẩm, thu ẩm, và hạ ẩm.. chén đông ẩm trên dưới không khác nhau, chén hạ ẩm miệng chén hơi loe ra bên trên. Xứ ta hay gọi là chén hạt mít, vì có những mầu men tựa như thế và chén cũng khá bé nên được mang tên ấy.

Còn một vật nữa mà ngày nay không mấy ai dùng, trừ phi sống trên đò như ông Lục Quý Mông, hay những ai sống trên núi đó là cái hỏa lò và than. Người xưa cầu kỳ, ngay đến than cũng được chọn rất kỹ, để cho nửa chừng đừng có tắt, làm hỏng nước. Lục Quý Mông, tức là ông Lã Vọng, con người đã câu cá chờ thời, theo sách ghi lại, ông thường thả ghe nhỏ mang theo cần câu, chõng tre, kệ sách, bút mực, hoa lá và trà thơm để qua lại trên sông, trong khi chờ đợi Văn Vương.

Cách thức pha trà

Làm sao để pha một ấm trà cho đúng nghi thức, hợp trà đạo, không làm tủi lòng trà, được xứng danh là sành.

Có thể bảo rằng ai chẳng biết pha trà, chỉ có đun nước sôi bỏ trà vào ấm chứ có gì đâu. Đơn giản như thế nhưng nếu làm đúng tinh thần trà đạo thì nó sẽ khác hẳn nhất là ở mặt tinh thần, triết lý, tư tưởng.

Chén trà pha đúng nghi thức sẽ không còn mang tính chất tầm thường do bàn tay của kẻ vô tình, nếu muốn tránh chữ phàm phu, và để cho kẻ vẫn bị gọi là “ngưu ẩm”. Pha đúng nghi thức sẽ thành một chén của “Dịch Thể Ngạnh Ngọc Bào” như đã nói ở trên.

Yếu tố cần thiết để có thể pha trà ngon còn là yếu tô Nước, không phải lấy nước ở đâu cũng được và bất cứ ngày giờ nào cũng đuọc.

Thứ nước làm cho trà tăng hương vị, hoặc giữ trọn hương vị gọi là nước suối núi vì suối là bạn của trà (tuyền dĩ trà vi hữu), thứ hai là nước giếng núi, là hai thứ nước của thiên nhiên, vị nước ngọt, thanh. Thứ ba là nước sông, những dòng sông ngày chưa bị ô nhiễm. Ngày xưa nước mưa, cũng như nước tuyết cũng được liệt vào hạng bạn của trà, nhưng ngày nay, ở thời đại ô nhiễm nầy thì mây trên trời cũng không còn mang lại những giọt nước trong lành nữa. Ngày nay người ta uống nước máy nhưng với các chất sát trùng hóa học, hoặc chất vôi trong nước làm cho trà trở thành tím và mất rất nhiều hương vị.

Người ta kể chuyện Lục Vũ, một hôm cho tiểu đồng đi ra giữa giòng sông mà lấy nước, vừa nhìn thùng nước mang về, ông lắc đầu, đổ đi gần hết nửa thùng rồi mới đưa vào nấu trà. Các bạn ngạc nhiên hỏi chú tiểu đồng, chú bé thú nhận là vì thuyền chòng chành làm đổ đi mất phân nửa. Vào đến bờ thấy nước quá ít chú bé múc nước ngay ở bờ đổ thêm, ngỡ rằng đâu cũng là nước. Các bạn khâm phục.

Cố nhiên là người đời sau ngờ vực cho đó chỉ là huyền thoại mà thôi. Người xưa còn đi lấy nước vào lúc sáng tinh sương chưa bị bụi bặm của ban ngày xâm phạm, sau một đêm ướt sương, không khí cũng như nước đều được trong lành hơn.

Ngày nay với thời đại văn minh nầy, người nghiện trà, hoặc là mua nước suối, hoặc dùng nước máy nhưng phải đun lên một lần, mang lọc qua những cái lọc giấy mà người ta vẫn dùng để lọc cà phê, có thể đặt thêm một miếng bông gòn để cho các chất vôi, cáu và thuốc khử trùng hóa học đi bớt. Thứ nước nấu và lọc nầy xong, còn phải để ra vài ba ngày mới mang đun trà, có như thế trà mới không đổi sắc và hương vị. Cố nhiên là không bằng với nước suối núi được. Thời Lục Vũ người ta chia ra đến mấy chục thứ nước nhưng bây giờ thì con người đành phải bớt khó tính, bớt cầu kỳ. Nước sôi có 3 độ, lúc ban đầu nước sủi lăn tăn như những hạt cườm nhỏ, hay mắt cá đang nổi lên, độ thứ hai trở thành hạt châu, to hơn, những hạt châu lăn lóc trên mâm bạc, độ thứ ba nước bắt đầu lên tiếng gào thét, những hạt châu trở nên điên cuồng đòi vùng ra khỏi nồi nước. Lúc nầy cần phải lấy xuống ngay, không nên để lâu nước sẽ làm cứng trà. Kỵ nhất là nước đun từ nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ trước, mặc dầu đã bỏ vào bình thủy, nước vẫn không đủ sức làm chìm trà. Khi một ấm trà đã hỏng rồi thì chỉ có cách là bỏ ra làm ấm khác.

Các cụ xưa cần tiểu đồng quạt than cho nước luôn luôn sôi là thế.

Những nguyên tắc cơ bản

- Nước sôi đổ vào để tráng ấm cho nóng và sạch.

- Bỏ trà vào ấm, vừa với độ chứa của ấm, độc ẩm hay song ẩm hay quần ẩm. Người nghiện còn bỏ một lớp trà một lớp mạt trà, rồi lại một lớp trà trên nữa. Mạt trà là để gọi những vụn trà còn lại bên dưới, mỗi lần thay trà mới vào hộp, người ta cất riêng cái vụn không cho lẫn.

- Nước đang sôi chế vào trà rồi đổ ra ngay, gọi là rửa trà hay là để cho trà được thấm chất ẩm.

- Đặt ấm vào dầm chế nước sôi vào ấm, đậy nắp ấm và sẵn nước sôi, chế cả lên ấm cho gần ngập, làm như thế để trà được nóng từ trong ra ngoài tất cả trà phải toát ra hết chất tinh túy.

Trong lúc chờ trà ngấm, lối 5 phút thì phải lo sửa soạn quay chén vào nước sôi, cả chén tống cũng phải được tráng nước sôi. Sau 5 phút có thể pha trà ra chén tống để rồi chuyển vào những chén quân mà thưởng thức với tri kỷ.

Không kể lần nước đổ ra khi rửa trà, nước nầy gọi là Khất Cái, tức là nước đổ cho ăn mày uống, vì người ăn mày thời xưa cũng biết thưởng thức trà.

Nước thứ hai, mới chính là nước trà nhất, vừa thơm ngon đậm đà, đủ ba yếu tố, tam tài tức là thiên, địa, nhân, thiên là Hương trà, địa là Vị trà và Nhân là mầu Sắc của trà. Nước thứ nhất được gọi là Hoàng Đế trà, theo nguyên tắc Quân Sư Phụ. Sau nước thứ hai là của Lão Bá, tức là cha mẹ ông bà, hay thầy giáo, người mình kính trọng. Nước thứ ba gọi là Bình Dân trà.

Nếu chỉ pha trà cho mình thì chén thứ nhất và thứ hai, thứ ba được gọi là tri kỷ, sau đó những nước chế vào chỉ để uống nước mà thôi.

Trà với ngườn Nhật Bản

Với sự thành công trên mặt trận kinh tế, nước Nhật đã dư sức để tung ra thế giới tất cả những cái hay, cái đẹp của họ, mà người Âu Châu ngày nay rất say mê.

Hẳn độc giả đã từng nghe, đọc hoặc đã dự qua những buổi lễ uống trà của người Nhật. Ở đây, đã nói đến trà thì chúng ta cũng không thể bỏ quên.

Từ đoạn trên chúng ta có nhắc đến đời nhà Tống có vị Thiền sư Nhật Bản, khi sang Nam Hoa để nghiên cứu về Thiền học, ông còn nghiên cứu thêm về các giống trà, và đã chọn giống trà ở Phù Lương, thuộc tỉnh Giang Tây. Mang hạt trà về trồng tại mấy vùng, nhưng về sau chỉ nghe nói đến 2 tên Châu Sơn và Vũ Thủy là nổi tiếng.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ 15 người Nhật Bản đã nâng trà lên đến một địa vị quan trọng hầu thành một nghi lễ, một tôn giáo mà mọi người đều nghe nói đến hai chữ Trà Đạo. Lúc bình thường thì hầu hết người Á Đông, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam hay Trung Hoa đều uống trà theo một cách thức gần giống nhau, đến đâu cũng thấy có một kỷ trà hoặc một bình trà được pha sẵn, tùy khách muốn uống thì cứ pha lấy mà uống.

Ở đây không đi sâu vào triết lý của trà đạo mà chỉ xin nói qua về nghi thức của trà đạo mà thôi. Thứ trà mà chúng ta vẫn nghe nói trong các buổi lễ là một thứ trà bột (Koicha), mầu lục đậm, lúc quấy ra thì đặc như một thứ kem, nhưng phải quấy sao cho đừng nổi bọt, đừng đóng thành từng cục nhỏ, nói đơn giản ra thì nó chỉ có thế, và trà Nhật Bản rất đậm, uống vào một bát lớn là có thể thức luôn mấy đêm.

Bước đầu của Trà Đạo là do một vị thiền sư, về sau cũng do các thiền sư tiếp tục nâng trà lên một vị trí xứng đáng và dạy cho dân chúng cũng biết theo lối Trà Đạo nầy. Trà và Thiền là hai thứ được đi đôi với nhau, hòa hợp với nhau. Tùy ở cuộc sống, ngày nay cũng có những người Nhật chưa bao giờ được nhìn một buổi lễ Trà Đạo của họ.

Trà Đạo phải được đặt vào trong một ngôi Trà Thất mới đúng khung cảnh của nó. Nguyên Thủy của Trà Thất chỉ là những mái chùa Thiền, đơn sơ bé nhỏ, nên ngày sau người ta cũng vẫn tiếp tục theo lối kiến trúc đơn sơ ấy, để xứng với cái tên Trà Thất được gọi là “Hư Không Cư Trú”. Số khách được mời đến dự một buổi lễ Trà Đạo không quá 5 người. Vì trà đặc nầy là một thức uống mạnh, người bụng đói có thể bị say nên trước khi uống trà, quan khách thường được mời ăn chơi một chút để dằn bụng, và chữ Kaiseki để nói đến cái lúc ăn nầy, còn liên quan và đồng âm với chữ dùng để gọi khối đá nóng mà ngày xưa các thiền sư vẫn đặt lên bụng dằn cho bớt cảm thấy đói cào xót khi ngồi tham thiền. Kaiseki không phải là một thức ăn cầu kỳ mà chỉ làm nặng bụng một chút, vậy thôi, để cho khỏi bị cồn cào sau đó như đã nói.

Ăn xong, khách được mời ra dạo vườn cho giãn gân cốt, rửa tay, nếu cần, sau đó mới trở lại vào Trà Thất.

Khi nghe tiếng cồng nhỏ vang lần cuối, thì tất cả các vị khách đã vào chổ ngồi của mình. Trước khi ngồi xuống, mỗi người không quên đến nghiêng đầu cúi chào trước cái bệ có đặt bức tranh hay bình hoa cắm theo lối Thiền, đó là điểm trang trí độc nhất của ngôi Trà Thất. Khách cũng không quên đến gần các dụng cụ nhìn kỹ, xa xa, không cầm lên, không sờ mó.

Chờ cho quý khách đã an tọa, trong gian phòng lúc nầy chỉ còn có tiếng nước sôi reo, như tiếng nước suối chảy đâu đây. Ánh sáng dịu dàng mát mẻ, mọi thứ, từ sàn nhà, vách tường mái đều u nhã, ngay cả lối ăn mặc từ chủ đến khách cũng phải nhã nhặn. Chẳng ai dám dùng những mầu sặc sỡ để đi dự một buổi lễ trang trọng nầy.

Khách đã an tọa, tấm cửa ra vào được hạ xuống, từ Thủy Ốc tức là cái chái nhỏ bên cạnh, chổ để rửa và xếp đặt các thứ cần dùng cho buổi trà lễ, lúc nầy chủ nhân mới bước sang Trà Thất để chuẩn bị pha trà.

Nào trà uyển (chén trà) đặc biệt là chỉ dùng có một cái, nào trà khâm (khăn lau), trà tiễn (cái chỗi để quậy trong chén trà sẽ được chủ nhân pha chế). Mọi thứ đều phải tinh khiết sạch sẽ, và riêng cái khăn lau, cái gầu tre múc nước, và cái tiễn đều phải là những thứ tre mới chưa dùng qua một lần nào.

Chủ lễ quỳ xuống, các thứ đặt trước mặt, lúc nầy là lúc quan trọng, ai chưa quen sẽ lúng túng vì tất cả mọi hành động, cử chỉ đều đã được đặt theo thứ tự quy tắc.

Đối với các trà sư thì đây chỉ là những động tác tự nhiên, tuy rất quan trong, không thiếu, không thừa.

Cánh cửa liếp từ thủy ốc cũng đã được kéo lại và sau đây là những động tác của người chủ lễ: Tay phải đưa ra, cầm lấy cái chén, đặt vào lòng bàn tay trái, rồi tay phải đỡ bên dưới trước khi đặt cái chén xuống phía trái. Cái hộp đựng trà được kéo đến trước nồi nước sôi, mà mỗi phút qua càng reo mạnh hơn. Chủ lễ lại đứng lên, đi qua thủy ốc mang một cái chậu nhỏ để đổ các thứ nước tráng chén, một mắt tre xanh để gác nắp nồi nước sôi. Cái gầu múc nước được đặt ngang miệng chậu. Những vật nầy lúc đưa sang, chủ nhà cố ý hạ thật thấp để mọi người khỏi phải nhìn thấy vì chúng nó chẳng đáng gì.

Cửa liếp ở thủy ốc lại được đóng, khi người chủ lễ trở về, quỳ trước ấm nước sôi. Người chủ lễ dùng tay trái cầm cái gầu nâng lên, tay phải đỡ bên dưới. Người chủ lễ ngưng thần, nhìn xuống cái chén, hình như đó là mãnh gương soi linh hồn. Cái gầu được đặt sang phía trái cạnh cái lò, tay phải nâng gầu rồi lại đặt xuống trà uyển gieo một âm thanh sắc cạnh. Mọi người đều lễ phép cúi mình như để chào buổi lễ sắp bắt đầu. Cũng là giờ phút mà từ chủ đến khách đều phải sửa sang giáng ngồi, tập trung tư tưởng và huy động thần lực.

Lần nầy tay phải lại nâng trà uyển lên, tay trái đở bên dưới để chứng tỏ sự kính cẩn đối với vật thể vừa được nâng lên. Trà uyển lại được đặt xuống, kéo hộp trà tới, mở sợi kim tuyến buộc ngoài, lấy bình trà được nằm gọn trong bao lụa thêu. Chủ nhân lại lấy một chiếc khăn lụa khác đã được xếp sẵn, được gói trong bao giấy mịn, dùng khăn lụa nầy để lau trà uyển, trước khi lau, còn phải nhìn khăn xem có vết nào đáng thắc mắc, mặc dầu tất cả đều mới tinh.

Những cử chỉ lau chùi khám xét nầy đã được đi vào nghi thức không thể bỏ qua. Sau khi dùng khăn lau mọi thứ, chủ nhân lại xếp khăn bỏ vào bao, đợi lúc cần đến mới mở ra, không để bừa bãi ra ngoài.

Chủ nhân dùng tay phải lấy gầu đưa qua tay trái, tay phải mở nắp ấm, đặt xuống cái gác nắp ấm bằng tre. Đây là nắp ấm không phải bằng kim loại, nếu là bằng kim loại thì cần phải có một cái khăn để khỏi bỏng tay.

Bắt đầu múc nước, 3 gầu từ trong ấm ra, đổ vào trà uyển để tráng chén, cả cái tiễn để quấy trà cũng được quấy trong nước nóng. Đặt trà uyển, đã được lau chùi xuống chiếu, tay phải cầm thìa múc trà, tay trái nghiêng bình đựng trà đã được mở nắp. Múc ra 3 thìa trà, đặt thìa vào trà uyển và lấy khăn lau uyển, tức là chén trà mà mọi người rồi sẽ được uống, đậy nắp bình, gõ nhẹ thìa để tất cả bột trà rơi hết xuống uyển. Một gầu nước lã được đổ vào nước đang sôi để nước phục hồi nguyên tính. Một gầu nước khác được múc ra đổ vào trà uyển. Gác gầu ngang lên miệng ấm, lối nầy gọi là định tiễn, có nghĩa là cho mũi tên được nghỉ ngơi.

Lúc nầy giáng ngồi của người chủ lễ hơi cúi ra đằng trước, một tay giữ chén trà, một tay quấy bằng cái tiễn đã được rửa nóng ban nãy. Quấy trà nầy là cả một nghệ thuật phải vừa vững vừa mạnh tay, lúc nó sềnh sệch mới thêm một vài gầu nước nữa cho vừa uống.

Khi nhìn thấy vừa đúng một chén trà, không đặc, cũng không lỏng quá. Chén trà được nâng lên đặt vào lòng bàn tay trái, xoay theo chiều đồng hồ, để cho mặt chén sẽ được ngươc từ phía người chủ lễ ra phía người thượng khách của buổi lễ.

Thượng khách phải biết mà nghiêng mình về chén trà, hai tay kính cẩn nhận lấy, quay mình về phía người khách thứ hai. Mọi người lại phải cúi mình để chào chén trà. Thượng khách, hai tay nâng chén trà lên xoay hướng mặt chén ra ngoài trước khi đưa lên miệng uống một hớp.

Chờ khách vừa uống xong, chủ nhân hỏi thăm:

- Thưa có vừa uống không?

- Thưa vừa vặn, rất ngon.

Khách trả lời khẳng định, sau khi uống xong 3 hụm nhỏ, khách phải nhẹ nhàng và kính cẩn đặt chén trà xuống chiếu trước mặt mình, rút chiếc khăn mới đã mang sẵn theo với mình lúc ra đi, để chùi chỗ miệng mình vừa uống. Mỗi vị khách lúc đi dự buổi trà đạo đều bắt buộc phải có mang theo một chiếc khăn mới, không thể nào quên chiếc khăn mới nầy, nên nhớ nó không phải là cái khăn tay như lệ thường, khăn phải chưa bao giờ dùng, còn mới nguyên. Trà uyển lại được nâng lên, quay ngược chiều đồng hồ, đưa sang cho người đệ nhị thượng khách.

Chủ nhân là người uống chót, sau đó lại chùi miệng chén trao về cho thượng khách để ông nầy ngắm nghía cái chén cho thỏa thích. Khách sẽ đặt câu hỏi về chén trà từ bao nhiêu thế kỷ, xuất sản tại nơi nào. Khi chủ đã hỏi hết các vị khách nhận xét phê bình về chén trà rồi thì mỗi người phải biết khen trà, khen cách pha chế và cảm ơn buổi lễ đã cho mình cái hân hạnh đến dự. Trong câu chuyện cũng phải hỏi tên trà, mọc ở vùng nào…

Uống xong mọi người lại phải cúi mình một lần nữa. Khi đã dọn bớt các thứ lĩnh kĩnh sang thủy ốc rồi, thượng khách lại phải hỏi thăm về cái bình đựng trà, cái bao lụa và cái thìa múc trà, thường lệ phải là bằng ngà hay ngọc. Ai đã xem trước rồi thì phải cúi mình xin lỗi đưa sang cho người thứ hai.

Chờ cho các vị khách ngắm nghía xong, chủ nhân mới lại bước ra để trả lời mấy câu hỏi về lịch sử tông tổ những thứ ấy từ đâu đến, cái bình đựng trà nầy làm tại đâu, bằng thứ đất gì, ai thêu cái bao lụa, tên hiệu của nó gọi là gì… Phần hỏi han còn tiếp diễn sau khi đã được chủ nhân tuyên bố trà lễ đã bế mạc.

Không khí của buổi trà đạo thật trang trọng, lặng lẽ, suy tư nhiều hơn là chuyện trò. Không nên chờ đợi một sự no say mà phải xem đây là một vinh dự mà mình đã được chủ nhân dành cho.

Triết lý và vài mẩu chuyện về Trà

Trà Đạo không phải là để giải khát, hoặc muốn giải khát thì phải pha chế cách khác, chẳng hạn như sau khi cái ấm nhỏ đã được đổ nước vào tới lần thứ ba thứ tư rồi thì có thể mang bỏ bã trà nầy vào một cái bình lớn để pha đầy nước cho cả nhà cùng uống và tha hồ mà pha cốc lớn cốc nhỏ, ai muốn uống sao thì uống. Nếu uống trà theo nghi thức, theo đúng với chữ biết uống trà thì phải là người đã hiểu, đã thâu nhận, quán triệt cái triết lý, cái thẩm mỹ của trà, cái gọi là Thiền Tính của trà, sự đối diện giữa con người với tạo hóa, với thiên nhiên.

Thiền tính của trà, quả là không phải dễ giải thích, thiền có nghĩa là tư duy, tĩnh lự theo chữ Phạn Dhyana mà ra, thiền định là một trong 6 ba la mật của nhà Phật, và sự tĩnh lự tức là yên lặng mà suy tư.

Có nhiều bậc thiền mà quan trọng là người thiền phải làm sao hủy diệt hết những xúc cảm của thân xác mới có thể đạt được.

Thiền và trà đòi hỏi một sự tự kỹ giác ngộ mà không phải là những lời giảng dạy từ bên ngoài đưa tới. Sách Giáo Khoa Trung Hoa truy nguyên về các phong tục, tập quán, có chép đến cái nghi thức dâng trà mời khách, bắt đầu là do Quan Duẫn, một đệ tử của Lão Đam, ông là người đầu tiên dâng trà cho Lão Tử. Chén trà nầy được gọi là Linh Dược Trường Sinh Bất Lão. Nước trà mầu Hoàng Kim, ở tại Hàm Cốc Quan. Đây là một trang dẫn chứng kết liên trà với đạo Vô Vi (nhi vô bất vi) của Lão Tử. Ở đây Vô Vi tức là dạy người làm mà không nói (hành bất ngôn chi giáo). Trà với Lão giáo đã có một mối tương quan mật thiết cũng như trà với Phật Giáo.

Ngồi cạnh ấm trà một mình vào buổi sáng tinh sương hay với tri kỷ trong đêm khuya, thì không cần phải dùng đến lời nói. Đọc cho nhau nghe một câu thơ, hay mỗi người nói một mẫu chuyện rồi thả tâm tư suy nghĩ, chẳng cần bàn cãi nhiều lời, khói trà và hương trà đã đưa hai tâm tư đến cùng một điểm. Hai người đã trở thành một người.

Người yêu trà thường có quan niệm khác biệt về nhân sinh, dám bỏ tiền mua trà mà không bỏ tiền ra sắm các thứ trang hoàng nhà cửa khác, khác biệt về vũ trụ, về cả hai chữ Tự Do. Có nhiều định nghĩa về tự do, có sự lên núi làm ẩn sĩ, kết bạn với phong cảnh núi non. Còn có những sự tự do khác, đó là sự tự do ở ngay trong cái gọi là xiềng xích lễ nghi của xã hội.

Dầu ở trên non cao hay ngoài chợ cá, con người vẫn giữ cho mình được thanh thản, chấp nhận, không oán trời trách đất, sợ bị ganh ghét.

Chấp nhận, thích ứng, trầm lặng, đó là ba điểm nói gọn về triết lý của TRÀ.

Người xưa còn dùng khói trà để đoán việc cát, hung. Những ông tướng cướp, nói theo tiếng của chính quyền, có khi là những người bất hợp tác chỉ muốn làm một cuộc cách mệnh, những vị nầy thường nhìn làn khói trà mà định đoạt những điều lành dữ sẽ đến. Nếu chén trà bốc khói lên rồi tan ra thành từng vằn như muốn ngưng lại đó là điềm tốt. Khói trà phân tán ngay ra là có lính tới. Trà khí là điềm đao thương, khói trà bay ra ngoài, xuất quân có lợi, khói bay vào trong, điềm bất thành.

Những ông lái trà, như ông chồng của nghệ sĩ đàn tỳ bà trên sông mà nhà thơ Bạch Cư Dị đã cảm hứng để sáng tác ra thi phẩm Tỳ Bà Hành. Những ông lái nầy đều có tạc tượng Lục Vũ để thờ trong nhà, gọi là Trà Thần, trước ngày đi buôn bao giờ cũng có làm lễ trà đãi Thần. Ngày không buôn bán cũng phải tưới ẩm nước lên tượng, nếu không thì sẽ bị thua lỗ.

Những kẻ yêu trà như Lô Đồng, Lục Vũ, Lý Chi Tài ông nầy là người đời Tống đã có một định nghĩa rất độc đáo được người đời sau nhắc hoài. Ông cho rằng đời có 3 mối hận nhất là những bức tranh giá trị mà mang treo lên tường nhà của các vị tân phú ông, phú bà. Hai là đám thanh niên bị sự hướng dẫn lầm lạc của những chính thể ngu muội, thứ ba là những cánh trà ngon mà bị bàn tay tục tử vọc.



Trở lại Trang Chính