Một góc kho tàng văn chương cổ bình dân Việt Nam

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Thuở bé, lúc còn nằm võng, để ru cho tôi ngủ, mẹ hoặc dì tôi đã thường kể chuyện cổ tích cho tôi nghe và đó là những dấu ấn khó phai của tuổi thơ tôi.

Buổi trưa hè ở thôn quê êm đềm và thanh vắng. Nắng chói chang trên nóc nhà và ngòai vườn. Tôi nằm đó, chỉ còn nghe tiếng võng kẽo kẹt trộn lẫn tiếng “chiêm chiếp”đàn sẻ ríu rít nhặt thóc ở sân trước , đôi khi có tiếng gà gáy báo ngọ và tiếng hót lảnh lót vài con chim chích choè.

Cánh cửa phía sau ngôi nhà gỗ lim lợp ngói âm dương của thầy mẹ tôi mở ra một khu vườn lớn trồng đủ thứ rau cải để cung cấp những bữa ăn cho gia đình. Trên võng, mẹ đã đặt một mảnh chiếu manh lót bên dưới để thân người tôi được thỏai mái không bị võng túm lại.

Mẹ tôi mặc quần đen, áo cánh nâu đã cũ, vải mỏng cho mát, tóc vấn trần. Bà ngồi trên tấm phản cạnh đó, mắt để ý vào những đường khâu hay hai chiếc que đan áo len bà đang đan - chiếc áo cho thầy tôi hoặc anh, chị em chúng tôi - , miệng ru và thỉnh thỏang khi đà võng đã kém, bà vươn tay lại kéo sợi dây dài buộc vào võng để võng tiếp tục đu đưa cho tôi dễ ngủ.

Tai nghe mẹ ru, mắt tôi vẫn còn nhìn quanh quất nóc nhà, cái cửa sổ có những chấn song sắt đen sì rồi nhìn qua khung cửa lớn ra tới những luống rau mà tôi có cảm tưởng mầu xanh của chúng rọi vào tới nơi tôi đang nằm, làm cả căn nhà xanh mát. Trong khu vườn ấy, nào rau diếp, dưa leo, dưa hồng, nào rau dền, cà pháo, cà chua... và nhiều thứ khác nữa. Mùa hè là mùa của rau, dưa thôn quê. Gia đình nào cũng tận dụng mảnh đất có sẵn để sản xuất cho nhu cầu hàng ngày. Gạo thóc trông vào mấy mảnh ruộng; chỉ phải đi chợ mua tôm cá hoặc những đồ lặt vặt thiết dụng khác.

Chỉ một thời khỏang ngắn ngủi, cái mầu xanh kì diệu mát rượi kia đã chiếm ngự cả trí óc tôi làm tôi có cảm tưởng cả thân người nhuần nhuyễn thấm đẫm cái mầu xanh ấy. Đôi mắt tôi tự nhiên sụp xuống như có vật gì thật nặng đè lên rồi tôi chẳng biết gì nữa kể cả lời mẹ ru cũng như làn gió hiu hiu, tác nhân chính làm tôi đi vào giấc ngủ.

Dạo đó, mẹ tôi có quá nhiều việc phải làm trong ngày và muốn không phiền bận vì tôi thì chỉ có một cách, ru cho tôi ngủ sau khi đã cho ăn uống no nê. Vả lại, trẻ con ngủ nhiều, cho đến khi tôi đã cắp sách đi học, tôi vẫn còn “ghiền” giấc ngủ trưa dù chỉ vài chục phút sau buổi học buổi sáng.

Mẹ tôi thuộc nhiều chuyện bằng văn vần, khi thì kể, khi thì đọc. Trí nhớ của mẹ tôi rất tốt, bà lại có học được mấy năm chữ Nho, rồi chữ Quốc ngữ nên bà học thuộc lòng những chuyện ngắn diễn nôm bằng văn vần không mấy khó khăn. Khi có những chữ lạ, mẹ tôi đem ra hỏi thầy tôi và được chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Ngồi ru tôi ngủ, mẹ tôi đã thay đổi món ăn tinh thần cho tôi mỗi ngày. Khi thì mẹ kể chuyện cổ tích như Chuyện trầu cau, Chuyện Sơn tinh Thủy tinh, Lịch sử cái bánh chưng v.v... khi mẹ lại đọc chuyện bằng văn vần mà tôi sẽ đề cập ở dưới.

Chuyện nhiều như vậy nhưng mẹ tôi không lẫn lộn. Mỗi câu chuyện được kể làm nhiều lần vì mẹ tự động ngưng khi thấy tôi đã đi sâu vào giấc ngủ nhưng lần tới, khi kể tiếp chuyện ấy, mẹ nhớ như in đã kể đến đâu; bà dượt lại một chút phía trước rồi đi vào phần mới.

Lúc đó, tôi muốn nằm võng để nghe mẹ ru, mẹ kể mãi nhưng thời gian trôi vùn vụt mà tôi chẳng có ý niệm gì, tôi lớn bổng lên và hết còn nằm võng để mẹ ru nữa.

Mất cái thú ấy, thật là phiền cho tôi vì tôi đã “ghiền” nó như người ta ghiền thuốc lá, thuốc lào. Nhưng không thể tiếp tục vì mẹ tôi bảo:”Người ta ai cũng mong lớn đi học mở mang trí tuệ, giúp nhà giúp nước chứ có ai muốn nằm võng mẹ ru cả đời đâu. Con nghĩ con còn bé lắm đấy! Nay mai đi học rồi!”

Chẳng những mẹ mà cả các chị và anh cũng chế nhạo tôi:”Lớn “đễu” rồi, sắp đi với mẹ lên tỉnh cất hàng được rồi. Ở đó mà vòi bú tí với nằm võng mẹ ru cả ngày!” Chị gái lớn nhất bảo tôi thế. Tôi mắc cở lỉnh ra vườn đi kiếm cái lồng chim khuyên.

Tôi xin trở lại với câu chuyện kho tàng văn chương cổ Việt Nam ta.

Một góc

Nói một góc có nghĩa tôi sẽ không lược hết mọi chuyện mà chỉ đi vào phần nhiều những chuyện mẹ kể khi tôi còn nằm võng.

Đó là những sách chuyện Nôm, viết theo thể văn vần, các cụ ta xưa thuộc lòng rồi truyền khẩu cho con cháu trong gia đình rồi cứ thế truyền ra dân gian, chẳng bao lâu rất nhiều người biết, thuộc chuyện đó, có khi cả tổng cả làng.

Những câu chuyện đó có thể là những chuyện có thật đã xẩy ra ở đời thường, hoặc những chuyện hư cấu nhưng thích hợp với tâm lí quần chúng, hoặc lấy từ một sách chuyện sẵn có của ngọai quốc (hầu hết từ Trung hoa) đem diễn thơ Nôm, đa phần theo thể lục bát cho quần chúng dễ học. Các chuyện đó phần nhiều không biết tác giả là ai - cũng như Ca dao, Tục ngữ - nhưng chúng ta có thể suy đóan rằng tác giả là những nhà nho có kiến thức và có tài làm thơ lại rất am tường tâm lí quần chúng nên tình tiết câu chuyện, cách kết cấu, rất hợp với não trạng quần chúng nước ta thời đó.

Tựu trung câu chuyện nào cũng đề cao “Trung hiếu, tiết, nghĩa”, “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” và con người ta ở đời phải lấy “Nhân, nghĩa, lễ, trí tín” làm chuẩn mực cho cuộc sống.

Tác giả bài này không biết hiện giờ các sách cổ này có thể được tìm thấy tại đâu, các tiệm bán sách, thư viện Việt Nam và ở ngọai quốc hay trong những gia đình còn lưu trữ được. Tác giả nhớ được chừng nào, xin ghi lại như thế. Nếu quí bạn đọc có thêm tài liệu bổ khuyết cho để bài khảo sát đơn sơ này thêm phần phong phú, xin vô cùng đa tạ.

Lưu Bình – Dương Lễ

Ở miền Sơn Tây ngày xưa có đôi bạn chí thân, một người tên Lưu Bình, một người tên Dương Lễ. Lưu Bình nhà khá giả hơn nên chỉ lo ăn chơi , lơ là việc học còn Dương Lễ thì nhà nghèo nên hết sức chăm lo đèn sách . Đến ngày thi, cả hai cùng lên kinh đô ứng thí. Lẽ dĩ nhiên, Dương Lễ đậu còn Lưu Bình rớt. Lưu Bình buồn bực trở về nhà thì nhà lại bị cháy, tình cảnh rất khốn quẫn, phải đi xin ăn từng bữa, nhục nhã đến điều.

Ngày nọ, Lưu Bình nhớ ra Dương Lễ bạn mình khi xưa, nay đã đường đường một ông quan triều đình hiển quí sang cả. Lưu Bình bèn tìm đến Dương Lễ xin nhờ vả nhưng Dương Lễ đối xử quá tệ, chẳng những nói lời nặng nề, khi dể lại sai lính dọn cho Lưu Bình một lưng cơm với quả cà muối, y như cho một người hành khất.

Lưu Bình giận lắm, bỏ đi miệng không ngớt nguyền rủa thằng bạn bất nghĩa không nghĩ gì đến tình bạn khi xưa. Đang lúc đau khổ tột cùng, lang thang đầu đường xó chợ thì bỗng nhiên gặp được một người con gái tên Châu Long nhan sắc mặn mà, ăn nói duyên dáng mà tấm lòng nhân hậu chẳng ai bì. Nàng thuận giúp Lưu Bình ăn học cho đến khi thành tài và hứa với Lưu Bình sẽ nâng khăn sửa túi cho chàng nếu chàng thi đậu. Đang lúc túng quẫn, Lưu Bình gặp được nàng như gặp cứu tinh, riu ríu vâng lời.

Từ đó Lưu Bình chuyên tâm học tập ngày đêm, dùi mài kinh sử, không một phút sao lãng việc học vì Châu Long hàng ngày khuyến khích lại lo cho Lưu Bình đầy đủ vật chất, cơm ăn áo mặc, tiền chi phí học hành.

Yêu người vợ chưa cưới - Châu Long - như điếu đổ vì nàng được cả người lẫn nết, đêm hôm khuya khoắt có những lúc Lưu Bình không nén được tình yêu đòi cùng nàng ân ái nhưng Châu Long một mực khuyên nhủ Lưu Bình gắng chờ:

”Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng.”

Thấy nàng chính đính cao thượng, Lưu Bình càng phục càng yêu nàng và ra sức học để nhất định danh chiếm bảng vàng và cưới được nàng:

“Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”

đại đăng khoa rồi mới tiểu đang khoa, cuộc đời vô cùng tươi đẹp.

Ba năm trôi đi vùn vụt, đã đến ngày Lưu Bình về kinh đô ứng thí. Quả nhiên, có công mài sắt có ngày nên kim, Lưu Bình đỗ khôi nguyên khoa đó. Xênh xang áo mũ, bảng vàng lọng tía trở về làng vinh qui bái tổ, Lưu Bình vô cùng sung sướng khi nghĩ đến Châu Long và những gì sắp được cùng hưởng với nàng. Nhưng khi về đến đầu làng, cả huyện đi đón đứng đông nghẹt nhưng chẳng thấy nàng đâu. Về đến nhà thì hỡi ơi, người đẹp đã chẳng còn đó như lòng mong mỏi. Nàng cũng chẳng để lại dấu tích gì khiến Lưu Bình buồn rầu quá độ nhưng chẳng biết đi đâu, hỏi ai để tìm ra nàng. Chàng thầm nghĩ có lẽ nàng là người tiên giáng trần để giúp chàng ăn học chăng và nay chàng công thành danh tọai rồi thì nàng trở về trời vì đã làm xong nhiệm vụ. Càng nghĩ càng bùi ngùi và càng yêu say đắm người con gái xinh đẹp, đức hạnh, đoan trang đó nhưng chẳng biết làm sao.

Sau đó, Lưu Bình được bổ đi làm quan. Một bữa rảnh rỗi, nhớ đến người bạn học khinh người rẻ của khi xưa bèn lập tâm đến để cho anh ta một bài học về tình đời trắng đen và để anh ta biết Lưu này đâu có hèn kém gì. Trống giong cờ mở đưa Lưu Bình đến dinh Dương Lễ. Lính vào báo. Lần này Dương Lễ ra tận cổng ngòai đón tiếp long trọng lại đặt đại tiệc đãi Lưu Bình vô cùng trọng thể. Lưu Bình ngồi đó mà chán cho nhân tình thế thái. Khi xưa ta hàn vi, hắn sai lính cho ta một bát cơm với vài quả cà muối. Ngày nay ta đường đường là một vị quan to thì hắn hết mực trọng đãi. Tình người sao thay trắng đổi đen dễ vậy?

Trong bữa ăn, Dương Lễ hỏi Lưu Bình về những ngày học tập vất vả. Lưu Bình thực tình kể lại được nàng tiên giáng trần nuôi ăn học nên mới có ngày nay. Lưu Bình kể xong, Dương Lễ cho người hầu vào mời người vợ ba của chàng ra chào khách. Châu Long vừa ra tới nơi, miệng mỉm cười cúi đầu chào Lưu Bình thì Lưu Bình giật mình nhận ngay ra Châu Long, nàng tiên đã nuôi chàng ăn học thành tài. Lưu Bình vô cùng ngạc nhiên, cứ trố mắt nhìn Châu Long không chớp, chợt nhớ ra lời giới thiệu của Dương Lễ, chàng mới nhận ra Dương Lễ đã vì mình cho Châu Long theo nuôi mình ăn học trong ba năm trời.

Lưu Bình đứng lên cung kính vái tạ Dương Lễ và Châu Long và dĩ nhiên cái ơn đó với Lưu Bình phải là ơn tái sinh.

Tống Trân – Cúc Hoa

Ở huyện Phù Hoa có một nhà rất giầu, có cô con gái tên Cúc Hoa, người xinh đẹp lại đoan trang, nết na. Nhiều đám ngấm nghé hỏi cô nhưng cô chẳng chịu ai.

Một bữa, có một người hành khất tên là Tống Trân đến trước cổng đứng xin ăn. Cúc Hoa nhìn anh này có cảm tình, liền xin với cha mẹ cho được kết duyên với Tống Trân. Cha mẹ Cúc Hoa hòan tòan không đồng ý, chẳng những ngăn cấm mà còn hất hủi Cúc Hoa như một đứa con hư hỏng, nhưng Cúc Hoa nhất quyết làm theo ý mình.

Sau đó, Cúc Hoa theo chồng đi tha phương cầu thực, nàng khuyên chồng trở lại đèn sách vì chỉ có con đường này mới tìm ra lối thóat danh dự và đọan tuyệt được với cái nghèo. Còn nàng làm lụng lam lũ vất vả nuôi chồng ăn học, quyết chí phải thi đua với đời. Quả nhiên sau mấy năm dùi mài kinh sử, Tống Trân đỗ Trạng Nguyên, vinh dự lớn lao đến với cặp vợ chồng trẻ nhiều thiện chí.

Hiển quí không được bao lâu, Tống Trân phải đi sứ Tàu, một nhiệm vụ muôn ngàn nguy hiểm ở dọc đường cũng như phải đối phó với những bộ óc tinh quái đầy cơ mưu của vua quan Tàu. Cái chết dễ như chơi.

Trong khi Tống Trân đi làm nhiệm vụ vua trao, Cúc Hoa ở nhà lấy công việc làm để khuây khỏa, chờ một ngày đòan tụ vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên người cha Cúc Hoa không chịu như vậy. Thấy Tống Trân đi mãi không về, ông đem Cúc Hoa gả cho một người đình trưởng vì y giầu có và khéo lấy lòng ông ta. Cúc Hoa nhất định không chịu, nói rằng cứ ở vậy chờ chồng kì cho chàng về và chàng sẽ về. Cả gia đình Cúc Hoa, cả họ bức bách nàng phải lấy ông đình trưởng. Giữa lúc giằng co ấy thì Tống Trân đi sứ về đến đầu làng, cờ biển rước xách linh đình, một phần thưởng vô cùng cao quí cho người vợ tiết hạnh chờ chồng.

Tấm Cám

Ngày xưa Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Bố chúng nó mất rồi và mẹ Tấm cũng mất rồi; Tấm phải ở với dì ghẻ là mẹ con Cám.

Một hôm mẹ Cám đưa cho mỗi đứa một cái giỏ, bảo đi bắt tôm bắt tép. Bà hứa rằng hễ đứa nào bắt được nhiều thì cho yếm đỏ.

Hai đứa cùng mang giỏ ra đồng. Tấm siêng nên bắt được nhiều còn Cám mải chơi nên bắt được ít. Cám bày kế bảo Tấm:

“Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị lặn cho sâu kẻo về dì mắng!”

Lúc Tấm lặn hụp thì Cám ở trên bờ trút lấy cả tôm tép của Tấm sang giỏ mình rồi mang về trước. Tấm lên bờ dòm đến giỏ thì tôm tép mất hết cả, nó mới khóc hu hu lên.

Bụt hiện lên hỏi:” Làm sao con khóc?”

Tấm kể sự tình cho Bụt nghe rồi lại khóc. Bụt bảo nó dòm vào giỏ xem có còn gì không? Tấm nhìn vào thì chỉ còn một con cá bống mà thôi. Bụt bảo đem thả con bống xuống giếng mà nuôi, cứ một ngày hai lần, mỗi bữa cơm đáng ăn ba bát thì chỉ ăn hai, còn một đem cho bống. Lúc đổ cơm xuống giếng thì nói thế này:

“Bống ơi bống! Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta. Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người!”

Con Tấm nghe lời Bụt, làm y theo. Cứ xong bữa cơm, nó quẩy thùng ra giếng gánh nước, giấu bát cơm vào thùng đem cho bống. Lúc đổ cơm xuống giếng thì nói như lời Bụt dặn. Bống nghe thấy, chẳng lần nào là không ngoi lên mặt nước để ăn

Được ít lâu, mẹ con Cám hồ nghi mới để tâm rình, cho Cám theo dõi. Cám núp trong bụi cây gần đó thấy Tấm đổ cơm xuống giếng và nói mấy lời như thế thì nó học thuộc lòng và về nói cho mẹ nghe.

Hôm sau mẹ con Cám bảo Tấm rằng:”Con ơi con! Mai đi chăn trâu phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà làng bắt mất trâu.”

Con Tấm vâng lời, hôm sau dắt trâu đi chăn đồng xa. Ở nhà, hai mẹ con con Cám đem bát cơm ra giếng, đổ xuống rồi cũng nói như con Tấm nói mọi khi. Bống ngoi lên mặt nước, hai mẹ con con Cám bắt lấy mang về làm thịt ăn.

Bữa cơm kế đó, con Tấm lại cứ mang cơm ra đổ xuống cho Bống nhưng không thấy Bống nữa mà chỉ có một cục máu nổi trên mặt nước, nó mới khóc òa lên. Bụt lại hiện lên hỏi:

“Làm sao con khóc?”

Con Tấm thưa rằng:

“Tôi nuôi bống ở dưới giếng, mọi khi cho ăn nó vẫn ngoi lên mặt nước mà hôm nay tôi đem cơm cho nó, không thấy nó nữa., chỉ thấy một hòn máu.”

Bụt bảo:”Người ta bắt bống ăn thịt rồi. Con về nhà nhặt lấy xương nó; con mua bốn cái lọ, bỏ xương vào đó rồi đem chôn ở bốn góc giường con nằm.”

Tấm nghe lời Bụt về nhà tìm xương bống. Có một con gà bảo nó rằng:”

“Cục te cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho.”

Tấm lấy thóc ném cho gà; gà bới một chỗ thì thấy xương ngay. Tấm nhặt lấy bỏ vào lọ rồi đem chôn.

Được ít lâu, nhà vua có mở hội. Hai mẹ con con Cám sắm sửa đi xem. Mẹ con Cám lấy một đấu thóc và một đấu gạo trộn lẫn vào nhau, rồi bắt Tấm phải lựa riêng ra. Dì con Tấm bảo nó thế này:

“Lúc nào mày nhặt xong thì mới được đi xem hội, hễ chưa xong thì không được đi.”

Con Tấm ngồi khóc. Bụt hiện lên hỏi:”Làm sao con khóc?” Nó thưa rằng:”Con khổ quá, dì con bắt phải nhặt bấy nhiêu thóc gạo, xong mới được đi xem hội. Đến lúc nhặt xong thì hết hội còn gì mà xem.” Bụt bảo rằng:” Để ta cho một đàn chim sẻ xuống nhặt đỡ.” Con Tấm sợ chim ăn mất thì dì về nó phải đòn. Bụt lại bảo rằng:”Rồi ta cấm không cho chim ăn, con đừng sợ.”

Đến khi lựa riêng xong rồi, con Tấm lại khóc. Bụt lại hỏi:”Làm sao con khóc?”

Nó thưa rằng:

“Con không có quần áo đẹp để đi xem hội.”

Bụt bảo rằng:

“Con đi đào những cái lọ đã chôn ngày trước lên, thì muốn quần áo đẹp thế nào cũng có.”

Tấm đào lên thì thấy quần áo đẹp, một đôi giầy và một con ngựa. Tấm mừng quá thắng bộ vào rồi đi xem hội.

Lúc Tấm đi qua bờ hồ, đánh rơi chiếc giầy, không sao lấy lên được. Một lát sau, vua ngự đến gần đấy, voi đứng dừng lại, kêu ầm ĩ lên. Vua thấy sự lạ mới phán cho quân sĩ phải xuống hồ xem có cái gì lạ không. Tức khắc lính xuống hồ, mò thấy một thấy một chiếc giầy đàn bà đẹp lắm. Vua phán cho tất cả con gái đi xem hội ướm thử, hễ chân ai vừa thì vua lấy làm vợ. Trong đám hội ai cũng ướm cả, cầu mong chân mình đi vừa. Mẹ con con Cám cũng ướm, nhưng chẳng có chân ai đi vừa. Tấm xin ướm thử. Dì nó mắng rằng:”Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh bỏ ngoài bờ tre.” Nhưng Tấm cứ xin ướm. Khi Tấm ướm thì chân nó đi vừa vặn. Lính thị vệ đem kiệu đến rước về cung. Vua phong cho Tấm làm hoàng hậu.

Đến ngày giỗ bố, Tấm về nhà. Dì nò bảo nó trèo lên cây cau cắt mấy quả để cúng. Lúc Tấm lên đến ngọn cau thì dì nó đẫn gốc. Tấm thấy động, bèn hỏi:

“Dì làm gì ở dưới thế?”

Dì nó trả lời:

“Dì đuổi kiến cho nó khỏi đốt con đấy mà.”

Tấm đang cắt cau thì cây đổ. Tấm ngã xuống ao chết đuối. Dì nó lấy quần áo của nó mặc cho con Cám rồi đưa vào cung.

Con Tấm hóa ra con chim vàng anh đến đậu ở vườn nhà vua, bảo lính giặt áo của vua rằng:

“Phơi áo chồng ta, phơi lao, phơi sào, chớ phơi hàng rào, rách áo chồng tao.”

Một hôm vua nghe tiếng chim hót, phán rằng:

“Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo.”

Chim nhẩy ngay vào. Vua bắt nó bỏ vào lồng sơn son thếp vàng. Từ đấy, cả ngày cả đêm vua chỉ chơi với chim.

Con Cám kể với mẹ. Mẹ xui bắt chim làm thịt ăn. Về đến cung, nó sai ngay lính bắt chim giết ăn thịt, còn lông thì vứt ra vườn. Lông chim hóa ra hai cây soan đào. Vua thấy đẹp, sai mắc võng vào hai cây ấy rồi nằm chơi dưới bóng mát.

Con Cám về mách mẹ. Mẹ nó xui bảo lính đẵn cây lấy gỗ đóng làm khung cửi. Đến lúc dệt vải thì nghe tiếng:”Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chi khoét mắt ra.”

Con Cám lại về mách mẹ. Mẹ nó xui đốt khung cửi, nó cũng sai lính làm ngay. Những than tro lúc đổ ra đường lại hóa ra cây thị, chỉ có một quả đẹp lắm. Bà lão hàng nước đi qua, thấy quả thị đẹp bảo rằng:

“Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi chứ bà không ăn.”

Thị rụng ngay xuống, bà lão đem thị về nhà.

Ngày nào đi chợ sắm đồ hàng, lúc về thấy cơm canh đã dọn sẵn tươm tất lắm, bà ta lấy làm lạ. Một lần bà lão giả vờ đi chợ, đến nửa đường thì lộn về. Rón rén đứng dòm vào khe cửa bà ta thấy một cô tiên đang làm đồ ăn, bất thình lình bà ta chay vào, cô tiên lộ cơ không biến đi được. Bà lão mừng lắm, ôm choàng ngay lấy. Từ đấy cô tiên và bà lão thương yêu nhau như hai mẹ con. Lúc bà ta đi tìm quả thị thì chỉ thấy cái vỏ không mà thôi.

Một hôm vua dạo chơi gần đấy, thấy trong làng có một bà lão phương phi, phúc hậu, vua mới ghé vào. Bà ta lấy trầu nước kính dâng. Vua thấy trầu têm giống như trầu hoàng hậu têm ngày trước, phán hỏi:

“Trầu này ai têm?”

Bà ta tâu là của con gái têm. Vua phán muốn xem mặt, bà ta bảo con ra thì chính là vợ vua ngày trước. Vua phán bảo rước về cung. Tấm lại làm hoàng hậu.

Con Cám thấy chị xinh đẹp mới hỏi rằng:

“Chị Tấm ơi chị Tấm! Chị làm thế nào mà đẹp thế?”

Tấm bèn hỏi:

“Em có muốn đẹp không?”

“Thưa chị có.”

Tấm bèn sai đào một cái hố sâu và đun một nồi nước to thực sôi rồi bảo con Cám xuống cái hố ấy. Lúc Cám đã ở dưới hố thì Tấm sai đổ nước sôi xuống. Con Cám chết nhăn răng ra. Xác nó bỏ vào chĩnh làm mắm đem biếu mẹ nó, bữa nào mẹ nó ăn cũng khen ngon. Có con quạ đậu trên mái nhà, kêu rằng:

“Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.”

Mẹ Cám giận lắm mắng chửi quạ ầm ĩ và đuổi nó đi cho mau. Đến khi ăn gần hết, thấy ở chĩnh có cái đầu lâu con thì lăn đùng ra chết.

Mỵ Châu - Trọng Thuỷ

Thục Phán diệt họ Hồng Bàng lên làm vua (275 trước C.N), lấy hiệu An Dương vương, đặt tên nước là Âu Lạc. An Dương vương xây thành Cổ loa để ngăn giặc nhưng xây mãi không xong vì yêu quái quấy rối. Sau được Thần Kim Qui hiện lên dạy nhà vuacách trừ yêu quái, thành mới xây được. Thần lại cho An Dương vương một cái nỏ thần, bảo rằng hễ có giặc, đem nỏ ra bắn thì giặc mạnh thế nào cũng phải tan. Nỏ thần đã chứng tỏ đuợc sức mạnh phi thường của nó nên An Dương vương rất vững dạ. Lúc đó có Triệu Ðà nhòm ngó Âu Lạc, tấn công Thục Phán. Nhờ nỏ thần, Thục Phán thắng luôn mấy trận. Triệu Ðà cầu hoà, phải cho con trai là Trọng Thủy sang Âu Lạc làm con tin. Trọng Thủy ra vào cung cấm, gặp công chúa Mỵ Châu là con gái An Dương vương. Hai người yêu thưong nhau, đến tai An Dương vương, được An Dương vương chấp thuận. Trọng Thủy thưa với cha đem lễ sang cầu hôn. Rồi hai người thành vợ chồng, rất yêu thương nhau. Trong lúc âu yếm, có hẹn với nhau, nếu có chiến tranh xẩy ra, sẽ rắc lông ngỗng dọc đường đi để vợ chồng dễ tìm thấy nhau.

Ngoài tình yêu, Trọng Thủy còn có mục đích khác - Có phải mưu kế Triệu Ðà? - là lợi dụng lòng tin của vợ, đánh tráo nỏ thần rồi lấy cớ về thăm cha, đem nỏ thần về cho Triệu Ðà. Triệu Ðà lập tức xua quân đánh An Dương vương, An Dương vương lấy nỏ thần ra bắn nhưng vì là nỏ giả, không hiệu nghiệm, phải đem con gái lên ngựa chạy trốn (Thế bà vợ đâu ?). Mỵ Châu ngồi sau lưng cha dùng lông ngỗng rải trên đường, hi vọng Trọng Thủy sẽ theo dấu vết đó mà tìm được nàng. Quân Triệu Ðà cứ theo “con đường lông ngỗng” đi tới. An Dương vương quá bối rối. Ðến một con sông chắn ngang, An Dương vương cùng đường liền khấn thần Kim Qui cứu giúp. Thần hiện lên bảo nhà vua: “Giặc ở ngay sau lưng nhà vua đó !” Thục Phán hiểu ra quay lại chém chết con gái rồi nhảy xuống sông tự tử. Trọng Thủy đi tìm vợ tới một ngôi làng, nghe dân làng kể lại chuyện An Dương vương và Mỵ Châu đã tự vẫn, thương vợ quá, cũng nhảy xuống cái giếng kế đó tự tử. Những con trai sò ở khúc sông Mỵ Châu tự trầm ăn phải máu huyết Mỵ Châu, có ngọc nhưng viên ngọc mờ mạc, u tối. Có người thử đem đến cái giếng Trọng Thủy tự trầm lấy nước rửa những viên ngọc. Ngọc bỗng nhiên trở nên sáng lóng lánh, xinh đẹp khác thường.

Bích Câu Kỳ Ngộ

Tú Uyên lên kinh đô Thăng Long (Hà Nội) trọ học.

Tú Uyên chưa vợ, lại khôi ngô tuấn tú. Một hôm tình cờ chàng thấy trong đám đi xem làm chay tăng của các nhà sư ở phường Bích Câu, Hà Nội có một nàng xinh đẹp, lộng lẫy chim sa cá lặn. Chàng đâm ra mê mẩn si tình, ngày ngày tới chỗ đó mong được nhìn lại người đẹp.

Ròng rã mấy ngày liền đứng ngóng nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng hồng. Đang lúc thất vọng thì gặp một người mang một bức tranh tố nữ vẽ rất đẹp, rất có hồn, đầy sinh khí, đem bán rong. Tú Uyên mua về treo trong phòng, mỗi bữa sai dọn cơm hai người ăn, có ý coi người đẹp trong tranh như người thật, mời mọc quí mến như bạn vàng.

Sau đó ít lâu, một bữa, người đẹp trong tranh cứ những lúc Tú Uyên đi học vắng là hiện thành người thật, làm cơm nước sẵn sàng. Tú Uyên về, tháy cơm canh đã dọn sẵn, lấy làm ngạc nhiên, bèn rình coi thì thấy người đẹp tự trong tranh vẽ đi ra. Chàng liền lẻn vào xé tranh đi để nàng khỏi biến mất. Lúc đó nàng đã là người thật, xưng tên là Giáng Kiều, thuận ăn ở với Tú Uyên, làm vợ chàng, phục tùng và hiền hậu đoan trang

Giáng Kiều chính là hình ảnh người đàn bà Việt Nam, dù là tiên chăng nữa cũng chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ, hết đạo thờ chồng, nuôi con.

Ngọc Hoa - Phạm Tải

Trần Ngọc Hoa, con gái một phú ông ở miền Thanh Hà, Hải Dương mới mười ba tuổi đã là một trang tuyệt sắc giai nhân. Trong làng có nhiều người dạm hỏi nhưng cô không ưng một ai.

Một bữa, có một hàn sĩ tên Phạm Tải, người miền Sơn Tây, đến xin ăn. Ngọc Hoa bỗng động lòng trắc ẩn ra mở cửa, nhìn thấy chàng tuy rách rưới nhưng phong tư tài mạo khác vời bèn đem lòng yêu rồi tương tư sinh bệnh. Cha mẹ Ngọc Hoa chiều con, khi rõ sự tình bèn sai gia nhân đi kiếm cho được Phạm Tải đến, cho hai người làm lễ hợp hôn.

Sau đó ít lâu, trong làng có kẻ thù hằn, tạc tượng nàng dân lên nhà chúa. Chúa thấy tượng quá đẹp, bèn sai quan quân đi đón Ngọc Hoa tiến cung. Ngọc Hoa liền cắt tóc, cào sát mặt mày, xé rách quần áo rồi vào chầu chúa. Chúa vẫn thấy nàng xinh đẹp hơn bức tượng nhiều, quyết định tuyển nàng làm cung phi. Nhưng nàng nhất định không bằng lòng, thưa cùng Chúa rằng nàng đã có chồng. Nhà Chúa cho người dỗ dành Phạm Tải, hứa ban quan chức miễn đồng ý để nàng tiến cung nhưng Phạm Tải nhất quyết không chịu. Chúa bèn cho người ngầm đầu độc Phạm Tải để làm thối chí Ngọc Hoa sau khi chồng đã chết. Ngọc Hoa được tin chồng chết khóc lóc thảm thiết, xin với Chúa cho về quê chịu tang chồng ba năm sau đó sẽ tiến cung hầu hạ chăn gối cho nhà Chúa cũng vừa. Chúa ưng vì lúc đó nàng mới mười ba tuổi.

Sau ba năm, chúa sai sứ giả về Thanh Hà rước Ngọc Hoa lai kinh. Nhưng khi sứ giả tới nơi thì được tin nàng đã tuẫn tiết theo chồng. Hiện nay ở miền Thanh Hà vẫn còn đền thờ bà Ngọc Hoa.

Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương thứ tư, có nhà họ Cao sinh hai người con trai giống nhau như hai giọt nước, đặt tên là Tân và Lang. Hai anh em đều khôi ngô tuấn tú và thương mến nhau, ít khi rời nhau. Bà mẹ nhiều khi cũng không phân biệt được đứa nào là anh đứa nào là em. Khi hai anh em mới được mười lăm, mười sáu tuổi thì cha mẹ chết vì một trận hỏa hoạn thiêu rụi hết nhà cửa và của cải. Đôi trẻ mồ côi được ông quan họ Lưu, nguyên đồng liêu với họ Cao, nghĩ tình bạn xưa kia đưa hai trẻ về nuôi.

Họ Lưu có một cô con gái tên là Xuân Phù đang tuổi dậy thì, ông quan họ Lưu định bụng đem gả cho một trong hai anh em. Nàng Xuân Phù không làm sao phân biệt được ai là Tân, ai là Lang mà mọi nét đều giống nhau như đúc kể cả tính tình và tài học. Hai anh em lại tranh nhau nhường nhịn, người này muốn cho người kia được lòng cô gái đáng yêu ấy.

Một hôm ông quan họ Lưu sai con gái dọn ra một mam cơm để chọn rể, bầy đầy thức ăn, hai cái bát nhưng chỉ có một đôi đũa. Người em liền cầm lấy đôi đũa đưa mời anh ăn trước. Ông quan họ Lưu nhìn nhận người anh làm rể.

Vì thương anh, Lang cũng dễ dàng thắng được mối tình đối với người con gái đã trở nên chị dâu mình. Còn Tân thì mải mê theo tình duyên mới, hóa ra lơ là đối với em trai. Lang âm thầm đau khổ, xót xa anh vì tình chồng vợ mà quên tình ruột thịt.

Đến một hôm, không còn chịu đựng được nữa, Lang bỏ nhà anh chị ra đi. Lang cứ trước mặt đi, đi mãi, không kể mệt nhọc, cho tới khi đến một con sông lớn chắn ngang. Không vượt qua sông được, Lang đành ngồi lại bên bờ, nghĩ đến số phận mình mà chết mòn trong đau đớn. Rồi Lang hóa thành một hòn đá.

Người anh ở nhà, lâu kông thấy em về, đóan hiểu duyên cớ, lấy làm hối hận, vội vàng đi tìm. Đi được mấy ngày, Tân đến bờ sông, mệt nhọc ngồi xuống cạnh hòn đá, tựa đầu nghĩ nhớ thương em mà chết. Rồi Tân hóa thành một cây cao thẳng tắp có trái và lá ở ngọn.

Xuân Phù ở nhà mỏi mắt chờ chồng, chẳng biết chồng đi đâu, nàng quá nóng lòng bèn lên đường đi tìm chồng. Nàng lê bước tới bờ sông, mệt quá ôm lấy thân cây cao cho khỏi ngã, khóc lóc nhớ thương chồng cho tới chết. Nàng hóa ra một dây leo quấn quýt lấy thân cây.

Dân chúng ở trong vùng được báo mộng, bèn dựng đền thờ vong linh ba người. Sau đó, gặp năm đại hạn, cây cối khắp nơi đều khô héo, chỉ riêng cây cao và dây leo quấn quanh là vẫn xanh tươi.

Tin lạ đồn đi, khách thập phương kéo đến rất đông. Vua Hùng Vương cũng ngự tới nơi, nghe các bậc bô lão trong làng kể lại câu chuyện hóa thân của ba người, lấy làm cảm động bèn hỏi các quan theo hầu về việc lạ lùng này.

Một vị lão thần tâu:

“Tâu bệ hạ, lệ thường muốn biết sự liên hệ máu mủ ruột thịt của hai người thì chích lấy hai giọt máu của đôi bên mà hòa lẫn với nhau. Hễ hai giọt máu hòa trộn lại thì đúng là cùng chung một dòng huyết cha mẹ. Bệ hạ cho trộn lẫn lá dây leo kia với trái cây này cùng bột đá nọ để thử xem sao.”

Vua nghe theo, ra lệnh nung đá thành vôi rồi tán nhỏ quệt lên lá trầu nhai lẫn với cau thì thấy hóa thành một mầu đỏ thắm tươi như máu. Vua cho rằng đây là tình nghĩa của hai anh em và người vợ đã chết kết tinh lại. Vua truyền cho dân chúng đem thứ cây và dây leo kia về trồng, gọi tên là cau và trầu.

Từ đó nước ta có tục lệ dùng trầu cau trong lễ cưới hỏi để nhắc nhở đến sự tích trên. Trầu cau tượng trưng cho tình nghĩa thắm thiết giữa vợ chồng, anh em và rộng ra, giữa mọi người trong xã hội với nhau. Trầu cau tượng trưng cho lễ nghĩa dùng trong giao tiếp, yêu cầu, tạ lỗi v.v... Tục ngữ có câu:”Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Tục nhai trầu đã giảm bớt kể từ giữa thế kỉ 20 ở nước ta và ngày nay chỉ dùng trong đám cưới để nói lên sự ưng thuận của hai gia đình cho đôi tân hôn.

Nàng Phương Hoa

Ở vùng Thanh Hóa có hai người bạn, họ Trương và họ Trần đồng khoa, đồng triều, lúc đó đã già về trí sĩ. Ông già họ Trương có hai con trai là Cảnh Tĩnh và Cảnh Yên. Còn ông già họ Trần có một gái là Phương Hoa, nhan sắc yêu kiều lại giỏi thơ văn. Cảnh Tĩnh đã có vợ. Họ Trần hứa gả Phương Hoa cho Cảnh Yên.

Sau có Tào Trương Úy tuổi trẻ làm quan tại triều đến hỏi Phương Hoa làm vợ nhưng không được họ Trần chấp thuận nên lập kế vu hãm Trương công. Cảnh Tĩng và Cảnh Yên trốn thoát. Sau Cảnh Yên bị Tào lập kế vu oan bị hạ ngục.

Năm ấy nhà vua mở khoa thi, Phương Hoa xin phép mẹ lai kinh, nói dối là để bán hàng kén chồng. Thực ra nàng đội tên chồng dể vào thi. Khi xướng danh, tên Cảnh Yên đỗ Thám hoa.

Khi nhà vua ban yến cho các quan tân khoa, thấy vị Thám Hoa nho nhã có vẻ đàn bà, liền phán hỏi.

Phương Hoa bèn quì tâu tình thực. Thế là phá được cái oan án cho cha chồng và chồng. Cảnh Yên được phép ra thi. Nhà vua xét tài thấy đáng đỗ Thám Hoa, so với Phương Hoa thì văn tài xấp xỉ như nhau.

Hai người từ đó sống chung hạnh phúc.

Tạm kết

Truyện cổ, ca dao, tục ngữ là những viên ngọc quí giá trong kho tàng Văn chương cổ bình dân Việt Nam. Trong khi ca dao và tục ngữ nhấn mạnh về thời tiết, khí hậu, tính tình con người v.v... truyên cổ đề cao luân lí, trung, hiếu, tiết nghĩa và hình ảnh ông trời rất rõ nét. Người nhân hậu, làm điều tốt được thưởng, kẻ ác tâm hại người sớm muộn cũng bị trừng phạt khác nào Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu nghĩa là lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt. Nhìn vào những tấm gương đó, con người nên tu nhân tích đức, ăn hiền ở lành để được trời thương ban cho nhiều điều may lành. Vả lại đó mới chính là con người đúng nghĩa, con người đem lại sự yên vui, an ủi cho đồng loại.

Truyện cổ nước ta còn nhiều, Bút Xuân khi có dịp trở lại đề tài này sẽ tham khảo và viết thêm. Những chuyện trên do mẹ kể khi còn nằm võng và tới giờ này chỉ còn nhớ được bấy nhiêu để cống hiến bạn đọc. Ước mong kho tàng Văn chương cổ bình dân này sẽ sống mãi với dân tộc Việt để các thế hệ trẻ mai sau cũng được hưởng những giây phút sung sướng nằm trên võng cho mẹ ru và ngủ thiếp đi với những hình ảnh đẹp của các nhân vật trong câu chuyện.

Bút Xuân Trần Đình Ngọc



Trở lại Trang Chính